Du Uyên
“- Bác sĩ ơi, có chắc là em bị bệnh phổi không?!
– Chắc chắn tới 99.99%!
– Nhưng em nghe nói, có một bệnh nhân điều trị bác sĩ nọ về bệnh phổi mà chết vì bệnh dạ dày đấy.
– Ồ, cô yên tâm, tôi không bao giờ có sự nhầm lẫn đó. Tôi đã chữa bệnh phổi thì chỉ có chết vì bệnh phổi thôi.”
“Một cô gái cắm cúi đạp xe đạp qua biên giới với 2 bao cát trên lưng, cảnh sát biên phòng giữ lại kiểm tra, cô nói chỉ là cát, hai cảnh sát biên phòng không tin bắt bỏ bao xuống kiểm tra. Sau một hồi kiểm tra kỹ thì chỉ là bao cát không và đành phải cho cô đi tiếp. Cứ thế 2 năm liền cô chạy xe đạp qua biên giới với 2 bao cát trên lưng. Sau này một trong hai anh biên phòng đã nghỉ việc, tình cờ gặp cô và hỏi: “Thật ra cô buôn lậu cái quái gì thế?” Cô gái mới thỏ thẻ trả lời:
“Dạ, em buôn xe đạp!”
“Trả lại bài phóng sự dày cộm, biên tập viên nhận xét: Anh nên làm họa sĩ thay vì làm phóng viên!
Tác giả phật lòng, hỏi: Ý anh là không hài lòng ở chỗ nào?
Biên tập viên: Ngay phần vào đề, anh đã miêu tả cụ già có gương mặt đen đúa như cục than, tên tội phạm tím mặt vì điên tiết, nhân vật nữ chính mặt trắng bệch vì sợ hãi, nhân vật nam chính mặt đỏ ké vì bia rượu và những người hàng xóm chứng kiến thì xanh tái cả mặt mày! Chưa kể những phần tiếp theo…”
“Cô giáo hỏi học sinh: Trong chuyện Thánh Gióng, ai cưỡi ngựa sắt bay lên trời?
Học sinh: Em không biết ạ!
Cô giáo tức giận: Ðừng tưởng cứ là con của hiệu trưởng thì muốn học hành thế nào cũng được. Cầm cuốn sách giáo khoa này lên gặp bố cậu đi!
Trên phòng hiệu trưởng, ông bố nói với con: Sao mày ngu thế không biết! Làm xấu mặt tao. Người cưỡi ngựa sắt bay lên trời là ông BÈN. Ðây này, sách viết rất rõ ràng: «Sau khi cúi đầu chào tạm biệt quê hương, ông bèn bay lên trời». Chả chịu đọc gì cả.
1
Ở Việt Nam, các mặt hàng có thiết yếu hay không giữa đại dịch sẽ được định nghĩa bởi chính quyền. Còn các ngành nghề, những người làm ngành nghề nào đó có thuộc dạng thiết yếu hay không, là do tình hình xã hội và lòng dân. Vì nếu chính quyền cho thiết yếu, nhưng ngành hay con người đó không hợp không thiết yếu trong suy nghĩ của đa số người dân, thì vô dụng. Chính quyền có thể cấm người ta mua thứ gì đó, nhưng không thể ép người ta dùng thứ gì đó (dầu cũng có một số ít «noi theo» hoặc bị «tác động» nhưng trình độ dân trí hiện nay ở VN khá cao rồi!).
Một ví dụ “sáng ngời” cho việc này là, hôm 13-8-2021, tại nhiều nơi ở Sài Gòn, dân tình háo hức đi đến chỗ chích ngừa cúm Vũ Hán rồi buồn thiu đi về, vì nhận thấy ở nơi đó dùng vaccine của Trung Cộng (nhưng có chỗ thông báo, có chỗ lại không thông báo trước cho người dân). Một đoạn clip quay lại cảnh cãi nhau giữa nhiều người dân và người phụ trách chỗ chích ngừa tại quận 1 đã được đăng lên mạng, trong clip, một người không rõ là nhân viên y tế hay cán bộ an ninh đã nạt người dân “Giờ có thuốc chích là may rồi, giờ còn muốn đòi hỏi gì nữa?” – sau khi người dân bất bình trước thái độ lấp liếm về nguồn gốc của loại vaccine mình chuẩn bị được chích. Xin trích dẫn đoạn hội thoại trong clip:
Vị cán bộ: “Hôm nay chúng tôi chích vaccine Vero Cell của Sinopharm nhé!”
Nhiều người dân: “Sinopharm của nước nào?” “Không dám nói à? Trung Quốc thì nói Trung Quốc.” “Phải nói trước để người ta biết chích hay không chích!”. “Ðâu phải một mình mạng của ông đâu mà ông giấu? Biết bao nhiêu mạng người ở đây, sao mấy ông xem thường vậy?”…
Vị cán bộ gay gắt: “Giờ có thuốc chích là may rồi, giờ còn muốn đòi hỏi gì nữa?”
Dân bắt đầu bất bình: “May gì, giờ chích mà chết mày chịu không?” “Mẹ, mày chích mày chết mày chịu chứ người ta chết mày chịu ah? Mày nói nữa tao dứt mày liền đó.”
