Dĩ nhiên, không phải mọi doanh nghiệp Nga sẽ phá sản. Dù vậy, rủi ro phá sản của nhiều doanh nghiệp Nga đang ngày một lớn khi các lệnh trừng phạt leo thang. Mức vốn hoá của doanh nghiệp Nga đang bốc hơi gần hết trên các thị trường chứng khoán khắp toàn cầu. Bản thân các doanh nghiệp Nga đang bị loại khỏi chỉ số chứng khoán quốc tế; nhiều chứng khoán của các doanh nghiệp Nga trở thành rác. Trong bối cảnh đó, Phố Wall đang chịu trách nhiệm đền bù tới 41 tỷ USD cho các khoản nợ đầy ‘nguy cơ’ này.
Credit Default Swap (CDS), một sản phẩm tài chính được hiểu là loại giao dịch hoán đổi không trả được nợ tín dụng. Đây là một thỏa thuận hoán đổi tài chính mà người bán CDS sẽ bồi thường cho người mua trong trường hợp vỡ nợ hoặc sự kiện tín dụng khác. Có nghĩa là, người bán CDS bảo đảm sẽ đền bù bằng tiền cho người mua nếu khoản tín dụng (được giao dịch đó) bị vỡ nợ.
Hiện tại, phố Wall ở Mỹ đang nắm giữ 41 tỷ USD CDS đối với các khoản nợ của Nga. Điều này có nghĩa là một số tổ chức tài chính của Phố Wall đang phải chịu trách nhiệm bảo hiểm cho 41 tỷ USD nợ từ các doanh nghiệp Nga; những doanh nghiệp mà chứng khoán của họ đang được xếp hạng thành ‘rác’.
Theo Wall Street on Parade, nghĩa vụ nợ của Phố Wall với các khoản cam kết bảo lãnh tín dụng liên quan tới doanh nghiệp Nga lớn hơn nhiều. Ngoài ra còn có hàng tỷ USD nữa trong các khoản CDS đối với nợ doanh nghiệp nhà nước của Nga và nợ doanh nghiệp không thuộc sở hữu nhà nước của Nga.
Cuộc khủng hoảng tài chính 2008 xảy ra vì sản phẩm tài chính CDS như vậy. Nợ xấu được mua bán trao đổi trên thị trường nợ thứ cấp, trong đó có CDS. Qua các sản phẩm mua bán nợ, thì người mua nợ không còn biết được rủi ro thực của người phát hành nợ; họ thậm chí còn không biết người phát hành nợ là ai, đang nghèo túng đến mức nào. Người mua nợ, ví dụ như CDS, chỉ biết rằng có một ngân hàng lớn, được xếp hạng tín nhiệm AAA, đã bảo lãnh cho khoản nợ này; tức là trường hợp chủ nợ không trả được nợ thì ngân hàng đó sẽ trả thay. Trường hợp này, người phát hành nợ chính là các doanh nghiệp Nga đang kẹt trong khói lửa chiến tranh và các đòn trừng phạt leo thang từ thị trường tài chính quốc tế. Còn ngân hàng trả thay là một tổ chức nào đó ở Phố Wall.
Cũng năm 2008, các ngân hàng đều biết rằng các ngân hàng khác trên phố Wall đang nắm giữ các tài sản CDS độc hại trong bảng cân đối. Các ngân hàng nghi ngờ và mất niềm tin với nhau đến mức họ không cho nhau vay trên thị trường qua đêm liên ngân hàng nữa. Sự sụp đổ diễn ra nhanh chóng sau đó vì khủng hoảng thanh khoản chưa từng có. Khi đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã phải bí mật bơm hàng nghìn tỷ USD vào các ngân hàng lớn ở Phố Wall và các đối tác phái sinh ở nước ngoài của các ông lớn này.
Tại sao lại phải bơm tiền cho đối tác phái sinh? Vì khoản tài sản độc hại mà họ giữ trong bảng cân đối, giống như họ đang giữ CDS doanh nghiệp Nga, đều được mua phái sinh để phòng rủi ro. Nhưng rủi ro đã phát sinh trong hệ thống thì không tự nhiên phòng được, nó chỉ đẩy trách nhiệm từ ngân hàng A sang đối tác phái sinh là ngân hàng B mà thôi. Vì thế, để cứu ngân hàng A, Fed cũng phải bơm tiền cho đối tác nhận bảo hiểm rủi ro cho nó qua sản phẩm phái sinh tài chính là ngân hàng B.
Chi phí mua CDS 5 năm đối với khoản nợ của Nga đã tăng vọt từ 5% tổng giá trị khoản nợ vào đầu tháng 2 lên 46% vào thứ Sáu tuần trước, và lên 58% vào sáng thứ Năm tuần này (10/3/2022). Thị trường hiện đã định giá các CDS 5 năm với các khoản nợ của Nga có xác suất 80% khả năng vỡ nợ.
