Đông Phương
Bà Bành Lệ Viên (Peng Liyuan), phu nhân ông Tập Cận Bình, gần đây thường xuyên tham dự các sự kiện và nhận lời phỏng vấn, khác xa với hình ảnh ẩn mình trước đây. Thậm chí, tin tức về bà còn được CCTV đưa ở vị trí số 2 trong bản tin thời sự tối. Điều này cho thấy bà được đối xử như một phó lãnh đạo cấp quốc gia. Việc này đã thu hút và làm dấy lên nhiều cuộc thảo luận từ ngoại giới.
Đài Á Châu Tự Do (RFA) đưa tin vào ngày 11/11, bà Bành Lệ Viên, phu nhân của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, người đã ở ẩn một thời gian, đã thường xuyên xuất hiện trước công chúng trong 3 tháng qua.
Vào ngày 15/9, bà Bành cùng ông Tập Cận Bình tham dự lễ khai mạc Đại hội thể thao Toàn quốc Trung Quốc lần thứ 14 ở Tây An và đã đến thăm nơi kết hôn của cha mẹ ông Tập.
Vào ngày 15/10, bà tham dự Lễ trao Giải thưởng của UNESCO cho Giáo dục Trẻ em gái và Phụ nữ năm 2021 và có bài phát biểu qua video tại Bắc Kinh.
Ngày 26/10, bà Bành gửi thư chúc mừng Trường Juilliard Thiên Tân (Tianjin Juilliard School) khánh thành cơ sở và nói rằng, đây là một nền tảng mới để thúc đẩy trao đổi văn hóa giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Ngày 10/11, với tư cách là đặc phái viên của UNESCO về thúc đẩy giáo dục trẻ em gái và phụ nữ, bà Bành đã nhận lời tham gia một cuộc phỏng vấn bằng văn bản trên đặc san của tạp chí UNESCO Courier. Bà Bành cho biết, xóa đói giảm nghèo và đạt được bình đẳng giới là lý tưởng chung của toàn nhân loại, bằng nỗ lực không ngừng, Trung Quốc đã đạt được mục tiêu xóa nghèo tuyệt đối.
Trả lời phỏng vấn, bà bày tỏ hy vọng rằng chính phủ các nước và nhiều tổ chức quốc tế hơn sẽ hành động để thúc đẩy việc giáo dục cho trẻ em gái và phụ nữ phát triển hơn nữa, đồng thời tạo nguồn động lực cho việc xây dựng một cộng đồng cùng chung vận mệnh của nhân loại.
Một số nhà quan sát cho rằng, cuộc phỏng vấn của bà Bành với tạp chí UNESCO Courier là thể hiện sự tán thành với chính sách xóa đói giảm nghèo và xây dựng một cộng đồng chung vận mệnh cho nhân loại của chồng bà – ông Tập Cận Bình.
Gần đây, bà Bành thường xuyên lộ diện, và địa vị của bà dường như cũng tăng vụt lên. Ngoại giới phát hiện rằng, tin tức về cuộc phỏng vấn độc quyền của bà Bành với UNESCO Courier đã xuất hiện ở vị trí thứ 2 trong bản tin thời sự buổi tối của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV). Tuy bà Bành là một cán bộ dân sự trong quân đội Trung Quốc, được hưởng đãi ngộ của cấp Quân đoàn (cùng lắm là tương đương lãnh đạo cấp Bộ), nhưng như cách mà CCTV đưa tin về bà gần đây, ít nhất bà đã được đối xử như một phó lãnh đạo cấp quốc gia.
Trong số phu nhân các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từ trước tới nay, người duy nhất có thể so sánh địa vị với Bành Lệ Viên là bà Giang Thanh, vợ của cựu lãnh đạo Mao Trạch Đông. Trước khi Giang Thanh rớt đài, bà là Ủy viên Bộ Chính trị Ủy ban Trung ương và được hưởng đãi ngộ như phó lãnh đạo cấp quốc gia.
Bà Bành chỉ đang học theo ‘đệ nhất phu nhân’ phương Tây?
