Huyền Anh
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định các lực lượng của liên minh sẽ không trực tiếp tham chiến ở Ukraine nhằm tránh leo thang căng thẳng dẫn tới chiến tranh với Nga. Quyết định này đã vấp phải sự chỉ trích của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông cho rằng đây là suy nghĩ ‘yếu đuối, bất an bên trong dù thực tế NATO sở hữu vũ khí mạnh hơn Ukraine gấp nhiều lần’.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi NATO thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine, quốc gia bị Nga xâm lược bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không vào ngày 24/2.
‘NATO bật đèn xanh cho Nga tiếp tục cuộc chiến’
“NATO đã cố tình quyết định không đóng cửa bầu trời Ukraine”, Tổng thống Zelensky viết trên mạng xã hội Facebook vào cuối ngày 4/3.
“Chúng tôi tin rằng các nước NATO đã tự nghĩ ra câu chuyện rằng, việc đóng cửa bầu trời Ukraine sẽ kích động sự đối đầu trực tiếp của Nga với NATO. Đây là suy nghĩ của những người yếu đuối, bất an bên trong dù thực tế họ sở hữu vũ khí mạnh hơn chúng tôi gấp nhiều lần”, ông Zelensky nói.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy chỉ trích mạnh mẽ quyết định này, cho rằng liên minh đã bật đèn xanh cho Nga để tiếp tục chiến dịch ném bom.
“Hôm nay có một hội nghị thượng đỉnh NATO, một hội nghị yếu đuối, một hội nghị bối rối, một hội nghị mà rõ ràng không phải ai cũng coi cuộc chiến giành tự do của châu Âu là mục tiêu số một”, ông Zelensky phát biểu trên truyền hình vào cuối ngày thứ Sáu (4/3).
“Hôm nay, lãnh đạo của liên minh đã bật đèn xanh cho việc ném bom thêm vào các thành phố và làng mạc của Ukraine, vì đã từ chối thiết lập vùng cấm bay”, ông Zelensky cho biết
Trong khi phương Tây lên án Putin, các thành viên của NATO gồm 30 thành viên nhất định phải bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp bị tấn công và đề phòng nguy cơ chìm vào cuộc chiến với Nga có vũ trang hạt nhân. EU đe dọa sẽ có thêm các biện pháp trừng phạt nhưng không rõ họ có thể làm gì.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết liên minh sẽ bảo vệ “từng inch” lãnh thổ NATO và Moscow không nên nghi ngờ quyết tâm của Washington.
“Chúng tôi là một liên minh phòng thủ. Chúng tôi không tìm kiếm xung đột. Nhưng nếu xung đột xảy đến với chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng”, ông nói.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng chi phí trừng phạt Tổng thống Putin. Trừ khi Điện Kremlin thay đổi hướng đi, nếu không, Điện Kremlin sẽ tiếp tục đi trên con đường gia tăng sự cô lập và đau đớn về kinh tế.”
Nhưng liên minh – trong đó Hoa Kỳ, Anh và Pháp cũng là các cường quốc hạt nhân – đã làm tiêu tan hy vọng giúp đỡ ngay lập tức của Ukraine mà Kyiv nói rằng có thể lật ngược thế cờ trong cuộc chiến.
Ông Stoltenberg nói: “Chúng ta không nên để máy bay NATO hoạt động trên không phận Ukraine hoặc quân đội NATO hoạt động trên lãnh thổ Ukraine”.
Tuyên bố của Tổng thống Zelensky được đưa ra sau khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 4/3 khẳng định liên minh này sẽ không lập vùng cấm bay đối với Ukraine, vì điều đó có thể khiến xung đột lan rộng ra các nước châu Âu khác.
NATO từ chối lời kêu gọi lập vùng cấm bay của tổng thống Ukraine
“Chúng tôi không phải một bên tham chiến và có trách nhiệm bảo đảm không để chiến sự leo thang vượt ra ngoài phạm vi Ukraine”, Tổng thư ký Stoltenberg cho biết ngày 4/3, theo Reuters.
Ông Stoltenberg cho hay các quan chức NATO đã thảo luận về khả năng thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine, tuy nhiên sau đó nhất trí rằng máy bay cũng như binh sĩ của NATO không nên tham chiến ở Ukraine do lo ngại xung đột trực tiếp với Nga.
“Chúng tôi thấu hiểu tình cảnh khó khăn hiện nay, nhưng NATO tin rằng nếu làm như vậy (thiết lập vùng cấm bay), chúng ta sẽ rơi vào tình thế một cuộc chiến tranh toàn diện ở châu Âu, khiến nhiều quốc gia, nhiều sinh mạng bị đe dọa”, ông Stoltenberg cho biết.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi NATO thiết lập vùng cấm bay trên không phận Ukraine nhằm ngăn quân đội Nga không kích gây thiệt hại quy mô lớn cho các thành phố, thị trấn, khu dân cư của Ukraine.
Tuy nhiên, cách duy nhất để NATO thiết lập vùng cấm bay là trực tiếp cử máy bay chiến đấu tới Ukraine, có thể dẫn tới nguy cơ xung đột trực tiếp với lực lượng Nga.
Cũng trong ngày 4/3, Tổng thư ký Stoltenberg khẳng định NATO là một liên minh phòng thủ. Mục tiêu của NATO là giữ an toàn cho 30 quốc gia thành viên, đồng thời không muốn xảy ra chiến tranh với Nga.
Tổng thư ký NATO cảnh báo chiến sự ở Ukraine nhiều khả năng sẽ tiếp tục xấu đi trong những ngày tới khi quân đội Nga triển khai thêm các loại vũ khí hạng nặng và tiếp tục tấn công các thành phố, thị trấn của Ukraine.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby tuần này cho biết Mỹ không tính đến phương án lập vùng cấm bay. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói rằng, áp đặt vùng cấm bay đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ phải điều binh sĩ tới Ukraine để chiến đấu với lực lượng của Nga.
“Triển khai lực lượng của Mỹ tới Ukraine thực thi vùng cấm bay có thể kéo theo nguy cơ xung đột trực tiếp, thậm chí một cuộc chiến tiềm tàng với Nga, điều mà chúng tôi không muốn”, bà Psaki nói.
Ý tưởng hỗ trợ thực thi vùng cấm bay ở Ukraine cũng không nhận được sự ủng hộ của các nghị sĩ Mỹ. Thượng nghị sĩ Dân chủ Mỹ Chris Murphy cho rằng, động thái đó có thể châm ngòi cho một cuộc chiến giữa Nga và Mỹ.
“Quốc hội sẽ không bao giờ phê chuẩn điều đó. Cung cấp thiết bị quân sự, hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine, áp lệnh trừng phạt Nga, điều chuyển binh sĩ đến sườn Đông của NATO đều là những động thái đúng đắn. Tuy nhiên, một cuộc chiến trực tiếp giữa hai cường quốc hạt nhân không phải là điều mong muốn”, ông Murphy nhấn mạnh.
Nga bị cáo buộc tiếp tục các cuộc pháo kích và không kích nhằm vào các mục tiêu ở Ukraine khi phái đoàn hai bên ngồi vào bàn đàm phán. Cho đến nay, hai cuộc đàm phán đã diễn ra nhưng không đạt được kết quả cụ thể, ngoài việc Nga và Ukraine nhất trí thiết lập hành lang nhân đạo ở khu vực chiến sự.
Huyền Anh
Theo Reuters