Giá xăng tăng lên mức cao nhất trong 1.5 năm qua
Zing – Chiều 26/6, liên Bộ Tài chính – Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần. Theo đó, giá xăng 95 được điều chỉnh tăng 752 đồng/lít, xăng 92 tăng 712 đồng/lít. Mức giá bán lẻ tối đa với xăng 92 là 19.760 đồng/lít và xăng 95 là 20.916 đồng/lít.
Như vậy, giá các mặt hàng xăng trong nước có lần tăng thứ hai liên tiếp và đạt mức cao nhất kể từ ngày 30/1/2020. Trong hơn 7 tháng qua (từ ngày 11/11/2020), giá xăng 92 tăng tổng cộng 5.875 đồng/lít, xăng 95 tăng 6.215 đồng/lít.
Tại kỳ điều chỉnh lần này, liên Bộ Tài chính – Công Thương tiếp tục không trích lập quỹ bình ổn giá đối với tất cả loại xăng, dầu. Tuy nhiên, liên Bộ chi sử dụng quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng 92 ở mức 1.500 đồng/lít, xăng 95 ở mức 500 đồng/lít và dầu diesel 100 đồng/lít.
Sét đánh cháy 32 ha rừng ở Thừa Thiên – Huế
VnExpress – Sáng 26/6, có tổng cộng hơn 400 người đã tham gia chữa cháy ở đỉnh đồi 230 trong khu vực rừng phòng hộ thuộc xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đám cháy kéo dài suốt 20 giờ đồng hồ, bắt đầu lúc 15h ngày 25/6 khi trời nổi giông, một luồng sét đã đánh trúng đỉnh đồi gây cháy. Gió to, ngọn lửa nhanh chóng lan rộng khắp đỉnh đồi rộng 40 ha, cột khói đen bốc cao nghi ngút.
Đến sáng 26/6, khu vực đồi 230 gió tiếp tục thổi mạnh, bộ đội đưa nước lên làm nguội những nơi lửa đã tắt, đồng thời tiếp tục chặt cây cách ly các điểm lửa vẫn còn âm ỉ. Theo lãnh đạo Thừa Thiên Huế, vụ cháy gây thiệt hại khoảng 32ha diện tích của đồi 230.
Bắt quả tang 1 cảnh sát hình sự rởm đang kiểm tra người dân
Nld – Sáng 26/6, Công an tỉnh Tiền Giang cho biết đang tạm giữ Hồ Hoàng Huân (SN 2001; ngụ xã Trung An, TP Mỹ Tho) để điều tra về hành vi sử dụng giấy chứng minh công an nhân dân giả và làm rõ hành vi giả danh cảnh sát hình sự; đồng thời giám định làm rõ khẩu súng có hình dáng Rulo để xử lý.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 2 giờ sáng cùng ngày, anh Phan Anh Đường và Phạm Ngọc Nguyên (ngụ huyện Chợ Gạo) điều khiển xe máy từ huyện Chợ Gạo về TP. Mỹ Tho. Đến Quốc lộ 50 thuộc phường 9, TP. Mỹ Tho, họ bị Huân chạy xe máy ép vào lề đường. Đối tượng này rút trong người ra “giấy chứng minh công an nhân dân”, xưng là cảnh sát hình sự rồi yêu cầu kiểm tra giấy tờ của 2 người.
Lúc này, tổ công tác của Phòng CSGT phối hợp với các phòng nghiệp vụ đang làm nhiệm vụ đã phát hiện và bắt giữ Huân. Ngoài giấy chứng minh công an nhân dân, trên người Huân còn có một khẩu súng hình dáng Rulo.
Dù ghi nhận gần 3000 ca COVID-19, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM vẫn đề xuất thi tốt nghiệp đợt 1
Thí sinh TP.HCM không ở nơi bị phong tỏa, không ở khu vực thực hiện cách ly xã hội, không thuộc nhóm F0-F2 sẽ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 ngày 7-8/7.
Nội dung này được nêu trong báo cáo Phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 Sở Giáo dục và Đào tạo trình UBND TP.HCM, ngày 25/6. Đối với những thí sính còn lại (ở nơi bị phong toả hoặc cách ly xã hội, thuộc nhóm F0, F1, F2) sẽ tham gia kỳ thi đợt 2 (chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo chốt thời điểm).
Sở kiến nghị UBND TP.HCM cho tổng dợt phương án thi an toàn trong ngày 2/7, tức 5 ngày trước ngày thi đầu tiên. Sở Y tế sẽ hỗ trợ nhân sự để lấy xét nghiệm toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên và thí sinh của 155 điểm thi (khoảng hơn 104.000 người).
Mỗi điểm có ít nhất 2 phòng thi dự phòng cho các em có dấu hiệu bệnh, ho, sốt; mỗi quận huyện, TP. Thủ Đức sẽ có 1-3 điểm thi dự phòng.
