Thanh Đoàn
Lạm phát đã trở thành thực tế không ai muốn thấy, thành lời cảnh báo nhàm chán suốt năm 2021. Lạm phát tăng tốc, xuất hiện khắp toàn cầu do cú đánh kép ngoài nguyên nhân kinh tế: COVID-19 và Xung đột địa chính trị leo thang. Do đó, ngay cả khi Covid-19 không phải là vấn đề của năm 2022 thì ‘xung đột địa chính trị leo thang’ trầm trọng hơn sẽ là tác nhân chính với lạm phát.
Các ngân hàng trung ương (NHTW) lớn khắp toàn cầu không muốn thừa nhận lạm phát, họ đều phát đi thông điệp lạm phát chỉ tạm thời; tất cả để bảo vệ khoản nợ chính phủ đang phình to, cao ngất ngưởng. Tình trạng ngân sách, thị trường tài chính sẽ tồi tệ hơn nếu lạm phát tăng cao và lãi suất phải tăng theo để kiềm chế trở lại mức cân bằng.
Lạm phát khắp mọi nơi
Nhưng trong những ngày đầu năm 2022, tất cả các NHTW lớn đều phải thừa nhận lạm phát đã xuất hiện và nó là vấn đề dài hạn. Rõ ràng, lạm phát không biến mất chỉ vì các quan chức không thích thế. Khác với lạm phát trong các kỳ khủng hoảng trước, lạm phát xảy ra trong chu kỳ kinh tế hiện nay không chỉ vì sai lầm chính sách tiền tệ hay nợ nần của chính phủ hoặc giả vì lý do tham nhũng của quan chức; mà còn vì lý do khách quan: COVID-19 và Xung đột địa chính trị gia tăng.
Nếu lạm phát diễn ra ở các nền kinh tế nhỏ, có đồng nội tệ yếu thì cũng không ảnh hưởng gì tới toàn cầu. Vấn đề là lạm phát kéo dài, ngày càng tăng cao tại nền kinh tế lớn, những nền kinh tế có nguy cơ lan tỏa lạm phát của họ tới toàn cầu (vì sức mạnh tiền tệ và thương mại của họ).
Ở Mỹ, lạm phát bắt đầu từ tháng 2/2021, liên tục tăng trong suốt năm 2021. Kết thúc năm 2021, lạm phát tăng 7% so cùng kỳ (mức cao nhất kể từ 1982). Dữ liệu lạm phát ở Mỹ đi ngược lại với dự báo ban đầu của Fed là lạm phát chỉ xuất hiện tạm thời và sẽ sớm biến mất do đứt gãy chuỗi cung ứng khiến giá cả tăng cao.
Điều này khiến Fed buộc phải thay đổi chính sách lãi suất sớm hơn, mức thay đổi thậm chí có thể cao hơn dự kiến trước đó. Hôm 26/1/2022, Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell trong một cuộc họp trực tuyến, cho biết Fed có khả năng sẽ tăng lãi suất vào tháng Ba. Fed cũng tái khẳng định kế hoạch ngừng việc mua trái phiếu vào tháng Ba. Ông Jerome Powell cam kết một cuộc chiến bền vững để chế ngự lạm phát.
Các nhà kinh tế học dự báo rằng Fed có thể tăng lãi suất 4 lần, mỗi lần ở mức 0,25%. Như vậy, lãi suất của Fed, cuối năm 2022, có thể về mức 1,25%. Tuy nhiên, nếu lạm phát không giảm dưới 7%, về mức 5 hoặc 6% như kỳ vọng, mức lãi suất này vẫn là quá thấp.
Không chỉ Mỹ, lạm phát giá nhà sản xuất của Trung Quốc cũng đạt kỷ lục vào tháng 10/2021. Vấn đề của Trung Quốc là chỉ số giá tiêu dùng quá doãng rộng so với giá nhà sản xuất. Điều này xảy ra vì hai lý do: (i) tiêu dùng nội địa của Trung Quốc yếu, nên mức độ hấp thụ lạm phát giá nhà sản xuất sang giá tiêu dùng chậm; (ii) Trung Quốc là nền kinh tế tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, nên lạm phát giá nhà sản xuất của Trung Quốc tác động tiêu cực ngoài biên giới Trung Quốc nhiều hơn trong nội địa. Mỹ là nền kinh tế nhập khẩu lớn từ Trung Quốc trong khi tiêu dùng nội địa Mỹ rất cao; đây là lý do lạm phát ở Mỹ xuất hiện sớm hơn, nhanh hơn.
