Andrew Thornebrooke
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang phát đi các tín hiệu trái chiều về cam kết duy trì các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Nga, sau cuộc xâm lược Ukraine. Họ đã ban hành một số lệnh trừng phạt và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt khác.
Hai trong số các ngân hàng quốc doanh lớn nhất của Trung Quốc đã hạn chế cấp vốn cho các giao dịch mua hàng của Nga hôm 25/02, sau khi Hoa Kỳ và các đồng minh thông báo về một số biện pháp trừng phạt nhằm đáp trả cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.
Tuy nhiên, ĐCSTQ dường như đang thực hiện các biện pháp để giảm bớt khó khăn đó đối với Nga và không rõ ĐCSTQ sẽ phản ứng như thế nào trước những diễn biến gần đây, bao gồm cả các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và đồng minh đối với bản thân Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Đáng chú ý, cả Ngân hàng Công thương Trung Quốc và Ngân hàng Trung Quốc đều hạn chế cấp vốn cho các giao dịch chủ yếu mua bằng đồng USD từ Nga. Các nhà nhập cảng dầu thô của Trung Quốc, mặt hàng mà Trung Quốc là nước mua lớn nhất thế giới, đã tạm dừng do những người mua chờ làm rõ nguồn tài chính trong tình hình mới.
Có vẻ như ĐCSTQ sẽ tiếp tục đi con đường hẹp của việc vừa thắt chặt quan hệ với Nga lại vừa không thu hút các biện pháp trừng phạt của phương Tây về phía mình.
Để đạt được việc này, ĐCSTQ đã tuyên bố dỡ bỏ tất cả các hạn chế nhập cảng lúa mì đối với Nga. Hành động này có thể làm suy yếu các lệnh trừng phạt của phương Tây, cung cấp cho ĐCSTQ sự cứu trợ lương thực rất cần thiết và cho Nga dòng tiền cũng rất cần thiết. Nga hiện là nhà sản xuất lúa mì lớn nhất thế giới và Ukraine là nhà sản xuất đứng thứ năm.
Tương tự, bất chấp lời thỉnh cầu từ Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden để giúp giảm bớt giá xăng đang tăng, ĐCSTQ đã tăng dự trữ dầu của mình và từ chối bán ra thị trường toàn cầu.
Ấn Độ, Nhật Bản, Nam Hàn, và Vương Quốc Anh đã làm việc để bán ra một phần dự trữ của họ ra thị trường để kiềm chế mức giá cao chưa từng thấy kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.
Các tín hiệu trái chiều của ĐCSTQ về các lệnh trừng phạt xuất hiện trong bối cảnh Đảng bị chỉ trích là đang cố gắng hưởng lợi từ vị thế trung gian giữa Moscow và Hoa Thịnh Đốn trong cuộc khủng hoảng đang diễn ra này.
Mặc dù giới lãnh đạo ĐCSTQ đã khẳng định rằng họ trung lập trong vấn đề Ukraine, nhưng họ đã từ chối lên án những tuyên bố biện minh của Nga về cuộc chiến và đã tận dụng cuộc khủng hoảng như một cơ hội để bêu riếu Hoa Kỳ và NATO trên trường quốc tế, liên tục đổ lỗi cho cả hai vì châm ngòi cho cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm thứ Sáu (25/02) cho biết Ukraine có quyền hưởng chủ quyền của mình, nhưng Hoa Kỳ và NATO đã khiến Nga lo sợ về an ninh của họ.
Hôm thứ Năm (24/02), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã sử dụng cuộc khủng hoảng để nhắc lại một vụ việc năm 1999, trong đó một vụ ném bom của NATO ở Nam Tư đã dẫn đến cái chết của ba ký giả Trung Quốc.
“NATO vẫn nợ người dân Trung Quốc một món nợ máu,” bà Hoa nói.
Trong khi đó, các nhân viên tại một cơ quan truyền thông nhà nước được yêu cầu không xuất bản bất kỳ nội dung nào có vẻ chỉ trích cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, theo một bản ghi nhớ nội bộ được vô tình công bố từ Horizon News, thể hiện sự thiên vị đối với Nga trong chính sách ngoại giao của nhà cầm quyền này.
“Ai xuất bản chúng sẽ phải chịu trách nhiệm,” bản ghi nhớ nêu rõ.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jen Psaki đã hạ thấp khả năng của ĐCSTQ trong việc giảm tác dụng của các lệnh trừng phạt trong một cuộc họp báo, nói rằng ĐCSTQ không thể ứng phó với toàn bộ sức nặng kinh tế mà các lệnh trừng phạt này mang lại.
“Về tác động mà họ có thể có, ý tôi là, Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 15%… nền kinh tế toàn cầu,” bà Psaki nói hôm 24/02.
“Nếu quý vị nhìn vào các đối tác G7, ở Hoa Kỳ và Âu Châu, thì là 50%, phải không? Vì vậy, họ không thể ứng phó hết với những gì mà tác động của các lệnh trừng phạt đã được công bố trong sự phối hợp với Âu Châu sẽ gây ra — chúng sẽ tác động đến Nga như thế nào.”
Tuy nhiên, tuyên bố này nhấn mạnh một vấn đề gây tranh cãi hơn, đó là liệu các biện pháp trừng phạt có phải là một biện pháp răn đe hiệu quả chống lại Nga, hoặc chống lại ĐCSTQ trong một cuộc xung đột trong tương lai hay không.
Ông Richard Hass, chủ tịch Hội đồng Quan hệ Ngoại giao, cho biết trong một cuộc thảo luận trên Twitter: “Các biện pháp trừng phạt trên sẽ không thể có tác dụng.”
Tuyên bố đó dường như được phản ánh trong bài diễn văn của Tổng thống Biden hôm 24/02 khi, mặc dù đã ca ngợi các biện pháp trừng phạt như một biện pháp ngăn chặn xung đột ở Ukraine, nhưng ông thừa nhận rằng chúng có thể sẽ không kết thúc xung đột giờ đây khi mà nó đã bắt đầu.
“Không ai mong đợi các biện pháp trừng phạt này sẽ ngăn chặn bất cứ điều gì xảy ra,” Tổng thống Biden nói.
“Hãy bàn thảo trong một tháng nữa hoặc lâu hơn để xem liệu chúng có tác dụng không.”
Trong khi đó, trên mạng xã hội bị kiểm duyệt gắt gao của Trung Quốc đã tràn ngập những lời kêu gọi đứng về phía ông Putin và cưỡng ép chiếm lấy Đài Loan, phản ánh quan điểm về văn hóa đại chúng ngày càng theo chủ nghĩa dân tộc của giới trẻ Trung Quốc ở đại lục.
Một thông báo từ Điện Kremlin hôm 25/02 cho biết, ông Tập đã thực hiện một cuộc điện đàm với ông Putin và bày tỏ sự ủng hộ dành cho Nga.
“Ông Tập nhấn mạnh sự tôn trọng của ông ấy đối với các hành động của giới lãnh đạo Nga trong cuộc khủng hoảng hiện nay,” thông báo này cho biết.
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.
Minh Ngọc biên dịch