Các tổng thống Hàn Quốc đều không có kết cục tốt đẹp: Lời nguyền Thanh Ngõa Đài có thể phá giải được không?

Trung Hòa

Tòa nhà Tổng thống Hàn Quốc là Thanh Ngõa Đài, còn gọi là Nhà Xanh, được cho là có phong thủy xấu. (Ảnh: wikipedia/ CC BY SA 3.0)

Tòa nhà Tổng thống Hàn Quốc là Thanh Ngõa Đài, còn gọi là Nhà Xanh, được cho là có phong thủy xấu. 10 tổng thống tiền nhiệm đã bị điều tra, tù đày, hoặc ám sát, tự tử, hoặc các tai họa khác. Người ta cho rằng liên quan đến lời nguyền Thanh Ngõa Đài. Không biết có phải vì lý do này không mà Tổng thống mới đắc cử Yoon Suk-yeol tuyên bố sẽ chuyển Văn phòng Tổng thống đến tòa nhà Bộ Quốc phòng.

Trước ngày bầu cử tổng thống, ứng cử viên của đảng Dân chủ là Ahn Cheol-soo (An Triết Tú) đã quay sang ủng hộ ông Yoon Suk-yeol (Doãn Tích Duyệt), ứng viên của đảng Sức mạnh Quốc dân, giúp ông Yoon giành chiến thắng trước đối thủ Lee Jae-myung (Lý Tại Minh) của đảng Dân chủ cầm quyền với 0.73% phiếu bầu cao hơn. 

Trước cuộc bầu cử, cả 2 ông đều có khá nhiều bê bối. Chính sách của 2 ông về rất nhiều phương diện cũng vô cùng giống nhau. Sự khác biệt rõ nét chính là lập trường đối với ĐCSTQ và Triều Tiên. Do đó, lần bầu cử tổng thống Hàn Quốc lần này khá giống với cuộc bầu cử lần trước của Đài Loan, con át chủ bài mang tính quyết định là thân ĐCSTQ hay chống ĐCSTQ.

Cuộc bầu cử Hàn Quốc lần này rất quyết liệt, và lập kỷ lục tỷ lệ đi bỏ phiếu cao đến 77.1%. Hiện nay, điều mọi người quan tâm hơn không phải là việc ông Yoon Suk-yeol sẽ trị quốc như thế nào, mà là việc Tổng thống sắp mãn nhiệm Moon Jae-in (Văn Tại Dần) có bị kết cục giống các tổng thống tiền nhiệm, bị lời nguyền của Thanh Ngõa Đài (Nhà Xanh) hay không. 

Lời nguyền Thanh Ngõa Đài

Có người nói, tổng thống Hàn Quốc là chức vụ nguy hiểm nhất thế giới. Bắt đầu từ năm 1948, khi ông Lee Seung-man (Lý Thừa Vãn) lên làm tổng thống, các tổng thống các nhiệm kỳ đều không có kết cục tốt đẹp: không bị vào tù vì tham nhũng sau khi rời nhiệm sở, thì cũng bị các bất hạnh khác. Mọi người nói rằng, đó là do lời nguyền Thanh Ngõa Đài. 

Tương truyền, lời nguyền Thanh Ngõa Đài liên quan đến phong thủy phủ tổng thống Hàn Quốc. Trong lịch sử, Thanh Ngõa Đài là Ly Cung của vương triều Cao Ly. Năm 1426, vương triều Triều Tiên xây dựng kinh đô ở Hán Thành, tức Seoul ngày nay, lấy khu vực này làm vườn sau của Cảnh Phúc Cung. 

Tương truyền, vương triều Triều Tiên đã mời một đại sư phong thủy lừng lẫy ở Trung Quốc đến xem, và nói rằng, Cảnh Phúc Cung dựa vào núi Bắc Nhạc, là một bộ phận của long mạch núi Côn Luân, bên trái có núi Lạc, bên phải có núi Nhân Vương, phía trước là một dây đai lưng ngọc do dòng nước tạo thành. Dây đai lưng này còn nối với núi Án, núi Triều, không hổ danh là bảo địa phong thủy. Do đó vương triều họ Lý của Triều Tiên đã kéo dài hơn 500 năm. 

