Úc: Ứng cử viên Thượng viện bị từ chối chạy biển quảng cáo vì các công ty lo ngại Bắc Kinh

Daniel Y. Teng

Một người đi ngang qua một biển quảng cáo dọc theo một con phố ở Sydney, Úc hôm 21/07/2020. (Ảnh: Peter Parks/AFP/Getty Images) Đông Dương

Quảng cáo chỉ trích Trung Quốc hoặc Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể bị cấm chạy trên bất kỳ biển quảng cáo nào ở Úc, theo một đoạn ghi âm của ứng cử viên Thượng viện và nhà hoạt động sinh viên Drew Pavlou.

Trong đoạn ghi âm được đăng trên tài khoản Twitter của anh Pavlou, một đại diện quảng cáo giải thích lý do tại sao công ty làm biển quảng cáo của ông từ chối một chiến dịch trị giá 3,000 AUD (2,152 USD) — quảng bá các tác phẩm của nghệ sĩ bất đồng chính kiến ​​Badiucao, người có quan điểm chỉ trích về Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh.


“Điều đã xảy ra là tất cả các giám đốc điều hành đã cùng đi đến quyết định chung về vấn đề này. Thực tế là với số tiền 3,000 USD mà anh chuẩn bị bỏ ra, rủi ro liên quan đến ngành công nghiệp của chúng tôi vì có nguồn cung ứng các biển quảng cáo và thép đến từ Trung Quốc — đó là nguồn gốc của tất cả — không đáng với số tiền anh sẽ bỏ ra,” người đại diện này nói với anh Pavlou.

“Ngay cả khi anh bỏ ra 100,000 USD chứ không phải 3,000 USD thì nó vẫn không đáng, vì vậy cuối cùng, giám đốc điều hành của Goa đã liên lạc với ông Brad Bishopp [giám đốc điều hành của Bishopp Outdoor Advertising] và nói, ‘Này anh, tôi thực sự lo lắng cho ngành công nghiệp của chúng ta nếu chúng ta chạy thông điệp chống Trung Quốc này,” ông cho biết thêm.

Người đại diện giải thích rằng ngành công nghiệp quảng cáo ở Úc phụ thuộc rất nhiều vào các nhà máy Trung Quốc để cung cấp vật liệu cho các biển quảng cáo của họ, và việc quảng cáo công khai chỉ trích Bắc Kinh có thể có hậu quả, bao gồm cả việc cắt giảm chuỗi cung ứng của họ hoặc “các rủi ro an ninh mạng”.

Ông cũng chỉ ra rằng các giám đốc điều hành của Goa và Bishopp là người trong Hiệp hội Truyền thông Ngoài trời, cơ quan hàng đầu của ngành biển quảng cáo, đại diện cho tất cả các công ty lớn trong nước.

Ông nói, “Anh sẽ không thể đặt bất kỳ biển quảng cáo nào tại bất kỳ công ty nào ở Úc với bất kỳ thông điệp nào chống Trung Quốc.”

Anh Pavlou đã cố gắng giải thích rằng nội dung quảng cáo của anh “không phải nội dung gì cực đoan” và là “chính sách của chính phủ Hoa Kỳ, Anh Quốc, và Úc.”

Tuy nhiên, người đại diện bán hàng này không thể giúp gì nhiều.

The Epoch Times đã liên lạc với Hiệp hội Truyền thông Ngoài trời và Bishopp Outdoor Advertising để yêu cầu bình luận nhưng không nhận được bất kỳ phản hồi nào vào thời điểm phát hành bản tin này.

Anh Pavlou đang gây dựng sự ủng hộ cho lần tranh cử vào Quốc hội tại cuộc bầu cử liên bang tiếp theo và đang lựa chọn các ứng cử viên cho Đảng Liên minh Dân chủ của mình.

Sinh viên này đã gây chú ý vào năm 2020 sau khi bị Đại học Queensland đình chỉ học vì tham gia vào các cuộc biểu tình trong khuôn viên trường chống lại ĐCSTQ trong khoảng thời gian diễn ra các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ lớn ở Hồng Kông.

Trong khi đó, vấn đề các hãng thông tấn chạy các dòng xã luận chỉ trích Bắc Kinh bị đe dọa không phải là điều mới.

Năm ngoái, các phát ngôn viên của The Epoch Times ấn bản Hoa ngữ đã tiết lộ trong một phiên điều trần tại Thượng viện Úc rằng một số nhà quảng cáo phải đối mặt với áp lực cắt đứt quan hệ với hãng thông tấn, đôi khi dưới dạng bị đe dọa công khai và khi khác là do lo ngại việc kinh doanh với The Epoch Times có thể làm phật lòng các cá nhân ở Trung Quốc.

Một số ví dụ bao gồm một cơ quan du lịch tiểu bang của Úc và các doanh nghiệp xe hơi lớn ra lệnh tránh xa việc quảng cáo trên các nền tảng “nhạy cảm”.

Trong một vụ việc khác, một công ty luật có trụ sở tại Sydney đã hủy quảng cáo của mình với The Epoch Times sau khi tham dự một sự kiện cũng có sự tham dự của Lãnh sự quán Trung Quốc ở Sydney.

Minh Ngọc biên dịch

Related posts