Thêm 5.155 ca COVID-19
NLD – Sáng 9/8, Bộ Y tế cho biết nước ta ghi nhận 5.155 ca mắc Covid-19, trong đó 15 ca nhập cảnh và 5,140 ca ghi nhận trong nước tại: Sài Gòn (2,349), Bình Dương (1,725), Long An (287), Đồng Nai (183), Bà Rịa – Vũng Tàu (177), Tây Ninh (157), Vĩnh Long (57), An Giang (37), Phú Yên (31), Cần Thơ (27), Kiên Giang (19), Đồng Tháp (18), Thừa Thiên Huế (17), Hậu Giang (15), Gia Lai (14), Đắk Nông (14), Hải Dương (5), Hà Nội (4), Lào Cai (1), Sơn La (1), Bạc Liêu (1), Cà Mau (1). Trong đó có 786 ca trong cộng đồng.
Đến nay, Việt Nam có 215,560 ca nhiễm, trong đó có 2,360 ca nhập cảnh và 213,200 ca nhiễm trong nước.
Số bệnh nhân COVID-19 ở Sài Gòn tử vong cao nhất nước
Tienphong – Tối 8/8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã ghi nhận thêm 147 ca tử vong tại 7 tỉnh, thành phố. Như vậy trong ngày 8/8 Bộ Y tế đã ghi nhận 381 bệnh nhân COVID-19 tử vong. Trong đó, TPHCM: 108 ca, Bình Dương 30 ca, Long An 5 ca; Cà Mau, Đắk Lắk, Bình Định và Ninh Thuận mỗi tỉnh 1 ca.
Như vậy đến nay Việt Nam đã có 3.397 bệnh nhân COVID-19 tử vong kể từ khi dịch bệnh này xuất hiện tại nước ta. TP.HCM tiếp tục là địa phương có số bệnh nhân thiệt mạng cao nhất cả nước.
Bộ Y tế cho biết, hiện số bệnh nhân nặng đang điều trị tích cực: 501 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 20 ca.
Đông xe cứu thương đậu ở đường Tân Kỳ Tân Quý, cạnh lò thiêu Bình Hưng Hoà, giới chức lên tiếng
Tuoitre – Chính quyền Sài Gòn cho biết, việc đông xe cứu thương đậu ở đường Tân Kỳ Tân Quý, nơi có lò thiêu Bình Hưng Hòa gây hoang mang là do diện tích mặt đường này nhỏ nên mới xảy ra hình ảnh trên, ngoài ra lò thiêu này không chỉ hoả táng cho người mất vì COVID-19, mà còn có những ca bệnh thường.
Thông tin này được ông Nguyễn Toàn Thắng – giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM cung cấp với báo Tuổi Trẻ Online sáng 7 tháng 8. Ông Thắng cũng cho biết chiều 6 tháng 8 đã đến khu vực này kiểm tra.
Trong cuộc phỏng vấn ông Thắng cũng cho biết, TP sẽ lo toàn bộ chi phí hậu sự cho người mất vì COVID-19.
Về công tác hỏa táng người mất tại Sài Gòn hiện tại, ông Thắng cho hay thành phố có 4 nơi đang thực hiện gồm: Khu Bình Hưng Hòa (Bình Tân), khu Đa Phước (Bình Chánh), khu Phúc An Viên (quận 9), khu Tháp Long Thọ (Củ Chi).
Theo số liệu của Bộ Y tế, số bệnh nhân tử vong do COVID-19 ở TP.HCM hiện là 2.744 người.
Hà Nội siết chặt việc đi lại, yêu cầu thêm các loại giấy tờ khi ra đường
Theo văn bản mới, bên cạnh mẫu giấy đi đường theo quy định của TP. Hà Nội, người đi đường cần xuất trình kèm theo: Căn cước công dân/Chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Ngoài ra, Hà Nội giao Công an thành phố; UBND quận, huyện, thị xã siết chặt kiểm tra, tại các chốt kiểm soát.
Hà Nội vừa gia hạn thời gian giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng thêm 15 ngày (đến 6h ngày 23/8). Trong đợt dịch thứ 4 bùng phát từ ngày 29/4, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 1.783 ca nhiễm virus corona, ngoài ra có hơn 200 ca nhiễm trong các bệnh viện tuyến Trung ương. Riêng chùm lây nhiễm mới phát hiện từ ngày 5/7 đến tối 8/8 đã có 1.514 trường hợp.
Bình Dương: Dân đổ đi tiêm vắc-xin đông như trẩy hội
Tiền Phong – Những ngày qua, người dân trên địa bàn tỉnh Bình Dương phản ánh về một số bất cập liên quan đến công tác tiêm vắc xin phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, tình trạng chung ở các điểm tiêm vắc xin trên địa bàn tỉnh Bình Dương luôn tụ tập đông, chẳng khác nào một lễ hội. Nhiều người lo sợ bị lây nhiễm nên dù đã đến điểm tiêm vẫn phải quay về nhà.
“Khi tôi đến nơi, thấy người tụ tập quá đông. Lực lượng chức năng mặc dù rất nỗ lực nhưng quá đông người dân đến nên không thể bố trí giãn cách theo đúng quy định. Công an động viên người dân về bớt nhưng ai cũng muốn được tiêm nên không chịu về. Tôi sợ bị lây dịch bệnh nên dù không nhắc vẫn bỏ về ngay”, bà Nguyễn Thị Th. (ngụ phường Tân Phước Khánh, TX Tân Uyên).
Trong khi đó, anh Trần Văn Đ. (ngụ thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng) bức xúc nói: “Trong khi người dân tụ tập đến quá đông thì điểm tiêm vắc xin ở thị trấn Lai Uyên lại đề nghị người dân phải test nhanh kháng nguyên dẫn đến việc tình trạng thêm ùn ứ. Nhiều người sợ lây dịch đã bỏ cuộc ra về sau một hồi đứng nhìn chờ”.
Cảnh tương tự cũng xảy ra tại một số điểm trên địa bàn TP. Dĩ An. “Điểm tiêm vắc xin thông báo người dân 7h30 bắt đầu nhưng đến 10h mới làm khiến dân tụ tập ngồi chờ. Do chờ lâu rồi nên khi được vận động về bớt không ai chịu về. Tình trạng tụ tập đông nhất vào ngày 5/8, những ngày sau thấy ổn định hơn”, anh Nguyễn Văn T. (ngụ TP. Dĩ An) phản ánh.
Tính đến tối 8/8, toàn tỉnh Bình Dương ghi nhận hơn 25.800 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 175 ca tử vong, cao thứ 2 cả nước, chỉ sau TP.HCM.