Trân Văn
12-1-2022
Hai doanh nhân nổi tiếng vì giàu có tại Việt Nam vừa vướng vào hai scandal có dấu hiệu… làm xiếc. Đáng nói là cả hai vốn nằm trong nhóm thường đề cập đến ái quốc, thương dân và thường nhấn mạnh, ngoài việc kiếm tiền, hoạt động kinh doanh của họ còn nhắm đến việc giúp xứ sở có điều kiện… tự hào! Kinh tế thị trường theo định hướng XHCN tại Việt Nam đã tạo ra nhiều doanh nhân như thế và có lẽ đã tới lúc cần ngắm nghía thật kỹ đến những doanh nhân luôn bày tỏ sự tin yêu chủ nghĩa xã hội, thể chế XHCN – tiền đề giúp họ trở thành đại phú!
***
Hôm qua, Bộ Công an Việt Nam tiết lộ, trước khi Tân Hoàng Minh đơn phương chấm dứt hợp đồng mua một trong bốn lô đất tại Khu Đô thị mới Thủ Thiêm mà chính quyền TP.HCM đem ra đầu giá hồi tháng trước, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã tiến hành xác minh 11 dự án bất động sản do Tân Hoàng Minh đầu tư tại Hà Nội (1). Nói cách khác, cuộc điều tra nhắm vào Tân Hoàng Minh đã khởi động ngay sau khi doanh nghiệp này trả 24.500 tỉ để có quyền sử dụng lô 3-12 ở Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, nâng giá đất ở đó lên mức không tưởng… 2,4 tỉ đồng/m2!
Trong… “Tâm thư” gửi cho hàng loạt cá nhân là Tổng Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nhà nước, Thủ tướng,… và hàng loạt tập thể từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, UBND TP.HCM (2),… ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc Tân Hoàng Minh giải thích, sở dĩ doanh nghiệp này từ bỏ quyền sử dụng lô 3-12 mới giành được hồi tháng trước, bỏ khoản tiền cọc khoảng 588 tỉ vì… trả giá cao như vậy có thể dẫn tới những hệ lụy không tốt, rút lui để góp phần ổn định thị trường bất động sản và muốn đặt lợi ích xã hội lên trên lợi ích riêng…
Trước đó, ông Dũng không nghĩ như vậy. Trò chuyện với báo giới về sự kiện Ngôi sao Việt – doanh nghiệp thuộc Tân Hoàng Minh tham gia đấu giá bốn lô đất ở Khu Đô thị mới Thủ Thiêm – ông tuyên bố, đại ý: Sở dĩ Tân Hoàng Minh nâng giá đất lên tới mức khiến thiên hạ sững sờ là vì… muốn tất cả tư bản nước ngoài phải mua đất của Việt Nam với giá như Tokyo hoặc New York, có như vậy nhân dân ta mới giàu nhanh, đất nước mới phát triển. Chúng ta phải xây dựng và phát triển đất nước ta đẹp và giàu mạnh về kinh tế, để không cho bất cứ kẻ thù nào có thể nhòm ngó vào lãnh thổ của chúng ta (3)…
Tuy nhiên lần này, nhiều nơi, nhiều người không dám… chứng cho… tinh thần ái quốc của ông Dũng. HoREA (Hiệp hội Bất động sản TP.HCM) bày tỏ sự lo ngại khi qua đấu giá, giá trị đất ở Thủ Thiêm được nâng lên tới mức bất thường. Điều này chỉ có lợi với một số doanh nghiệp đã nộp tiền sử dụng đất. Kết quả đấu giá đó khiến giá đất tăng vọt bất lợi cho cả người tiêu dùng, nỗ lực giảm giá nhà thực hiện chính sách phát triển nhà ở, lẫn giới đầu tư vì giá bán cao sẽ làm tăng lượng hàng hóa tồn đọng. Chưa kể đó có thể là nền tảng để một số doanh nghiệp xin định giá lại tài sản, đặc biệt là những tài sản đang thế chấp nhằm… “rút ruột” ngân hàng, hoặc để “làm sạch” bảng cân đối tài chính (4).
Bộ trưởng Tài chính Việt Nam thì xem việc tự nguyện trả giá đất Thủ Thiêm ở mức cao không tưởng là hành động gây “nhiễu loạn thị trường”, đồng thời cảnh báo về tình trạng, một số doanh nghiệp vay mượn cả từ ngân hàng lẫn phát hành trái phiếu doanh nghiệp cao gấp nhiều lần vốn thực có, thành ra Bộ Tài chính phải tổ chức kiểm tra những doanh nghiệp có liên quan trên thị trường chứng khoán. Chủ tịch Quốc hội cũng ái ngại khi sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán và bất động sản… “nóng quá” nên tỏ ra hết sức dè dặt trước chuyện chưa từng có, giá đất ở Thủ Thiêm lên tới 2,4 tỉ/m2 (5).
