Đông Phương
Số người kết hôn mới ở Trung Quốc giảm dần trong nhiều năm liên tiếp. Năm 2021, con số này ở mức thấp nhất trong 36 năm. Nguyên nhân vì sao?
Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Nội vụ Trung Quốc, số lượng kết hôn ở Trung Quốc đang giảm dần qua từng năm. Sau khi lần lượt giảm 10 triệu và 9 triệu cặp kết hôn vào năm 2019 và 2020, sang đến năm 2021 Trung Quốc chỉ có 7,636 triệu cặp đôi đăng ký kết hôn. Đây là con số thấp nhất kể từ năm 1986.
Nguyên nhân tình trạng không muốn kết hôn ở Trung Quốc
Các nhà phân tích cho rằng nguyên nhân khiến tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc giảm là: Thứ nhất, sự thay đổi cơ cấu của nhóm dân số trong độ tuổi kết hôn. Chính sách kế hoạch hóa gia đình lâu năm đã khiến số lượng người trẻ ngày càng ít. Ngoài ra còn xuất hiện hiện tượng giới trẻ sợ kết hôn. Nhân viên của Văn phòng đăng ký kết hôn tỉnh Hà Bắc cho biết: “Có nhiều người thấy những người xung quanh hay ly hôn nên họ sợ kết hôn”.
Thứ hai, tình hình kinh tế suy thoái do dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến mong muốn kết hôn của giới trẻ.
Ngoài ra, tình trạng mất cân bằng tỷ lệ nam nữ nghiêm trọng của Trung Quốc, đặc biệt là trong nhóm dân số ở nông thôn, cũng được coi là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ kết hôn ngày càng giảm.
“Niên giám Thống kê Trung Quốc 2021” do trang web chính thức của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc phát hành cho biết, dân số ở nông thôn Trung Quốc có hơn 509 triệu người. Trong đó có hơn 264 triệu nam giới và hơn 245 triệu nữ giới. Con số chênh lệch giữa hai giới – khoảng 20 triệu người – đã phản ánh tình trạng mất cân bằng giới tính đặc biệt rõ nét ở các vùng nông thôn.
Theo “Niên giám Thống kê 2021”, tỷ lệ giới tính của dân số nông thôn Trung Quốc là 107,91, tức là cứ 100 nữ thì có 107,91 nam, vượt quá tổng tỷ lệ giới tính 105,07 trong cuộc điều tra dân số toàn Trung Quốc lần thứ bảy. Khu vực nông thôn của Thượng Hải và Bắc Kinh là hai nơi mất cân bằng giới tính nghiêm trọng nhất Trung Quốc, lần lượt là 130,93 và 120,21.
Do tỷ lệ nam nữ ở nông thôn không cân bằng, tình trạng khó kết hôn ở nông thôn đã trở thành mối quan tâm lớn ở tất cả các vùng của Trung Quốc.
Ví dụ, vào tháng 9/2021, một thông báo được lan truyền trên mạng Internet cho thấy, Huyện ủy Lục Xuyên thuộc thành phố Ngọc Lâm, tỉnh Quảng Tây đã yêu cầu tất cả các thị trấn và các đơn vị liên quan thống kê số nam thanh niên và trung niên chưa lấy vợ, phân tích nguyên nhân và đề xuất biện pháp giải quyết. Tờ The Paper của Đại lục cũng xác nhận từ Văn phòng Huyện ủy Lục Xuyên rằng thông báo này là đúng sự thật và là thông báo nội bộ.
Ngoài ra, vào tháng 10 cùng năm, Cục Nội vụ huyện Tương Âm, tỉnh Hồ Nam tuyên bố rằng cần phải giáo dục và hướng dẫn nữ thanh niên nông thôn “ở lại quê hương” để “nỗ lực giảm tỷ lệ mất cân đối giữa nam và nữ ở nông thôn”. Nhiều cư dân mạng đã chỉ trích tuyên bố trên vì cho rằng đó là hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ và thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với phụ nữ.
Hậu quả của chính sách một con
Đảng Cộng sản Trung Quốc thực hiện “chính sách một con” vào năm 1979. Chính quyền này cũng đề cập trong nhiều báo cáo rằng Trung Quốc có 13 triệu ca nạo phá thai mỗi năm, nhưng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chỉ ra trong Báo cáo Quốc gia về Nhân quyền năm 2015 rằng Trung Quốc có “số ca nạo phá thai thực tế hàng năm thậm chí còn cao nhiều hơn”. Chính sách “một con” đã trực tiếp khiến tỷ lệ sinh của Trung Quốc giảm nghiêm trọng và mất cân bằng giới tính khi sinh.
Sau khi thúc đẩy “chính sách hai con” vào tháng 10/2015, đến cuối tháng 5/2021 chính quyền Trung Quốc lại tung ra “chính sách ba con” trong nỗ lực nhằm “thay đổi cơ cấu nhân khẩu học” để cứu vãn cuộc khủng hoảng dân số. Tuy nhiên, các cuộc khảo sát cho thấy do nhiều gánh nặng kinh tế và hệ lụy của chính sách một con, nhiều người Trung Quốc không sẵn sàng sinh thêm con.
Đông Phương