Nguồn: Gideon Rachman, “Putin’s war will shake the world”, Financial Times, 24/02/2022.
Biên dịch: Trần Hùng
Nga dự định thành lập một chính phủ bù nhìn ở Kiev. Phương Tây giờ đây phải phản ứng.
Cuộc chiến giả vờ đã kết thúc. Cuộc chiến thực sự đã bắt đầu. Trong vài tuần qua, chính phủ Mỹ và Anh đã tin rằng Vladimir Putin có ý định thực hiện một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine. Điều này hiện đang xảy ra.
Các mục tiêu chính xác của quân đội Nga vẫn đang dần lộ diện. Nhưng rõ ràng đây không phải là một cuộc tấn công hạn chế, chỉ giới hạn trong các khu vực tranh chấp ở miền đông Ukraine. Các vụ nổ đã được nghe thấy ở thủ đô Kiev của Ukraine. Và có nhiều báo cáo về việc quân đội Nga đã vượt qua biên giới từ Belarus – con đường ngắn nhất và trực tiếp nhất dẫn tới Kiev.
Các cơ quan an ninh phương Tây, vốn đã dự đoán chính xác diễn biến của các sự kiện cho đến nay, tin rằng Putin có ý định lật đổ chính phủ Ukraine và thành lập một chế độ bù nhìn thay thế. Chiến lược “chặt đầu” này sẽ không chỉ được thực hiện đối với chính quyền trung ương, mà còn cả các chính quyền địa phương và chính quyền khu vực. Danh sách các quan chức Ukraine sẽ bị bắt hoặc bị giết đã được đưa ra.
Theo một quan chức Mỹ, các chiến thuật quân sự mà Nga sử dụng có thể cực kỳ tàn bạo, “kiểu mà chúng ta đã thấy ở Syria và Chechnya”. Việc triển khai lực lượng pháo binh và không quân của Nga đồng nghĩa với việc Ukraine sẽ hứng chịu thương vong quân sự và dân sự nặng nề. Một số nguồn tin phương Tây đã nói về khả năng 50.000 người sẽ chết trong vòng một tuần.
Quân đội Ukraine quyết tâm chống trả. Nhưng họ có khả năng sẽ bị áp đảo. Mục tiêu của Nga có thể là bao vây Kiev và buộc chính phủ Ukraine, do tổng thống Volodymyr Zelensky đứng đầu, phải từ chức.
Phía Nga sẽ không muốn tham gia vào các cuộc giao tranh trong đô thị, nếu họ có thể tránh được. Họ cũng quyết tâm giữ cho phương Tây không can dự vào cuộc xung đột này. Trong bài phát biểu của mình để thông báo về cuộc xâm lược, Putin cảnh báo những nước bên ngoài muốn can thiệp rằng sẽ có “hậu quả mà bạn chưa từng thấy bao giờ trong lịch sử” – một cách nói bóng gió ám chỉ chiến tranh hạt nhân.
Hiện tại, phản ứng của phương Tây sẽ chỉ giới hạn trong các lệnh trừng phạt kinh tế. Lo sợ rằng thời điểm Nga xâm lược sẽ đến rất nhanh, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ và châu Âu đã bàn thảo một gói trừng phạt phối hợp trong vài tuần qua. Các biện pháp này sẽ được triển khai trong những ngày tới.
Giờ đây, Nga sẽ phải hứng chịu các lệnh trừng phạt về tài chính, cá nhân và công nghệ. Các ngân hàng Nga sẽ bị cắt khỏi hệ thống tài chính. Các cá nhân quyền lực của Nga sẽ không thể đi sang các nước phương Tây và sẽ bị đóng băng tài sản tại các ngân hàng phương Tây. Nga sẽ bị chặn tiếp cận các công nghệ tiên tiến – chẳng hạn như chất bán dẫn và các bộ phận máy bay.
Tác động đối với nền kinh tế Nga có thể sẽ rất sâu sắc. Nhưng điều đó không có khả năng làm Putin chuyển hướng khỏi con đường ông ta đã chọn. Bản thân nhà lãnh đạo Nga này sẽ không bị đói. Thay vào đó, ông ta có khả năng sử dụng cuộc chiến mà mình đã gây ra như một cái cớ để xóa sổ những dấu tích cuối cùng của tự do chính trị ở Nga. Đất nước này giờ đây sẽ chuyển sang chế độ độc tài toàn diện, điều sẽ tạo điều kiện cho việc dập tắt mọi bất đồng chính kiến từ những người Nga đang bất mãn với con đường mà Putin đã chọn.
Một sự chia rẽ kinh tế giữa Nga và phương Tây cũng sẽ gây ra những hậu quả kinh tế nghiêm trọng đối với châu Âu và Mỹ. Ngay cả trước khi cuộc xung đột này nổ ra, giá năng lượng đã tăng vọt. Nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu, thì người tiêu dùng và các ngành công nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Tác động trực tiếp sẽ được cảm nhận rõ nhất ở những quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt của Nga, đặc biệt là Đức và Ý. Nhưng toàn bộ thế giới phương Tây cũng có thể bị đẩy vào suy thoái và lạm phát. Và các nhà lãnh đạo chính trị phương Tây dễ bị tác động bởi dư luận hơn nhiều so với Putin.
Mặc dù NATO đã nói rõ rằng họ có ý định đứng ngoài cuộc chiến ở Ukraine, nhưng có nguy cơ xung đột có thể mở rộng. Một kịch bản mà các nhà lãnh đạo phương Tây lo ngại là không quân Nga có thể đuổi theo không quân Ukraine vào không phận Ba Lan. Điều đó có thể dẫn đến các cuộc đụng độ trực tiếp giữa người Nga và Ba Lan, một thành viên của NATO. Các cuộc không kích của Nga cũng có thể giết chết các công dân Mỹ hoặc châu Âu đang cư trú ở Ukraine, làm tăng áp lực lên chính phủ của họ trong việc đáp trả.
Các chính phủ phương Tây cũng đang tích cực tranh luận về cách giúp lực lượng kháng chiến của Ukraine – nếu và khi một lực lượng như vậy nổi lên – để chống lại sự chiếm đóng của Nga. Những người ủng hộ kế hoạch hành động này tin rằng việc hỗ trợ người Ukraine tiếp tục chiến đấu sẽ vừa là một nghĩa vụ đạo đức, vừa là một mệnh lệnh chiến lược. Những người khác lo lắng rằng việc hỗ trợ một cuộc kháng chiến có thể biến Ukraine thành một Syria mới ở biên giới châu Âu.
Những cuộc tranh luận này sẽ diễn ra ngày càng cấp bách trong những tuần tới. Tuy nhiên, hiện tại, Putin đang là người chủ động cuộc chơi.