Về động thái gần đây của bà Bành Lệ Viên, cựu biên tập điều hành tạp chí “Khai Phóng” (Open Magazine) của Hồng Kông, bà Thái Vịnh Mai (Cai Yongmei) cho biết trong một cuộc phỏng vấn với RFA rằng, có lẽ bà Bành Lệ Viên chỉ đang học hỏi các “đệ nhất phu nhân” của phương Tây. Cụ thể là làm từ thiện và sự nghiệp văn hóa, và giúp chồng tham gia hoạt động ngoại giao quốc tế. Bởi vì muốn làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị thì phải từng bước một, làm sao có thể làm Ủy viên Thường vụ nếu chưa từng làm Ủy viên Bộ Chính trị? Giả sử làm như vậy, nó chắc chắn sẽ gây ra rắc rối rất lớn cho ông Tập Cận Bình, và nó cũng sẽ khiến cả thế giới liên tưởng đến bà Giang Thanh.
Bà Thái Vịnh Mai cho rằng, bà Bành không có năng lực chính trị gì, và chỉ là ca sĩ. Chẳng qua là phu quân của bà Bành có thân phận đặc biệt, và bà cũng muốn đóng một vai trò như “đệ nhất phu nhân” của phương Tây. Nếu bà Bành trở thành Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị thì sẽ khiến xã hội sôi sục, ông Tập sẽ càng mất điểm.
Ông Tập sẽ đưa vợ vào chính trường giống như Mao trước đây?
Ông Tống Vĩnh Nghị (Song Yongyi) là chuyên gia nghiên cứu về Đại Cách mạng Văn hóa Trung Quốc, hiện là Giáo sư tại Đại học Bang California, Los Angeles (UCLA) của Mỹ. Ông đã phân tích lý do tại sao các cựu lãnh đạo ĐCSTQ Lưu Thiếu Kỳ, Khang Sinh, Mao Trạch Đông không thể thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn này, đó là để vợ tham gia chính trường.
“Thân phận của họ là phu nhân của lãnh đạo tối cao, chính là người đại diện của lãnh đạo tối cao. Một khi họ tham gia chính trường thì đương nhiên sẽ có địa vị chẳng khác gì ủy viên thường vụ hay phó chủ tịch. Hiện tượng này có từ đâu? Đó không phải là thông lệ trong phong trào cộng sản quốc tế, cả Marx và Lenin đều không cho phép vợ mình tham gia chính trị”, ông nói.
Ông Tống cũng nói rằng, xu hướng chủ đạo trong lịch sử Trung Quốc là hoàng hậu không được tham gia vào chính trị. “Việc họ tham dự chính trị sẽ chỉ gây rắc rối cho chính trị quốc gia, không có lợi ích gì. Liệu bà Bành Lệ Viên có phát triển theo hướng này? Tôi nghĩ rằng hiện nay có dấu hiệu, vẫn chưa thể nói là đã đạt đến mức độ đó. Theo quan điểm cá nhân tôi, Tập Cận Bình đã bước vào vòng tuần hoàn ác tính giống như Mao Trạch Đông trong những năm cuối đời”.
Giáo sư cho rằng, cả hai ông Tập và Mao đều có chứng ngờ vực vô căn cứ. Năm đó khi khởi xướng Đại Cách mạng Văn hóa, cơ sở lý luận chủ yếu của Mao Trạch Đông là nghi ngờ những người xung quanh như Lưu Thiếu Kỳ, Hạ Long… muốn đảo chính. Tuy nhiên, Đại Cách mạng Văn hóa đã qua đi 55 năm, tất cả các hồ sơ đã được giải mật, không có ai muốn đảo chính ngoài chính bản thân Mao. Khi kẻ độc tài bước đến cuối cùng, họ không tin ai ngoài vợ mình.
Cũng có cư dân mạng bình luận rằng có khả năng ông Tập Cận Bình sẽ đẩy bà Bành Lệ Viên lên sân khấu và đảm nhiệm chức vụ nào đó sau khi ông tái đắc cử vào năm sau, tuy nhiên đó không nhất thiết là mong muốn của cá nhân bà Bành.
Những gì mà Giang Thanh – vợ của Mao Trạch Đông đã làm trong Đại Cách mạng Văn hóa thực sự là đại nghịch bất đạo. Sau khi ĐCSTQ cải cách mở cửa, phu nhân của các cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào đều không có chức vụ gì nổi bật. Vậy đến thời ông Tập, trong tương lai phu nhân Bành Lệ Viên có tham gia chính trường hay không, chúng ta hãy chờ xem.
Đông Phương