Justin Zhang • Sean Tseng
Triều đại Kim bí ẩn của Bắc Triều Tiên, một chế độ bao phủ trong sự kỳ dị, đã nắm giữ quyền lực liên tục 3 thế hệ. Thông qua hệ thống tuyên truyền tinh vi và được quản lý chặt chẽ, các nhà lãnh đạo Triều Tiên được tôn vinh là “Mặt trời của nhân loại” và “Người bảo vệ Trái đất”.
Trong chế độ nam trị này, có một người phụ nữ đang ngày càng nổi bật, được một số cơ quan tình báo quốc gia nhận định là người có khả năng kế vị ông Kim Jong Un. Nhân vật đang lên này không ai khác chính là em gái của ông Kim Jong Un, bà Kim Yo Jong, hiện giữ chức Phó trưởng Ban Thông tin và Công luận của Đảng Lao động Triều Tiên (WPK).
Vào tháng 5 vừa qua, khi vụ phóng “vệ tinh do thám” đầu tiên của Triều Tiên kết thúc trong thất bại, rơi xuống như pháo nổ của trẻ con ở bờ biển phía tây Bán đảo Triều Tiên, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp theo yêu cầu của Hoa Kỳ, Nhật Bản và một số quốc gia khác để thảo luận về các mối đe dọa tiềm tàng xung quanh vụ việc.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nghi ngờ Triều Tiên đang phát triển một tên lửa liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Đáp lại, bà Kim Yo Jong đã kịch liệt lên án Hội đồng, dán nhãn tổ chức này là “bề tôi chính trị” của Hoa Kỳ. Bà khẳng định rằng Bình Nhưỡng sẽ thực hiện vụ phóng “vệ tinh do thám” lần thứ hai một cách bất ngờ. Điều này đánh dấu lập trường cứng rắn mới nhất của bà Kim Yo Jong chống lại phương Tây, đại diện cho quan điểm của chế độ Kim tại Bắc Triều. Một số tổ chức tư vấn quốc tế tin rằng bà Kim Yo Jong thực sự là “chỉ huy thứ hai” của chế độ Kim.
Bà Kim Yo Jong sinh vào tháng 09/1988, kém anh trai Kim Jong Un 4 tuổi. Cả hai anh em đều được người cha là ông Kim Jong-il yêu mến. Năm 1996, khi mới 8 tuổi, bà Kim Yo Jong và anh trai theo học tại một trường quốc tế ở Bern, Thụy Sĩ, dưới vỏ bọc là con của nhân viên đại sứ quán Triều Tiên. Tại đây, họ học tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Đức. Các cán bộ của trường cho hay bà Kim Yo Jong được bảo vệ cả ngày lẫn đêm và được chăm sóc y tế cẩn thận, ngay cả khi chỉ bị cảm nhẹ. Sau khi học xong ở Thụy Sĩ và trở về Triều Tiên vào năm 2001, bà Kim Yo Jong tiếp tục học tập dưới sự hướng dẫn của giáo viên nước ngoài.
Khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền vào năm 2011, bà Kim Yo Jong dần trở thành phụ tá chính trị của ông. Năm 2013, bà là thư ký của anh trai mình. Một năm sau, bà chuyển sang bộ phận tuyên truyền của Đảng Lao động, nơi bà được giao nhiệm vụ bảo vệ hình ảnh và trông nom các hoạt động công chúng của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Đến năm 2017, bà thăng tiến lên Ủy ban Trung ương Bộ Chính trị của Đảng Lao động Triều Tiên với tư cách là ủy viên dự khuyết, đặt chân vào tầng lớp chóp bu có quyền ra quyết định ở Bắc Triều.
Bà Kim Yo Jong chính thức ra mắt quốc tế vào năm 2018 khi tháp tùng phái đoàn Triều Tiên tới lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Pyeongchang ở Hàn Quốc. Với tư cách là đặc phái viên của ông Kim Jong Un trong thời gian 3 ngày lưu trú, đây là lần đầu tiên một thành viên của gia tộc Kim ở Bắc Triều đến thăm Hàn Quốc. Tổng thống Hàn Quốc vào thời điểm đó, ông Moon Jae-in, đã lên tiếng khen ngợi bà Kim, bất chấp thái độ không mấy thân thiện của bà; chính vì thái độ này mà bà Kim có biệt danh là “công chúa lạnh lùng”.
Trong suốt cả năm 2018, vai trò ngoại giao của bà Kim Yo Jong ngày càng trở nên nổi bật khi phục vụ với tư cách là người thực sự nắm quyền bộ trưởng ngoại giao của chế độ Kim. Bà đã đóng vai trò quan trọng trong nhiều hội nghị thượng đỉnh và các cuộc họp quốc tế, thường tháp tùng anh trai Kim Jong Un. Vị thế của bà trên trường chính trị toàn cầu trở nên rõ rệt hơn trong các cuộc gặp của ông Kim Jong Un với Tổng thống Hoa Kỳ khi đó là ông Donald Trump và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Việc thường xuyên gặp gỡ các nhân vật cấp cao đã khiến địa vị của bà được so sánh với những người như cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo; điều này cho thấy vai trò then chốt của bà trong bối cảnh chính trị của Triều Tiên.