Song yếu tố đáng chú ý nhất và dường như là nguyên nhân chính khiến Tân Hoàng Minh tuyên bố từ bỏ việc thực hiện quyền sử dụng lô 3-12 ở Khu Đô thị mới Thủ Thiêm là việc Cục Thanh tra – Giám sát ngân hàng thuộc NHNN yêu cầu một số ngân hàng báo cáo về việc cấp tín dụng (cho vay, bảo lãnh, đầu tư trái phiếu…) đối với những doanh nghiệp tham gia đấu giá đất ở Khu Đô thị mới Thủ Thiêm. Theo yêu cầu này, ngân hàng phải giải trình xem giữa hai bên đã vay – cho vay – hứa cho vay bao nhiêu, mục đích vay – cho vay – hứa cho vay là những gì, tổng nợ có phân loại chi tiết về nợ gốc, nợ lãi, kèm phân tích kế hoạch – khả năng trả nợ, phía hỏi vay có nợ xấu – nợ khó trả hay không (6),…
Nếu những thông tin có liên quan đến yêu cầu vừa kể được tổng hợp và công bố, có lẽ chúng sẽ không chỉ bất lợi cho Tân Hoàng Minh mà còn… làm phiền nhiều nơi, nhiều người. Lần này, dường như ông Dũng không gặp may. Năm 2015, Tân Hoàng Minh từng thắng đấu giá một khu đất 3.000 m2 ở trung tâm quận 1 rồi… bỏ. Đến 2016 đề nghị mua lại chính lô đất này và chấp nhận trả khoản phạt 260 tỉ rồi để đó cho đến 2019 thì chuyển nhượng cho Techcombank (7).
***
Cũng hôm qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK NN) thông báo đã phong tỏa các tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC vì ngày 10/1/2022, ông Quyết đã bán 74,8 triệu cổ phiếu của FLC mà không công bố thông tin (8). Về nguyên tắc, những cá nhân như ông Quyết (cổ đông nội bộ – nằm trong nhóm chi phối doanh nghiệp có giao dịch cổ phiếu, cổ đông lớn – sở hữu từ 5% số cổ phiếu có quyền biểu quyết trở lên,…) buộc phải báo cáo các quyết định liên quan đến cổ phiếu đang nắm giữ để giới đầu tư có thông tin trong suy tính mua bán.
Ông Quyết đã vi phạm nguyên tắc mà ai cũng biết này và hành động bị xem là “bán chui” cổ phiếu đó đem lại cho ông khoản lợi từ 1.200 tỉ đến 1.600 tỉ nhưng gây thiệt hại cho hơn 19.000 nhà đầu tư. Đây không phải lần đầu tiên ông Quyết hành xử giống như gian lận với giới đầu tư. Năm 2017, ông Quyết từng lẳng lặng bán ra 57 triệu cổ phiếu và kiếm được khoảng 400 tỉ. Vào thời điểm đó, tuy VAFI (Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính) phản ứng dữ dội và tuyên bố sẽ “theo đuổi đến cùng” để bảo đảm thị trường tài chính Việt Nam phát triển lành mạnh, có thể hội nhập với thị trường tài chính quốc tế (9) nhưng cuối cùng, ông Quyết chỉ bị phạt… 65 triệu đồng (10)!
Lần này thì sao? Chưa biết! Tuy hành vi của ông Quyết bị nhiều người, nhiều giới xem là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho thị trường chứng khoán và giới đầu tư nhưng chưa rõ ông Quyết sẽ bị phạt tiền (tối đa khoảng 1,5 tỉ đồng) hay sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì hành vi “bán chui” thu lợi bất chính lớn khiến thị trường chứng khoán chao đảo có dấu hiệu “che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” hay “thao túng thị trường chứng khoán” (11)?
***
Trong “Tâm thư” gửi nhiều cá nhân, nhiều tập thể để thông báo ý định từ bỏ quyền sử dụng lô 3-12 ở Thủ Thiêm, ngoài việc giới thiệu cá nhân, gia đình, gia tộc là… “người của ta”, ông Đỗ Anh Dũng cám ơn đảng, quốc hội, nhà nước, chính phủ đã cho Tân Hoàng Minh nói riêng và các doanh nghiệp trong, ngoài nước nói chung được sống, làm việc và phát triển trong một môi trường kinh doanh hòa bình, ổn định theo định hước XHCN công bằng, bình đẳng và minh bạch… Ông Quyết cũng thế. Cách nay vài tháng, khi được tờ Tuổi Trẻ hỏi rằng ông nghĩ sao khi là người gây ra nhiều tranh cãi (?), doanh nhân chuyên thực hiện những dự án vây biển, dọn rừng biến thành tài sản của FLC, bảo rằng, đại ý: Tôi nghĩ người yêu là chính, còn ghét chẳng qua họ chưa gặp tôi. Trong suy nghĩ và hành động tôi đều mong muốn những gì tốt nhất cho xã hội, cho đất nước thì không có lý do gì để ghét (12).
Chú thích
(1) https://thanhnien.vn/bo-cong-an-xac-minh-11-du-an-cua-tan-hoang-minh-tai-ha-noi-post1420379.html
(2) https://www.facebook.com/photo/?fbid=10219010422228623&set=pcb.10219010346146721
(4) https://thesaigontimes.vn/horea-chi-ra-nhung-bat-cap-cua-phien-dau-gia-dat-ky-luc-o-thu-thiem/
(6) https://vnexpress.net/tan-hoang-minh-xin-bo-coc-lo-dat-dau-gia-o-thu-thiem-4415047.html
(7) https://vnexpress.net/tan-hoang-minh-xin-bo-coc-lo-dat-dau-gia-o-thu-thiem-4415047.html
(8) https://tienphong.vn/phong-toa-tai-khoan-chung-khoan-cua-ong-trinh-van-quyet-post1408917.tpo
(9) https://viettimes.vn/vafi-kien-nghi-ve-quan-ly-thi-truong-chung-khoan-post65857.html
(10) https://vnexpress.net/chu-tich-flc-bi-xu-phat-65-trieu-dong-3668779.html