Tin thế giới chiều thứ Năm

Khảo sát: ĐCSTQ khiến gần 60% người Hồng Kông chán nản, hơn 20% muốn ra đi

Kha Đạt

Biển người Hồng Kông xuống đường vào năm 2019 biểu tình đòi quyền dân chủ, phản đối ĐCSTQ (ảnh: Youtube/Vox).

Luật An ninh của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã khiến người dân Hồng Kông mất thêm quyền tự do bầu cử, hội họp, ngôn luận và báo chí trong năm qua. Một cuộc thăm dò gần đây của Đảng Dân chủ Hồng Kông cho thấy 58% người được hỏi nói rằng họ không còn thích cuộc sống tại quê nhà, 22% người nói rằng họ muốn ra nước ngoài.

Cuộc khảo sát của Đảng Dân chủ Hồng Kông được thực hiện từ ngày 14 đến ngày 24 tháng 12 năm 2021. Cuộc khảo sát đã hỏi thông qua điện thoại 534 người dân Hồng Kông. Dựa trên kết quả của cuộc khảo sát này, Đảng Dân chủ kêu gọi Chính quyền Hồng Kông xem xét lại việc điều hành của mình.

Người phát ngôn chính sách kinh tế của Đảng Dân chủ, Chen Baoming, tin rằng kết quả khảo sát phản ánh rằng chính quyền Hồng Kông phải xem lại các tiêu chuẩn và hướng dẫn chính sách của mình, bao gồm cách quản trị và cách xây dựng sự liêm chính trong nhân dân.

Chen nêu ví dụ, khi chính quyền Hồng Kông kêu gọi công dân tiêm vaccine phòng chống Covid, các quan chức nói rằng 70% người dân tiêm chủng là đủ để đạt được hiệu quả chống dịch, nhưng khi số người dân tiêm vaccine vượt quá con số này, họ vẫn tiếp tục thúc giục người dân tiêm phòng. Giới chức Hồng Kông cũng quy định rằng nhiều nơi được phép trở lại cuộc sống bình thường, nhưng lại không cho người dân tập trung tại các điểm bỏ phiếu ở những nơi đó. Chen cho rằng “các tiêu chuẩn kép [như vậy của chính quyền] thường xuyên gây khó hiểu” cho người dân.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy 43% người nói rằng quyền tự do cá nhân của họ đã bị hạn chế so với trước năm 1997. Chen Baoming nói rằng các cuộc điều tra khác nhau có chung kết quả là, người dân Hồng Kông cho rằng quyền tự do báo chí của hòn đảo tiếp tục bị thu hẹp vào năm 2021.

Theo Chen, Hồng Kông đã thay đổi từ “Người Hồng Kông quản lý Hồng Kông” trong quá khứ thành “Những người yêu nước cai trị Hồng Kông”. “Những người yêu nước” ở đây được công chúng hiểu rằng là những người yêu ĐCSTQ.

Chen cho rằng cuộc khảo sát đã kịp thời phản ánh quan điểm của công chúng về “Một quốc gia, hai hệ thống” dưới quyền “Những người yêu nước cai trị Hồng Kông ”.

Theo Sound of Hope

Người dân yêu cầu đài NBC ngừng phát sóng Olympic Bắc Kinh

Phụng Nghi

Người biểu tình yêu cầu đài NBC không đưa tin về Olympic Bắc Kinh 2022 (ảnh: Chụp màn hình Breitbart)

Người dân từ các cộng đồng Tây Tạng, Hồng Kông, Mông Cổ và Kazakhstan cùng những người ủng hộ họ đã tập hợp bên ngoài trụ sở NBC vào hôm 4/1 để yêu cầu hãng truyền thông này ngừng đưa tin về Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022.

Hôm thứ Ba (4/1), Hàng chục tổ chức đại diện cho các nạn nhân của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trên khắp thế giới đã tổ chức “ngày hành động toàn cầu” để yêu cầu tẩy chay Olympic Bắc Kinh 2022.

Họ cho rằng vì chính quyền Trung Quốc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nên kêu gọi Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) chuyển địa điểm tổ chức sự kiện, yêu cầu NBC không đưa tin về Thế vận hội Bắc Kinh, các nhà tài trợ rút lui và các vận động viên không tham gia sự kiện thể thao này.

Ngawang Tashi, phó chủ tịch Ủy ban Tây Tạng Hoa Kỳ, nói với Breitbart News trong một email hôm thứ Ba rằng: “Chúng tôi đang yêu cầu Ủy ban [Olympic] quốc tế di dời địa điểm bằng bất cứ giá nào, vì địa điểm đã chọn là không cần thiết”.

