Đông Phương
Tháng 3/2022, ông Tập Cận Bình lại phải đối mặt với một mùa nhạy cảm chính trị mới. Truyền thông nước ngoài phân tích rằng, đối với ông Tập, rủi ro lớn nhất là kinh tế và cuộc đấu đá trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Ngoài sự bất ổn của cuộc chiến ở Ukraine, đợt bùng phát COVID-19 trên khắp Trung Quốc và các chính sách phòng chống dịch cực đoan đã gây áp lực lên nền kinh tế Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Trong cuộc điện đàm giữa ông Tập và Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 18/3, ông Biden nhấn mạnh rằng Bắc Kinh không nên cung cấp hỗ trợ kinh tế và quân sự cho Nga. Nhưng ông Tập đã không tỏ rõ ý kiến về yêu cầu này.
Phóng viên thâm niên Katsuji Nakazawa của Nikkei Asian Review phân tích hôm 24/3 rằng, lập trường rõ ràng duy nhất mà ông Tập Cận Bình đưa ra là phản đối các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, ông cũng không chuẩn bị đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào nhưng vẫn đồng ý cuộc đối thoại lần này với người đồng cấp Mỹ.
Theo các nguồn tin, Bắc Kinh đã từ chối tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với nhà lãnh đạo Mỹ trong nhiều tháng, và câu hỏi đặt ra là tại sao bây giờ ông Tập mới đồng ý?
“Mục đích của ông ấy là để đoàn kết tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc về vấn đề Ukraine, và ông Biden được dùng vào việc này. Khi đó, nội bộ ĐCSTQ đã gần rơi vào tình trạng hỗn loạn, không thể thống nhất về cách phản ứng”, bài báo viết. “Nhưng vì hội nghị thượng đỉnh với ông Biden, ông Tập Cận Bình dường như đã thành công trong việc khiến giới lãnh đạo [Trung Quốc] nhất trí về lập trường ‘trung lập’ hơi mơ hồ và nghiêng về Nga”.
Theo phân tích của Nikkei Asian Review, lý do chính của cuộc tranh đấu trong nội bộ ĐCSTQ là do thiệt hại mà chiến tranh Nga – Ukraine gây ra cho nền kinh tế Trung Quốc.
Giá cổ phiếu Trung Quốc giảm mạnh vào ngày 14 và 15/3. Chỉ số tổng hợp SSE tại Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải gần như giảm xuống dưới 3.000 điểm. Sau khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, thân tín của ông Tập Cận Bình, ra mặt trấn an các nhà đầu tư trong cuộc họp khẩn vào ngày 16/3, thị trường mới ổn định được 2 ngày trước khi tiếp tục giảm ở mức khiêm tốn hơn.
Từ một góc độ nào đó, chính sách ngăn chặn tình trạng “bành trướng tư bản một cách mất trật tự”, tức là gây áp lực lên khu vực tư nhân và yêu cầu họ tuân theo đường lối của ĐCSTQ, đã đạt đến một bước ngoặt.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đề cập đến xung đột Ukraine trong cuộc điện đàm ngày 14/3 với người đồng cấp Tây Ban Nha. Ông Vương Nghị nói: “Trung Quốc không phải là một đương sự trong cuộc khủng hoảng, cũng không hy vọng rằng Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt”.
Kiểu “ngoại giao công chúng” mới của ĐCSTQ
Cũng trong ngày 14/3, ông Vương Huy Diệu (Wang Huiyao), người sáng lập Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa (Center for China and Globalization), một tổ chức tư vấn do ĐCSTQ hậu thuẫn, đã xuất bản một bài viết bày tỏ quan điểm trên tờ The New York Times với tiêu đề “Đã đến lúc Trung Quốc giúp Putin mở ra một con đường rút lui”.
Ông Vương nói, việc Bắc Kinh và Moscow liên kết chống lại phương Tây không có lợi cho phía Trung Quốc. “Nga có thể có một quân đội mạnh, nhưng nền kinh tế của nước này thường xuyên rơi vào tình trạng suy thoái cơ cấu và GDP của nước này không lớn hơn nhiều so với Tây Ban Nha”.
