Truyền thông Trung Quốc lặp lại các cáo buộc đổ lỗi cho Mỹ về bất ổn ở Kazakhstan

Nicole Hao

Một khung hình được chụp hôm 06/01/2022 từ một video AFPTV được thực hiện hôm 05/01/2022, cho thấy người biểu tình đụng độ với lực lượng an ninh của Kazakhstan trong một cuộc biểu tình ở thành phố lớn nhất đất nước Almaty vì tình trạng bất ổn chưa từng có ở quốc gia Trung Á mất kiểm soát do giá năng lượng tăng này. (Ảnh: Alexander Platonov/AFPTV/AFP/Getty Images)

Hôm 06/01, một trong những kênh truyền thông lớn nhất của Trung Quốc, tờ Tham Khảo Tiêu Tức (Reference News) do nhà nước điều hành, đã lặp lại các cáo buộc từ các nguồn truyền thông Nga rằng Hoa Kỳ là thế lực đứng sau tình trạng bất ổn ở Kazakhstan, khiến hàng chục người biểu tình và ít nhất 18 nhân viên thực thi pháp luật thiệt mạng.

Tham Khảo Tiêu Tức không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào chứng minh cho các tuyên bố của truyền thông Nga. Hoa Thịnh Đốn cũng đã bác bỏ các cáo buộc trên.

“Chúng tôi đang theo dõi những bản tin về các cuộc biểu tình ở Kazakhstan. Chúng tôi ủng hộ những lời kêu gọi giữ bình tĩnh, để người biểu tình biểu đạt bản thân một cách hòa bình, và các nhà chức trách thực hiện kiềm chế,” Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki nói với các phóng viên tại cuộc họp báo hôm 05/01. “Có một số tuyên bố điên rồ của Nga về việc Hoa Kỳ đứng sau chuyện này. Hãy để tôi nhân cơ hội này truyền đạt rằng điều đó hoàn toàn sai sự thật và rõ ràng là một phần của sách lược thông tin sai lệch tiêu chuẩn của Nga.”

Các cuộc biểu tình ở Kazakhstan đã được kích hoạt sau khi giá khí đốt ở vùng Mangistau tăng cao đột ngột. Tuy nhiên, hôm 04/01, các cuộc biểu tình đã leo thang khi những người biểu tình bắt đầu kêu gọi cựu tổng thống Nursultan Nazarbayev, người rời nhiệm sở vào năm 2019 sau 30 năm cầm quyền, rời đi. Ông Nazarbayev và các mạng lưới bảo trợ của ông vẫn được coi là đang kiểm soát phần lớn đất nước, với việc nhiều thành viên trong gia đình ông vẫn giữ các vị trí cao cấp xung quanh chính phủ.

Người biểu tình trên khắp đất nước đã đối đầu với cảnh sát chống bạo động Kazakhstan và Lực lượng Vệ binh Quốc gia với các cuộc đụng độ tầm cỡ nhất từng được biết đến xảy ra trên các đường phố của Almaty, thành phố lớn nhất của đất nước và là thủ đô cũ, nơi dinh tổng thống và văn phòng thống đốc đã bị phóng hỏa.

Hôm 05/01, Tổng thống Kazakhstan đương nhiệm Kassym-Jomart Tokayev đã yêu cầu liên minh quân sự gồm sáu quốc gia hậu Xô Viết do Nga dẫn đầu, Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), bao gồm Nga, Belarus, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, và Tajikistan — hỗ trợ khôi phục ổn định.

Ông Tokayev cũng đã đặt Kazakhstan trong tình trạng báo động khủng bố cao, ban bố lệnh giới nghiêm, cắt đứt liên lạc trên toàn quốc, mô tả những gì đang diễn ra trong nước là việc làm của “các tổ chức khủng bố” trong và ngoại quốc trong một bài diễn văn trên truyền hình hôm 07/01.

Truyền thông do ĐCSTQ kiểm soát bôi nhọ Hoa Kỳ

Cả hai hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, Tham Khảo Tiêu Tức và Thời báo Hoàn Cầu hôm 06/01 đều đăng các bài báo tuyên bố rằng Hoa Kỳ đứng sau “các cuộc bạo loạn” ở Kazakhstan. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng tình trạng bất ổn này là công việc nội bộ của Kazakhstan và Trung Quốc sẽ không can thiệp.

“Thật dễ dàng nhận thấy tham vọng địa chính trị của Hoa Kỳ và phương Tây từ cuộc bạo động này [ở Kazakhstan],” Tham Khảo Tiêu Tức đăng hôm 06/01. “Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ liên tục tăng cường sự kìm kẹp của mình đối với Nga và Trung Quốc.”

Bài báo của Tham Khảo Tiêu Tức cũng cho rằng tất cả các cuộc biểu tình chống chính phủ ở các nước hậu Xô Viết đều là do Hoa Kỳ và các nước phương Tây lên kế hoạch. Bài báo ​​cho rằng vì Kazakhstan, quốc gia lớn thứ chín thế giới tính theo diện tích đất liền, có liên hệ chặt chẽ với Nga và Trung Quốc, nên Kazakhstan là mục tiêu chính gây bất ổn từ phương Tây.

Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn Cầu khổ nhỏ do nhà nước điều hành tuyên bố trong bài báo hôm 06/01 rằng chính phủ Hoa Kỳ là thế lực đứng sau các cuộc biểu tình ở Kazakhstan, chỉ vì đại sứ quán Hoa Kỳ tại Kazakhstan đã cảnh báo công dân của mình về một cuộc biểu tình có thể xảy ra vào ngày 15/12/2021.

