Du Uyên
Kỷ niệm 60 năm ngày cưới, cụ ông lên kế hoạch: “Chúng mình cùng tìm về hương vị thuở ban đầu khi mới yêu nhau, bà nhé!”. Cụ bà đồng ý.
Thế là họ hẹn nhau 7 giờ tối nay hẹn em Nhà thờ Ðức Bà, không gặp không về!
Y hẹn, 6pm, tay ôm bó hoa hồng, cụ ông đứng ở chân Tượng Ðức Bà Hòa Bình chờ cụ bà. 7pm, rồi 8pm… trăng thanh gió mát. Tuy sốt ruột nhưng cụ ông vẫn ráng chờ, nhưng giờ ngồi xuống chờ. Kim đồng hồ lên 8pm… 9pm…, đường vắng dần, xung quanh toàn các cặp đôi trẻ, sương xuống nhiều, chân run, lưng mỏi… Cụ ông hầm hầm về nhà, mở cửa ra và quát: “Sao bà không ra?”
Cụ bà ngồi ủ rũ, mếu máo: “Dạ, em hông có… giấy đi đường”.
– “3 tại chỗ” – nghĩa là chủ cùng nhân viên phải ăn-ngủ-làm việc tại chỗ (trong khi đa phần người buôn bán ở Sài Gòn đều đi thuê tiệm, diện tích rất nhỏ. Quy định “3 tại chỗ” từng khiến các tập đoàn, doanh nghiệp quyết định đóng cửa vì khó khăn trong sinh hoạt và bảo đảm đời sống cho nhân viên.
– Chỉ bán đem về, nhưng người dân vẫn không được ra khỏi nhà nên chỉ kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến, nhà cách quán ăn chỉ 100m phải đặt shipper – ngoài phí giao hàng đang rất cao, có khi mắc hơn tiền món ăn, cộng với chi phí nguyên liệu cũng đang tăng cao, chủ quán còn phải chia phần trăm tiền thức ăn với các công ty trung gian giữa quán xá và người giao hàng – kết quả là giá từng phần ăn đến tay người mua sẽ bị “đội” lên gấp ba, bốn lần bình thường. Chưa kể, mới bắt đầu có thông báo nới lỏng giãn cách thì giá xăng cũng được thông báo sẽ tăng.
– Lại là “giấy đi đường” – ác mộng lâu nay của người dân cả nước và phải có giấy xét nghiệm nhanh âm tính với cúm Vũ Hán mỗi 2 ngày/lần – chủ quán phải trả chi phí xét nghiệm cho bản thân và nhân viên (giá mỗi lần xét nghiệm/người bằng vài liều vaccine). Ðiều kiện kèm theo là người lao động đã tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vaccine.
Bởi vậy, ngoài các bài viết tuyên truyền về niềm hân hoan vui sướng của nhân dân trước tin nới lỏng giãn cách là những cái nhăn mày của cô chủ tiệm hủ tiếu: “Thực lòng, tôi rất muốn bán lại vào lúc này, phần nhớ nghề, phần nhớ khách. Nhưng ngay trước đường có một cái chốt chặn ngang, ra vào không được. Bản thân tôi muốn đi mua thực phẩm dùng trong nhà còn khó, nói gì tới việc buôn bán!”
Hay cô chủ quán bún chả: “Tối qua, chồng có nói là được bán trở lại, mình vừa mừng vừa lo. Mừng vì hơn 2 tháng nay đóng cửa, đâu có thu nhập, giờ bán lại thì vui. Nhưng chưa kịp vui thì phải lo đủ thứ rồi, nào là nguyên liệu, giấy đi đường, giá cả thực phẩm tăng cao…”
Hay cô chủ quán bún bò: “Bây giờ có muốn bán cũng không được vì không có bánh phở để nấu. Quán ở Bình Thạnh, lò làm bánh phở lại ở Thủ Ðức, họ không giao cho mình được. Mình nấu tốn công, tốn điện, một ngày ít nhất phải bán được 200 tô mới có lời. Nhưng giờ phí giao đồ ăn cao, có bán khách cũng ngại mua”.