Ông Vương cũng cho biết Bắc Kinh có thể giúp thúc đẩy một lệnh ngừng bắn ngay lập tức, nhưng mục tiêu là “cung cấp cho ông Putin đảm bảo an ninh đầy đủ, qua đó thể hiện với quần chúng trong nước rằng đó là thắng lợi [của ĐCSTQ], đồng thời bảo vệ chủ quyền cốt lõi của Ukraine và chính sách mở rộng của NATO”.
Tờ Nikkei Asian Review gọi đây là một kiểu “ngoại giao công chúng” mới của ĐCSTQ. Trước các vấn đề mà chính quyền Bắc Kinh khó lên tiếng bình luận, các học giả Trung Quốc sẽ đóng vai trò là người phát ngôn thay thế. Mục đích của việc gửi đi thông điệp này là để tránh cho Trung Quốc bị liên lụy trước các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Nikkei Asian Review viết: “Bất kể ông Tập Cận Bình đã tích lũy được bao nhiêu quyền lực trong một thập kỷ qua, tình hình này đều có thể kích hoạt một cuộc tranh giành quyền lực ở Trung Quốc”, “trong vài tháng tới Trung Quốc sẽ xảy ra nhiều sự việc nhạy cảm”.
Chỉ còn hơn 6 tháng nữa là đến Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20 được tổ chức 5 năm một lần. Ông Tập Cận Bình được cho là sẽ tiếp tục tại vị.
Một thập kỷ đã qua, nhìn lại mùa chính trị nhạy cảm năm 2012
Nhìn lại lịch sử, từ góc độ đấu đá quyền lực trong ĐCSTQ, tháng 3 là một tháng đặc biệt quan trọng. Vào tháng 3/2012, có nhiều diễn biến lớn đã xảy ra làm rung chuyển chính trường Trung Quốc.
Vào ngày 15/3, ngay sau Lưỡng Hội, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai đã bị cách chức.
Vào sáng sớm ngày 18/3, Lệnh Cốc (Ling Gu), con trai của Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương ĐCSTQ Lệnh Kế Hoạch (Ling Jihua), bị tai nạn khi lái một chiếc Ferrari với tốc độ cao trên đường vành đai 4 ở Bắc Kinh và chết một cách bí ẩn.
Âm mưu che đậy vụ bê bối về cái chết của con trai ông Lệnh Kế Hoạch sau đó đã bị cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân phanh phui. Sự việc đã ảnh hưởng trực tiếp đến đội hình các nhà lãnh đạo mới được bầu tại Đại hội ĐCSTQ năm 2012.
Vào tối ngày 19/3, trung tâm Bắc Kinh được cho là xuất hiện tiếng súng. Tiếng súng cũng làm dấy lên tin đồn về một cuộc đảo chính. Tuy nhiên, đến nay tính xác thực của sự việc vẫn chưa được làm rõ.
Vào tháng 12/2012, khi ông Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo mới của ĐCSTQ, đi thị sát miền nam Trung Quốc, ông nói với những người trong đảng rằng: “Cuối cùng, Gorbachev tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản Liên Xô chỉ bằng một lời nói, một đảng lớn như vậy đã tàn. Cuối cùng chẳng còn ai là nam nhi, không một ai đứng ra phản đối”.
The New York Times đưa tin vào thời điểm đó rằng, thách thức lớn mà ông Tập phải đối mặt là làm thế nào để cân bằng quyền lực tuyệt đối của ĐCSTQ với việc động chạm đến các ông lớn tham nhũng trong thể chế. Vì kế hoạch của ông Tập có thể dễ dàng bị phá hoại bởi các lãnh đạo phe đối lập, những người sẽ bằng mọi giá bảo vệ lợi ích của bản thân và bảo vệ quyền lực của ĐCSTQ khỏi bất kỳ mối đe dọa nào.
Đông Phương