Ngoài ra, lạm phát cũng đang gia tăng áp lực tại các nền kinh tế lớn khác như khu vực EuroZone, Anh, Canada. Nga đã thay đổi chính sách tiền tệ từ đầu năm 2021 vì lạm phát, hiện tỷ lệ lạm phát của nước này lên tới 8,4%. Một số nền kinh tế mới nổi thậm chí đang xuất hiện khủng hoảng tiền tệ do lạm phát cao hơn hai con số như Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina (tỷ lệ lạm phát 2021 lần lượt là 10,06%, 36,08% và 51,2%).
Lạm phát 2022 sẽ tồi tệ hơn vì …sự yếu nhược của Mỹ
Cho tới tháng 10/2021, IMF nhận định lạm phát có thể đạt đỉnh vào cuối năm 2021 trước khi về mức trước trước đại dịch vào giữa năm 2022. Nhưng nhìn vào các nguyên nhân thúc đẩy lạm phát năm 2022, liệu IMF đã quá lạc quan trước dự báo này?
Tuy nhiên, phân tích nguyên nhân lạm phát cho thấy lạm phát năm 2021 chủ yếu xuất phát từ phí đẩy. Tại Mỹ, giá năng lượng là đóng góp lớn nhất vào lạm phát, sau đó là vận tải, lương thực. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang ngày một lan rộng, không chỉ vì đứt gãy chuỗi cung ứng, mà chủ yếu về xung đột địa chính trị gia tăng.
Xung đột địa chính trị gia tăng căng thẳng khắp toàn cầu thúc đẩy chạy đua vũ trang, dự trữ nguyên nhiên liệu, hàng hóa đầu vào cho sản xuất, dự trữ lương thực, thậm chí là các đòn trừng phạt kinh tế cũng tạo tác động tai hại tới lạm phát 2022. Các xung đột địa chính trị giữa đông và tây, giữa Mỹ và Nga, giữa các thế lực đông – tây ở Trung Đông, giữa Trung Quốc với các quốc gia Đông Nam Á trên biển đông, giữa Trung Quốc với eo biển Đài Loan tiếp tục leo thang, thậm chí có thể phải giải quyết bằng vũ lực năm 2022.
- Đối đầu Mỹ – Trung về nhân quyền lan sang trừng phạt kinh tế với các sản phẩm có nguồn gốc từ Tân Cương cũng như trả đũa của Trung Quốc với các hãng bán lẻ của Mỹ, Phương Tây tại nền kinh tế này;
- Căng thẳng eo biển Đài Loan; Trung Quốc liên tục phá kỷ lục đưa máy bay chiến đấu, máy bay không người lái xâm phạm vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.
- Khủng hoảng biên giới Ukraine khi Nga điều hơn 100.000 quân đội và vũ khí hạng nặng áp sát biên giới Ukraine. Các cuộc đàm phán Nga – NATO – Mỹ đi vào bế tắc. NATO cương quyết gia nhập Ukraine vào liên minh quân sự này, mang dàn tên lửa tiếp cận càng gần sườn đông của Nga càng tốt. Nga không thể buông tay với Ukraine
- Xung đột ở Trung Đông gia tăng khi Mỹ tái gia nhập thoả thuận với Iran khiến nhà nước tài trợ khủng bố này mạnh hơn. Trung Đông cũng rối ren khi IS có dấu hiệu hồi sinh sau 3 năm bị chính quyền ông Donald Trump xoá sổ. Lực lượng khủng bố Hamas mạnh hơn nhờ chính sách quay lưng với Israel của chính quyền ông Biden… Sự can thiệp của Trung Quốc và Nga vào Trung Đông lớn hơn do Mỹ yếu nhược hơn. Tất cả khiến Trung Đông quay trở lại thời kỳ nơi các vụ xung đột vũ trang trở nên dày đặc, nơi các quốc gia trong khối OPEC + không còn muốn nghe lời của Mỹ, thậm chí dùng giá dầu và sản lượng dầu mỏ để tăng sức ép lên Mỹ.
Tất cả các vấn đề căng thẳng địa chính trị này kéo theo xu hướng: (i) dự trữ, tích lũy năng lượng, hàng hoá thiết yếu đầu vào vì lo ngại chiến tranh, chạy đua vũ trang; (ii) làm căng thẳng thêm khủng hoảng năng lượng toàn cầu vì vấn đề địa chính trị. Các yếu tố này dẫn tới giá hàng hoá, giá năng lượng không thể giảm; điều này có nghĩa là lạm phát sẽ như lửa đổ thêm dầu vào năm 2022.
