BS .Trần Văn Tích
Người già cả cần được giúp đỡ. Cung cách giúp đỡ giữa người này với người nọ hay giữa cá nhân và xã hội khác nhau tuỳ chế độ chính trị. Tôi xin trình bày về cung cách xã hội Đức giúp đỡ hai vợ chồng già chúng tôi. Chúng tôi đều đã trên tám mươi.
Trong đại dịch corona, chúng tôi – người cao tuổi – được ưu tiên chích ngừa. Cùng ưu tiên với chúng tôi chỉ có các nhân viên y tế. Bác sĩ gia đình chuẩn bị sẵn thuốc chủng của hãng Đức Biontech và đến tận nhà chích cho chúng tôi mỗi người hai mũi. Công chuyện xảy ra êm thắm, thầm lặng, không…có lên tivi. Nhưng đến mấy tuần lễ sau chúng tôi, khi Bà Merkel đưa cánh tay trái cho thầy thuốc chích ngừa mũi văc-xin thứ nhất chống corona thì các hãng truyền hình có thu hình và đưa hình Bà lên màn ảnh, trong các chương trình loan tin thời sự hằng ngày. Như vậy Bà Thủ tướng Chính phủ Đức có phần nào được đối xử hơi khang khác với hai vợ chồng tôi.
Trong một buổi phỏng vấn Thủ tướng, nữ phóng viên hỏi bà Merkel là bà có người giúp việc nhà không. Bà trả lời không. Hỏi : vậy chớ ai phụ trách giặt quần áo? Trả lời thì hai vợ chồng tôi chớ ai. Hỏi thêm thế ai đi chợ cho Bà? Trả lời thì cũng vẫn tôi. Không thấy nữ phóng viên hỏi ai làm vườn cho Bà, ai cắt hàng rào quanh nhà cho Bà, ai cạy bỏ cỏ hoang giữa những viên gạch xi-măng trên con đường lát gạch đi từ cổng chính vào nhà cho Bà. Có nhiều phần chắc nhà Bà thuộc loại căn phòng có nhiều buồng chứ không phải nhà riêng có mảnh sân trước và khu vườn sau như nhà tôi. Khi tôi nghỉ hưu lúc 80 tuổi, biết rằng mình không còn phải bôn ba thay nơi cư ngụ nữa, tôi kiếm tìm mua nhà. Tiêu chuẩn mua nhà của hai vợ chồng tôi : không mua loại nhà hàng dãy, không mua loại buồng trong chúng cư mà mua nhà riêng, có mảnh sân trước và chút vườn sau. Ngoài ra, cửa vào nhà phải ngang mặt đất, triệt để không đụng đến thứ nhà có mấy bậc cấp bước lên cửa chính trước khi vào nhà. Kinh nghiệm dạy cho tôi rằng đến một ngày nào đó, người cao niên không thể di chuyển mà không cần y cụ trợ lực như gậy chống hay xe ba, bốn bánh nương vào để đi (walker, Rollator). Tìm kiếm mãi mới mua được căn nhà vừa ý. Ngôi nhà gây cho hai người ngoại cuộc hai câu hỏi. Chuyên viên ngân hàng quản lý vốn liếng tiền bạc dành dụm của tôi hỏi : Ông mua ngôi nhà này có phải vì Ông đã từng được trả lương vào hạng cao trong xã hội không? Hay là Ông thuộc hạng người để dành tiền rất chặt chẽ? Tôi trả lời : cả hai. Bác sĩ gia đình lần đầu tiên đến khám bệnh tại gia cho chúng tôi thì hỏi : Ông đi làm bao lâu mà mua được ngôi nhà này? Tôi trả lời đi làm đến tám mươi tuổi.
