Vào ngày 5/11, một tòa án Mỹ đã kết tội Từ Diên Quân, một quan chức của Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc, vì âm mưu đánh cắp bí mật thương mại từ một số công ty hàng không và vũ trụ của Mỹ. Vụ việc này cho thấy Bắc Kinh đang làm bất cứ điều gì để có được công nghệ tiên tiến nhằm hiện thực giấc mơ bá chủ toàn cầu, theo Epoch Times.
Người đứng đầu bộ phận phản gián Cục Điều tra Liên bang (FBI), miền nam Ohio, đã làm chứng trong phiên tòa rằng trước cuộc gặp với một kỹ sư hàng không của General Electric (GE) vào năm 2017, Từ Diên Quân đã tải xuống 200 bức ảnh gia đình của người này để buộc kỹ sư này phải làm gián điệp cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Các quan chức phản gián Hoa Kỳ đã đánh lừa được Từ Diên Quân rời khỏi Trung Quốc vào năm 2018. Sau đó Từ bị bắt tại Bỉ và bị dẫn độ sang Hoa Kỳ để xét xử với tội danh cố gắng đánh cắp công nghệ động cơ máy bay tiên tiến mà quân đội của ĐCSTQ đang cố gắng phát triển.
Đây chỉ là vụ việc mới nhất trong một loạt các hoạt động gián điệp của Bắc Kinh nhằm đánh cắp bí mật công nghiệp và quân sự từ Hoa Kỳ và các nước đồng minh, đối tác, và thậm chí từ Nga để quân đội ĐCSTQ xây dựng một kho vũ khí tối tân.
Trợ lý giám đốc đơn vị phản gián của FBI, Alan E. Kohler Jr., cho biết hành động của Từ Diên Quân là một dạng “gián điệp kinh tế được nhà nước bảo trợ”.
Bí mật quân sự không phải là mục tiêu duy nhất của ĐCSTQ. Cơ quan phản gián hàng đầu của Mỹ ước tính rằng Bắc Kinh đã đánh cắp các bí mật kinh tế trị giá 200 đến 600 tỷ USD của Hoa Kỳ mỗi năm.
Vào ngày Từ Diên Quân bị kết án, ông Kohler nói: “Đây phải là một lời cảnh tỉnh cho những ai nghi ngờ mục tiêu thực sự của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; họ đang đánh cắp công nghệ của Mỹ để làm lợi cho nền kinh tế và quân sự của họ”.
Bộ An ninh Quốc gia (MSS) của ĐCSTQ đã sử dụng ba phương pháp bổ sung để đánh cắp hoặc lấy các bí mật quân sự và công nghiệp của Hoa Kỳ.
Phương pháp thứ nhất, ĐCSTQ tìm cách tuyển dụng công dân nước ngoài làm gián điệp cho họ.
Phương pháp thứ hai, ĐCSTQ sử dụng những người thu thập thông tin tình báo phi truyền thống, chẳng hạn như sinh viên hoặc học giả, những người này không phải là quan chức tình báo thực sự, nhưng có thể truy cập các tài liệu nhạy cảm hoặc bí mật thông qua công việc của họ.
Phương pháp thứ ba, Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc sử dụng các cuộc tấn công mạng để đánh cắp các tài liệu trong lĩnh vực công nghiệp, tài liệu cá nhân, các tài liệu trong lĩnh vực kinh tế, quân sự của nước ngoài.
Theo Luật An ninh Quốc gia Trung Quốc, mọi công dân và công ty Trung Quốc có nghĩa vụ hợp tác với ĐCSTQ về các vấn đề an ninh quốc gia. Trên thực tế, điều này có nghĩa là các công ty Trung Quốc kinh doanh với các công ty nước ngoài phải chia sẻ bất kỳ công nghệ hoặc thông tin nào họ có được với quân đội hoặc cơ quan tình báo ĐCSTQ.
Tương tự, các nhà nghiên cứu và nghiên cứu sinh tham gia vào các dự án khoa học, công nghệ, kỹ thuật hoặc toán học cũng cần phải chia sẻ kết quả nghiên cứu của họ với Bắc Kinh.
Các công ty Mỹ luôn đứng đầu trong danh sách các mục tiêu mà ĐCSTQ muốn tấn công, nhưng các quốc gia được coi là bạn với Bắc Kinh cũng không an toàn. Đầu năm nay, có thông tin cho rằng Viện thiết kế hàng hải trung ương Rubin, một trong những đơn vị thiết kế tàu ngầm chính của Nga, đã bị tin tặc Trung Quốc tấn công. Năm 2012, hai học giả Nga đã bị bỏ tù vì chuyển thông tin về tên lửa hạt nhân cho cơ quan tình báo ĐCSTQ.
Vào năm 2018, Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ lúc đó là Jeff Sessions đã khởi động “Sáng kiến Trung Quốc”, đây là một phần cốt lõi trong lập trường cứng rắn của chính quyền Trump đối với ĐCSTQ.
Vào ngày 11 tháng 5 năm 2020, Lý Hiểu Giang (Xiao-Jiang Li), một nhà sinh vật học người Mỹ gốc Hoa và là cựu giáo sư Đại học Emory, bị kết tội che giấu việc nhận tiền từ chính phủ ĐCSTQ và khai thuế sai lệch, bản án đã được xác nhận và yêu cầu hoàn trả 35.089 USD tiền bồi thường. Ông là người tham gia “Chương trình ngàn nhân tài” của ĐCSTQ.
Theo một báo cáo năm 2019 của Thượng viện Hoa Kỳ, kế hoạch của ĐCSTQ là đánh cắp các kết quả nghiên cứu nhạy cảm của Hoa Kỳ.
Vào tháng 5 năm nay, giáo sư và học giả nghiên cứu về bệnh thấp khớp tại Đại học bang Ohio, Trịnh Tống Quốc (Song Guo Zheng) đã bị cáo buộc có quan hệ mật thiết với ĐCSTQ. Ông Trịnh đã khai báo gian dối với cục liên bang về việc gian lận tài trợ nghiên cứu miễn dịch học, và bị kết án 37 tháng tù.
Sau khi Trịnh Tống Quốc bị kết án, các công tố viên nói rằng họ hy vọng số phận của ông ta có thể gửi một thông điệp đến các học giả khác. “Chúng tôi hy vọng rằng việc ông Trịnh bị bỏ tù sẽ ngăn cản những người khác có bất kỳ mối quan hệ nào với cái gọi là ‘Chương trình Ngàn Nhân tài’ của Trung Quốc hoặc bất kỳ biến thể nào của nó” ông Vipal J. Patel, quyền luật sư Hoa Kỳ cho Quận phía Nam của Ohio cho biết.
Charles Lieber, cựu trưởng khoa Hóa học tại Đại học Harvard, là người tiên phong trong lĩnh vực khoa học nano. Ông bị bắt vào tháng 1 năm 2020 và bị cáo buộc nói dối chính quyền Hoa Kỳ về việc tham gia vào chương trình tuyển dụng nhân tài của Trung Quốc và liên kết của ông với Đại học Công nghệ Vũ Hán.
Ông Lieber bị buộc tội trình bày sai sự thật về mối quan hệ của mình với chương trình tuyển dụng của ĐCSTQ và che giấu các khoản tiền nhận được từ chính phủ ĐCSTQ.