Nhưng phủ tổng thống Hàn Quốc ngày này lại chọn vị trí Thanh Ngõa Đài, chứ không phải bảo địa phong thủy Cảnh Phúc Cung. Thanh Ngõa Đài ẩn chứa vấn đề phong thủy nguy hiểm, ví dụ như: “Thanh long tật chủ” (Rồng xanh ghen ghét chủ), là một đại kỵ trong phong thủy; “Bạch hổ hàm thi” (Hổ trắng ngậm thây). Điều này ảnh hưởng rất lớn đến những người sống trong Thanh Ngõa Đài. Người bị ảnh hưởng hoặc mắc bệnh, hoặc xảy ra sự cố.

Thanh long Bạch hổ thường chỉ ở bên trái và bên phải, hoặc thân bằng cố hữu. Các tổng thống các nhiệm kỳ sống ở Thanh Ngõa Đài hầu như đều bị những người thân cận hãm hại, hoặc bị liên lụy.  

Còn có thuyết nói rằng, người Nhật đã mời cao nhân dị sĩ đóng mấy vạn chiếc cọc thép ở trên núi Bạch Đầu, và dùng bê tông đổ vào, dùng để áp chế long mạch của Hàn Quốc. 

Nhìn từ bề ngoài, màu sắc xanh lam và trắng của Thanh Ngõa Đài rất trang nghiêm, không có phong khí của vương giả, trông rất giống lăng mộ Tôn Trung Sơn ở Nam Kinh, Trung Quốc. Do đó, có người nói rằng, ở đó thích hợp với âm trạch (mồ mả, lăng). Thực ra, dẫu là âm trạch cũng không phải là phong thủy tốt.  Lăng mộ Tôn Trung Sơn ở Nam Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: wikipedia/ CC BY SA 2.0)

Nhìn từ trên cao, Thanh Ngõa Đài cũng mang dấu hiệu cô độc lạnh lẽo. Còn từ góc độ Ngũ hành, Thanh (màu xanh) thuộc hành Mộc, Ngõa (ngói) thuộc hành Thổ, Thổ Mộc tương khắc, tranh đấu liên miên. 

Dưới đây là các đời tổng thống Hàn Quốc và số mệnh họ sau khi làm chủ Thanh Ngõa Đài.

  • Lee Seung-man buộc phải từ chức do dân chúng biểu tình sau cuộc bầu cử bị cáo buộc gian lận.
  • Yun Bo-seon bị ép buộc từ chức sau cuộc đảo chính của Park Chung-hee.
  • Park Chung-hee bị Kim Jae-gyu, đương kim Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hàn Quốc bắn chết trong một bữa tiệc tại Thanh Ngõa Đài.
  • Choi Kyu-hah phải từ chức sau khi quân đội đàn áp biểu tình khiến 5 người chết.
  • Chun Doo-hwan bị kết tội 8 tháng tù giam, 2 năm tù treo vì tội phỉ báng, sau chết vì ung thư máu.
  • Roh Tae-woo bị tuyên án 22 năm tù vì tội nổi loạn và phản quốc.
  • Kim Dae-jung bị cáo buộc chuyển khoản tiền viện trợ lớn cho Triều Tiên để đổi lấy thỏa thuận. Tuy ông không bị kết án nhưng  Chánh văn phòng Nội các của ông là Park Ji-won đã phải chịu án tù 12 năm với một số cáo buộc, trong đó có liên quan tới việc Hyundai trả tiền cho Hội nghị liên Triều
  • Roh Moo-hyun tự tử.
  • Lee Myung-bak bị bắt và kết án 17 năm tù về tội tham ô và hối lộ
  • Park Geun-hye bị phế truất và kết án tổng cộng 32 năm tù, và được Tổng thống Moon Jae-in ân xá sau gần 5 năm tù do sức khỏe suy giảm.
  • Kim Young-sam, Tổng thống nhiệm kỳ thứ 14, là người duy nhất không bị lời nguyền, không biết có phải do ông thường xuyên đọc Kinh Thánh hay không. Ông từng nói: “Kinh Thánh cho tôi sức mạnh và sự an ủi. Đức tin Cơ Đốc cho tôi niềm xác tín và dũng khí để không còn biết sợ hãi điều gì.”; “Ý tưởng cốt lõi của Hàn Quốc mới là phục hồi tinh thần của đức tin Thanh giáo”.