Tuy nhiên, thông báo của đại sứ quán chỉ đơn giản là cảnh báo người Mỹ rằng đảng đối lập Kazakhstan, Đảng Lựa chọn Dân chủ của Kazakhstan (DVK hoặc DCK), đã kêu gọi biểu tình hôm 16/12, đây là thông tin được công bố rộng rãi.

Hôm 06/01, ông Uông Văn Bân (Wang Wenbin), phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cũng bình luận về tình hình bất ổn ở Kazakhstan trong các cuộc họp báo. Ông cho biết những gì đang diễn ra là một phần công việc nội bộ của Kazakhstan và ĐCSTQ tin rằng chính phủ Kazakhstan có đủ năng lực để giải quyết vấn đề.

Ông Uông từ chối phúc đáp câu hỏi của các phóng viên về việc liệu Bắc Kinh có cân nhắc điều quân đội tới nước láng giềng phía tây của mình hay không, và phớt lờ các câu hỏi về việc chính phủ Kazakhstan yêu cầu CSTO giúp đỡ.

Hiện tại, không có mối liên hệ nào giữa những người biểu tình và chính phủ Hoa Kỳ, và chính phủ Kazakhstan cũng không tuyên bố có bất kỳ mối liên hệ nào giữa đôi bên.

Trong những thập niên vừa qua, Hoa Kỳ đã bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với một đất nước Kazakhstan hòa bình và tăng cường đầu tư tài chính vào quốc gia này.

Trong một diễn đàn kinh doanh trực tuyến hồi tháng 06/2021, ông Meirzhan Yusupov, chủ tịch của công ty quốc doanh Kazakh Invest, công ty thúc đẩy đầu tư ngoại quốc vào Kazakhstan, bày tỏ sự cảm kích của mình đối với Hoa Kỳ về các khoản đầu tư vào quốc gia Trung Á này.

Ông Yusupov cho biết: “Năm 2019, khối lượng đầu tư trực tiếp từ Hoa Kỳ đạt mức kỷ lục 5.5 tỷ USD, bằng một phần tư tổng vốn đầu tư vào đất nước.”

Theo diễn đàn này, các công ty Mỹ đã đầu tư gần 54 tỷ USD vào Kazakhstan trong ba thập niên vừa qua, và có hơn 600 công ty Mỹ đang hoạt động tại nước này tính đến tháng 06/2021.

Theo chinadialogue.net, năm 2019, Trung Quốc đã đầu tư 27.6 tỷ USD vào Kazakhstan, chủ yếu là trong lĩnh vực dầu khí.

Một bức ảnh cho thấy một động cơ xe cứu hỏa bị cháy trên một con phố ở trung tâm Almaty, Kazakhstan, hôm 06/01/2022. (Ảnh: Alexander Platonov/AFP/)

Các cuộc biểu tình

Các cuộc biểu tình, bắt đầu từ ngày 02/01/2022 ở miền tây đất nước tại thành phố Zhanaozen và vùng Mangistau, nổ ra như là một phản ứng với việc tăng giá nhiên liệu lên 120 tenge (27 xu), từ 60 tenge hồi năm ngoái (14 xu).

Giá xăng dầu của Kazakhstan trước đây đã được điều tiết và trợ cấp tại nước này. Tuy nhiên, năm 2019, chính phủ quyết định chuyển sang hệ thống định giá điện tử để chấm dứt trợ cấp cho khách hàng sử dụng khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) trong nước và thay vào đó cho phép thị trường quyết định giá thành.

Điều này có nghĩa là việc mua bán LPG trong nước giờ đây sẽ diễn ra trên các nền tảng giao dịch trực tuyến, và ở những khu vực có nhu cầu cao về nhiên liệu LPG — chẳng hạn như vùng Mangistau, nơi mà chính phủ ước tính rằng có ít nhất 70% số xe hơi chạy bằng loại nhiên liệu này — những khu vực đó chứng kiến giá cả tăng chóng mặt.

Tuy nhiên, chính phủ Kazakhstan phủ nhận rằng hệ thống định giá mới là nguyên nhân gây ra giá nhiên liệu [tăng cao] và cho rằng các nhà bán lẻ mới là nguồn gốc của việc giá tăng mạnh.

Bộ trưởng Năng lượng Magzum Mirzagaliyev cho biết trong một tuyên bố hôm 02/01 rằng không có gì sai với hệ thống mới và lỗi là ở các trạm xăng, nơi mà ông cho biết đã mua nhiên liệu LPG với giá 78 tenge (18 xu) mỗi lít nhưng đã bán lẻ với giá từ 100 đến 120 tenge, ở một mức dôi lên từ 25-50%.

Eurasianet đưa tin, ông Mirzagaliyev cho biết mức giá này “cao hơn dự kiến” và “cho chúng ta cơ sở để hoài nghi khả năng đầu cơ giá giữa các trạm xăng.” Ông cũng cho biết việc tăng giá là do nhu cầu về LPG tăng, bất chấp sản lượng trì trệ từ các công ty khí đốt trong khu vực, đồng thời lưu ý rằng cơ quan chống độc quyền quốc gia đang điều tra.

Bà Nicole Hao là một phóng viên sinh sống tại Hoa Thịnh Đốn. Bà chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Trước khi gia nhập Epoch Media Group hồi tháng 07/2009, bà từng là giám đốc sản phẩm toàn cầu cho một doanh nghiệp đường sắt ở Paris, Pháp.

Minh Ngọc biên dịch

Related posts