Anders Corr
‘Trung Quốc là nơi không thể đầu tư được’
Lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc đang trở nên không thể đầu tư vì nhiều lý do, đặc biệt là vì Bắc Kinh ghét chủ nghĩa tư bản. Đó là một quốc gia cộng sản và nhà lãnh đạo của họ, ông Tập Cận Bình, dường như là một tín đồ [cộng sản] thực sự và đang trên đường trở thành hoàng đế suốt đời.
Nhà đầu tư nổi tiếng của CNBC “Mad Money”, ông Jim Cramer, đã đưa ra những nhận định hôm 05/01, khi tin tức đổ về một đợt bán tháo lớn trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc. Ông ta gọi ông Tập là một “nhà độc tài toàn trị.”
Ông Cramer cho biết “không thể” ủng hộ việc đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc ở bất kỳ mức giá nào trong bối cảnh chiến tranh lạnh, lạm dụng nhân quyền, và sự coi thường cổ đông đang bùng phát.
Ông Cramer nói: “Tôi nghĩ rằng Chủ tịch Tập đã hoàn toàn xem thường chúng ta, xem thường các cổ đông và rất xem thường những người giàu có mà ông ấy cho là đe dọa quyền lực của mình.
Hôm 04/01, các quy định mới đã thúc đẩy một đợt bán tháo trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc, sau đó vào ngày hôm sau là các khoản phạt dành cho các đại công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc vì vi phạm chống độc quyền và không báo cáo chính xác một số thương vụ đầu tư và mua lại.
Cơ quan quản lý thị trường hàng đầu của Trung Quốc đã tấn công Tencent, JD.com, Alibaba và Bilibili. Theo tin tức, [cổ phiếu] của một số công ty đã mất [giá] hơn 6%.
Chỉ số Hang Seng TECH đã giảm hơn 4%. Kể từ đầu năm 2020, Hang Seng đã mất khoảng 50% giá trị. Bilibili, một nền tảng phát trực tiếp và Meituan, một ứng dụng giao đồ ăn, đều mất 11% giá trị.
Nền tảng phát trực tuyến video iQiyi đã mất 85% giá trị kể từ mức cao vào năm 2021 một phần do nhà đầu tư lo ngại rằng việc kiểm duyệt đang đè nặng lên nguồn cung cấp sức sáng tạo và các chương trình mới có thể giữ chân người xem.
Ông Linus Yip, chiến lược gia tại First Shanghai Securities, nói với Bloomberg rằng “Trung Quốc đang ở giai đoạn thực hiện nhiều chính sách và quy tắc thắt chặt mà chính phủ đã công bố năm ngoái về lĩnh vực công nghệ”. Ông cho biết “biến động mạnh” có thể kéo dài đến tháng Ba.
Trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm 05/01, “vua trái phiếu” và người sáng lập DoubleLine, Jeffrey Gundlach, nói rằng “theo quan điểm của tôi, vào thời điểm này Trung Quốc là nơi không thể đầu tư.”
“Tôi không tin tưởng vào dữ liệu. Tôi không còn tin tưởng vào mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc nữa. Tôi nghĩ rằng các khoản đầu tư vào Trung Quốc có thể bị tịch thu.”
Vào tháng 12/2021, ứng dụng gọi xe Didi của Trung Quốc thông báo sẽ hủy niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) và tái niêm yết tại Hồng Kông. Didi chỉ mới vừa ra mắt công chúng [ở New York] – [việc huỷ niêm yết này] trên thực tế là việc cướp của các cổ đông mới của công ty.
Trong những tháng qua, các nhà quản lý Bắc Kinh đã thẳng tay đàn áp hàng loạt đại công ty công nghệ Trung Quốc – làm mất đi hàng tỷ USD giá trị cổ đông thông qua việc độc đoán áp dụng luật chống độc quyền một cách bất ngờ và các quy tắc bảo mật dữ liệu.
Tuy nhiên, tác động của cuộc đàn áp công nghệ của Bắc Kinh còn sâu xa hơn là chỉ tới giá cổ phiếu, mà còn cắt giảm lực lượng lao động trẻ và doanh nhân đang thúc đẩy lĩnh vực này.
Theo bà Li Yuan trên The New York Times. “Cuộc đàn áp này đang giết chết động lực kinh doanh đã đưa Trung Quốc trở thành cường quốc công nghệ và phá hủy những công việc từng thu hút những người thông minh nhất của Trung Quốc.”
Một báo cáo chuyên sâu của bà Li tiết lộ rằng những lao động trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc đang ngày càng thất nghiệp khi ông Tập ra lệnh cho các vụ tấn công bằng quy định “không có giới hạn” và “can thiệp theo cách lớn và nhỏ” vào ngành này, làm mất giá trị và giảm tiền vốn có thể triển khai cho các khoản đầu tư dài hạn cần thiết để tuyển dụng những nhân viên mới, càng không giữ chân những lao động hiện hữu.
Các quan chức gần như loại bỏ giáo dục trực tuyến ở Trung Quốc sau khi họ đánh giá rằng chi phí cao của giáo dục trực tuyến làm giảm tỷ lệ sinh. Hậu quả là lên đến hàng triệu người mất việc làm. Nhiều người trong số hàng triệu người đó sẽ không sớm có con.
Theo bà Li: “Cách tiếp cận siêu chính trị của Bắc Kinh cho thấy việc nắm quyền kiểm soát ngành công nghiệp của ĐCSTQ hơn là việc tạo ra sân chơi công bằng.”
“Cuộc đàn áp này đang giết chết sự đổi mới, sáng tạo và tinh thần kinh doanh từng khiến Trung Quốc trở thành cường quốc công nghệ trong thập kỷ qua.”
Bà lập luận rằng “niềm tự hào và tham vọng” của vài năm trước đã được thay thế bằng “nỗi sợ hãi và u ám” khi các công ty công nghệ Trung Quốc hạ thấp mục tiêu tăng trưởng.
Áp lực đi xuống của cuộc đàn áp công nghệ đang khiến một số lãnh đạo ĐCSTQ lên tiếng chỉ trích, thậm chí cả khi làm như vậy có thể dẫn đến việc bị bỏ tù hoặc mất tích.
Ông Jack Ma của Alibaba đã bị giam giữ trong ba tháng kể từ tháng 11/2020 sau khi bị các cơ quan quản lý tài chính của Trung Quốc chỉ trích công khai.
Bất chấp rủi ro ngày càng tăng, ông Hu Xijin, cựu biên tập viên tờ Global Times của tờ báo dân tộc chủ nghĩa, cho biết gần đây hành động quản lý của Bắc Kinh nên làm cho các công ty khỏe mạnh hơn thay vì để họ “chết trên bàn mổ.”
Với mối đe dọa độc tài mà ĐCSTQ gây ra cho thế giới, có lẽ thật tốt khi lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc đang gặp khó khăn. Nhưng nguyên nhân của sự thất bại cũng nên là một lời cảnh báo cho tất cả chúng ta. Ông Tập Cận Bình không phải là bạn với bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu, nếu đó là người thách thức quyền lực chưa được kiểm soát của ông.
Ông Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Ông là tác giả của cuốn sách sắp ra mắt vào năm 2021 có nhan đề “The Concentration of Power” (“Tập Trung Quyền Lực”) và “No Trespassing” (“Không Xâm Phạm”), đồng thời đã biên tập cuốn sách “Great Powers, Grand Strategies” (“Những Quyền Lực Lớn, Những Chiến Lược Lớn”).
Bình Hòa biên dịch