Bảo Nguyên
Các biện pháp chống Covid-19 khắc nghiệt của chính quyền Hong Kong đang khiến nhiều chuyên gia nước ngoài hoạt động trong ngành tài chính có ý định rời khỏi thành phố. Các tập đoàn tài chính hiện diện tại Hong Kong sẽ chọn rời đi để làm hài lòng nhân viên của họ, hay chọn ở lại bởi áp lực địa chính trị từ Trung Quốc đại lục?
Ngành tài chính Hong Kong chảy máu chất xám do chính sách chống Covid-19
Trong khi “luật an ninh Hong Kong” không thể phá hủy ngành dịch vụ tài chính của Hong Kong, chính sách “zero-Covid” sẽ làm điều đó?
Đó là điều mà đặc khu hành chính thuộc Trung Quốc này phải lo lắng khi nhiều chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ tài chính của Hong Kong đang tìm cách rời thành phố bởi các lệnh cách ly, phong tỏa và hạn chế hà khắc được áp dụng để chống lại đại dịch Covid-19.
Hong Kong đã duy trì các biện pháp cách ly cùng với các quy định nhập cảnh nghiêm ngặt kể từ năm 2020, ngay cả khi các thị trường tài chính khác ở châu Á mở cửa trở lại. Cư dân trở về từ hầu hết các khu vực phải cách ly tối đa 3 tuần bất kể tình trạng tiêm chủng. Lệnh cách ly 3 tuần đầy khắt khe chỉ mới được hạ xuống gần đây thành 2 tuần sau khi xuất hiện nhiều khiếu nại từ ngành tài chính của Hong Kong.
Bất chấp tất cả các hạn chế, thành phố còn xa mới đạt được “zero-Covid”. Số ca nhiễm đang tăng cao theo ngày; các quan chức y tế lo ngại về những cư dân chưa tiêm chủng. Tính đến giữa tháng 2, Hong Kong đang có tỷ lệ ca nhiễm cao kỷ lục.
Mục tiêu của thành phố là mở lại biên giới với Trung Quốc đại lục – nơi thi hành chính sách Covid nghiêm ngặt nhất trên thế giới – nhưng chưa rõ bao giờ ngày đó mới đến. Trên thực tế, không chắc liệu Bắc Kinh có ra tay giúp đỡ khi đại dịch ở Hong Kong đang ngày một trầm trọng hay không.
Vì vậy, nhiều chuyên gia nước ngoài đang có ý định rời khỏi Hong Kong.
Một giám đốc cấp cao tại một công ty tài chính Hong Kong gần đây đã tâm sự với tác giả bài viết này rằng: “Tôi e rằng một bộ phận lớn nhân viên của tôi sẽ rời đi sau khi nhận tiền thưởng vào cuối tháng này”.
Ông nói thêm: “Trừ khi bạn còn trẻ và độc thân hoặc là một giám đốc điều hành được trả lương rất cao để bù lại việc chịu đựng các chính sách của chính quyền thành phố, tình hình đối với hầu hết mọi người là rất khó khăn”.
Các số liệu thống kê đã củng cố ý kiến trên. Một cuộc khảo sát gần đây của Phòng Thương mại Mỹ tại Hong Kong cho thấy 40% người được khảo sát có xu hướng muốn rời khỏi Hong Kong.
Công ty tư vấn KPMG cho biết trong một báo cáo ngày 25/01 rằng lượng nhân tài ở Hong Kong đang sụt giảm đáng kể. Sự thiếu hụt nhân tài trầm trọng là một trong những thách thức lớn nhất mà ngành tài chính phải đối mặt vào năm 2022. Và nếu các chuyên gia tài chính nước ngoài rời đi, các chuyên gia của các ngành liên quan và các ngành hỗ trợ như kế toán viên và luật sư có thể sẽ rời đi theo.
Ngoài sự sụt giảm 1,2% dân số là được thống kê chính thức, cho đến nay xu hướng “chảy máu chất xám” tài chính này chưa được công nhận. Các quan chức và những người điều hành thành phố tin rằng các hạn chế liên quan đến Covid chỉ là tạm thời; và chừng nào Hong Kong còn duy trì mức thuế thấp, hệ thống luật pháp tương đối ổn định (so với Trung Quốc đại lục), các cá nhân giàu có và người nước ngoài vẫn sẽ ở lại thành phố.
Các công ty tài chính cân nhắc rời Hong Kong phải chịu sức ép địa chính trị
Tờ Financial Times đưa tin, Ngân hàng Bank of America đang tiến hành một cuộc đánh giá chính thức để xem xét việc chuyển nhân viên từ Hong Kong sang Singapore – một trung tâm tài chính khác ở châu Á, nơi các hạn chế đi lại liên quan đến Covid ít hà khắc hơn. Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta chứng kiến Singapore giành ưu thế trước Hong Kong.
Chắc rằng các Giám đốc điều hành của Bank of America không vui vẻ gì với việc tờ Financial Times đưa tin về những dự tính nội bộ của ngân hàng này. Nhưng thật dễ dàng để hình dung ra việc các ngân hàng phương Tây ở Hong Kong đang cân nhắc về điều này. Thật ngạc nhiên nếu Bank of America là ngân hàng duy nhất thực hiện điều đó.
Tuy nhiên, việc thảo luận một cách chính thức về việc rời Hong Kong sẽ tạo ra những vấn đề về mặt chính trị đối với các đại gia ngân hàng Phố Wall đang tranh giành một phần của miếng bánh Trung Quốc đại lục. Bắc Kinh đang từ từ mở cửa lĩnh vực ngân hàng và đầu tư của mình cho các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Động thái gần đây nhất, Bắc Kinh đã bắt đầu cho phép việc sở hữu đa số nước ngoài đối với các thực thể địa phương (doanh nghiệp, quỹ đầu tư địa phương…). Các ngân hàng cần cân bằng giữa vấn đề chính trị với nhu cầu của nhân viên. Còn nhớ trước đây HSBC – một công ty tài chính ủng hộ Bắc Kinh một cách rõ rệt – đã bị Trung Quốc chỉ trích vì liên quan tới vụ giam giữ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou).
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Bank of America vừa rút lại ý định rời khỏi Hong Kong. Các giám đốc điều hành châu Á của công ty đã viết trong một bản ghi nhớ cho nhân viên rằng Hong Kong vẫn là “trung tâm” trong các kế hoạch kinh doanh của công ty ở châu Á.
Tuy nhiên, nhân viên của ngân hàng này có cùng suy nghĩ như vậy hay không? Tương lai sẽ trả lời điều đó.
Tác giả Fan Yu là một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và kinh tế. Bà đã viết nhiều bài phân tích về nền kinh tế Trung Quốc từ năm 2015.
Bảo Nguyên
Theo The Epoch Times