He Qinglian
Nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tồn tại bất chấp những trở ngại lớn, bao gồm bong bóng bất động sản và cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ. Trớ trêu thay, quan hệ thương mại của Trung Quốc với Hoa Kỳ đã và đang duy trì nền kinh tế của nước này – sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào hàng hóa Trung Quốc.
Bất chấp cuộc tranh luận ở Hoa Thịnh Đốn về việc tách rời khỏi Trung Quốc và quyết định của chính phủ của Tổng thống Biden về việc duy trì hầu hết các mức thuế từ thời ông Trump (ít nhất là cho đến hiện tại), Hoa Kỳ vẫn muốn duy trì quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Tỷ lệ tăng trưởng GDP của Trung Quốc không thể tin cậy
Ông Nathaniel Taplin của tờ Wall Street Journal gần đây đã viết về những rắc rối kinh tế của Trung Quốc. Theo tác giả, ba trụ cột hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc – đầu tư bất động sản, chi tiêu tiêu dùng, và xuất cảng – đều “lung lay” và triển vọng cho năm 2022 vẫn chưa chắc chắn.
Ông Taplin đã liệt kê bốn yếu tố gần đây làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc: thất bại nợ bất động sản, bùng phát biến thể Delta, mất điện, và các tuyến đường vận chuyển khó khăn.
Sau đó, ông viết, “ Mức tăng trưởng quý trước ở mức 4.9% yếu hơn đáng kể so với một năm trước đó đã được dự kiến.”
Tuy nhiên, theo quan sát của riêng tôi, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc luôn không đáng tin cậy, chủ yếu là vì con số này bị thao túng ghê gớm bởi Trung Cộng. Tôi cũng sẽ không tin tưởng vào tính xác thực của bất kỳ báo cáo nào từ Ngân hàng Thế giới hoặc IMF về nền kinh tế Trung Quốc. Bởi vì, các báo cáo về Trung Quốc của họ thường được tạo bằng dữ liệu đến trực tiếp từ Bắc Kinh. Một vụ bê bối gần đây liên quan đến Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva, người được cho là đã gây áp lực buộc nhân viên Ngân hàng Thế giới cải thiện thứ hạng của Trung Quốc trong báo cáo “Kinh doanh”, là một trường hợp điển hình.
Người tiêu dùng Hoa Kỳ phụ thuộc nhiều vào hàng hóa Trung Quốc
Trong bối cảnh đại dịch, Hoa Kỳ hiện đang lâm vào cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng – các cảng của nước này bị tắc nghẽn nghiêm trọng, hàng trăm nghìn container bị tồn đọng tại các cảng và nhiều cửa hàng lâm vào cảnh thiếu hàng hoặc thậm chí trống rỗng. Giờ đây nhiều người Mỹ đang tỉnh mộng với thực tế. Trung Quốc và Hoa Kỳ từ lâu đã chia sẻ một chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế – Trung Quốc là nhà cung cấp hàng hóa mà người Mỹ mua. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau.
Dù nhìn thế nào đi nữa, thực tế là người tiêu dùng Mỹ vẫn cần các sản phẩm “Sản xuất tại Trung Quốc” – đó thực sự là điều thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc.
Theo số liệu của cơ quan hải quan Trung Quốc, từ tháng 01 đến tháng 08/2021, tổng giá trị xuất nhập cảng của Trung Quốc là 3.83 ngàn tỷ USD, tăng 34.2% so với cùng kỳ năm trước; thặng dư thương mại là 362.49 tỷ USD, tăng 28.9% so với cùng kỳ năm trước.
Theo dữ liệu chính thức, ASEAN, Liên minh Âu Châu, Hoa Kỳ, và Nhật Bản là các đối tác thương mại lớn thứ nhất, thứ hai, thứ ba, và thứ tư của Trung Quốc. Trung Quốc thặng dư thương mại với tất cả ngoại trừ Nhật Bản – thặng dư 57.34 tỷ USD với ASEAN và 117.82 tỷ USD khác với EU.
Tổng kim ngạch thương mại Mỹ-Trung là 477.8 tỷ USD, trong đó xuất cảng của Trung Quốc sang Hoa Kỳ là 358.8 tỷ USD. Trung Quốc đã nhận được lượng thặng dư to lớn là 241.2 tỷ USD.
