Triều Tiên: Người dân bị cấm cười, cấm uống rượu nhân ngày tưởng niệm Kim Jong-il qua đời

Minh Anh

Triều Tiên: Người dân bị cấm cười, cấm uống rượu nhân ngày tưởng niệm Kim Jong-il qua đời
Một nhóm người Hàn Quốc biểu tình phản đối chính quyền Kim Jong-il. (Ảnh Jung Yeon-Je / AFP / Getty)

Triều Tiên đang tổ chức quốc tang 11 ngày để tưởng niệm 10 năm ngày mất của cựu Chủ tịch Kim Jong-il. Trong thời gian này, người dân bị cấm uống rượu, cấm cười, v.v. Ngoài ra, cảnh sát cũng được huy động để bắt những người vi phạm quy định.

Theo Đài Á Châu Tự Do (RFA) đưa tin, để tưởng niệm 10 năm ngày mất của cựu lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong-il, người dân địa phương cũng bị “cấm vui chơi giải trí”. Thậm chí trong ngày Kim Jong-il qua đời 17/12, người dân Triều Tiên bị cấm đến cửa hàng tạp hóa mua đồ.

Một người Triều Tiên đến từ Sinuiju, một thành phố ở biên giới phía đông bắc, nói với RFA rằng: “Trong thời gian diễn ra quốc tang, chúng tôi không được uống rượu, không được cười hay tham gia các hoạt động giải trí”. “Trong thời gian này, ngay cả gia đình có người chết cũng không được khóc lớn và cũng không được tổ chức sinh nhật”.

Kim Jong-il đã cai trị Triều Tiên từ năm 1994 cho đến khi qua đời vì một cơn đau tim vào năm 2011. Ông là cha của nhà lãnh đạo tối cao hiện nay Kim Jong-un. Những năm trước, ngày giỗ của ông được để tang 10 ngày, nhưng năm nay đã tăng lên 11 ngày.

Thời kỳ cai trị của Kim Jong-il là một trong những thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử Triều Tiên – nạn đói vào giữa những năm 1990 đã bị các quan chức Triều Tiên tuyên truyền là “Tháng Ba khó khăn”. Theo ước tính, nạn đói kéo dài 4 năm vào thời điểm đó đã khiến 3,5 triệu người tử vong.

“Trước đây, rất nhiều người uống rượu hoặc say xỉn trong thời gian quốc tang đã bị bắt và bị xem như tội phạm hình thái ý thức. Một khi họ bị bắt thì sẽ không bao giờ còn gặp lại họ”, nguồn tin cho biết.

RFA dẫn lời một nguồn tin giấu tên khác cho biết: “Từ ngày đầu tiên của tháng 12, cảnh sát đã nhận trách nhiệm đặc biệt, truy quét những người gây rối làm ảnh hưởng đến quốc tang”. “Đối với cảnh sát, đây là một nhiệm vụ đặc biệt trong một tháng. Tôi nghe nói rằng các nhân viên thực thi pháp luật thậm chí không thể ngủ được”.

Trong thời gian này, người dân Triều Tiên còn phải chi thêm tiền để chăm sóc những người đói nghèo, bao gồm cả những người ăn xin trên đường phố. Do đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) và ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt kinh tế của quốc tế, Triều Tiên hiện đang thiếu lương thực trầm trọng, điều này làm dấy lên lo ngại về một đợt “Tháng Ba khó khăn” thứ hai sẽ xảy ra.

Bất chấp căng thẳng kinh tế, Triều Tiên vẫn tổ chức các hoạt động quốc tang một cách phô trương, bao gồm triển lãm nghệ thuật về Kim Jong-il, các buổi hòa nhạc kỷ niệm và triển lãm hoa mang tên ông.

Tuy nhiên, một số người dân địa phương đã dũng cảm giấu tên phản đối, nói rằng thời gian để tang đã khiến cuộc sống hàng ngày của họ bị gián đoạn nghiêm trọng.

“Tôi chỉ hy vọng thời gian để tang Kim Jong-il có thể rút ngắn xuống còn một tuần, giống như thời gian để tang Kim Nhật Thành”, RFA dẫn lời một người cho biết, “Người dân oán than rằng, những người sống bị buộc phải để tang hai người chết này cho đến chết”.

Khi Kim Jong-il qua đời, cả thế giới đã phát sóng cảnh tượng người dân Triều Tiên “khóc nức nở, đau khổ không muốn sống”. Truyền thông nhà nước Triều Tiên khi đó cho biết, hàng triệu người dân Triều Tiên đang “chìm trong nỗi buồn khôn tả”.

Minh Anh 

Theo The Epoch Times

Related posts