Eva Fu
Trung Quốc đã từ chối lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, nói rằng họ sẽ không vội vã đưa ra kết luận, và thay vào đó cáo buộc Hoa Kỳ đang châm ngòi khả năng xảy ra chiến tranh trong khu vực này.
Trong một cuộc họp báo căng thẳng hôm 24/02 kéo dài hơn 90 phút, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying) đã né tránh nửa chục câu hỏi về việc liệu Bắc Kinh có coi cuộc tấn công của Nga vào Ukraine là một cuộc xâm lược hay không.
Bà nhắc lại lời kêu gọi của nhà cầm quyền này về việc “tất cả các bên tham gia kiềm chế và ngăn chặn tình hình vượt quá tầm kiểm soát.” Mặc dù “tình hình hiện tại không phải là những gì chúng ta hy vọng chứng kiến,” nhưng các bên liên quan nên “tạo cơ hội cho hòa bình” và giảm bớt căng thẳng các cuộc xung đột, bà nói.
Bà Hoa nói rằng Trung Quốc không trực tiếp tham gia vào xung đột và đã hành động có trách nhiệm bằng cách thúc giục giảm leo thang.
“Tại sao quý vị lại bị ám ảnh với việc lên án của Trung Quốc như vậy?” Có thời điểm bà đã hỏi một phóng viên, và một phóng viên khác, người vẫn kiên trì với cùng một câu hỏi, bà đã đổ lỗi cho Hoa Thịnh Đốn vì “châm ngòi chiến tranh” và gửi đạn dược cho Ukraine — một cáo buộc mà Hoa Kỳ đã phủ nhận. Bà cho biết, Nga đã tuyên bố rằng “các lực lượng vũ trang của họ sẽ không tiến hành bất kỳ cuộc tấn công bằng hỏa tiễn hoặc pháo binh nào vào bất kỳ thành phố nào của Ukraine.”
“Để tôi gợi ý nhé, quý vị có thể đi hỏi Hoa Kỳ: Họ châm ngòi lửa và thổi bùng ngọn lửa, làm cách nào để họ dập lửa đây?”
Hôm 24/02, Cục hải quan Trung Quốc cũng đã chấp thuận lúa mì nhập cảng của Nga. Bà Hoa nói với các phóng viên rằng nước này “sẽ tiếp tục thực hiện hợp tác thương mại bình thường với Nga và Ukraine trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, và cùng có lợi.”
Trung Quốc hiện là quốc gia lớn duy nhất không chính thức lên án cuộc tấn công trên diện rộng của Nga, diễn ra ngay sau khi lãnh đạo Nga Vladimir Putin tuyên bố về “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào Ukraine. Chính phủ Tổng thống Biden đã gọi hành động này là “cuộc tấn công vô cớ và phi lý”, trong khi Liên minh Âu Châu (EU) cho biết họ đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt “hà khắc nhất” từ trước đến nay đối với Nga.
“Đây là một trong những thời điểm đen tối nhất của Âu Châu kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến,” Giám đốc chính sách ngoại giao của EU Josep Borrell cho biết.
Trong khi đó, Bắc Kinh dường như đang đi theo một lộ trình khác.
Một hướng dẫn truyền thông của nhà nước Trung Quốc vô tình bị tiết lộ hồi đầu tuần này cho thấy các nhân viên đã được yêu cầu tránh đăng bất kỳ nội dung nào có vẻ không tốt cho Nga hoặc có lợi cho phương Tây. Một cựu biên tập viên của hãng thông tấn quốc doanh Tân Hoa Xã của Trung Quốc, còn khuyên Trung Quốc “ủng hộ Nga về mặt đạo đức và tinh thần”, đồng thời cân bằng tốt mối bang giao với tất cả các bên để tối đa hóa lợi ích của Trung Quốc.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine yêu cầu công dân ở yên tại nhà và treo cờ Trung Quốc trong hoặc trên xe của họ nếu họ đi lại.
Cũng trong ngày 24/02, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov, nói rằng “Trung Quốc luôn tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước.”
Bám sát lập trường của Bắc Kinh, ông Vương cho biết họ “nhận thấy một bối cảnh lịch sử phức tạp và duy nhất về vấn đề Ukraine, đồng thời hiểu những lo ngại chính đáng của Nga về các vấn đề an ninh.”
Chính quyền Trung Quốc đã tìm cách làm sâu sắc hơn mối bang giao của mình với Nga. Đầu tháng này (02/2022), ông Putin đã có cuộc gặp với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, tại đó cả hai nhà lãnh đạo đều tuyên bố liên kết đối tác chiến lược “không giới hạn”, trong đó có việc ký kết các hợp đồng khí đốt và dầu mỏ trị giá gần 118 tỷ USD. Ông Tập cũng lên tiếng ủng hộ Nga phản đối việc mở rộng NATO, vấn đề trọng tâm của cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine.
Mối bang giao ngày càng khăng khít giữa Bắc Kinh và Moscow đã làm dấy lên những lời chỉ trích gay gắt từ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price, người cho biết hai nước này đang âm mưu tìm kiếm một trật tự thế giới mới.
“Nhưng đây là một trật tự đã và sẽ vô cùng phi đạo đức, một trật tự trái ngược với hệ thống mà các quốc gia trên thế giới … đã xây dựng trong bảy thập niên qua,” ông nói trong một cuộc họp báo hôm 23/02.
Các hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, chẳng hạn như Tân Hoa Xã và Nhân dân Nhật báo, đã cẩn thận tránh từ “xâm lược” trong các bản tin vào ngày 24/02. Một ngoại lệ như vậy là đề cập đến Hoa Kỳ, vốn bị truyền thông cáo buộc là đã tiếp tục thúc đẩy tuyên bố “xâm lược”.
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền.
An Nhiên biên dịch