Khi mới dọn vào ngôi nhà mới, chúng tôi không cần ai giúp đỡ cả. Chúng tôi đủ sức lo hết mọi việc. Nhưng rồi tuổi đời càng cao, sức khoẻ càng giảm. Đến một ngày nào đó, chúng tôi cần người ngoài giúp đỡ vì con cái đều đi làm hằng ngày, chỉ cuối tuần mới có thể thăm viếng hay lo lắng cho bố mẹ. Thời gian dài đi làm với Đức, tôi đóng đủ thứ bảo hiểm trong đó có bảo hiểm điều dưỡng. Bảo hiểm điều dưỡng có mục đích dành tiền cho đoạn đời cao niên, khi bản thân mình và người “ăn theo“ cần được chăm sóc giúp đỡ. Bảo hiếm điều dưỡng khác với bảo hiểm y tế, vốn dành cho trường hợp phải vào nhà thương điều trị hay phải mua thuốc hằng ngày. Trong khuôn khổ bảo hiểm điều dưỡng, tôi có thể xin quỹ bảo hiểm trợ cấp để mua các dụng cụ y tế cần cho tuổi già như gậy chống tức ba-toong, như xe lăn, như máy báo động cấp cứu v.v.. Ngoài ra, quỹ bảo hiểm điều dưỡng cũng góp phần chi phí cho tôi khi tôi thấy cần trang bị thêm phụ tùng trong nhà tắm để có chỗ vịn bám vững vàng hơn cho khỏi trượt té. Tất cả các nhu cầu này đều được thoả mãn qua một quá trình làm đơn thỉnh cầu và chuyên viên đến tận nơi khám xét. Thêm nữa tôi còn có quyền xin người ngoài tới nhà giúp đỡ trong công việc nội trợ hay chăm sóc vườn tược. Có những công ty chuyên về việc này. Họ làm môi giới giữa cá nhân người cần giúp đỡ và các quỹ bảo hiểm nhằm mục đích giới thiệu chuyên viên trợ tá. Các chuyên viên trợ tá này thường là phụ nữ, không được đào tạo huấn luyện chuyên môn, có thể là những bà mẹ một mình phải nuôi con, cần thêm thu nhập gia đình. Mỗi năm tôi được quỹ bảo hiếm dành cho mình một số tiền khoảng hai nghìn Âu kim để chi vào tiết mục này. Tôi cố gắng suy nghĩ để tạo công việc cho người trợ lực hầu giúp đương sự có việc để làm trong hai giờ mỗi thứ ba hay thứ năm hằng tuần.
*
Bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức, sắp thôi giữ chức vụ Thủ tướng. Có thể tạm xem như Bà sắp nghỉ ngơi giống tôi. Vậy so với tôi, Bà được gì?
Trước hết, Bà thua xa tôi về nhà riêng. Tôi ở một ngôi biệt thự nhỏ, có vườn có sân, có sân hiên (terrasse). Bà Merkel chỉ có một căn phòng lớn với nhiều buồng nhỏ để ở. Tôi đến Đức năm 1984 không một đồng một chữ nhưng sau khi đi làm mấy chục năm, tôi mua được căn biệt thự. [Tôi xuất ngoại chính thức, hợp pháp qua bảo lãnh của Bộ Ngoai giao Tây Đức. Rời nước đến Đức tôi phải đi hai chuyến máy bay và bay qua hai phi trường quốc tế. Tôi xin chính quyền cộng sản cho phép tôi mang theo mười đôla Mỹ dằn túi (cho năm người), mười đôla này tôi sẽ yêu cầu bà con bè bạn ở nước ngoài gửi về chứ tôi sẽ không động đến kho dự trữ ngoại tệ của nhà nước. Lời thỉnh cầu của tôi bị bác với lý do là nhân dân, tôi chỉ được quyền làm chủ, còn ngoại tệ thì do nhà nước quản lý!]. Sang Đức, chỉ một mình tôi đi làm, vợ tôi ở nhà lo cho ba đứa con. Hai vợ chồng Bà Merkel đều cùng đi làm. Bà đi làm Thủ tướng đến mười sáu năm. Nhưng hai Ông Bà chỉ là sở hữu chủ một “căn hộ“ chia làm mấy buồng. Bà không có người làm giúp việc nhà. Tôi có người phụ việc hẳn hoi, chính thưc, hợp pháp. Hôm nay bà phụ việc vừa lau chùi sạch sẽ bộ xa-lông bọc da trong phòng khách nhà tôi. Sức mấy mà Bà Merkel có người để sai khiến như vậy. Bà chỉ có thể lãnh đạo quốc gia thôi.
