Thanh Đoàn
Những quốc gia Châu Âu mua khí đốt từ Nga đang phải đối diện với thời hạn bắt đầu thanh toán bằng đồng RUB từ ngày 1/4/2022. Giá khí đốt tăng 5,5 lần ở Châu Âu chỉ trong 1 năm bất chấp giá dầu dần ổn định. Châu Âu lo ngại khủng hoảng năng lượng sẽ kéo dài. Trong khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia đang tích cực mua dầu với ‘giá hữu nghị’ từ Nga.
Đồng RUB đang lội ngược dòng
Giá đồng RUB của Nga so với USD nhanh chóng phục hồi trở về thời điểm trước khi đưa quân vào Ukraine, ở mức 79 RUB/USD. Trong một tháng, giá đồng RUB đã tăng trở lại 24,55% so với USD sau khi lao dốc trước các đòn trừng phạt kinh tế – tài chính đồng loạt từ Mỹ và Phương Tây.
Sức phục hồi của đồng RUB so với USD mạnh nhất trong một tuần qua, tăng 16,36%.
Điều gì khiến đồng RUB lấy lại sức mạnh như vậy và liệu sức mạnh của đồng RUB có duy trì lâu dài hay không?
Các phân tích chỉ ra rằng sự phụ thuộc quá mức của Châu Âu vào khí đốt Nga đã phần nào vô hiệu hoá đòn trừng phạt của Mỹ và phương Tây, tác động ngược trở lại lạm phát và gánh nặng chi phí tiêu dùng, chi phí sản xuất của các nền kinh tế này. Trong khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ, các ‘bằng hữu’ của Nga, đang đẩy mạnh thu mua dầu từ Nga với giá hết sức ưu đãi. Tỷ giá USD/RUB trong một năm qua. Hiện tại, giá đồng RUB đang phục hồi mạnh trở lại sau khi lao dốc do các đòn trừng phạt từ phương tây (Ảnh chụp màn hình từ Trading Economics).
Thêm vào đó, đòn trừng phạt ‘những quốc gia không thân thiện’ của Tổng thống Putin trở nên độc đáo khi chốt hạn rằng EU phải thanh toán bằng đồng RUB khi mua khí đốt từ Nga vào ngày hôm nay, thứ Sáu ngày 1/4, bắt đầu từ 8 giờ sáng (giờ Moscow).
Phát biểu trên truyền hình ngày 31/3, ông Putin tuyên bố: “Để mua khí đốt Nga, họ cần mở tài khoản bằng đồng RUB trong các ngân hàng Nga”. “Tiền từ chính các tài khoản đó sẽ bắt đầu được dùng để thanh toán các khoản mua khí đốt từ 1/4/2022. Nếu các khoản thanh toán đó không được thực hiện, chúng tôi sẽ coi đây là thất bại của khách hàng trong việc tuân thủ các nghĩa vụ của mình”. Theo thông điệp từ ông Putin, nếu không tuân thủ, Nga huỷ các hợp đồng đã ký và khoá van đường ống khí đốt tới Châu Âu.
Trước đó, Nga phát đi thông điệp sẽ buộc các quốc gia không thân thiện phải mua khí đốt và dầu của Nga bằng RUB. Tuyên đối này gặp phải phản đối dữ dội từ các nền kinh tế Châu Âu, vốn hiện còn phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt từ Nga.
Gần như ngay lập tức, thủ tướng Đức, ông Đức Olaf Scholz đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào hôm thứ Tư (30/3/2022). Kết quả cuộc điện đàm dường như khá sáng sủa với EU khi Nga cho biết họ sẽ áp chính sách thanh toán RUB khi mua dầu khí theo lộ trình. Do vậy, hiện tại các công ty châu Âu có thể tiếp tục thanh toán cho các nguồn cung cấp khí đốt bằng đồng EUR hoặc USD.
Tuy nhiên, tuyên bố trên truyền hình ngày 31/3/2022 của ông Putin không hề giống kết quả đàm phán với Đức; một thay đổi quyết định chóng vánh từ phía Nga trong bối cảnh xung đột vũ trang đang leo thang là hoàn toàn có thể.
Các chính phủ châu Âu bác bỏ tối hậu thư về năng lượng của Putin, trong đó nước tiếp nhận khí đốt Nga lớn nhất EU là Đức, gọi đây là “hành động tống tiền”.
Trong bối cảnh EU đang bối rối, phẫn nộ trước đòn trả đũa của Nga thì Ấn Độ và Trung Quốc – các nền kinh tế thân thiện với Nga – đang dốc sức mua dầu và khí đốt được chiết khấu cao từ quốc gia này.
