Bình Minh
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (CBDC), ông Haruhiko Kuroda, cho biết Nhật Bản phải làm việc với châu Âu và Hoa Kỳ để phát triển tiêu chuẩn toàn cầu cho các đồng tiền kỹ thuật số của CBDC. Đối với chính quyền Bắc Kinh mà nói, việc này có thể chặn đồng nhân dân tệ (NDT) kỹ thuật số mà nước này sử dụng nhằm mở rộng sang lĩnh vực tài chính toàn cầu.
Theo một báo cáo của Reuters ngày 28/1, ông Kuroda cho biết tại Quốc hội rằng mặc dù CBDC vẫn chưa quyết định có phát hành tiền kỹ thuật số hay không, nhưng họ cần làm việc với châu Âu và Hoa Kỳ để thiết lập một tiêu chuẩn toàn cầu cho việc phát hành tiền tệ kỹ thuật số của CBDC.
Một nghị sĩ đã hỏi ông Kuroda rằng liệu Nhật Bản có thể quyết định sẽ phát hành tiền kỹ thuật số vào khoảng năm 2026 hay không?
Ông Kuroda trả lời: “Cá nhân tôi nghĩ vậy.” Tuy nhiên, ông nói rằng quyết định cuối cùng về việc Nhật Bản có phát hành tiền kỹ thuật số hay không, sẽ được đưa ra sau khi có sự tham vấn chặt chẽ giữa Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, chính phủ và khu vực tư nhân. “Điều quan trọng nhất là ý tưởng này phải được công chúng hiểu đầy đủ.”
Đồng thời, Bộ trưởng Tài chính Nhật Shun’ichi Suzuki cũng cho biết, Nhật Bản đang theo dõi sát sao sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc trong việc phát hành đồng NDT kỹ thuật số.
Kể từ năm 2014, Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc (PBOC) đã tiến hành nghiên cứu về các loại tiền kỹ thuật số. Đồng NDT kỹ thuật số đã được thử nghiệm ở một số thành phố ở Trung Quốc trong 2 năm qua. Chính quyền Bắc Kinh đã và đang thúc đẩy việc sử dụng đồng NDT kỹ thuật số xuyên biên giới. Năm ngoái PBOC lần đầu tiên phát hành sách trắng về đồng NDT kỹ thuật số, tuyên bố rằng đồng NDT kỹ thuật số đã đủ điều kiện được sử dụng xuyên biên giới.
Mặt khác, kết quả nghiên cứu giữa kỳ của dự án “Cầu tiền tệ kỹ thuật số nhiều Ngân hàng Trung ương” (mBridge) do Viện nghiên cứu tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, Cơ quan tiền tệ Hồng Kông (HKMA), Ngân hàng Trung ương Thái Lan và Ngân hàng Trung ương Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất phối hợp thực hiện cho thấy, dự án có tiềm năng tăng tốc độ thanh toán xuyên biên giới và tiết kiệm chi phí.
Ngày 20/1, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đã xuất bản sách trắng về USD kỹ thuật số chính thức, nói rằng việc tạo ra đồng USD kỹ thuật số có thể tăng tốc độ thanh toán và cung cấp cho các hộ gia đình một lựa chọn an toàn, nhưng nó cũng sẽ mang lại một số vấn đề.
Thách thức bao gồm việc duy trì sự ổn định tài chính và đảm bảo đồng USD kỹ thuật số sẽ bổ sung cho các phương tiện thanh toán hiện có, FED cho biết. Trước khi tung ra đồng USD kỹ thuật số, FED cũng cần giải quyết một số vấn đề chính sách quan trọng, chẳng hạn như đảm bảo rằng đồng USD kỹ thuật số không xâm phạm quyền riêng tư của người dân Mỹ và chính phủ phải duy trì “năng lực chống tài chính phi pháp.”
FED sẽ thu thập ý kiến về các tài liệu trên, thông qua hình thức trực tuyến trong vòng 120 ngày.
Ông Đường Tân Nguyên, chuyên viên bình luận của “Vision Times”, đã viết bài “Tại sao Hoa Kỳ chậm chạp khi đáp trả những cú đâm sau lưng liên tiếp của ĐCSTQ?”, chỉ ra rằng nền kinh tế của Trung Quốc hiện đang suy thoái, và hệ thống tài chính đã bị trọng thương. Do đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phải “ổn định” nền kinh tế và dịch chuyển áp lực ra ngoài.