Tổng thống sắp mãn nhiệm Moon Jae-in có thoát khỏi lời nguyền không?

Tổng thống Hàn Quốc sắp mãn nhiệm Moon Jae-in (Nguồn: wikipedia)

Sau khi ông Moon Jae-in nhậm chức tổng thống, có thể do sợ lời nguyền Thanh Ngõa Đài nên ông đã chọn văn phòng làm việc của chính phủ ở lầu Quang Hóa Môn, nhưng Thanh Ngõa Đài vẫn là đất thuộc về phủ tổng thống Hàn Quốc, sức ảnh hưởng vẫn tồn tại khách quan. Do đó, sau khi ông Moon mãn nhiệm, liệu có bị ứng với lời nguyền Thanh Ngõa Đài hay không đã trở thành chủ đề được người dân Hàn Quốc quan tâm. 

Có người nói, nhìn từ ngày sinh và tướng mặt của ông Moon, sau khi ông mãn nhiệm, ắt sẽ bị tiểu nhân làm hại, nên tuổi già của ông sẽ gặp chuyện lo lắng. Người Hàn Quốc luôn cho rằng, ông Moon Jae-in là “cái bóng” hay “người thừa kế” của cựu Tổng thống Roh Moo-hyun (Lô Vũ Huyền). Trong một bộ phim Hàn Quốc có tên “Người biện hộ chính nghĩa”, vai nam chính do diễn viên Song Kang-ho đóng chính là hình tượng của luật sư nhân quyền Roh Moo-hyun. 

Bối cảnh chính trị của ông Moon Jae-in và ông Roh Moo-hyun khá tương đồng. Quan hệ giữa hai ông cũng vừa là thầy trò, vừa là bạn bè. Người ta cho rằng, ông Moon Jae-in tranh cử tổng thống chính là vì để báo thù cho ông Roh Moo-hyun.

Ông Roh Moo-hyun sinh ra trong gia đình nghèo khó, năm 20 tuổi, ông lập chí vượt qua kỳ thi tư pháp, đến năm 30 tuổi, ông vượt qua kỳ thi trở thành quan tòa. Nhưng ông Roh Moo-hyun cho rằng, làm quan tòa không hợp với cá tính của ông, thế là ông từ chức quan tòa và ở văn phòng luật, làm luật sư nhân quyền. 

Cuộc đời ông Moon Jae-in còn trắc trở hơn, gia đình ông từ Bắc Triều Tiên di cư đến Hàn Quốc, phụ thân là người làm thuê trong trại tù binh chiến tranh, mẫu thân bán trứng gà ở thành phố cảng gần Busan. Để phụ giúp thêm chi tiêu gia đình, ông Moon Jae-in đi giao than tổ ong giúp người ta, và lĩnh thực phẩm miễn phí ở nhà thờ. Sau này ông Moon Jae-in thi đỗ Đại học Kyung Hee (Khánh Hi) học chuyên ngành pháp luật. Vì ông tham gia kháng nghị cải cách hiến pháp của tổng thống Hàn Quốc đương thời là Park Chung-hee (Phác Chính Hy) nên bị bắt, bị tuyên án 8 tháng tù được hưởng án treo 1 năm. Vì vậy Đại học Kyung Hee đã đuổi học Moon Jae-in. 

Sau này ông đi lính, sau khi xuất ngũ, ông tiếp tục học pháp luật, và thi đạt được tư cách luật sư năm 1980, vào học tập ở Viện nghiên cứu tư pháp. Ông tốt nghiệp với thành tích xếp thứ 2, như do có tiền án, nên không được bổ nhiệm làm quan tòa hay kiểm soát viên. Không còn cách nào khác, Moon Jae-in đành phải lựa chọn trở thành một luật sư. 

Năm 1982, ông Moon Jae-in hợp tác với ông Roh Moo-hyun thành lập văn phòng luật, dấn thân vào các phong trào nhân quyền. Đến năm 2002, ông Roh Moo-hyun tham gia tranh cử tổng thống Hàn Quốc. Moon Jae-in vốn không quan tâm đến chính sự cũng đã bước ra trợ giúp tranh cử. Tuyển cử thành công, ông Roh Moo-hyun bước chân vào làm chủ nhân Thanh Ngõa Đài, Moon Jae-in trở thành Chánh thư ký Văn phòng Thanh Ngõa Đài.