Trong số các tổ chức tham gia cuộc biểu tình ở New York hôm thứ Ba có Ủy ban Tây Tạng Hoa Kỳ, Sinh viên vì một Tây Tạng tự do, NY4HK, Hỗ trợ Phong trào Dân chủ ở Miến Điện, Trung tâm Thông tin Nhân quyền Miền Nam Mông Cổ, và một số nhóm Đài Loan và Duy Ngô Nhĩ.

Tashi nói rằng ĐCSTQ “có lịch sử hơn 100 năm diệt chủng” và đàn áp độc tài đối với người dân của mình, “và một chính phủ như vậy [không] xứng đáng đăng cai các thế vận hội quốc tế như Thế vận hội Olympic.”

Tashi cho biết những người biểu tình sẽ “yêu cầu người dân thế giới và các nhà lãnh đạo trên thế giới tẩy chay Thế vận hội mùa đông ở Bắc Kinh này. Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh cho quyền lợi của mình và sẽ tẩy chay Thế vận hội Olympic 2022 ”.

Tashi cho biết thêm rằng những người biểu tình đã yêu cầu “NBC ngừng phát sóng và các nhà tài trợ rút lui khỏi Thế vận hội 2022”.

Theo Breitbart

Luật mới của Vương quốc Anh tăng giám sát đầu tư của ngoại quốc trong các vụ thâu tóm thù địch

Alexander Zhang

Ông Kwasi Kwarteng, ngoại trưởng phụ trách chiến lược kinh doanh, năng lượng và công nghiệp, tổ chức một cuộc thảo luận với Thị trưởng Thung lũng Tees Ben Houchen vào ngày thứ hai của Hội nghị Đảng Bảo thủ ở Manchester, hôm 04/10/2021. (Ảnh: Ian Forsyth/Getty Images)

Các công ty ngoại quốc sẽ gặp khó khăn hơn trong việc mua các doanh nghiệp Anh Quốc được coi là then chốt đối với an ninh quốc gia, vì luật mới của Vương Quốc Anh trao nhiều quyền lực hơn cho chính phủ Anh để giám sát đầu tư của ngoại quốc.

Đạo Luật An ninh Quốc gia và Đầu tư (luật mới của Vương Quốc Anh) có hiệu lực hôm 04/01, được cho là cải tổ lớn nhất của hệ thống an ninh quốc gia của Vương quốc Anh trong 20 năm.

Theo các quy định mới, chính phủ sẽ có thể xem xét kỹ lưỡng và can thiệp vào các thương vụ mua lại nhất định của bất kỳ ai – bao gồm cả các doanh nghiệp và nhà đầu tư – mà có thể gây tổn hại đến an ninh quốc gia của Vương quốc Anh.

Chính phủ sẽ có thể áp đặt các điều kiện nhất định đối với thương vụ mua lại hoặc nếu cần thiết, ngăn chặn nó, mặc dù các bộ trưởng cho biết những can thiệp như vậy sẽ rất hiếm và phần lớn các thương vụ sẽ có thể tiến hành mà không bị chậm trễ.

Bộ trưởng Kinh doanh Kwasi Kwarteng cho biết, “Vương quốc Anh nổi tiếng thế giới là một nơi hấp dẫn để đầu tư nhưng chúng tôi luôn rõ ràng rằng chúng tôi sẽ không ngần ngại can thiệp ở những nơi cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia của mình.”

Ông cho biết các quy tắc mới là “đơn giản và nhanh chóng” và sẽ mang lại cho mọi người ở Vương quốc Anh sự “yên tâm” rằng an ninh của họ vẫn là ưu tiên số một của chính phủ.

Các nhà đầu tư và doanh nghiệp ngoại quốc sẽ phải thông báo cho chính phủ nếu họ có kế hoạch mua bất kỳ phần nào của một doanh nghiệp Vương quốc Anh trong 17 lĩnh vực nhạy cảm của nền kinh tế mà có thể đe dọa an ninh quốc gia, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo và dịch vụ năng lượng hạt nhân.

Kế hoạch cho các quy tắc mới lần đầu tiên đã được công bố vào tháng 11 với việc ông Kwarteng đặt ra các yếu tố rủi ro mà ông ta sẽ tính đến.

Luật mới của Vương Quốc Anh sẽ được ban hành trên cơ sở hồi tố cho bất kỳ giao dịch nào được thực hiện kể từ hôm 12/11/2020 và đã được chính phủ viện dẫn về các giao dịch trong lĩnh vực quốc phòng được công bố vào đầu năm ngoái.