Trung Quốc tăng cường dự trữ lương thực, năng lượng và hàng hóa đầu vào sản xuất trong suốt 2 năm qua kể từ khi đại dịch xuất hiện.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, ước tính đến nửa đầu năm 2022, Trung Quốc sẽ chiếm 69% dự trữ ngũ cốc của thế giới; bao gồm 60% dự trữ gạo và 51% dự trữ lúa mì.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, lượng lương thực nhập khẩu của Trung Quốc vào năm 2020 sẽ đạt 98,1 tỷ USD; gấp 4,6 lần so với 10 năm trước. Lượng thực phẩm nhập khẩu từ tháng 1 – tháng 9/2021 cũng sẽ nhiều hơn so với năm 2016.
Thống kê cho thấy trong 5 năm qua, Trung Quốc đã mua rất nhiều lương thực từ Mỹ, Brazil, và các nước khác. Nhập khẩu đậu nành, ngô, và lúa mì đã tăng từ 2 – 12 lần; nhập khẩu thịt bò, thịt lợn, các sản phẩm sữa và trái cây cũng đồng loạt tăng từ 2 – 5 lần.
Không chỉ lương thực, Trung Quốc dự trữ năng lượng, nhiên liệu và hàng hóa đầu vào cho sản xuất. Cuối năm 2021, thúc giục tích trữ năng lượng, lương thực của Chính quyền Bắc Kinh với người dân và chính quyền địa phương khiến người dân có cảm giác như chiến tranh đang đến gần.
Trong khi đó, sự suy yếu của Mỹ khiến nước này ngày một yếu thế ở Trung Đông, các lời kêu gọi tăng sản lượng sản xuất dầu thô của khối OPEC+ Nga của chính quyền ông Biden hoàn toàn bị phớt lờ trong suốt năm 2021; đẩy giá dầu thô lên tới 86 USD/thùng vào tháng 1/2022.
Khi không thể kêu gọi OPEC và Nga tăng sản lượng dầu, kêu gọi sử dụng dầu dự trữ quốc gia của Mỹ và các đồng minh để chống lại khối OPEC và Nga có lẽ là hành động chính sách thất bại nhất trong năm 2021; thể hiện rõ sự suy yếu của Mỹ và sự bất lực của nền kinh tế hàng đầu thế giới trước bàn cờ chính trị toàn cầu. Nhà trắng đã tự bê đá ghè chân mình khi vừa triệt tiêu ngành khai thác dầu khí trong nước bằng chính sách chống biến đổi khí hậu vừa ‘ve vuốt và tài trợ’ cho các chính quyền thân khủng bố ở Trung Đông. Tất cả khiến Mỹ suy nhược hơn, xung đột địa chính trị vì thế được các chính sách của Mỹ khuyến khích bùng nổ khắp các trận địa.
Với tình thế này, giá lương thực, giá dầu, giá nguyên liệu đầu vào của thế giới không có động cơ để giảm, thậm chí có thể còn tiếp tục tăng đáng kể. Thêm vào đó, các biện pháp chống Covid tiêu cực của Trung Quốc, chính sách tiêm chủng bắt buộc của Mỹ và phương Tây khiến chuỗi cung ứng càng bị co hẹp hơn và khó phục hồi năm 2022. Ngoài ra, cầu phục hồi cũng tác động đáng kể tới lạm phát trong năm 2022. Lạm phát 2022 sẽ vấp phải vấn đề từ cả phí đẩy và cầu kéo.
Một số nguyên nhân khác cũng khiến lạm phát 2022 đáng ngại hơn 2021 là chi phí vốn tăng do: (i) nợ xấu tăng mạnh (một phần có nguồn gốc từ nợ bất động sản và bong bóng giá tài sản tài chính toàn cầu). Nợ xấu tăng sẽ khiến chi phí vốn của doanh nghiệp tăng; (ii) khu vực tài khóa với nợ công đang và sẽ tiếp tục mở rộng sẽ lấn át khu vực tư nhân, đẩy chi phí vốn lên cao. Đây cũng là yêu tố thúc đẩy giá sản xuất tăng cao, đẩy giá tiêu dùng lên cao hơn.
Thanh Đoàn
Theo The Epoch Times