Sau khi mãn nhiệm, Roh Moo-hyun bị cuốn vào bê bối nhận hối lộ, cũng do Moon Jae-in đứng ra biện hộ.

Cuộc tuyển cử tổng thống năm 2012, ông Moon Jae-in thất bại trước bà Park Geun-hye (Phác Cẩn Huệ). Sau này bà Park Geun-hye bị hạch tội và bị bãi nhiệm, ông Moon Jae-in lại lần nữa tham gia tuyển cử và thắng cử. 

Bà Park Geun-hye, cựu Tổng thống Hàn Quốc, bị hạch tội, bãi nhiệm và bị kết án 32 năm tù. (Nguồn: wikipedia)

Tuy Roh Moo-hyun và Moon Jae-in là hình mẫu khích lệ mọi người, là hình tượng chính diện của các nhân sĩ đấu tranh cho nhân quyền, nhưng đáng tiếc là trước đại thị đại phi, họ lại không đưa ra sự lựa chọn chính xác. 

Người phát ngôn đảng Sức mạnh Quốc dân Pei Jun-ing đã từng công khai phê phán chính quyền Moon Jae-in thân ĐCSTQ. Pei Jun-ing nói” “Quốc dân muốn hỏi, đối với chính quyền Moon Jae-in mà nói, Trung Quốc là đối tác hay là ông chủ?”

Thực ra vì nguyên nhân lịch sử, Nhật Bản luôn là quốc gia mà người dân Hàn Quốc ghét nhất, nhưng hiện nay, tình hình đã thay đổi, quốc gia bị người Hàn Quốc ghét nhất là Trung Quốc. Cuộc điều tra dân ý năm nay cho thấy, 58% người được hỏi cho rằng Trung Quốc gần với tà ác, chỉ có 4.5% người được hỏi cho rằng Trung Quốc gần với thiện lương.

Kết quả điều tra cho thấy, nguyên nhân người Hàn Quốc ghét Trung Quốc bao gồm: 89.4% vì bụi mù, 87.3% vì covid-19, vì cách thức ĐCSTQ đối phó với dịch bệnh 86.9%, vì tàu cá Trung Quốc đánh bắt phi pháp 84.3%, vì lệnh hạn chế Hàn Quốc 78.9%. Olympic Bắc Kinh mới bế mạc càng khiến quan hệ Trung – Hàn xấu đi. 

Trong cuộc tuyển cử lần này, theo điều tra dân ý, tỷ lệ ủng hộ ông Yoon Suk-yeol thấp hơn Lee Jae-myung, ông Yoon cũng bị nhiều vụ bê bối gây khó khăn cho bầu cử, nhưng lập trường đối với Trung Quốc của ông khá cứng rắn, cũng chính vì vậy mà cuối cùng ông đã chiến thắng. Bởi vì dân chúng Hàn Quốc đều thấy ứng viên tổng thống được chính quyền Moon Jae-in ủng hộ, nếu tiếp tục nắm quyền thì cuối cùng sẽ tống táng Hàn Quốc.

Ông Yoon Suk-yeol vốn là cựu Tổng trưởng kiểm sát do Moon Jae-in bổ nhiệm, ông đã từ sớm đưa ra cách báo rằng, nếu thắng cử, ông sẽ hạ lệnh điều tra đối với sếp cũ của ông, Moon Jae-in, lý do là có “hành vi trái pháp luật”.

Ông Moon Jae-in đã lựa chọn cuối cùng ở cuối nhiệm kỳ của ông là đặc xá cho cựu tổng thống Park Geun-hye, rất có thể là hành động thông minh để bảo vệ bản thân, vì ông lo rằng, bản thân ông sẽ bị báo thù, sẽ đi vào vết xe đổ của Park Geun-hye. 

Ông Moon Jae-in có đi theo vết xe đổ của Park Geun-hye và Lee Myung-bak (Lý Minh Bác) hay không còn phụ thuộc vào ông Yoon Suk-yeol.