Sau đó, rất nhiều người dân đã bỏ về. Trước sức ép dư luận, chính quyền thành phố đã thừa nhận việc trên là sự thật qua báo chí trong nước, đồng thời công bố rộng rãi là đã hết vaccine “ông Ngoại”, nên người dân Sài Gòn sẽ bắt đầu được chích vaccine “ông Khựa”. Chính quyền cũng ra yêu cầu các điểm chích ngừa thông báo trước nhãn hiệu và xuất xứ của vaccine, để dân chọn đi chích hay ở nhà. Việc đáng ra họ phải làm trước đó!
2
Ở đầu bài viết là 4 truyện tiếu lâm về 4 nghề đang «thiết yếu» hàng đầu ở Việt Nam, không những trong mùa đại dịch này: ngành Y, ngành Giáo dục, cơ quan công quyền, ngành truyền thông. Một cái nắm giữ sức khỏe, sinh mạng người dân – nghề Y. Một cái nắm giữ sự tự do, an toàn lẫn tương lai của những người dân – cơ quan công quyền. Một cái nuôi dưỡng kiến thức xã hội, ban bố thông tin, là cầu nối kiến thức giữa các ngành thiết yếu và người dân – ngành truyền thông. Một cái quyết định dân trí, kiến thức cơ bản cho những «mầm non đất nước», công dân tương lai – ngành Giáo dục.
Bởi vậy, hồi xưa ông Thầy, ông nhà nước, ông nhà báo, ông bác sĩ nói gì là dân nghe răm rắp không dám cãi một lời, họ luôn được trọng thị, lời họ nói ra sẽ “bình đẳng” hơn hẳn những người khác. Nhưng rồi chính số đông những cá nhân lẫn lãnh đạo, cầm cân trong những ngành đã phá hủy những hình tượng tốt đẹp đó. Họ nói xuôi, dân tin ngược, họ quành lại nói ngược, dân cũng hoài nghi…
- Ông nhà nước thì thi nhau ra những chính sách dở hơi, liên tục bịt miệng những lời góp ý từ phía nhân dân. Không nói đâu xa, ngay trong đại dịch, ông nhà nước càng thể hiện rõ sự yếu kém của mình thông qua những chính sách, chỉ thị chung chung: không chỉ là các quy định ngăn sông cấm chợ kéo dài làm khổ người dân khắp mọi nơi, mà còn các quy định về hai chữ “thiết yếu” mơ hồ. Cộng với trí tuệ dưới trung bình, không đồng nhất của các cán bộ canh chốt ở nhiều địa phương: nơi thì cho là bánh mì không thiết yếu, nơi lại cho là tiền không thiết yếu, nơi thì nói là sữa, tã em bé, băng vệ sinh cho phụ nữ không thiết yếu, không chỉ nhân viên giao hàng, nhân viên y tế/siêu thị ở nhiều nơi đi làm về cũng bị làm khó làm dễ… Hài hước nhất là có một người dân bị phạt vì đi mua bắp luộc, trong khi… ngô mới là mặt hàng thiết yếu trong “chỉ thị” – mà ngô và bắp đều như nhau, chỉ khác giọng địa phương. Sau đó, chính quyền phải ghi thêm bắp và bánh mì vào trong danh sách hàng thiết yếu. Ðừng xem thường những ví dụ nho nhỏ trên, nó góp phần hủy hoại đất nước và lòng tin nhân dân nặng nề lắm! Ngoài ra, chính ông nhà nước đã góp phần không nhỏ trong việc khiến các ngành thiết yếu trở nên “bớt” thiết yếu trong mắt người dân, cũng bằng cách… ra chỉ đạo.
- Ông nhà báo thì thôi khỏi nói. Những tưởng “ông” là cơ quan ngôn luận của dân, đưa cho dân biết tin gì là tiêu cực, tin nào là tích cực để dân hiểu xã hội, đất nước đang vận hành ra sao. Nhưng không, ông là cơ quan tuyên truyền của nhà nước. Ðâm ra tin nào xấu cho nhà nước là ông gỡ, ông giấu, ông “phản bác” ngay. Một cái tin mật “nặc danh” còn đáng tin hơn những cái tin mà hàng ngàn người làm nghề báo, có tay nghề, nghiệp vụ, có thể xác thực thông tin đưa ra. Hỏi sao người ta còn lòng tin cho ông đây? Chưa kể, mới đây, trên mạng xã hội có một “tin giả chấn động” được sáng tác vô cùng vụng về bởi một nhóm lừa đảo trên mạng lại được chính Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM kiêm ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM, Nguyễn Ðức Hiển tiếp tay phát tán, đã làm không ít người thất vọng về kiến thức, khả năng của những người làm báo hiện nay. Bởi vậy, đa số người dân có kiến thức sẽ chọn đọc báo nước ngoài, báo người Việt hải ngoại hoặc tin tức từ mạng xã hội.
