Trân Văn
25-8-2021
Bác sĩ Võ Xuân Sơn – người tổ chức Oxy cho sự sống – vừa loan báo: Sáng 25 tháng 8, các viên chức hữu trách ở TP.HCM đã hỗ trợ nhóm của ông về thủ tục để các thiện nguyện viên có thể tiếp tục đi nạp oxy vào bình. Ông hy vọng họ có thể tiếp tục đem những bình chứa oxy giao tận tay những gia đình có thân nhân đang cần trợ thở (1)…
Oxy cho sự sống qui tụ tình nguyện viên thuộc nhiều giới. Họ đóng góp và nhận đóng góp để mua vỏ bình chứa oxy, đồng hồ đo áp lực, nạp oxy vào bình, mang bình đi giao cho những đồng bào nhiễm COVID-19 đang cần trợ thở, rồi thu lại bình, nạp lại oxy, tiếp tục chuyển giao để hỗ trợ gìn giữ sự sống…
Từ khi COVID-19 lan rộng, hệ thống y tế quá tải, người bị nhiễm COVID-19 phải tự cầm cự tại gia, TP.HCM có hàng chục nhóm thiện nguyện, hỗ trợ oxy như Oxy cho sự sống (2). Đó là chưa kể đến hàng trăm nhóm cung cấp dịch vụ vận chuyển, trang bị, dược phẩm thiết yếu với hy vọng hạn chế số người thiệt mạng…
Người Việt ở nhiều nơi vẫn đang dõi theo dịch dã, quyên góp, đóng góp, tìm mua trang bị, thiết bị y tế nhằm giảm áp lực cho hệ thống y tế đang kiệt quệ cả về sức lực lẫn vật dụng… Chẳng hạn sau khi quyên góp để mua monitor tự động theo dõi các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân, giúp tiết kiệm nhân lực trong chăm sóc, điều trị, nhóm Cơm có thịt – vốn chuyên tiếp sức cho trẻ em khu vực cao nguyên học hành – mới gửi thông báo mời những nơi chuyên doanh thiết bị y tế báo giá để chọn nhà thầu (3)…
***
Tuy ngành y tế cấm nhân viên trong ngành sử dụng mạng xã hội để kêu gọi hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ vật dụng, trang bị, thiết bị y tế,… nhưng ai cũng biết khi dịch lan rộng, hệ thống y tế không chỉ thiếu nhân lực mà còn… thiếu đủ thứ! Tại sao đại dịch đã lan rộng trên toàn cầu khoảng một năm rưỡi nhưng hệ thống y tế lại thiếu đủ thứ như vậy? Tại sao hệ thống chính trị, hệ thống công quyền không nghĩ đến việc phải tích trữ những loại vật dụng, trang bị, thiết bị thiết yếu trong tệ thống kho dự trữ quốc gia như những xứ khác?
Vì sao từ những thứ rất nhỏ như khẩu trang y tế, găng tay y tế, vật dụng bảo vệ cá nhân (PPE),… đến những thứ lớn hơn một chút như monitor tự động theo dõi bệnh nhân, máy thở, xe cứu thương,… đều thiếu? Thiếu do thiếu tiền hay do thiếu tâm, thậm chí thiếu nhân tính, xem con người là công cụ chứ không phải trung tâm của mọi kế sách?
Có những yếu tố rất rõ ràng để khẳng định tiền không thiếu. Nếu thiếu tiền để mua sắm, chắc chắn hệ thống chính trị, hệ thống công quyền không nhất trí duyệt cho công an sắm đủ thứ trang bị, phương tiện chuyên dụng (thiết giáp, chuyên xa rà – hủy bom mìn, chuyên xa đối phó với độc chất sinh hóa, chuyên xa phục vụ tác chiến điện tử,…) vốn chẳng rẻ chút nào và thỉnh thoảng, ngành này lại mang ra khoe dưới hình thức diễn tập. Đầu năm nay, chỉ riêng việc tổ chức Đại hội đảng 13, công an tổ chức diễn tập đến hai lần: Lần một là tổng duyệt, lần hai là xuất quân bảo vệ đại hội đảng 13 (4)!
Nếu thiếu tiền để mua sắm, cách nay ba năm, Bộ Công không ban hành Quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho lực lượng công an (Thông tư 17/2018/TT-BCA) để bảo đảm công an các huyện có đủ những loại vũ khí với khả năng hủy diệt cao như (mìn, bom, súng chống tăng), những phương tiện chiến tranh như trực thăng mà tại Việt Nam, các đơn vị quân đội ở cấp quân đoàn mới có thể có (5)!..
Nếu thiếu tiền để đào tạo, chắc chắn hệ thống chính trị, hệ thống công quyền không nhất trí cho phép Bộ Công an tuyển dụng – huấn luyện để thành lập… Trung đoàn Kỵ binh! Sở dĩ tỉ lệ bác sĩ/10.000 dân và điều dưỡng/ bác sĩ của Việt Nam thấp hơn các quốc gia phát triển từ bốn đến chín lần (6) vì nhân viên y tế không thể… ngăn chặn nguy cơ mất an ninh chính trị nội bộ, suy giảm thế trận lòng dân, làm suy yếu sức chiến đấu của đảng, của chế độ từ gốc, từ bên trong như… công an (7)!
Thật ra trước nay, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam chỉ bận tâm một điều: Ngăn chặn thiên hạ và đồng chí nghĩ khác, nói khác, thúc đẩy thay đổi phương thức, cung cách quản trị – điều hành quốc gia, khiến đảng CSVN mất vai trò lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối dù có xứng đáng hay không. Bởi răn đe, ngăn chặn “thù địch” luôn là ưu tiên hàng đầu nên cả hai hệ thống này mới dễ dàng dốc túi đầu tư cho công an vô lối như vậy. Việt Nam có lẽ là quốc gia duy nhất mà trang bị cá nhân cho cảnh sát cơ động – lực lượng chuyên trấn áp – hiện đại và đầy đủ hơn trang bị cho quân nhân – lực lượng đảm nhận trọng trách quốc phòng!
Trước, “thù địch” chi phối tư duy, vắt kiệt nội lực khiến trang bị, thiết bị phòng ngừa, ứng cứu thiên tai, thảm nạn vừa thiếu, vừa lạc hậu, vô số nạn dân uổng mạng. Giờ, nếu tư duy và hành xử vẫn thế, ngăn chặn “thù địch” vẫn là ưu tiên hàng đầu, khi có đại dịch, dân không cứu được nhau thì… thôi, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền không xem đó là trách nhiệm, là nghĩa vụ để phải chuẩn bị và tiếp tục đồng tình với hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, không chấp nhận nghĩ khác, nói khác, thúc đẩy thay đổi phương thức, cung cách quản trị – điều hành quốc gia thì… đó có khác gì là lựa chọn tuyệt đạo cho mình, cho gia đình, cho xứ sở của mình?
Chú thích
(1) https://www.facebook.com/xuanson.vo.5/posts/2108914275932354
(2) https://www.facebook.com/vanngu.le/posts/4309975552430770
(3) https://www.facebook.com/comcothit/posts/6241682572523422
(4) https://www.youtube.com/watch?v=-xo2WXXrDJE&ab_channel=KÝSỰDISẢNUNESCO
(5) https://tuoitre.vn/cong-an-xa-duoc-trang-bi-sung-tu-1-7-20180612161414656.htm