Sandro Magister, J.B. Đặng Minh An dịch
Tháng 10 tới đây thỏa thuận tạm thời giữa Tòa Thánh và Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục sẽ hết hạn. Thỏa thuận này có được gia hạn hay không trong bối cảnh Tập Cận Bình vừa được tặng danh hiệu “Người Cầm Lái Vĩ Đại”, và liên tục đưa ra các bước quyết liệt nhằm khống chế các tôn giáo tại Hoa Lục?
Sandro Magister, ký giả kỳ cựu về Vatican vừa có bài viết liên quan đến vấn đề này nhan đề “Il ‘Grande Timoniere’ bombarda Hong Kong e anche la Chiesa è sotto tiro”, nghĩa là “ ‘Người Cầm Lái Vĩ Đại’ đánh bom Hương Cảng, và Giáo Hội cũng bị cháy”.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh
Tháng 10 tới đây, chúng ta sẽ chứng kiến sự hết hạn của thỏa thuận tạm thời và bí mật giữa Tòa Thánh và Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục, được ký vào ngày 22 tháng 9 năm 2018 và được gia hạn thêm hai năm vào năm 2020. Còn quá sớm để nói liệu nó có được xác nhận lại trong một hình thức ổn định hơn không. Tất nhiên, điều không còn là tạm thời nữa là quyền lực vượt trội của Tập Cận Bình, người kể từ tháng 12 đã được trao tặng danh hiệu mang tính biểu tượng cao nhất là danh xưng “Người Cầm Lái Vĩ Đại”, giống như Mao Trạch Đông trước đây.
Điều này ngụ ý rằng lập trường chính trị do ông Tập đưa ra phải được đón nhận vô điều kiện và lâu dài, với biên độ thương lượng rất hẹp nếu không muốn nói là không tồn tại đối với một phe đối lập vốn đã yếu như Vatican. Trên thực tế, trong việc lựa chọn các tân giám mục, sự thống trị của Trung Quốc đang áp đảo và ngoại lệ được đại diện bởi giáo phận Hương Cảng, được miễn trừ khỏi thỏa thuận năm 2018, cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng. Năm ngoái, Rôma đã bổ nhiệm giám mục cho Hương Cảng mà không cần thông qua bọn cầm quyền Trung Quốc. Nhưng một tháng trước khi vị tân giám mục được thánh hiến, Bắc Kinh đã thực hiện một bước đi báo trước sự thống trị gần như hoàn toàn của Trung Quốc không chỉ đối với vị Giám Mục Hương Cảng, đang trong tiến trình được sắc phong, mà còn đối với Giáo Hội Công Giáo sôi động hiện diện tại thuộc địa cũ của Anh.
Tân giám mục của Hương Cảng, Cha Stêphanô Châu Thủ Nhân (Chow Sau-yan, 周守仁 ), 62 tuổi, một tu sĩ Dòng Tên, đã được tấn phong vào ngày 4 tháng 12. Trước đó, vào ngày 31 tháng 10, một cuộc họp chưa từng có đã diễn ra trong thành phố, ban đầu được giữ bí mật nhưng sau đó được hãng tin Reuters cho biết trong một phúc trình ngày 30 tháng 12.
Cuộc họp được bảo trợ bởi Văn phòng Liên lạc Chính phủ Trung ương của Bắc Kinh tại Hương Cảng, với sự giám sát từ đại lục của Cục Quản lý Tôn giáo Nhà nước.
Về phía Trung Quốc có ba giám mục và 15 linh mục và nam nữ tu sĩ của Giáo Hội quốc doanh được chính quyền Bắc Kinh công nhận. Về phía Hương Cảng có hai giám mục và 13 linh mục và nam nữ tu sĩ.