Vương quốc Anh không phải là quốc gia duy nhất tăng khả năng phòng thủ trước đầu tư thù địch của ngoại quốc. Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã ban hành hai quy định mới  vào tháng 01/2020 điều chỉnh cách chính phủ liên bang xem xét đầu tư của ngoại quốc.

Úc cũng đã cập nhật luật đầu tư ngoại quốc của mình, trao cho bộ trưởng Ngân khố quyền lực lớn hơn để xem xét kỹ lưỡng các hồ sơ mua lại từ ngoại quốc, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại xung quanh việc đầu tư của Trung Quốc vào tài sản của Úc.

Một nghiên cứu của Hà Lan được công bố vào năm 2020 cho thấy ĐCSTQ có ảnh hưởng từ mức độ trung bình đến cao đối với 40% các doanh nghiệp Âu Châu được các công ty Trung Quốc mua lại trong thập kỷ qua.

Alexander Zhang
Bình Hòa biên dịch

Pháp: TT Macron bị lên án sau bình luận gây tranh cãi về người chưa chích ngừa

An Nhiên biên dịch

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron làm cử chỉ tay khi trình bày trong một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Hungary tại Budapest hôm 13/12/2021. (Ảnh: Ludovic Marin/AFP/Getty Images)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bị các đối thủ chính trị lên án sau khi ông đưa ra một tuyên bố gây tranh cãi trong tuần này, nói rằng ông quyết tâm làm cho cuộc sống của những công dân Pháp từ chối chích ngừa virus Trung Cộng trở nên khốn đốn.

“Tôi không muốn chọc giận người Pháp… Nhưng giờ đây những người chưa chích ngừa, tôi thực sự muốn khiến họ tức giận. Và vì vậy, chúng ta sẽ tiếp tục làm như thế, cho đến khi kết thúc. Đây là chiến lược,” ông Macron nói trong một cuộc phỏng vấn với Le Parisien hôm thứ Ba (04/01).

Ông Macron tiếp tục nói rằng ông “sẽ không đẩy [những người chưa chích ngừa] vào tù,” nhưng ông sẽ làm cho cuộc sống của họ phức tạp hơn và khuyến khích những người chưa chích ngừa COVID-19 đi chích bằng cách “hạn chế nhiều nhất có thể quyền tiếp cận của họ đến các hoạt động trong đời sống xã hội.”

“Vì vậy, chúng ta cần nói với họ rằng – kể từ ngày 15/01, quý vị sẽ không thể đến nhà hàng nữa. Quý vị sẽ không còn có thể đi uống cà phê, quý vị sẽ không thể đi đến nhà hát được nữa. Quý vị cũng sẽ không thể đến rạp chiếu phim nữa.”

Một cuộc tranh luận tại quốc hội đề xướng một bộ quy tắc mới về virus Trung Cộng đối với những người chưa chích ngừa đã bị đình chỉ hôm thứ Tư (05/01), khi các nhà lập pháp đối lập cáo buộc ông Macron sử dụng ngôn ngữ gây chia rẽ, thúc giục vị tổng thống này giải thích về phát ngôn của mình.

“Một tổng thống không thể nói những điều như vậy,” ông Christian Jacob, chủ tịch đảng cánh hữu Les Republicans (Những người Cộng Hòa), nói với quốc hội khi họ thảo luận về một dự luật buộc người dân phải cho xem bằng chứng chích ngừa khi vào cửa nhiều địa điểm công cộng có không gian kín.

Đã có rất nhiều phản ứng đối với các bình luận của ông Macron – cả ủng hộ và phản đối. Những phát ngôn này cũng đến vào một thời điểm nhạy cảm, khi một cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào tháng Tư tới, trong đó ông ấy được kỳ vọng ​​sẽ tái tranh cử, mặc dù ông ấy vẫn chưa chính thức công bố liệu mình có tham gia tranh cử hay không.

Thủ tướng Jean Castex cho biết ông ủng hộ tổng thống khi trình bày trước Thượng viện hôm thứ Tư.

Thủ tướng Pháp Jean Castex tổ chức một cuộc họp báo về chiến lược hiện tại của chính phủ Pháp đối với đại dịch COVID-19 đang diễn ra, tại Paris, Pháp, hôm 18/03/2021. (Ảnh: Martin Bureau/Pool/Reuters)

Theo hãng thông tấn AFP, ông Castex nói rằng: “Nhận xét của tổng thống hoàn toàn phù hợp với những gì chúng tôi đã và đang làm” để giải quyết cuộc khủng hoảng đại dịch virus Trung Cộng và kêu gọi công dân Pháp đi chích ngừa.