Ở trên là những than thở tôi trích từ hai tờ báo lớn trong nước thanhnien.vn và tuoitre.vn, thứ nhất là chứng minh mình không đặt điều, thứ hai là giảm nhẹ sự tức giận của người dân thông qua các ban kiểm duyệt, ban biên tập của hai tờ báo trên. Chứ nếu trích từ lời người dân trên mạng xã hội thì nặng nề và cay đắng lắm, ví dụ như:
Một chủ quán bún riêu chia sẻ link bài báo về việc “nới lỏng giãn cách” và viết: “Hàng ngàn năm có một thánh nhân, hàng trăm năm có một vĩ nhân, hàng chục năm mới có một hiền nhân, nhưng cứ 10 giây lại lòi một đống kẻ bất nhân. Chúng ra những quy định như vầy…”
Một chủ… gánh xôi thì: “Tôi vừa bán vừa làm “shipper” cũng được mấy ông ơi, vì tôi quẩy gánh đi bộ. Nhưng tiền đâu nhập nguyên liệu? Nhập nguyên liệu ở đâu khi các chợ chưa mở cửa? Tôi làm sao để có “giấy đi đường”? Ngày tôi bán lời chưa được trăm ngàn đồng, tiền đâu xét nghiệm tuần hai lần, lần mấy trăm?…”
Ðó là phần người bán, còn người mua thì sao? Người giàu thì không nói tới – tại tôi không quen biết ai tầm «đại gia» để hỏi. Người khá giả thì đang dần cạn kiệt tích trữ, ngoài ra còn đang lo lắng cho tương lai kinh tế của mình – Trong 8 tháng đầu năm 2021 có hơn 85,500 doanh nghiệp phá sản. Riêng Sài Gòn có 24,000 doanh nghiệp. Con số trên không tính những cửa tiệm nhỏ, công ty nhỏ và chắc chắn cũng chưa đầy đủ. Thì phần đông còn lại của xã hội – những người lơ lửng giữa mức thu nhập trung bình và dưới trung bình, khách hàng chủ yếu của các tiệm ăn nói trên, liệu có còn «sức» để ăn tô bún riêu 100,000 VNÐ (bình thường 25,000 VNÐ)?
Sanh sau đẻ muộn, không nhiều kiến thức lịch sử, cũng không hề quen biết tác giả Phạm Duy – một người có một đời sống lừng lẫy và nhiều tranh cãi. Vì vậy, tôi không biết hoàn cảnh tác giả Phạm Duy viết bài “Tâm ca – Kẻ thù ta” và tâm thế của tác giả khi phổ nhạc bài này. Nhưng gần đây, tôi cảm thấy tinh thần bài hát khá giống với hiện tình đất nước vào thời khắc này. Như lời kêu gọi “Lấy âm nhạc làm vũ khí chống dịch” của Nhạc sĩ Ðỗ Hồng Quân, tôi thầm mong có một “nghệ sĩ nhân dân” hay một ca sĩ nào đó “dùng tiếng hát át tiếng… rên (của người dân)” có thể hát cho các vị lãnh đạo ban hành các công văn chống dịch nghe bài hát này được không? Ðể họ hiểu:
“Kẻ thù ta đâu có phải là người
Giết người đi thì ta ở với ai?
Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài
Nó nằm đây nằm ngay ở mỗi ai!”
Thật ra, tôi biết yêu cầu trên quá đáng, vì tài tử ở Việt Nam hay ở những đất nước độc tài khác (như Trung Quốc) sẽ khó khăn hơn trong việc nói lên tiếng nói của mình. Mới giữa tháng 7, hồi đầu đợt giãn cách, hoa hậu Lan Khuê đã bị tấn công từ nhiều phía chỉ vì viết trên trang cá nhân một câu nói vô cùng nhẹ nhàng: “Ðợt giãn cách này toàn là người dân tự tìm cách cung ứng thực phẩm, hỗ trợ nhau. Chứ chả thấy có sự hướng dẫn, điều tiết nào nó cụ thể rõ ràng.” – sau đó cô buộc phải đăng bài xin lỗi công khai. Bạn nghĩ xem, không xin lỗi và thừa nhận mình sai (cho dù là cổ không có gì sai), thì điều gì sẽ đến với Lan Khuê?
Ðặc biệt là sau đó không lâu, vị lãnh đạo nào đó đứng lên kêu gọi phong trào «lấy sức dân lo cho dân» giữa mùa dịch (thực tế là, dân không lo cho dân thì số người chết có thể hơn hiện tại rất nhiều, không riêng chết vì cúm Vũ Hán).
Hay cuối tháng 7, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng bị “dư luận viên” và các nhà báo chỉ trích nặng nề vì dám “hiến kế”: “Tui có ý tưởng vậy nè. Nếu chúng ta hạn chế shipper, không cho người dân ra đường thì ngoài đường rất ít người. Vậy các bạn cảnh sát giao thông cũng rảnh hơn, vậy nhờ các bạn chuyển hàng cho dân được không? Vừa nhanh vừa an toàn, và cũng là dịp cảnh sát giao thông tri ân người dân bấy lâu nay đã….”. Chính các đồng nghiệp trong giới nghệ thuật của vị đạo diễn này cũng chỉ trích anh ta. Khiến anh ta phải xóa bài viết, khóa trang cá nhân một khoảng thời gian.
