Lê Học Lãnh Vân
Một người bạn biểu cho ý kiến về việc mới xảy ra, việc cậu học sinh nhảy từ lầu hai mươi tám xuống mặt đất.
Ý kiến đầu tiên và bao trùm là quá buồn và quá thương, thương con và thương cha mẹ. Đồng thời cũng cám ơn Trời Phật cho mình và cho các bạn mình không rơi vào trường hợp như vậy.
Từng biết một gia đình, anh chị hết sức chìu ý con. Anh chị có trình độ học vấn nên cũng bỏ nhiều thì giờ cùng con tìm những giải pháp trên đường hướng tới tương lai. Các giải pháp anh chị đưa ra luôn có tính cách “tư vấn” và để con quyết định. Anh chị thực lòng hiếu thuận với cha mẹ. Anh chị làm lụng cả đời chỉ để lo cho con vì lo cho con là niềm vui của anh chị. Nhưng người con lúc nào cũng chống đối anh chị.
Từng chứng kiến gia đình khác, cha mẹ lo hưởng thụ bản thân, có thể nói là bỏ bê con cái dù gia đình không túng thiếu. Vậy mà khi cha mẹ về già, con phụng dưỡng mọi mặt, lấy việc phụng dưỡng cha mẹ làm niềm vui.
Lời ông bà truyền lại: cha mẹ sanh con, trời sanh tánh!
Lời ông bà truyền lại: có phước có phần, phước ai nấy hưởng!
Bốn mươi năm trước cuộc đời chung quanh còn thay đổi chậm, môi trường sống của con cái không khác môi trường sống của cha mẹ bao nhiêu. Khoảng sau này cuộc đời thay đổi quá mau! Chính mình năm năm sau đã thấy môi trường sống rất khác năm năm trước rồi!
Cũng dễ hiểu khi cha mẹ không theo kịp cuộc sống mới. Còn lò dò đánh máy chữ thì thời cuộc đã sang computer! Chưa dùng thạo ipad đời đầu đã tới iphone đời thứ mười mấy rồi! Thế hệ sau có hiểu, thông cảm sự chậm lụt, chậm chạp của thế hệ trước không?
Con cái bây giờ tiếp nhận quá nhiều thông tin, chúng biết rất nhiều, chúng “khôn” rất nhiều, nhiều hơn cha mẹ tưởng tượng rất nhiều, cha mẹ có biết điều đó không? Biết nhiều, khôn nhiều, thế giới lại phẳng nên áp lực cuộc sống lớn. Cha mẹ thương con, lo cho con chén cơm, manh áo, bằng cấp, sự học, mà không lường được cái áp lực quá lớn kia!
Khoảng cách thế hệ sao mà mênh mông quá!
Ấy là bởi khoảng cách thế hệ đo bằng thời gian sinh học vẫn dài như ngàn năm xưa còn khoảng cách ấy đo bằng thực tế sáng tạo của con người trong thời thế giới phẳng thì lại khác. Một khoảng cách thế hệ con người sinh học, tạm tính là hai chục năm, năm sáu chục năm trước chỉ chứa một, hai chu kỳ sản phẩm, trong khi thời bây giờ khoảng cách thế hệ chứa mấy chục chu kỳ sản phẩm công nghệ mới! Những thế hệ sản phẩm liên tiếp và đông đúc, đi cùng với chúng là các biến đổi tâm lý và cách sống, chen vào giữa hai thế hệ, đẩy các thế hệ xa nhau! Hệ quả là cái khung cứng nhắc hai chục năm đã bị vô số chu kỳ sản phẩm phá vỡ tung! Đâu chỉ kết quả bi thảm tới với con cái, kết cục bi thảm xảy ra cho cha mẹ còn gấp nhiều lần hơn!