Nợ của Nga đã được Standard and Poor’s hạ cấp xuống trạng thái rác vào ngày 25/2. Vào ngày 3/3, Moody’s và Fitch đã hạ cấp khoản nợ xuống thành rác.
Giá cổ phiếu của các ngân hàng toàn cầu có quan hệ với Nga đã lao dốc kể từ khi Nga bắt đầu triển khai quân ồ ạt ở biên giới Ukraine và đặc biệt là kể từ khi xâm lược Ukraine vào ngày 24/2.
Reuters đưa tin vào ngày 28/2, Citigroup có 10 tỷ USD tiếp xúc với các khoản vay của Nga và nhiều loại tài sản tài chính khác của Nga. Với lịch sử của Citigroup về việc giảm thiểu tỷ lệ tiếp xúc dưới chuẩn trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, 10 tỷ USD đó có thể không phải là toàn bộ câu chuyện.
Ngân hàng thương mại của Citigroup, Citibank, cũng có một chi nhánh ngân hàng thương mại khá lớn ở Nga. Trang web của Citibank nói rằng Citibank là “đối tác ngân hàng quan trọng cho các công ty hàng đầu của Nga”. Trang web của Citibank lưu ý thêm rằng nó có các chi nhánh phục vụ khoảng 500.000 khách hàng cá nhân tại 10 thành phố lớn ở Nga, bao gồm: Moscow, St. Petersburg, Yekaterinburg, Nizhny Novgorod, Samara, Sochi, Rostov-on-Don, Volgograd, Ufa và Kazan. Trung tâm hoạt động của Citibank được đặt tại Ryazan. Trang web tiếng Nga của ngân hàng liệt kê các dịch vụ sau cho khách hàng Nga: “… quản lý tiền mặt, tài trợ thương mại, ngân hàng đầu tư, tài chính doanh nghiệp, cho vay, FX [ngoại hối] và các dịch vụ bảo hiểm rủi ro, dịch vụ chứng khoán, dịch vụ tổ chức phát hành và các giải pháp ngân hàng bán lẻ, bao gồm cả quản lý tài sản , thẻ tín dụng và các khoản vay cá nhân”.
Thật thú vị, trong khi ngày càng có nhiều thương hiệu nổi tiếng như Hermes, Cartier, Nike, Apple, Ikea, Ford, Toyota, Disney, British Petroleum, Shell, ExxonMobil, FedEx, UPS, American Express, Mastercard và Visa (và nhiều hãng khác) đã công bố họ đang đóng cửa các cửa hàng, tạm ngừng dịch vụ hoặc tạm dừng các chuyến hàng đến Nga – Citibank không đưa ra thông báo về việc đóng cửa các chi nhánh của mình tại Nga.
Một trong những ngân hàng nước ngoài lớn nhất ở Nga là Austria’s Raiffeisenbank, giá cổ phiểu đã giảm 56% trong thời gian hơn một tháng. Raiffeisenbank lưu ý trên trang web rằng ngân hàng này là “1 trong 13 ngân hàng quan trọng về mặt hệ thống ở Nga”, xếp thứ 10 về tài sản và thứ 8 về số lượng khách hàng bán lẻ. Mạng lưới khu vực của Raiffeisenbank ở Nga bao gồm 5 chi nhánh và 116 đại lý.
Một ngân hàng nước ngoài toàn cầu khác có hoạt động lớn tại Nga là ngân hàng toàn cầu của Pháp Societe Generale’s Rosbank. Theo trang web của mình, nó có 5 triệu khách hàng cá nhân ở Nga và 9.000 khách hàng doanh nghiệp lớn. Giá cổ phiếu của Societe Generale đã giảm 38% sau một tháng.
UniCredit của Ý cũng có các hoạt động lớn ở Nga. Theo Reuters, ngân hàng UniCredit của Nga là ngân hàng lớn thứ 12 trong nước với 7,8 tỷ EUR cho vay khách hàng vào cuối năm ngoái. Cổ phiếu của UniCredit đã giảm 37% sau một tháng.
Các ngân hàng toàn cầu khác như JPMorgan Chase (JPM), Deutsche Bank (DB), Barclays (BCS) và Credit Suisse (CS), đều nắm một lượng lớn tài chính phái sinh với hy vọng đẩy được rủi ro nợ sang cửa nhà người khác cũng đang trong tình trạng suy giảm giá trị tương tự trên thị trường tài chính toàn cầu.
Cơn bão tài chính từ Nga bắt đầu lan toả sang thị trường tài chính toàn cầu, dù ít hay nhiều, thứ mà thị trường tài chính toàn cầu phải đón nhận chính là tổn thất ngày một lớn theo mức độ leo thang của chiến tranh.
Trà Nguyễn
Theo Wall Street on Parade