Các quan chức chính phủ Pháp đã cam kết sẽ ban hành theo kế hoạch vào giữa tháng Một một dự luật để chặn những người chưa chích ngừa đến các địa điểm dịch vụ khách hàng, bất chấp việc đạo luật này đã nhanh chóng vấp phải một trở ngại về thủ tục trong quốc hội.

Cho đến nay, Pháp đã thực thi một [hệ thống] thẻ thông hành virus Trung Cộng, có nghĩa là để vào nhà hàng, quán cà phê hoặc rạp chiếu phim hoặc lên tàu, mọi người cần cho xem một kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 mới hoặc bằng chứng chích ngừa.

Dự luật này sẽ loại bỏ tùy chọn cung cấp một giấy xét nghiệm âm tính, ngăn cấm một cách hiệu quả những người chưa chích ngừa khỏi các địa điểm dịch vụ khách hàng hoặc các chuyến tàu.

Theo NTD News
An Nhiên biên dịch

Chuyên gia: ĐCSTQ chống độc quyền tư nhân, tạo ra độc quyền nhà nước

Đặng Trần

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh: Từ video của Youtube/Guardian News).

Thực hiện chính sách chống độc quyền, chính quyền Trung Quốc năm 2021 đã phạt hàng loạt công ty tư nhân, trong đó Alibaba bị phạt 18,23 tỷ nhân dân tệ (gần 2,9 tỷ USD), đứng đầu danh sách các công ty bị phạt, xếp thứ hai là Meituan với mức phạt 3,442 tỷ nhân dân tệ.

Một số chuyên gia chỉ ra rằng trong khi các doanh nghiệp tư nhân bị quản lý chặt, thì các doanh nghiệp nhà nước của ĐCSTQ liên tục sáp nhập thành các tập đoàn lớn. Người ta cho rằng đây là biểu hiện của “đảng tiến, dân lùi”.

Theo tới 21 Century Business Herald và The Beijing News, vào năm 2021, có 118 trường hợp doanh nghiệp Trung Quốc bị phạt vì vi phạm chính sách chống độc quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc đã thu về khoảng hơn 22 tỷ nhân dân tệ. Trong số đó, mức phạt mà Alibaba phải đóng chiếm 82.8% tổng số tiền phát.

Vào năm 2020, Alibaba và Meituan đã lọt vào 3 doanh nghiệp tư nhân hàng đầu trong danh sách “Hurun China 500”. Tuy nhiên, sau quy định “chống độc quyền” của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2021, giá cổ phiếu của hai công ty này trên thị trường chứng khoán Hong Kong đã giảm mạnh.

Trong số các công ty tư nhân Trung Quốc bị ĐCSTQ phạt trong năm 2021, số công ty hoạt động trong lĩnh vực Internet chiếm tới 75%. Các công ty bị phạt còn lại kinh doanh trong những lĩnh vực như giao thông vận tải, giáo dục, y tế, vật liệu xây dựng, năng lượng và công nghiệp hóa chất.

Dưới sự giám sát mạnh mẽ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chỉ số Công nghệ Hang Seng của các công ty Internet Trung Quốc đã giảm mạnh. Theo Epoch Times, vào ngày 30/12/2021, giá đóng cửa của cổ phiếu Alibaba là 109,9 đô la Hồng Kông, giảm 52,75% so với cùng kỳ năm 2020; cùng ngày, giá cổ phiếu của Tencent cũng giảm 21,38% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc chịu sự giám sát chống độc quyền nghiêm ngặt của ĐCSTQ, thì các nhà chức trách của ĐCSTQ đang khuyến khích và dẫn dắt việc sáp nhập các doanh nghiệp nhà nước để củng cố vị thế trên thị trường của họ.

Trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times, chuyên gia Trung Quốc Liao Shiming chỉ ra rằng trong khi ĐCSTQ sử dụng các biện pháp “chống độc quyền” để đàn áp các doanh nghiệp tư nhân, thì tổ chức này cũng đang tạo ra các doanh nghiệp nhà nước “độc quyền”, hình thành cái gọi là “đảng tiến, dân lùi”.

Liao Shiming cũng chỉ ra rằng dưới chế độ độc tài của ĐCSTQ, các chính sách điều tiết của tổ chức này là độc đoán, điều này thường vượt quá kỳ vọng của các nhà đầu tư. Liao đánh giá, “Rủi ro chính sách đã trở thành rủi ro lớn nhất mà các công ty tư nhân ở Trung Quốc phải đối mặt”.

Theo NTDTV

Related posts