Theo một quan chức cao cấp Lầu Năm góc, Mỹ phải đẩy mạnh sản xuất vũ khí siêu thanh nếu muốn chống lại và ngăn chặn những năng lực mà Trung Quốc đang phát triển.
“Tôi muốn nói rằng mọi thứ chúng ta đang làm liên quan tới máy bay đánh chặn hay vũ khí tấn công sẽ không tạo nên sự khác biệt trừ phi chúng ta có đủ số lượng,” Gillian Bussey, giám đốc Văn phòng Chuyển đổi Liên kết Vũ khí Siêu thanh của Bộ Quốc phòng, cho biết.
“Vì thế, việc có một chục tên lửa siêu thanh, bất chấp liệu chúng có thực sự siêu thanh hay không sẽ chẳng làm ai sợ hãi.”
Các loại vũ khí siêu thanh không như tên lửa thông thường mà có tính cơ động, và vì thế có thể tránh được các hệ thống phát hiện vũ khí truyền thống của Mỹ.
Bình luận của bà Bussey được đưa ra tại sự kiện ngày 8/2 do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức.
Đảng cộng sản Trung Quốc nắm thế chủ động về vũ khí siêu thanh
Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang phát triển và triển khai công nghệ siêu thanh nhanh hơn và với quy mô lớn hơn bất cứ nước nào, bà Bussey nhấn mạnh khi thảo luận về sự cần thiết tăng cường năng lực siêu thanh của Mỹ.
“Họ có các phương tiện lượn với động cơ phản lực tĩnh siêu âm. Họ có các động cơ lượn với tên lửa nhiên liệu lỏng, tên lửa nhiên liệu cứng, tên lửa đẩy. Họ đang nghiên cứu cả các loại hệ thống đẩy.”
Trong khi đó, Mỹ đã tụt lùi trong việc phát triển tên lửa siêu thanh trong thập kỷ qua. Điều này một phần do sự quan liêu của giới quân sự, một phần do thiếu nhận thức về sự cần thiết của loại vũ khí này trong ban lãnh đạo cao cấp.
Bộ trưởng Không quân Frank Kendall cho biết hồi tháng Hai rằng Mỹ có những nhu cầu chiến lược khác biệt so với Trung Quốc mà không đòi hỏi sử dụng vũ khí siêu thanh hàng loạt.
“Trung Quốc có một bộ mục tiêu, và tôi có thể dễ dàng hiểu được vì sao họ muốn trang bị vũ khí siêu thanh với số lượng hợp lý,” ông Kendall nói.
Với bộ mục tiêu đó, ĐCSTQ đã dành công sức và kinh phí nhằm nỗ lực phát triển năng lực vũ khí siêu thanh có khả năng vượt qua hàng phòng thủ của Mỹ. Điều quan trọng là ĐCSTQ đang đầu tư một cách tiếp cận toàn xã hội, không chỉ phát triển công nghệ mà còn phát triển cả nhân lực để duy trì và phát triển chúng.
Theo một báo cáo mới của CSIS được đưa ra tại sự kiện ngày 8/2, ĐCSTQ đã vượt Mỹ trong đào tạo kỹ sư chuyên về vũ khí siêu thanh, xuất bản các bài báo khoa học mở, và xây dựng các đường hầm gió siêu thanh.
Vì thế, ĐCSTQ đang nắm lợi thế độc nhất bởi Hoa Kỳ chưa phát triển được hệ thống phòng thủ tương ứng để chống lại các lực lượng siêu thanh hạng nặng, theo báo cáo.
Năng lực về vũ khí siêu thanh mới của ĐCSTQ, như được thử nghiệm hồi tháng 7/2021, đã kết hợp được những lợi thế về tốc độ, tính linh hoạt, và độ cao mà trước đó chỉ có thể đạt được với những hệ thống vũ khí trong và ngoài bầu khí quyển riêng biệt.
Báo cáo cho biết năng lực của vũ khí siêu thanh là “sự báo trước kỷ nguyên chiến tranh tên lửa mới,” do chúng sẽ mang đến những thay đổi trên diện rộng về chính sách và chiến lược.
Thay đổi bản chất của phòng thủ tên lửa
Tháng 10/2021, đại sứ về không phổ biến hạt nhân của Mỹ Robert Wood đã cảnh báo trước rằng không có sự phòng thủ nào chống được những loại vũ khí như vậy.
“Chúng ta hoàn toàn không biết có thể phòng thủ chống công nghệ đó như thế nào. Cả Trung Quốc lẫn Nga cũng vậy.”
Báo cáo của CSIS đã đề xuất Hoa Kỳ phải đầu tư nhiều hơn.
“Phòng thủ tên lửa siêu thanh là điều có thể. Tuy nhiên, việc nhận thức điều đó đòi hỏi chúng ta cần tính toán lại các thiết kế phòng thủ hiện có và sẵn sàng tiếp cận vấn đề theo cách khác,” báo cáo tuyên bố.
Những thay đổi đó sẽ bao gồm việc trù tính lại toàn bộ động lực của chiến lược phòng thủ bằng tên lửa và tiếp cận vũ khí siêu thanh như một lĩnh vực, hoặc thuộc tính của công nghệ, chứ không phải một công nghệ riêng lẻ đặc biệt.
Do vậy, báo cáo kêu gọi các lãnh đạo quốc phòng coi vấn đề này như một hình thức “phức hợp phòng không” hơn là cố tình gắn chính sách đó với cấu trúc phòng thủ bằng tên lửa đạn đạo hiện tại.
Báo cáo cũng kêu gọi ưu tiên nhu cầu chiến lược, cũng như đánh giá lại biện pháp bảo vệ để đối phó với thực tế là Mỹ đơn giản không thể cùng một lúc bảo vệ ở mọi nơi khỏi mối đe dọa của tên lửa siêu thanh.
Báo cáo đưa ra một loạt ý tưởng để phân lớp phòng thủ trước tên lửa siêu thanh, bao gồm tăng cường sử dụng vũ khí vi sóng và đầu đạn có thể tạo ra những đám mây bụi khí khổng lồ để kích nổ sớm các tên lửa đang bay tới.
Báo cáo cũng nêu rõ rằng vũ khí siêu thanh là để ngăn chặn và việc triển khai chúng sẽ làm thay đổi cục diện chiến trường theo những cách thức sâu sắc.
Đông A (theo The Epoch Times)