Trưởng phái đoàn Hương Cảng là Cha Phêrô Thái Huệ Văn (Choy Wai-man – 蔡蕙文), vị linh mục ngoan ngoãn mà chính quyền Trung Quốc rất vui khi được nhìn thấy đứng đầu giáo phận. Cha Stêphanô Châu, vị giám mục mới được chỉ định, chỉ tham gia cuộc họp một thời gian ngắn khi bắt đầu, trong khi sự kiện được khai mạc và bế mạc bởi Đức Hồng Y Gioan Thang Hán (Tong Hon 湯漢), giám mục hiệu tòa của Hương Cảng và đang là Giám Quản Tông Tòa của giáo phận. Đương nhiên là vắng mặt vị Hồng Y chín mươi tuổi Giuse Trần Nhật Quân (陈日君, Zen Ze-kiun), biểu tượng cho sự phản đối bọn cầm quyền Trung Quốc và chỉ trích gay gắt thỏa thuận giữa Vatican và Bắc Kinh.
Các đại biểu từ đại lục nhấn mạnh rằng Hương Cảng cũng phải hoàn toàn nằm dưới chính sách của cái gọi là “sự Trung Quốc hóa” các tôn giáo, với sự phục tùng rõ rệt hơn của Giáo Hội Công Giáo đối với những đặc điểm riêng biệt của Trung Quốc, là những điều do Đảng Cộng sản và nhà nước Trung Quốc quy định.
“Trung Quốc hóa” các tôn giáo là nền tảng chính sách của họ Tập, là người mà chương trình nghị sự thực tế đã được những người tham gia cuộc họp biết rõ. Trong suốt cả ngày, không ai đề cập đến chủ tịch Trung Quốc, nhưng “ông Tập là con voi trong phòng”, một thành viên của phái đoàn Hương Cảng nói với Reuters. “Một số người trong chúng tôi coi ‘Trung Quốc hóa’ chỉ là mật mã cho ‘Tập Cận Bình hóa’”. Xin mở ngoặc để giải thích thêm cụm từ “con voi trong phòng”, tiếng Anh là “the elephant in the room”, được dùng trong thế giới nói tiếng Anh để chỉ một vấn đề, hay một nhân vật sờ sờ ra đó và có một tầm ảnh hưởng lớn nhưng người ta cố ý không đề cập đến.
Cuộc họp ở Hương Cảng hoàn toàn không phải là một sáng kiến đơn lẻ. Vào đầu tháng 12, ông Tập đã có bài phát biểu tại Bắc Kinh trong khuôn khổ “Hội nghị quốc gia về công việc liên quan đến các vấn đề tôn giáo”, trong đó ông nhắc lại rằng tất cả các tôn giáo ở Trung Quốc đều phải phục tùng Đảng Cộng sản, là đảng có quyền “thiết lập đường lối cho hoạt động tôn giáo”, vì lợi ích của một “xã hội Trung Quốc hóa toàn diện”.
Nhưng trên hết, phải tính đến văn kiện cơ bản được Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua ngày 11 tháng 11, với tiêu đề “Nghị quyết về những thành tựu chính và kinh nghiệm lịch sử của Đảng trong một thế kỷ qua.”
Một nghị quyết như vậy là nghị quyết lần thứ ba trong toàn bộ lịch sử của cộng sản Trung Quốc. Lần thứ nhất là với Mao Trạch Đông năm 1945, lần thứ hai với Đặng Tiểu Bình năm 1981, và lần thứ ba, theo lệnh của Tập Cận Bình, liên quan đến những nghị quyết khác như một kiểu tổng hợp Hegel, với tham vọng kết hợp những gì tốt nhất mà Mao đã làm, những luận điểm, và những sửa sai bởi Đặng Tiểu Bình, hay những phản đề.
Trong phần thứ năm, nghị quyết chỉ trích hệ thống dân chủ Tây phương, được tạo thành từ chủ nghĩa hợp hiến, sự luân phiên của các chính phủ và sự phân chia quyền lực, một hệ thống mà nếu được thông qua được cho là “có thể dẫn đến sự hủy hoại của Trung Quốc”.
Nhưng đặc biệt, Tập từ chối “tự do tôn giáo kiểu Tây phương.” Ở Trung Quốc, “các tôn giáo phải được định hướng theo kiểu Trung Quốc” và liên tục chịu sự “chỉ đạo tích cực” của Đảng Cộng sản “để các tôn giáo thích ứng với xã hội xã hội chủ nghĩa”.
