Thêm 598 ca COVID-19, riêng Sài Gòn 520 ca
VnExpress – Bộ Y tế sáng 10/7 ghi nhận 598 ca dương tính COVID-19, gồm 593 ca trong nước và 5 ca nhập cảnh được cách ly ngay.
598 ca mới từ số 26011-26608. Trong đó, 593 ca ghi nhận tại: Sài Gòn (520), Đồng Nai (18), Khánh Hòa (15), Bà Rịa – Vũng Tàu (11), An Giang (10), Phú Yên (8), Bình Phước (4), Bến Tre (2), Hà Nội (2), Thanh Hóa (2), Tây Ninh (1). Trong số này, 409 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Số ca mới nâng tổng số ca nhiễm tại TP.HCM lên 10.815, Hà Nội 492 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 95 ca, 53 ca ở Bệnh viện K), Phú Yên 375, Khánh Hòa 144, Đồng Nai 140, An Giang 72, Bà Rịa – Vũng Tàu 34, Tây Ninh 17, Bình Phước 15, Thanh Hóa 13, Bến Tre 4.
Hôm nay là tròn 75 ngày (2,5 tháng) bùng phát đợt dịch thứ 4. Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay lên 23.075, ghi nhận ở 58 tỉnh thành.
Đà Nẵng nới lỏng lệnh cấm, cho phép tắm biển, thể dục ngoài trời
Dân Trí – Chiều 9/7, UBND TP. Đà Nẵng đã có thông báo, kể từ 4h30 ngày 10/7, một số hoạt động, dịch vụ đã tạm dừng trước đây được phép hoạt động trở lại như tắm biển, trong khung giờ từ 4h30 đến không quá 8h (sáng) và từ 16h30 đến không quá 19h (chiều) hàng ngày.
Người dân chỉ tắm biển tại các khu vực được phép theo quy định và phải rời đi ngay sau khi tắm biển; không tập trung đông người trên bãi biển. Hoạt động tụ tập vui chơi, chơi thể thao, ăn, uống, bán hàng rong… ở bãi biển vẫn bị cấm.
Đà Nẵng cũng chưa cho phép dịch vụ tắm nước ngọt và các dịch vụ khác tại bãi biển và các khu vực công viên, vỉa hè ven biển (trừ dịch vụ trông, giữ xe, đồ đạc của khách theo quy định).
Các hoạt động thể dục, thể thao trong nhà và ngoài trời (trừ hoạt động thể dục, thể thao tại phòng tập gym, yoga, bida) được hoạt động lại nhưng cũng phải kèm theo các điều kiện.
Sài Gòn thông báo khẩn tạm dừng tuyển sinh các lớp đầu cấp
Nld – Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có thông báo khẩn đến trưởng phòng GD-ĐT các quận, huyện và TP. Thủ Đức yêu cầu tạm dừng kế hoạch huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2021-2022.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT TP.HCM, trong thời gian Sài Gòn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, những quận, huyện nào đang triển khai tuyển sinh trực tuyến thì tiếp tục thực hiện.
Cũng theo ông Hiếu, Sở GD-ĐT đã xin ý kiến UBND TP về việc kéo dài thời gian thực hiện tuyển sinh đầu cấp đến ngày 10/8 thay vì 31/7 như kế hoạch trước đây.
Sở GD-ĐT cũng yêu cầu tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết.
Long An làm rõ vụ “Không đi test vẫn có giấy xét nghiệm âm tính”
Tuoitre – Tối 9/7, ông Huỳnh Minh Phúc – giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An cho biết, đã nhận được thông tin về vụ việc “không đi test vẫn có giấy xét nghiệm âm tính”.
Theo đó, trên giấy xét nghiệm mà công nhân tại huyện Châu Thành, Tiền Giang cung cấp ghi tên Công ty Cổ phần Bệnh Viện Mỹ Hạnh với địa chỉ tại Ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hoà, Long An. Thông tin này trùng khớp với một phòng khám từng được Sở Y tế Long An cấp phép hoạt động.
“Hiện Sở Y tế đã giao Thanh tra Sở kiểm tra lại những thông tin liên quan đến phòng khám này”, ông Phúc nói.
Trước đó, một công nhân tại huyện Châu Thành, Tiền Giang vào ngày 7/7 được tổ trưởng tại công ty phát cho một tờ phiếu kết quả âm tính qua xét nghiệm nhanh COVID-19. Ngày lấy mẫu và ngày trả kết quả âm tính đều là ngày 7/7 do Công ty cổ phần bệnh viện Mỹ Hạnh thực hiện, dù công nhân này không hề được lấy mẫu để xét nghiệm trước đó.
Giữa dịch, bão giá ‘tăng vọt’ ở Sài Gòn, Sở Công Thương lên tiếng?
Trong cuộc họp báo hôm 9/7, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương thừa nhận giá cả tại tp HCM tăng cao.
Zing dẫn lời ông Phương nói: “Thời gian qua, giá cả một số mặt hàng tươi sống tại TP.HCM tăng cao.”
Nguyên nhân có nhiều, như giá xăng dầu tăng, chợ đầu mối đóng cửa, tài xế gặp khó khăn khi di chuyển liên tỉnh, chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2 cho tài xế, nguồn cầu tiêu dùng tăng đột biến…
Về phương án phân phối hàng hóa cho người dân khi 151 trong số 234 chợ truyền thống đóng cửa (khoảng hơn 64,5%), ông Phương nhìn nhận việc này chắc chắn ảnh hưởng đến cung ứng hàng hóa cho người dân, đặc biệt là phân khúc thị phần dành cho người có thu nhập thấp tới trung bình.