Mỗi điểm thi có từ 20 đến 35 phòng với 380-800 thí sinh; không quá 130 cán bộ, giáo viên và nhân viên coi thi. Người phụ trách ở các điểm thi chuẩn bị các biện pháp phòng chống dịch: cán bộ coi thi, thí sinh phải đeo khẩu trang trong thời gian tại điểm thi; không quá 24 người mỗi phòng, không dùng máy lạnh.
Việc hướng dẫn quy chế thi, kiểm tra thông tin sẽ thực hiện tại phòng thi. Mỗi điểm thi phân ít nhất 4 luồng để đo thân nhiệt thí sinh theo phòng thi; thí sinh ra về ngay sau khi thi, không tụ tập.
Như vậy, dù TP.HCM ghi nhận tới 2.960 ca Covid-19 cộng đồng, nhiều thứ hai cả nước sau Bắc Giang, phương án Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đề xuất vẫn đúng như kế hoạch của Bộ đưa ra với cả nước. Việc này cũng căn cứ trên quan điểm của TP.HCM – đặt quyết tâm để kỳ thi “diễn ra an toàn tuyệt đối”.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết ngày 28/6 UBND TP.HCM sẽ họp, căn cứ vào tình hình thực tế, diễn biến của Covid-19 để quyết định có hay không tổ chức thi đợt 1.
Doanh nghiệp đề xuất: Cần có quy định xử phạt cơ quan ra văn bản tồi
Tuoitre – Tại hội thảo trực tuyến “Chất lượng của thông tư và công văn: Góc nhìn từ doanh nghiệp” ngày 25/6, ông Nguyễn Hoài Nam, phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng có tình trạng vênh giữa thông tư với nghị định hoặc luật hay các văn bản quy phạm pháp luật, có lúc khiến doanh nghiệp phải “cười ra nước mắt”.
Dẫn chứng, cùng sản phẩm tôm đông lạnh, xuất đi khỏi Việt Nam thì Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn giao cho một đơn vị quản lý, nhằm kiểm tra an toàn thực phẩm với sản phẩm xuất khẩu. Trong khi đó, cũng là sản phẩm tôm đông lạnh, nhập từ nước ngoài về Việt Nam, bộ này lại giao cho cơ quan khác, với cách thức quản lý là “kiểm dịch”.
Với các công văn, lãnh đạo VASEP chỉ ra xuất hiện tình trạng văn bản ban hành chậm và rất chậm, nhiều công văn “hiểu sao cũng được”, hoặc khó áp dụng…
Ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, cho hay một số công văn giải thích quy định chưa phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật, nhưng doanh nghiệp vẫn phải áp dụng; hoặc có công văn không đi thẳng vấn đề mà trích dẫn quy định, để doanh nghiệp tự hiểu và áp dụng, gây khó khăn trong thực thi pháp luật.
Dẫn chứng từ thông tư 40 hướng dẫn về thuế của Bộ Tài chính mới đây, bà Nguyễn Minh Thảo, trưởng ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CIEM, đặt câu hỏi là liệu có cần thiết hay không, trong bối cảnh hiện nay, khi yêu cầu các sàn thương mại điện tử kê khai, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn.
Bà Thảo đánh giá “Chúng ta đang khuyến khích phát triển sàn thương mại điện tử, nhưng thông tư này lại đưa ra quy định về thuế, cho thấy dường như cơ quan quản lý muốn quản, muốn thu nhiều hơn là tạo ra sân chơi tốt, hiệu quả cho các bên, người tiêu dùng. Cần thay đổi cách thức quản lý cho phù hợp với sự phát triển, hơn là sử dụng cách thức, công cụ cũ”.
Theo bà Thảo, nguyên nhân khiến văn bản pháp luật kém chất lượng là do năng lực, thiếu cơ chế giám sát tiếp thu pháp lý, gác cửa. Do đó, cần chú trọng và có cơ chế giám sát văn bản pháp luật khi được ban hành. Bà Thảo nói “Thông tư là của bộ trưởng ban hành, nhưng hiện ta chưa có chế tài, mặc dù có cơ chế khởi kiện nhưng khó thực hiện”.
Ông Nguyễn Văn Quyền, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, việc thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập nhiều văn bản pháp luật mang tính hình thức. Ông đề xuất cần lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động, trao đổi bình đẳng. Khi nào thống nhất ý kiến mới đưa vào văn bản, giảm bớt thủ tục không cần thiết, làm tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp.
Đồng tình, ông Nam cho rằng khi xây dựng văn bản cần có hiệp hội và doanh nghiệp tham gia cùng xây dựng.
Ông cho hay: “Cần có chế tài cụ thể cho những văn bản kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Chúng ta có hàng trăm chế tài xử lý vi phạm của công dân, nhưng chế tài cho cán bộ trong ban hành các văn bản quy phạm pháp luật kém chất lượng rất ít, các cơ quan gác cửa cần có tiếng nói lớn hơn”,.