Châu Âu lo ngại khủng hoảng năng lượng kéo dài
Một mặt phương Tây theo đuổi chính sách biến đổi khí hậu, đánh thuế carbon làm tăng giá dầu và khí đốt ở Mỹ và một số quốc gia ở Châu Âu có năng lực sản xuất đồng thời co hẹp nguồn cung năng lượng. Mỹ hiện là nước đứng đầu về sản xuất dầu thô toàn cầu. Nhưng chính sách chống biến đổi khí hậu ở Mỹ hiện đang đe doạ ngược trở lại an ninh lương thực của quốc gia này. Mặt khác, EU vẫn phụ thuộc vào khí đốt từ Nga. Về dầu thô, Nga vẫn là quốc gia thứ hai trên toàn cầu xét về sản lượng.
Trong khi chưa có năng lượng thay thế đủ rẻ và dồi dào, EU dường như tin rằng dầu khí sản xuất từ Nga sẽ giúp EU chịu đựng ít carbon hơn. Những lý do này khiến cầu năng lượng từ EU phụ thuộc hơn vào Nga.
Chỉ trong một năm qua, giá khí đốt TTF (giá EUR), tăng 556,72% (5,5 lần). Trong tuần vừa rồi, khi Nga có động thái đáp trả các nước Châu Âu không thân hiện buộc các nước này phải mua khí đốt từ Nga bằng đồng RUB đã khiến giá khí đốt tăng 12,81%. Hôm nay, trước thời hạn phải thanh toán bằng RUB, giá khí đốt TTF tăng 5,38%.
Cuộc khủng hoảng thiếu năng lượng ở EU đã leo thang và tiếp tục căng thẳng khi thái độ của Nga cương quyết gần như tuyệt đối về đồng tiền và cách thức thanh toán hợp đồng mua năng lượng. Nga thậm chí đang đe doạ sẽ khoá đường ống dẫn khí sang EU trong bối cảnh mùa đông chưa hoàn toàn kết thúc.
Khác với dự báo rằng chiến tranh sẽ chóng vánh kết thúc dựa trên 2 giả thuyết: (1) Nga nhanh chóng khống chế toàn bộ Ukraine chỉ trong vài ngày; (2) các đòn trừng phạt kinh tế – chính trị – ngoại giao đẩy Nga vào thế cô lập, Ukraine với sự hỗ trợ của phương Tây sẽ buộc Nga phải từ bỏ sớm.
Nhưng với tình hình chiến sự hiện nay, cả hai giả thiết này đã không diễn ra. Phương tây cho rằng Nga đang sa lầy ở Ukraine, các tướng lĩnh Nga nói dối ông Putin về nội tình chiến trường; bởi vậy cuộc chiến sẽ còn kéo dài. Trong khi đó, ở một góc nhìn khác, dường như Nga đang sử dụng chiến thuật “nồi hầm” trong quá khứ để đạt mục tiêu xa hơn ở Ukraine. Dù nhận định nào là đúng, thì hoà bình ở Ukraine vẫn còn rất mong manh, các đòn trừng phạt kinh tế – chính trị, các đòn trả đũa hai bên còn kéo dài. Tất cả sẽ tác động tiêu cực hơn nữa tới khủng hoảng năng lượng ở Châu Âu. Lạm phát khu vực đồng tiền chung Châu Âu đã tăng cao nhất trong lịch sử kể từ khi số liệu này được thống kê và công bố (ảnh chụp màn hình từ Trading Economics)
Tỷ lệ lạm phát hàng năm ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu đã tăng lên mức cao kỷ lục mới là 5,9% vào tháng 2/2022 từ mức 5,1% trong tháng 1 và cao hơn mức ước tính sơ bộ là 5,8%. Năng lượng tiếp tục ghi nhận mức tăng giá lớn nhất (32% so với 28,8% trong tháng 1), tiếp theo là thực phẩm, rượu và thuốc lá (4,2% so với 3,5%), hàng công nghiệp phi năng lượng (3,1% so với 2,1%) và dịch vụ (2,5% so với 2,3%).
Ngay cả lạm phát cơ bản, không bao gồm giá năng lượng, thực phẩm, rượu và thuốc lá, đã tăng từ 2,3% lên 2,7% trong tháng 2/2022. Điều này cho thấy, giá năng lượng tăng cao, giá nhà sản xuất tăng cao ở Trung Quốc, Đức.. đã truyền tải dần tới giá cả tiêu dùng khác. Tỷ lệ lạm phát cao hơn gần 3 lần so với mục tiêu 2% của ECB. Dự kiến, lạm phát sẽ còn tăng cao hơn nữa khi cuộc chiến ở Ukraine làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng đe dọa chi phí nhiên liệu sẽ tăng thêm.
Thanh Đoàn