Sau giai đoạn khá dài lãnh đạo nước Đức, Bà Merkel rút lui. Các tạp chí, nhật báo đăng nhiều bài viết về Bà. Tuần báo Der Spiegel dành hẳn một số đăng hình Bà ở trang bìa trước và chạy tít Biographie (Tiểu sử). Tờ Focus ra một Sonderedition (Ấn bản Đặc biệt). Trong khi hình ảnh của Bà xuất hiện tràn ngập trên báo chí thì trong tập hồ sơ dày cộm liên quan đến giấu giếm tài sản, chuyển ngân bất hợp pháp ra ngân hàng nước ngoài, khai gian tiền thuế v.v..mệnh danh là Pandora Papers, tìm đỏ con mắt cũng không thấy tên họ Angela Merkel. Như vậy cũng đỡ cho Bà, khỏi phải phân trần biện bạch như có đấng quân vương nước khác, thậm chí còn đe doạ đưa những kẻ lập hồ sơ Pandora ra ba toà quan lớn!
Chế độ chính trị của Cộng hoà Liên bang Đức là chế độ xã hội. Nhiều khi nó bị cố ý đổi tên thành xã hội chủ nghĩa! Kỳ bầu cử tháng chín vừa qua, Đảng CDU của Bà Angela Merkel coi như thất bại, ứng viên Olaf Scholz của Đảng Xã hội Dân chủ SPD có số phiếu nhiều hơn. Dầu ứng viên CDU hay SPD giữ chức Thủ tướng thay thế Bà Merkel thì nước Đức vẫn giữ nguyên chế độ xã hội của nó. Một số bạn bè của tôi sống ở bên Mỹ cho rằng chế độ xã hội của một số nước Tây phương trong đó chính quyền lo cho người dân đủ thứ không phải là một chế độ lý tưởng. Những người Mỹ gốc Việt mà tôi quen biết, thậm chí quen thân, bảo rằng chế độ xã hội theo khuôn mẫu Tây Âu là một thứ chế độ vú em giữ trẻ. Nó khiến người dân mất quyền tự do phấn đấu, tranh đua, bươn chải, cố gắng làm việc. Điển hình như tiểu bang Cali và điển hình như cộng đồng dân tộc da màu ở Cali, da đen hay da vàng. Cộng đồng này sinh ra ỷ lại, không chịu kiếm việc, không chịu đi làm, chỉ sống nhờ vào trợ cấp của tiếu bang hay của liên bang. Cho nên số người thất nghiệp cao. Tôi chỉ thắc mắc rằng tại sao chế độ xã hội ở Đức không đưa đến hậu quả như Cali : tỷ số thất nghiệp ở Đức vẫn thấp, đâu vào khoảng 5-6%, ngay cả trong đại dịch. Tâm lý quần chúng hai nơi khác nhau chăng?
Người đi làm ở Đức phải đóng thuế khá nặng. Nhà nước qui định mỗi tháng người nhận việc phải đóng nhiều thứ phí tổn bảo hiểm. Hằng năm vẫn có những cơ quan thống kê nghiên cứu theo dõi mức đóng thuế của người dân. Những cơ quan đó kết luận rằng mỗi năm có mười hai tháng thì trung bình người công nhân tư chức đi làm phải trừ lương để đóng thuế cho sở tài chánh đến hơn nửa năm, chỉ từ khoảng giữa tháng bảy trở đi, tiền lương hàng tháng mới vào nằm trọn vẹn trong hầu bao của mình. Đó là lý thuyết. Thực tế thì tôi chăm chỉ đi làm, chắt chiu dành dụm nên cuộc sống cũng khá thoải mái. Đã thế khi cần thì xã hội lại sẵn sàng tiếp tay hầu giúp tôi sống dễ chịu hơn. Đến Đức với túi tiền rỗng không, tôi dần dà có nhà có cửa. Không có xe có cộ nhưng tôi có ôtôbuýt và xe điện ngầm. 37 năm tôi sống ở Đức thì có đến 16 năm tôi sống dưới quyền lãnh đạo của Bà Angela Merkel. Xin cám ơn Bà và xin bai bai Bà.