Người viết bài này đã U-70, năm mươi năm đầu đời chưa từng thấy hiện tượng đứt gãy giữa con cái và cha mẹ kinh khủng như vậy. Con tự tử vì cha mẹ, tự tử với một lập trình sẵn, nếu sự việc như thế này thế này… xảy ra thì việc tự tử sẽ được kích hoạt như thế này, thế này… ngay trước mắt cha mẹ!
Thời trước của chúng tôi, cha mẹ không có thì giờ chăm sóc con như bây giờ, thời chưa giàu nên lo miếng ăn vất vả. Có khi cực nhọc quá, về nhà la rầy, đánh đòn con một cách vô lý. Đứa con bị đòn oan, đau khóc rồi tối lại cũng chạy tới cho cha mẹ ôm ấp, vỗ về! Cha mẹ thương con bị đòn đau! Đứa nhỏ nhìn giọt nước mắt của cha mẹ mà thương cha mẹ hơn! Tình yêu thương giữa cha mẹ và con cái không chỉ sâu đậm mà còn mộc mạc, chân thành! Phải chăng khi nghèo đói thì con người có nhiều nghị lực và lòng hy sinh hơn?
Những dòng viết này không níu chuyện đòn roi, chỉ thấy dù phương pháp giáo dục, chăm sóc nào thì điều cốt lõi vẫn là nền thương yêu. Phương pháp thay đổi khi thời đại khác đi, lòng thương yêu lại bền vững lâu dài. Những dòng này cũng không níu chữ hiếu cổ xưa, chỉ tự hỏi nếu lòng thương yêu giữa cha mẹ và con cái tràn đầy như suối tuôn từ đáy lòng thì những bi kịch kia có xảy ra không?
Vậy thì lòng thương yêu, mà chữ hiếu cũng một dạng của lòng thương yêu, và nói chung, lòng Nhân Ái, là một điểm đạo đức xa rời thực tế hay là một giải pháp hữu hiệu đầy tình người giúp cho đời sống thực tốt hơn, bền chặt hơn, hạnh phúc hơn? Tính Chân Thành, Trung Thực có giúp vào không?
Bi kịch như bi kịch vừa xảy ra liên quan tới nhiều kích thước. Kích thước cá thể, kích thước gia đình, kích thước cộng đồng, kích thước quốc gia. Thời đại nào, nơi nào cũng có khoảng cách thế hệ cả, một cách tổ chức xã hội với những giá trị cốt lõi thích hợp sẽ giúp vào thu hẹp khoảng cách này. Những khảo cứu cho thấy tình trạng tự tử tỉ lệ thuận với độ kỳ thị và bất bình đẳng xã hội!
Bây giờ, nhìn các giá trị cốt lõi trong xã hội bị đảo lộn mà thấy sợ. Các giá trị gắn kết con người với nhau, các giá trị để một xã hội tồn tại, các giá trị ấy được định nghĩa, diễn dịch một cách méo mó quá nhiều so với trước. Lòng Nhân Ái, tính Trung Thực, tính Bình Đẳng là các giá trị bao trùm, các giá trị lẽ ra phải đứng trên nhiều giá trị khác, đứng trên mọi tầm vóc dân tộc, đảng phái, vùng miền… lại đang bị đặt dưới những cái khung ngắn hạn kia. Điều này ảnh hưởng trên mọi kích thước cộng đồng, gia đình, cá nhân nêu ở trên. Trong xã hội Nhân Ái, Bình Đẳng, Trung Thực thì cá nhân yêu cuộc sống hơn, yêu người chung quanh hơn, yêu cộng đồng hơn, tính khí cá nhân và xã hội ít cực đoan, bao dung hơn, khoan hoà hơn. Xã hội đó sẽ thiết lập các hoạt động như khải đạo, tư vấn tâm lý, tư vấn tương tác cha mẹ con cái, trung tâm tạm náu, hỗ trợ…
Ôi, nền quản trị quốc gia còn bao việc ngổn ngang cần nhiều nhà chuyên môn, nhà kỹ trị thực tâm, thực tài…
Ngày 04 tháng 4 năm 2022