Trong đó bao gồm chuyển rủi ro tài chính cho các nhà đầu tư nước ngoài, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, v.v. Vì vậy tất cả các quốc gia nên khởi tinh thần lên để đối phó với ĐCSTQ.
Theo nghiên cứu của Hội đồng Đại Tây Dương, khoảng 90 quốc gia đang khám phá hoặc tung ra các loại tiền kỹ thuật số của riêng họ. Trong khi việc áp dụng rộng rãi đồng euro kỹ thuật số, đồng NDT kỹ thuật số hoặc USD kỹ thuật số có thể còn cần nhiều năm nữa, nhưng những dự án này có thể phá vỡ đáng kể hệ thống tài chính toàn cầu.
Trong một diễn đàn trực tuyến được tổ chức bởi Richard Nixon Foundation, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại California vào ngày 6/4 năm ngoái, người đồng sáng lập PayPal, ông Peter Thiel, cho biết Bắc Kinh muốn nhìn thấy 2 đồng tiền dự trữ toàn cầu, không chỉ riêng đồng USD được coi là đồng tiền dự trữ mặc định.
Trên thực tế, nhà sử học Niall Ferguson đã gọi đồng NDT kỹ thuật số là “thách thức sống còn tiềm năng” đối với quyền bá chủ tài chính kéo dài hàng thập kỷ của Mỹ.
Việc Trung Quốc phát triển tiền kỹ thuật số không chỉ là vấn đề tài chính, mà còn là vấn đề chính trị. Có lẽ, động lực và tham vọng lớn nhất để Trung Quốc khi phát hành tiền CBDC là nhằm tranh giành sức ảnh hưởng của đồng tiền quốc gia trên phạm vi toàn cầu.
Nếu Trung Quốc thành công, tiền kỹ thuật số của quốc gia này sẽ là vòi bạch tuộc vươn ra can thiệp và chi phối hệ thống tài chính toàn cầu. Các quốc gia lớn như Pháp, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã thừa nhận vai trò và vị trí của Trung Quốc trong hệ thống tài chính thế giới và coi đồng NDT kỹ thuật số của Trung Quốc là một đe doạ địa chính trị tiềm ẩn.
Ngoài yếu tố phức tạp về kỹ thuật, đồng NDT kỹ thuật số của Trung Quốc có thể cho phép Bắc Kinh truy vết, giám sát và theo dõi các giao dịch tài chính ở cấp độ chi tiết cụ thể.
Trung Quốc có nhiều con đường để mở rộng ảnh hưởng của mình trên thị trường tài chính toàn cầu thông qua tiền kỹ thuật số. Đầu bảng trong số đó là Dự án Vành đai và Con đường (BRI), về việc phát triển kinh tế do Trung Quốc lãnh đạo, tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng trải dài khắp châu Á, châu Âu và châu Phi.
Điều này sẽ giúp hoạt động kinh doanh của Trung Quốc núp dưới BRI, để thoát được các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và mang lại lợi ích đáng kể cho vị thế địa – chính trị cũng như thương mại của Trung Quốc.
Thông qua BRI, Trung Quốc đang tạo ra một kịch bản, trong đó một số nền kinh tế yếu kém đang ngày càng phụ thuộc vào các khoản vay. Trung Quốc cũng bị cáo buộc tạo ra bẫy nợ cho các quốc gia trong BRI. Các quốc gia như Djibouti, Kyrgyzstan, Lào, Maldives, Mông Cổ, Montenegro, Pakistan và Tajikistan nhanh chóng rơi vào bẫy nợ này. Trung Quốc có thể sử dụng ảnh hưởng đó để thuyết phục các nước sử dụng đồng NDT kỹ thuật số của mình cho các giao dịch song phương.
Khi nói đến đồng NDT kỹ thuật số do PBOC tung ra, ông Thiel không đồng ý: “Đó không phải là một loại tiền điện tử thực sự, mà chỉ là một thủ đoạn đo lường sự toàn trị.”
Bình Minh (tổng hợp)