Và rồi, sau đó không lâu, hàng ngàn quân đội, cán bộ công an, tổ trưởng… được lệnh “đi chợ dùm dân”. Dầu kết quả không khả quan nhưng rõ ràng, vị đạo diễn trên không sai!
“1. Cấm các nền tảng truyền thông, internet xấu xa, ác độc như FB, Youtube và Google để ngăn người dân giao tiếp với bên ngoài.
- Tự lập các trang web tin tức Nhà Nước, các phần mềm trò chuyện và các nền tảng Mạng xã hội do nhà nước quản lý. Phát sóng tin tức nhà nước để nói cho Dân biết rằng “truyền thông Nước ngoài là những thế lực ngoại bang xấu ác”. Ðừng xem “tin giả” của chúng.
- Dựng 1 bức tượng lãnh đạo Taliban lớn và đặt trước cổng văn phòng Tổng thống. Treo biểu ngữ tuyên truyền khắp nơi trên đường phố. Tẩy não học sinh ở trường và luôn cho người dân biết giới lãnh đạo Taliban tuyệt vời ra sao.
- Khuyến khích người dân vượt Tường lửa Kiểm duyệt, nhưng chỉ để cãi nhau với người khác. Ðối tượng chửi là những người dám chỉ trích Chính quyền, người dân cũng nên viết bình luận gọi kẻ chỉ trích là “hung hăng”, “những con ếch bài xích Afghanistan” hay “NMSL”, “phản động”…
* Ếch là từ lóng mà cư dân mạng TQ dùng để công kích những người ủng hộ Đài Loan độc lập. Ẩn ý là “Ếch ngồi đáy giếng” không thấy được những điều phi thường của TQ.
* Còn NMSL là câu chửi có nghĩa đen là “chết cmm đi”!
- Vào ngày Quốc lễ bỏ ra nhiều tiền để thuê hàng đống người Nước ngoài hát những bài hát Yêu Nước như “Ðất nước tôi, Afghanistan” và “Nếu không có Taliban sẽ không có Afghanistan mới”.
* Có một bài hát tuyên truyền rất nổi tiếng của TQ có tên là “Nếu không có ĐCS sẽ không có TQ mới”.
- Nếu người dân thể hiện sự bất mãn với chính quyền thì ngay lập tức xây một nơi giống như Nhà Tù (nhưng không được gọi là Nhà Tù) – cách ly họ với Thế giới bên ngoài, gom hết những ai có tư duy độc lập lại để cải tạo. Khi truyền thông nước ngoài được mời tới, ép tù nhân phải ra vẻ hạnh phúc. Ðịnh kỳ bắt buộc người dân trồng dưa hấu và xuất khẩu dưa hấu để thu ngoại tệ.
* TQ đã ép những người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ nhảy nhót vui sướng để cho BBC xem để chứng minh ko có sự diệt chủng ở Tân Cương.
- Quay một loạt phim Ái Quốc có nhiều phần với tựa đề như “Chiến binh Afghanistan”. Ðể cho người dân Afghanistan thấy được sức mạnh của Taliban và nhắc nhở với họ rằng “tất cả người nước ngoài đều là lũ khốn”.
- Chi tiền cho các ngôi sao, KOL trên Internet để làm các video như “Người Mỹ là lũ ngốc ngớ ngẩn” hay “Nước Nga không thể bình tĩnh, tự tin” và “Tôi sẽ không bao giờ hối tiếc khi chọn Afghanistan trong cuộc đời này”. Ðể người dân xem các thứ đó và khuyến khích họ đăng lại những video đó nhằm gia tăng tác dụng tuyên truyền.”
Tôi không biết, ở đất nước Namewee đang sống – Malaysia, anh có bị rắc rối gì không khi xúc phạm TQ? Hoặc làm điều mà TQ cho là xúc phạm họ. Nhưng ở Việt Nam thì… (tôi hèn, không dám nói thêm, sợ TQ (và ai đó) nghĩ là tôi xúc phạm họ). Chỉ muốn kể là, khi ai đó kêu gọi “chống dịch như chống giặc” rồi lại kêu gọi “sống chung với dịch”, thì tôi và rất nhiều người Việt Nam chỉ ngầm hiểu: Thôi, ráng tìm cách sống chung với kẻ chống dịch đi!
Du Uyên