24-11-2021
Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 vừa bế mạc. Trên báo Tuổi trẻ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Hạnh phúc không phải chỉ là nhiều tiền lắm của”.
Đúng và đúng nhất với người đã, đang có lắm của nhiều tiền. Còn với người nghèo, chạy ăn từng bữa, nhà cửa đi thuê thì hạnh phúc đầu tiên là tiền đâu. Họ chỉ cần không phải lo sợ, hồi hộp tiền chợ, tiền trọ, tiền học cho con cái là ngất ngây ngút ngàn!
Báo “trẻ tuổi” cũng rút tựa: “Chấn hưng văn hóa, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội”.
Đúng và để thúc đẩy nổi cái gọi là “chấn hưng văn hóa” ấy, cần gọi tên từng mảng: chấn hưng văn hóa trong chính trị mà cụ thể là văn hóa của cán bộ – lãnh đạo; chấn hưng văn hóa trong kinh tế mà cụ thể là văn hóa của doanh nhân; chấn hưng văn hóa trong giáo dục, y tế, văn hóa…
Nói tới đây mới nhớ Bản kiến nghị chấn hưng giáo dục của giáo sư Hoàng Tụy và 23 giáo sư khả kính trình lên Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2004, đến nay vẫn… im lìm trên giá gỗ. Vậy sau Hội nghị Diên Hồng hôm nay, gác tay lên trán, liệu tới ngày trán nhăn nheo, da đổ đồi mồi có được nghe tiếng đồng thanh vọng lại?
Viết tới đây mới giật mình khi liếc qua bản tin bắt bớ chiều nay, cán bộ lại dính đất, lãnh đạo y tế lại dính đấu thầu thiết bị…
Đền đài, tòa tháp, công viên… là thành tựu của văn minh. Còn cách con người ứng xử với con người, con người đối đãi với thiên nhiên, con người tôn trọng cái thành tựu đã trở thành di sản ấy chính là văn hóa.
Đất đai vốn sở hữu toàn dân, nhà nước được giao cho trọng trách quản lý, mà sao các quan nhà nước lại đối đãi với đất như thể… vô chủ, phi sở hữu nhân dân đến thế? Máy móc thiết bị, nguyên vật liệu y tế nhằm phục vụ chữa bệnh cho con người, sao các cán bộ chuyên môn lại “thao tác” như thể chỉ ai “sáng mắt” mới vào bệnh viện để “chữa mù”? Những dòng chảy bị… nắn, tức nước bên này thì vỡ bờ bên kia; hay những cánh rừng phía tây, phía đông dần trụi lá, trất gốc, chỉ một trận mưa dài là núi non sạt lở. Ai đó quơ quào mà đổ tội hết cho mưa, như thể ông trời mới vừa sai phái… Thủy Tinh hạ giới!
Con người – ẩn dưới những lớp áo chức danh, vị trí, công việc lại đối với con người trong sự giả dối, hình thức, rỗng tuếch thì liệu, công cuộc “chấn hưng văn hóa” – sẽ bắt đầu từ đâu để nó… thật nhất có thể, để phép ứng xử thực tiễn -biểu hiện điển hình nhất của văn hóa (theo giáo sư Hồ Ngọc Đại) – phải lấy đức tính trung thực làm đầu, làm căn bản của mọi căn tính.
Và liệu trong cuộc “chấn hưng văn hóa” Việt Nam lần này, “người ta chỉ có thể trở thành phong phú và cường tráng chính bằng khả năng hội nhập được với cái khác mình” – (theo nhà văn Nguyên Ngọc) mà minh định và chấp nhận, phế bỏ cả cái “giống mình”, “là mình” nhưng không còn phù hợp và tôn trọng cái khác biệt với mình để đi tới, “bản sắc mới được hình thành trong chính quá trình tiếp nhận thành công đó” – (theo nhà văn Nguyên Ngọc).
Học để làm một Con Người Tự Do. Sự tự do khi không có văn hóa sẽ là “thứ tự do hoang dã” (theo nhà giáo Giản Tư Trung).
Vậy “chấn hưng văn hóa” để mang lại cho xã hội này một bình nguyên tự do hay… chỉ còn là một đám đông hoang dã?