- Ngành Y, đang là ngành được tôn vinh ở khắp thế giới trong đại dịch đến từ Trung Quốc hai năm nay. Tại Việt Nam, tôi tin là không ai không thấy thương, trân trọng, biết ơn những y/bác sĩ đã góp phần giành giật mạng sống của người dân với tử thần. Nhưng trong thực tế, ngành Y không hề ít những tai tiếng, tiêu cực đến từ các lãnh đạo của ngành. Như vụ đại thanh trừng vừa qua, hàng loạt những người có chức quyền trong ngành y các tỉnh bị vào tù vì nâng khống giá thiết bị điều trị bệnh cúm Vũ Hán lên gấp nhiều lần, đấu thầu lậu dụng cụ y tế, rồi vụ bệnh nhân tâm thần mở luôn động bay lắc kiêm lầu xanh ở bệnh viện Tâm thần Trung ương lớn tại Hà Nội… Giữa đại dịch, khi ngành Y quá tải, nhiều người dân phải trông chờ thuốc viện trợ từ hải ngoại, vì những thông tin/vụ án về thuốc lậu, thuốc giả khiến những người dân (hiện không thể vào bệnh viện khám) không dám vào nhà thuốc tây mua. Kết quả này do ai gây ra? Từ những y/bác sĩ tối ngày phải khám chữa bệnh cho người dân hay chính những ông ngồi bàn giấy, quyền lực nhiều hơn y đức và chuyên môn?
- Ngành Giáo dục, phải nói là một ngành khiến nhiều người thất vọng đến cùng cực. Có quá nhiều ví dụ để nói. Chính các quan chức đảng ta còn không tin vào ngành giáo dục nước nhà, đa số đã đưa con đi du học còn gì! Mới đây, việc Bí Thư thành phố Tam Kỳ đưa con gái ra sân bay Nội Bài, đi Mỹ du học cũng làm “chấn động” khắp mạng xã hội là một ví dụ. Chấn động không phải người ta lạ gì việc con của quan cộng sản qua xứ giãy chết du học, mà lạ vì sao con ông Bí Thư dễ dàng “thông chốt” từ Quảng Nam ra Hà Nội còn người dân phải khổ sở, vất vưởng ngoài rìa biên giới các tỉnh vì bị “quê hương” từ chối “nhận” (lý do là tại họ đã tìm mọi cách chạy trốn dịch dã, đói khổ ở các thành phố lớn về quê).
Hay cũng mới đây thôi, giảng viên Ngôn ngữ, văn hóa Anh của trường Ðại học Duy Tân (Ðà Nẵng) – thạc sĩ Trần Thị Thơ, người có hơn 20 năm giảng dạy tâm huyết – bị Ban Giám hiệu trường Duy Tân sa thải và bị công an thành phố Ðà Nẵng làm khó dễ, đe dọa sẽ “giải quyết” bằng pháp luật, chỉ vì cô giáo Thơ dám nói với sanh viên của mình “Chuyện dịch là chuyện trên toàn thế giới. Có dân nước nào chạy 1,500 cây số để về quê. Như vậy là hệ thống an sinh xã hội của chúng ta quá kém đúng không? Cô cảm thấy rất nhục nhã về điều đó! Tại sao cũng là người mà khi dịch đến, những quốc gia trên thế giới người ta được hỗ trợ rất nhiều, kể cả việc tiếp cận vaccine, còn chúng ta thì thế nào? Em lên đèo Hải Vân (giáp ranh Ðà Nẵng và Thừa Thiên Huế, nơi nhiều người dân chạy về quê nhưng không được chính quyền Huế cho vô “nhà”) coi kìa, đó mới là sự nhục nhã.” Chính người sanh viên nghe những lời này, thấy không nhục như cô Thơ, nên đã tố cáo cô! Tồi tệ hơn, những người có chức ở Ðà Nẵng cũng không thấy nhục như cô Thơ luôn!
Nếu Ðảng CSVN thật sự toàn năng, hoàn hảo như các bạn dư luận viên thường ngạo nghễ, thì chuyện đồng bào mình đi bộ, đi xe đạp, thậm chí ôm con còn đỏ hỏn chạy cả 1000km để về quê, có những người chưa kịp về tới nơi đã đắp chiếu giữa đường được trên báo “chính thống” là giả rồi. Ðảng là toàn năng, chỉ cần chống dịch bằng nghị quyết, dập dịch bằng chỉ thị bây giờ, vậy con virus cúm Vũ Hán đã bị bắt nhốt hoặc đi… lưu vong hết rồi. Việt Nam làm gì còn dịch đâu ta?
Một đất nước mà những người đứng đầu chỉ thích được khen. Ai chê thì bị kỷ luật, mất việc. Ai đăng tin thật mà ảnh hưởng đến bộ mặt chính quyền thì sẽ bị cho là tung in giả. Bản tin thời sự không còn là chỗ để người ta cập nhật tin tức nữa mà là chỗ người ta thu thập chuyện cười. Nhà trường không phải nơi để phụ huynh kính trọng nữa. Liệu còn ngành nào cần thiết và thiết yếu nữa, ngoài ông nhà nước?
Bởi người ta có câu: Mất mùa là bởi thiên tai được mùa là bởi thiên tài đảng ta.