Trọng Nghĩa
Bất chấp Covid hoành hành, nhờ quyết tâm của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người Pháp nhìn chung đã có được một lễ Giáng Sinh yên lành, không bị các biện pháp phòng dịch hạn chế. Thế nhưng, với số ca nhiễm kỷ lục hơn 104.000 trường hợp ghi nhận hôm 25/12/2021, mà thủ phạm được cho là biến thể Omicron, tổng thống Macron một lần nữa không thể chần chờ, mà sẽ bị buộc phải tuân theo điều mà nhật báo Pháp Le Monde ngày 27/12 gọi là “một chương trình nghị sự do đại dịch quy định”.
Câu hỏi đặt ra là đối mặt với “đợt sóng thần Omicron” đang chồng lên làn sóng của biến thể Delta, chính quyền Pháp phải chọn giải pháp nào, phong tỏa hẳn đất nước như vào tháng Ba năm ngoái, hay áp dụng những biện pháp cục bộ, như giới hạn số người trong các cửa hàng và nơi gặp mặt, đóng cửa các quán bar và nhà hàng, tái lập giới nghiêm…?
Dẫu sao thì theo các nhà quan sát, trong bối cảnh kinh tế Pháp đang cố gắng hồi phục sau các đợt đại dịch vừa qua, và với cuộc bầu cử tổng thống 2022 gần kề, các biện pháp mà ông Macron ban hành phải đạt được ba tiêu chuẩn: vừa kềm hãm được dịch bệnh, vừa cho phép kinh tế vận hành, vừa không mất lòng dân.
Một hướng đi rõ ràng đã được chính phủ Pháp khẳng định trong những ngày qua : tăng tốc độ tiêm chủng, và dù không nói ra, bắt buộc mọi người dân tiêm chủng. Dự luật thay thế chứng nhận y tế thành chứng nhận tiêm chủng mà Hội Đồng Bộ Trưởng Pháp cấp tốc xem xét vào hôm nay để sớm trình ra Quốc Hội chính là nhắm vào mục tiêu buộc mọi người tiêm chủng. Một khi luật về chứng nhận tiêm chủng có hiệu lực, những ai muốn vào nhà hàng, quán cà phê hay đi xem hát, đều phải được tiêm chủng đầy đủ, chứ giấy xác nhận âm tính với Covid-19 sẽ không còn đủ nữa.
Ngoài luật về chứng nhận tiêm chủng, chính quyền Pháp rất có thể sẽ bổ sung thêm một số biện pháp mạnh khác đang được các láng giềng như Đức thực hiện: tại một số nơi tụ tập đông người cụ thể, như tại các phòng trà khiêu vũ chẳng hạn, chứng nhận tiêm chủng cần kèm theo chứng nhận xét nghiêm âm tính với Covid-19. Trước mắt, để khỏi gây phẫn nộ trong dân chúng, chính quyền Pháp đã loại trừ khả năng áp dụng biện pháp mà Đức gọi là G2+ này đối với các quán bar và nhà hàng.
Chính phủ Pháp được cho là sẽ tiến tới một biện pháp cụ thể khác vừa có tác dụng kiềm hãm sức lây lan của Omicron, vừa không làm cho nền kinh tế tê liệt. Đó là rút ngắn thời hạn cách ly bắt buộc đối với những người có tiếp xúc với người nhiễm omicron – từ 7 đến 17 ngày.
Không thể loại trừ khả năng chính phủ Pháp phải dùng đến các biện pháp mạnh hơn, nhất là khi, như lời phát ngôn viên chính phủ Gabriel Attal ngày 21 tháng 12, “dịch bệnh bùng phát trở lại rất mạnh”.
Sau khi vượt mốc 100.000 người bị lây nhiễm Covid-19 hàng ngày vào ngày 25/12 – điều chưa từng thấy kể từ khi bắt đầu đại dịch – mọi thứ đều cho thấy rằng đã có tình trạng bùng phát trở lại rất mạnh.
Thế nhưng, đối mặt với một loại virus tiếp tục phát triển và phá vỡ các mô hình dự doán của các nhà khoa học, chính phủ hy vọng sẽ tránh được viễn cảnh cuối cùng là áp đặt phong tỏa hoặc đóng cửa các cửa hàng và nhà hàng, mà một số quốc gia đã làm như Hà Lan, Đan Mạch hoặc Bỉ.
Trước mắt, chính phủ Pháp có vẻ an tâm sau những thông tin chưa đầy đủ từ Nam Phi và Vương quốc Anh dường như xác nhận Omicron có khả năng lây lan cực mạnh, nhưng độc lực thấp hơn, và biến thể mới này sẽ nhanh chóng lùi bước.