Tại Vatican, họ đã khá quen thuộc với chính sách này và cố gắng thuần hóa nó như là “bổ sung” cho tầm nhìn của Công Giáo về “sự hội nhập văn hóa”. Vào tháng 5 năm 2019, trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo “Hoàn Cầu Thời Báo” (Global Times, 环球时报), một cơ quan ngôn luận bằng tiếng Anh của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, nói rằng “sự hội nhập văn hóa” và “sự Trung Quốc hóa” cùng nhau “có thể mở ra những con đường cho đối thoại,” khi nhớ rằng “ý định được nhắc đi nhắc lại” của chính quyền Trung Quốc “không làm suy yếu bản chất và giáo lý của mỗi tôn giáo.”
Nhưng lời bào chữa sâu sắc nhất cho chính sách “Trung Quốc hóa” xuất hiện từ Vatican vẫn là bài báo đăng vào tháng 3 năm 2020 của nhà Trung Quốc học dòng Tên Benoit Vermander được đăng trên tạp chí “La Civiltà Cattolica” – “Văn Minh Kitô” – như mọi khi với sự chấp thuận trước của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Tác giả so sánh những người ngày nay phản đối “Trung Quốc hóa” – nêu đích danh Đức Hồng Y Quân và sau đó là giám đốc của “Asia News” Cha Bernardo Cervellera – với những người theo chủ nghĩa dị giáo Montanist và Donatist trong những thế kỷ đầu tiên, ngoan cố trong việc lên án những Kitô Hữu đã nhượng bộ các yêu cầu của Đế chế La Mã.
Vermander bảo vệ hoàn toàn cả thỏa thuận giữa Tòa Thánh và Trung Quốc vào tháng 9 năm 2018, lẫn thông điệp đính kèm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đối với người Công Giáo Trung Quốc, và hướng dẫn sau đó của Vatican về cách ghi danh với Giáo Hội chính thức.
Nhưng trên tất cả, ông nhấn mạnh điều mà ông coi là mặt tốt của “Trung Quốc hóa”: thực tế là “Điều 36 của Hiến pháp Trung Quốc tiếp tục chính thức bảo đảm quyền tự do tôn giáo”; chính quyền Trung Quốc áp dụng cách đối xử nhân từ hơn với người Công Giáo so với người theo các tôn giáo khác; năng lực thích ứng của thế hệ trẻ; lòng kiên nhẫn đã thấm nhuần trong những người Công Giáo Trung Quốc bởi tình yêu đối với đất nước của họ, “không tìm kiếm sự tử đạo bằng bất cứ giá nào”.
Để làm bằng chứng cho điều này, Vermander khơi dậy sức sống của một giáo xứ Thượng Hải mà anh ta biết, trong đó mọi thứ dường như đang diễn ra tốt nhất, mặc dù thực tế là “các linh mục phải thường xuyên tham gia ‘các khóa đào tạo’ do Văn phòng các vấn đề tôn giáo tổ chức.”
Tuy nhiên, điều kỳ lạ là tu sĩ Dòng Tên này không hề đề cập đến thực tế là giám mục Thượng Hải, Tađêô Mã Đại Thanh (Ma Daqin, 马达钦), đã bị quản thúc tại gia kể từ ngày được thụ phong vào năm 2012, chỉ vì đã rời khỏi Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc, là công cụ chính của chế độ nhằm thao túng Giáo Hội. Ngài thậm chí không thể nhận được sự khoan hồng qua hành động phục tùng công khai mà ngài đã cúi đầu khuất phục vào năm 2015, giữa tiếng vỗ tay – cũng vô ích – của tờ “Văn Minh Kitô”, gọi cử chỉ khuất phục ấy là một mô hình mẫu mực về “sự hòa giải giữa Giáo Hội ở Trung Quốc và chính phủ Trung Quốc”.
Chưa kể đến sự im lặng hoàn toàn, kéo dài của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về điều này và về nhiều vết thương khác mà chế độ Tập gây ra cho người Công Giáo ở Trung Quốc và Hương Cảng, đã bị đàn áp nặng nề và bây giờ rất gần chung cuộc nằm hoàn toàn dưới sự thống trị. của “Người Cầm Lái Vĩ Đại” mới.
Source:magister.blogautore.espresso.repubblica.itThe “Great Helmsman” Bombards Hong Kong, and the Church is Under Fire Too