Moon Jae-in và Yoon Suk-yeol

Có thể nói ông Moon Jae-in đã thành tựu nên Yoon Suk-yeol. Năm 2012, sau khi bà Park Geun-hye nhậm chức, đã không cho phép Yoon Suk-yeol, người khi đó đang là trưởng nhóm điều tra đặc biệt, động đến người của bà. Kết quả là Yoon Suk-yeol luôn oán hận bà Park Geun-hye. Tuy bị giáng chức nhưng ông Yoon Suk-yeol đã có được danh tiếng khá tốt. Đến khi bà Park Geun-hye bị phế truất vì bê bối tham nhũng, thì Moon Jae-in, người vừa mới lên làm tổng thống, đã đề bạt ông Yoon Suk-yeol tăng 3 cấp, trở thành Viện trưởng Viện kiểm sát Trung ương Seul, chủ trì thẩm lý vụ án Park Geun-hye. 

Yoon Suk-yeol đã rất mạnh tay, thanh lý toàn bộ những người có liên quan đến bà Park Geun-hye, sau đó đích thân ông điều tra 2 vị cựu tổng thống.

Ông Yoon Suk-yeol, Tổng thống mới đắc cử của Hàn Quốc. (Nguồn: wikipedia)

Địa vị của Viện kiểm sát Hàn Quốc rất cao, có quyền lực lớn đến mức có thể tống giam tổng thống. Sau khi cựu Tổng thống Lee Myung-bak bị tống giam, Tổng thống Moon Jae-in tự nhiên muốn thông qua cải cách để cắt bớt quyền lực của các quan chức kiểm sát. Điều này khiến Yoon Suk-yeol có cảm giác bị “vắt chanh bỏ vỏ”.

Ngày 9 tháng 9 năm 2019, Moon Jae-in bổ nhiệm Cho Kuk làm Bộ trưởng Bộ tư pháp, mục đích chủ yếu là thúc đẩy 2 dự luật quan trọng, 1 dự luật là “Luật điều chỉnh quyền điều tra của cơ quan kiểm sát”, một dự luật là “Luật thành lập ban điều tra các công chức cao cấp phạm tội”, đều là để cắt giảm quyền lực của hệ thống kiểm sát. Điều này có nghĩa là ông Moon Jae-in đã khai đao nhắm vào ông Yoon Suk-yeol.

Cho Kuk nhậm chức được 1 tháng và 5 ngày thì bị 3 triệu người biểu tình kêu gọi ông từ chức. Thế là ông Moon Jae-in mời bà Choo Mi-ae, lãnh đạo đảng Dân chủ làm Bộ trưởng Bộ tư pháp. Vị chính trị gia cao cấp đã phục vụ qua 3 đời tổng thống này đã nhanh chóng bãi nhiệm 5 viên đại tướng dưới trướng Yoon Suk-yeol, với khí thế sấm sét, cắt bỏ vây cánh của Yoon Suk-yeol, và đưa người của mình thay thế.  

Tháng 3 năm ngoái (2021), Yoon Suk-yeol từ chức Tổng trưởng kiểm sát, tháng 6-2021, Yoon Suk-yeol chính thức tuyên bố tranh cử tổng thống. Giờ đây, ông Yoon Suk-yeol đã thắng cử tổng thống, ông sẽ động đến ông Moon Jae-in hay không?

Điều này đã trở thành thông lệ của chính trường Hàn Quốc, hơn nữa cũng giống như ông Moon Jae-in đã đưa bà Park Geun-hee ra trước pháp luật, và trở thành điểm sáng trong sự nghiệp chính trị của ông, rất có thể Yoon Suk-yeol cũng sẽ dùng việc này để tạo thế, để giành được sự ủng hộ của dân chúng, củng cố địa vị tổng thống của mình. 

Bất kể là do phong thủy hay do những thứ khác, thì có 1 điểm có thể khẳng định rằng, quan hệ chặt chẽ với ĐCSTQ đều phải trả giá, mà cuộc tuyển cử tổng thống Hàn Quốc lần này, hay chiến tranh Nga Ukraine chính là vết xe đổ để mọi người làm gương. 

Trung Hòa
Theo weiyushiguang

Related posts