Điều thú vị là bất chấp thuế quan thương mại của Hoa Kỳ, Trung Quốc vẫn tiếp tục hưởng thặng dư thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ – một con số lớn hơn nhiều so với những gì họ nhận được từ tất cả các khối thương mại và các quốc gia cộng lại.
Dữ liệu của Hoa Kỳ trông hơi khác một chút, nhưng cho thấy cùng một xu hướng: xuất cảng của Trung Quốc sang Hoa Kỳ đang duy trì mạnh mẽ, ngay cả khi căng thẳng gia tăng giữa hai quốc gia.
Thương mại Mỹ – Trung
Kể từ những năm 1990, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trên thực tế đã bị chi phối bởi dòng vốn đầu vào ổn định của Hoa Kỳ và sự mở rộng nhanh chóng của thương mại song phương. Mặc dù đã có những va chạm chính trường trên đường do sự khác biệt cơ bản giữa hai nước về các giá trị phổ quát và các vấn đề nhân quyền, mối quan hệ kinh tế của hai quốc gia ngày càng trở nên khăng khít hơn. Nhờ lợi thế về chi phí so sánh của Trung Quốc, ngành sản xuất nội địa của Hoa Kỳ đã trở nên rỗng tuếch trong ba thập kỷ qua, dẫn đến một chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế ổn định giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng hiện nay ở Hoa Kỳ bắt nguồn từ việc phụ thuộc quá nhiều vào ngành sản xuất của Trung Quốc. Theo một báo cáo của MForesight, một tổ chức tư vấn sản xuất của Mỹ, “trong nhiều ngành, Trung Quốc đã thành công trong việc tạo ra các hệ sinh thái sản xuất công nghiệp vượt trội bao gồm toàn bộ chuỗi giá trị từ nguyên liệu thô đến sản phẩm cuối cùng.”
Báo cáo này cảnh báo rằng khi nhiều công ty Mỹ đầu tư vào R&D ở ngoại quốc, hoạt động sản xuất ở ngoại quốc trong lĩnh vực sản xuất tiên tiến đã đạt đến điểm bước ngoặt, và chiến lược “phát minh nơi này, làm nơi kia” đã trở thành “phát minh ở đó, làm ở đó.”
Trong những năm qua, tôi đã thấy rất nhiều bài báo cố gắng báo trước sự bùng nổ hay sụp đổ của nền kinh tế Trung Quốc. Như tôi đã từng lập luận, nền kinh tế Trung Quốc chưa bao giờ thịnh vượng như nhiều chủ ngân hàng đầu tư phương Tây đã dự đoán, bởi vì các nhà chức trách Trung Quốc thường đưa ra những quyết định rất thiển cận để tăng tốc phát triển. Do đó, những nguy cơ tiềm ẩn chắc chắn sẽ xuất hiện sau một thời kỳ thịnh vượng ngắn ngủi, như chúng ta thấy cuộc khủng hoảng nợ hiện tại đang diễn ra trong ngành bất động sản của Trung Quốc.
Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc sẽ không sụp đổ trong chốc lát. Như tình hình thương mại Mỹ-Trung hiện nay cho thấy, ngành sản xuất của Trung Quốc cần thị trường Mỹ và ngược lại. Nhu cầu mạnh mẽ này của Hoa Kỳ đã cung cấp sức mạnh cần thiết cho nền kinh tế Trung Quốc. Dòng vốn luôn theo sát lợi nhuận và cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ không có ý định sớm từ bỏ thị trường béo bở Trung Quốc. Đây là lý do tại sao nền kinh tế Trung Quốc vẫn tồn tại và sẽ tiếp tục như vậy trong một thời gian, bất chấp tất cả các cuộc khủng hoảng mà Trung Quốc đã phải đối mặt.
Bà Hà Thanh Liên (He Qinglian) là một tác giả và nhà kinh tế học nổi tiếng của Trung Quốc. Hiện đang làm việc tại Hoa Kỳ, bà là tác giả của cuốn “China’s Pitfalls” (“Cạm Bẫy của Trung Quốc” ), liên quan đến tham nhũng trong việc cải tổ kinh tế của Trung Quốc vào những năm 1990 và cuốn “The Fog of Censorship: Media Control in China” (“Sương Mù Kiểm Duyệt: Kiểm Soát Truyền Thông ở Trung Quốc”), đề cập đến việc thao túng và hạn chế báo chí. Bà thường xuyên viết về các vấn đề kinh tế và xã hội đương đại của Trung Quốc.
Lưu Đức biên dịch