3 bộ vào cuộc “soi” giá vé máy bay nội địa
Dân Trí – Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa lập Tổ công tác làm việc với các hãng hàng không về chấp hành quy định của pháp luật về Luật Cạnh tranh, Luật Giá đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa.
Quyết định thành lập Tổ công tác do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn ký nêu rõ thành phần là Cục Hàng không Việt Nam, Vụ Vận tải – Bộ GTVT; các đơn vị chuyên ngành của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, gồm: Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Phòng điều tra và xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh – Bộ Công thương; Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính.
Theo đó, Tổ công tác có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, nội dung và làm việc với các hãng hàng không Việt Nam về việc chấp hành quy định của pháp luật về Luật Cạnh tranh, Luật Giá, đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa.
Theo Quyết định, ông Phạm Văn Hảo – Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam – làm Tổ trưởng Tổ công tác.
Hồi tháng 5, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines. Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính làm việc với các hãng hàng không tại Việt Nam về việc chấp hành các quy định của Luật Cạnh tranh, Luật Giá về giá bán vé máy bay.
Đây là một trong những căn cứ để Bộ GTVT ra quyết định thành lập Tổ công tác làm việc với các hãng hàng không về các nội dung về giá vé máy bay nội địa nói trên.
Toàn bộ văn phòng HĐND tỉnh phải đi cách ly vì nữ nhân viên nhiễm COVID-19
Hàng trăm cán bộ nhân viên công chức ở Bình Thuận phải đi cách ly tập trung vì một nhân viên Văn phòng HĐND tỉnh nhiễm COVID-19.
Trên báo Thanh Niên, theo đó, Văn phòng HĐND Bình Thuận có một nhân viên đã được Bộ Y tế công bố là bệnh nhân dương tính COVID-19. Người này là em chồng của nữ bác sĩ khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận – bệnh nhân dương tính đầu tiên trong đợt dịch này ở Bình Thuận, phát hiện hôm 24/6.
Từ ngày 14 – 23/6, cán bộ này đến cơ quan Văn phòng HĐND Bình Thuận tiếp xúc với nhiều người. Đặc biệt, cán bộ này tháp tùng một lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đến thăm một số cơ quan báo chí nhân Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, sáng 21/6.
Ngoài ra, cán bộ này cũng là học viên đến dự khai giảng lớp Quản lý nhà nước K40 tại Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận, sáng 23/6.
Theo quy định chống dịch của Bộ Y tế, CDC Bình Thuận đã đưa toàn bộ cán bộ thuộc Văn phòng HĐND tỉnh Bình Thuận; những người dự khai giảng lớp Quản lý nhà nước tại Trường Chính trị Bình Thuận, đi cách ly tại khách sạn Bình Minh. Theo kết quả xét nghiệm của CDC Bình Thuận tối 25/6, toàn bộ cán bộ đi cách ly nói trên âm tính COVID-19 lần 1.
Do nhân viên của Văn phòng HĐND tỉnh có tháp tùng lãnh đạo tỉnh đến thăm nhân ngày báo chí, nên lãnh đạo Đài Phát thanh truyền hình Bình Thuận và Báo Bình Thuận trở thành F1, do vậy cũng phải đi cách tập trung.
Theo lãnh đạo UBND H.Tuy Phong, một lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện, người thân của bác sĩ khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận đã dương tính COVID-19. Vị lãnh đạo này phụ trách điều trị tại Trung tâm y tế H.Tuy Phong, tiếp xúc nhiều người. Đã có 90 người, cả nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân trở thành F1 phải cách ly tập trung. Vị này cũng dự một cuộc họp có nhiều cán bộ, nên hiện có khoảng 30 người dự cuộc họp trở thành F1, phải cách ly tập trung.
Hiện tỉnh Bình Thuận đã phong tỏa khoa Sản Bệnh viên đa khoa Bình Thuận, dừng tiếp nhận bệnh nhân; phong tỏa Trung tâm y tế H.Tuy Phong; giãn cách xã hội toàn TP. Phan Thiết và toàn H.Tuy Phong từ ngày 24 và ngày 25/6.
Liên quan đến diễn biến COVID-19 tại Bình Thuận, theo báo Người lao Động đưa tin, trưa 26/6, tại cuộc họp trực tuyến giữa UBND tỉnh Bình Thuận với các địa phương về tình hình dịch COVID-19, đại diện UBND huyện Tuy Phong cho biết, nơi này đã ghi nhận 5 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện. Song, người này không chịu khai báo lịch trình di chuyển, gây khó khăn trong việc truy vết.
Bệnh nhân này được Bộ Y tế công bố là 1 trong 5 ca COVID-19 tại Bình Thuận trong sáng 25/6. Người này được xác định nhiễm bệnh cũng do tiếp xúc với người cháu là nữ bác sĩ Khoa Sản – Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận. Sau khi ghi nhận từ F1 trở thành F0, người này được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Tuy Phong cùng với 2 bệnh nhân khác là con của nữ bác sĩ nêu trên.