Trước câu hỏi tại sao Sở Công Thương có chương trình bình ổn giá thị trường nhưng chi phí hàng hóa vẫn tăng khi giãn cách, ông Phương khẳng định giá cả trong chương trình bình ổn thị trường không thiếu, không tăng. Tuy nhiên, việc vận chuyển hàng hóa không thuận lợi.
Ông Phương nói: “Chúng tôi đã rất nỗ lực. Có hệ thống phân phối toàn bộ cơ quan đầu não phải cách ly tại cơ quan luôn, không về nhà được. Quan trọng nhất là hàng hóa các nơi ùn ứ. Hôm nay, chúng tôi nhận được nhiều cuộc gọi từ các địa phương, cụ thể là Cần Thơ, anh em nói hàng hóa đang ứ đọng và bức xúc vì hàng hóa không đưa được về TP.HCM”.
Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cũng mô tả là “chúng tôi chưa bao giờ gặp tình huống này.”
Trước đó, báo Tiền Phong ngày 8 tháng 7 dẫn lời chị Minh (ngụ Quận Tân Bình) cho biết sáng nay, chị đi chợ và rất bất ngờ nhiều mặt hàng rau xanh, thủy hải sản, thịt cá đều tăng giá.
Chị Minh nói: “Như giá rau cải xanh, cải ngọt ở mức 30.000-40.000 đồng/kg, tăng gần 20.000 đồng/kg so với thời điểm một tuần trước. Dưa leo lên 40.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg; rau mùng tơi 35.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; xà lách 60.000 đồng/kg, bắp cải tăng vọt lên 40.000 đồng/kg, khổ qua 50.000 đồng/kg…”.
Trong khi đó, chị Lan Anh (ngụ Q.3) cho Tiền Phong biết, do quận không còn chợ truyền thống nào hoạt động nên chị phải đến quận 1 để mua sắm. “Bầu chỉ có 2 trái bé xíu nhưng giá tới 70.000 đồng, rau muống 50.000 đồng/kg (tăng giá gấp đôi), hột vịt 5.000 đồng/trứng…Chị Lan Anh nói: “Trong khi nghe nói thực phẩm không thiếu, nhưng giá tăng cao thế này rất kỳ lạ”.
Hiện trên khắp các diễn đàn, nhiều người dân cho biết họ gặp rất nhiều khó khăn bởi việc làm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong khi giá cả tăng chóng mặt không biết xoay sở ra sao, trong bối cảnh chưa nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền.
200 người mắc COVID-19 ở Sài Gòn chưa có bệnh viện tiếp nhận
Đại diện huyện Bình Chánh cho biết, đã phát hiện hơn 300 ca dương tính COVID-19, tuy nhiên 200 trường hợp chưa có bệnh viện tiếp nhận, điều trị. Đại diện huyện Bình Chánh cho hay, nếu không chuyển đến cơ sở điều trị kịp thời, các trường hợp dương tính có nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Báo Dân Trí đưa tin, chiều 9/7, ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; ông Ngô Minh Châu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, chủ trì họp trực tuyến về phương án chống dịch COVID-19 với các quận huyện và thành phố Thủ Đức.
Theo báo cáo nhanh của đại diện huyện Bình Chánh, địa phương này đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng theo tinh thần thực hiện nghiêm Chỉ thị 16.
Đến nay, qua test nhanh trên địa bàn huyện, lực lượng y tế phát hiện hơn 300 ca dương tính COVID-19. Tuy nhiên đến nay, huyện Bình Chánh chỉ mới chuyển tới bệnh viện thu dung khu tái định cư Vĩnh Lộc B được khoảng 100 ca, số 200 ca còn lại chưa có bệnh viện nào tiếp nhận.
“Nếu không chuyển đến cơ sở điều trị kịp thời, các trường hợp dương tính có nguy cơ lây nhiễm rất cao, ảnh hưởng đến hoạt động phòng chống dịch của địa phương” – đại diện huyện Bình Chánh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, công tác khám chữa các bệnh lý thông thường cho nhân dân ở địa bàn cũng đang gặp khó, do thành phố đã trưng dụng Bệnh viện huyện Bình Chánh làm Bệnh viện Điều trị Covid-19.
Sau khi chuyển công năng, người dân địa phương có nhu cầu điều trị bệnh thông thường đã không có nơi khám chữa bệnh.
Bộ Y tế tối 9/7 ghi nhận 591 ca dương tính COVID-19, gồm 590 ca trong nước và một ca nhập cảnh được cách ly ngay.
591 ca mới từ số 25420-26010. Trong đó, 590 ca ghi nhận tại: TP.HCM (400), Long An (40), Tiền Giang (34), Đồng Tháp (32), Khánh Hòa (25), Phú Yên (22), Hưng Yên (8 ), Bình Dương (7), Cần Thơ (6), Bắc Ninh (5), Hậu Giang (4), Sóc Trăng (2), Đăk Nông (1), Bình Phước (1), Đà Nẵng (1), Nghệ An (1), Bắc Giang (1). Trong số này, 500 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.