Mức độ quyền lực của bà Kim Yo Jong đã vượt quá chức danh khiêm tốn của mình, dẫn đến suy đoán rằng bà có thể sẽ là người kế vị ông Kim Jong Un. Trong khi một số người tin rằng bà Kim Yo Jong sẽ đảm nhận vai trò nhà lãnh đạo Triều Tiên nếu ông Kim Jong Un đột ngột qua đời hoặc mất khả năng lao động, thì những người khác lại cho rằng con gái của ông Kim Jong Un, bé Kim Ju-ae, đang được đào tạo để trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo – trong những bằng chứng về điều này có nhiều bức ảnh được công bố chính thức của ông Kim Jong Un và con gái, dường như cho thấy ý định của nhà lãnh đạo Triều Tiên đương nhiệm trong việc thiết lập vai trò tương lai cho Kim Ju-ae.
Trong năm nay, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã nhiều lần công bố ảnh chụp ông Kim Jong Un cùng con gái. Động thái này được các nhà phân tích giải thích là dấu hiệu cho thấy ý định của ông Kim. Theo tình báo Hàn Quốc, bé Kim Ju-ae khoảng 10 tuổi và có khả năng là con thứ hai của ông Kim Jong Un.
Vào tháng 2, truyền hình nhà nước Triều Tiên đã nhấn mạnh rằng bé Kim Ju-ae là hậu duệ đích thực của “dòng máu núi Paektu”. Ngoài ra, chính quyền buộc bất kỳ ai mang tên “Ju-ae” phải chọn một cái tên mới, theo Đài Á Châu Tự Do. Một số người tin rằng đó là thông lệ khi một nhà lãnh đạo mới sẽ lên nắm quyền.
Dòng họ Kim từ lâu đã tuyên bố sở hữu cái mà họ gọi là “dòng máu núi Paektu”. Núi Paektu là ngọn núi cao nhất ở Bắc Triều Tiên và Đông Bắc Trung Quốc. Đây được cho là nơi linh thiêng nhất trên bán đảo đối với tất cả người dân Triều Tiên.
Trong bối cảnh đất nước Triều Tiên sùng bái cá nhân và những tuyên truyền xuất hiện xung quanh gia tộc họ Kim, một số người cho rằng những hình ảnh này là “sự công nhận chính thức” rằng Kim Ju-ae sẽ kế vị. Nhưng cũng có suy đoán rằng những người phụ nữ, như bà Kim Yo Jong, chỉ là công cụ, là phương tiện giúp ông Kim Jong Un cai trị đất nước.
Cựu Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se nói với The New York Times rằng ông Kim Jong Un giao những vai trò khác nhau cho những người thân là phụ nữ, tận dụng kỹ năng của họ cho các mục tiêu chính trị.
Theo ông Yun, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã sử dụng nhiều người phụ nữ trong cuộc đời mình, bao gồm cả bà Kim Yo Jong, làm công cụ cho sự cai trị của bản thân. Em gái ông thường có cách tiếp cận cứng rắn trong các tranh chấp ngoại giao, trong khi vợ ông, bà Ri Sol Ju, được miêu tả là “quốc mẫu”. Những lần xuất hiện trước công chúng gần đây của ông Kim Jong Un cùng con gái được dùng để thể hiện sức mạnh của triều đại Kim và để xây dựng hình tượng ông Kim Jong Un như một người cha nhân từ. Đệ nhất phu nhân Triều Tiên Ri Sol-ju (trái) và nhà lãnh đạo Kim Jong Un tham dự bữa tối tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều ở Panmunjom, Hàn Quốc, ngày 27/04/2018. (Ảnh: Korea Summit Press Pool/Getty Images)
Cựu cán bộ Choi Byung-seop của Bộ Thống nhất Hàn Quốc thì cho rằng việc ông Kim Jong Un giới thiệu con gái mình là một nỗ lực nhằm đảm bảo với người dân Triều Tiên về tính liên tục của huyết thống núi Paektu và để “thử phản ứng ở trong và ở ngoài chế độ”.
Vì Triều Tiên liên tục thúc đẩy các hoạt động thần thánh hóa gia tộc họ Kim, việc bé Kim Ju-ae ngày càng được công chúng biết đến dường như là một phần của chiến lược “được công nhận chính thức”, theo cựu cán bộ Choi. Cô bé có thể là người mới nhất trong hàng ngũ phụ nữ được thần tượng hóa và được sử dụng nhằm mục đích tuyên truyền.
Ý định chính xác đằng sau việc ông Kim Jong Un đưa con gái mình ra mắt công chúng vẫn còn chưa rõ ràng đối với người ngoài cuộc. Triều Tiên gần đây đã phát hành tem có in hình bé Kim Ju-ae; điều này củng cố thêm địa vị của bé trong giới thượng lưu Bắc Triều. Chúng ta vẫn còn phải chờ xem những sự kiện này sẽ định hình tương lai của giới lãnh đạo Triều Tiên như thế nào.
Theo The Epoch Times
Xuân Hoa biên dịch