Xuân Trường
Ukraine dường như đang chiếm toàn bộ tâm trí của các chính trị gia Mỹ và phương Tây, với việc chính quyền Joe Biden cùng các đồng minh liên tục đổ hàng tỷ đô la vũ khí vào “hố đen” trong nỗ lực giúp quốc gia này duy trì cục diện chiến tranh với Nga. Trong lúc Mỹ bận rộn đối phó với Nga thì có một thế lực đang âm thầm toan tính, về một cơ hội tốt nhất để thôn tính Đài Loan…
Yun-20 xuất hiện ở Đông Âu: Phô trương thanh thế
Trong 2 ngày 9 và 10/4, châu Âu đã sốc khi chứng kiến liên tiếp 6 chiếc Yun-20 lừng lững của Trung Quốc hạ cánh xuống sân bay gần thủ đô Belgrade của Serbia.
Đây là lần đầu tiên một máy bay quân sự do Trung Quốc sản xuất xuất hiện tại lục địa này, đã gây ra một cơn chấn động cực lớn. Tạp chí trực tuyến Warzone bình luận: “Những chiếc Y-20 gây chú ý vì chúng bay cùng nhau. Sự hiện diện của chúng ở châu Âu là diễn biến khá mới”. Trong khi ấy chuyên gia quân sự Serbia Aleksandar Radic nhận định, Trung Quốc đã có màn “biểu dương lực lượng”.
Theo AP, các chuyên gia quân sự tin rằng, 6 máy bay vận tải Y-20 của Không quân Trung Quốc được cho là mang theo hệ thống tên lửa đất đối không HQ-22 cho quân đội Serbia.
Giờ hãy xem đường bay của 6 chiếc Y-20 như thế nào? Sau khi bay ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc, Y-20 có lộ trình bay qua biển Caspi, tiến vào đến lãnh thổ châu Âu từ Thổ Nhĩ Kỳ, rồi bay qua Bulgaria và cuối cùng hạ cánh xuống Serbia.
Đáng chú ý, đội bay 6 chiếc đã hạ cánh một thời gian ngắn tại Sân bay Quốc tế Istanbul Ataturk ở Thổ Nhĩ Kỳ trước khi cất cánh bay tới Bulgaria và Serbia. Dù thời gian hạ cánh ở Istanbul được cho là ngắn ngủi, nhưng có lẽ đã cho thấy đây là kết quả của quá trình thương lượng giữa Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Điều đáng nói là Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria là hai các quốc gia trực thuộc NATO.
Serbia trước đó đã từng phàn nàn rằng các quốc gia thuộc NATO, bao gồm các nước láng giềng của Serbia, đã từ chối cho phép các chuyến bay vận tải đi qua lãnh thổ của họ vì xung đột Nga – Ukraine. Điều này cũng đồng nghĩa Washington và Brussel đã ra lệnh cho các nước NATO không cho phép các nước khác vận chuyển vũ khí đến Serbia. Như vậy có thể thấy Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria đã không tuân theo lệnh này, cũng như phán ảnh rõ một NATO chưa hẳn là đoàn kết.
Năm 2020, giới chức Mỹ từng cảnh báo Serbia không mua hệ thống phòng không HQ-22 của Trung Quốc, vì cho rằng Serbia muốn trở thành thành viên EU và các liên minh khác của phương Tây, thì nước này phải mua sắm thiết bị quân sự phù hợp với tiêu chuẩn của phương Tây.
Serbia cũng là quốc gia đầu tiên ở châu Âu trang bị hệ thống tên lửa Trung Quốc. Cũng cần lưu ý, Serbia cũng từ chối tham gia chiến dịch trừng phạt của Mỹ và các đồng minh nhằm vào Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine, đồng thời là quốc gia từng hợp tác mật thiết với Trung Quốc trong đại dịch COVID-19.
Châu Âu ràng buộc lợi ích, e sợ Trung Quốc?
Theo Newsnpr, một phái đoàn Trung Quốc do nhà ngoại giao Hoắc Ngọc Trân dẫn đầu đến thăm 8 quốc gia Trung và Đông Âu (CEEC) bao gồm: Cộng hòa Czech, Slovakia, Hungary, Croatia, Slovenia, Estonia, Latvia và Ba Lan trong tuần qua.
Đây là phái đoàn ngoại giao đầu tiên của Trung Quốc tới châu Âu kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra ngày 24/2. CEEC đang cảm thấy thất vọng khi Trung Quốc không lên tiếng ủng hộ Ukraine, và vẫn duy trì quan hệ kinh tế bình thường với Moscow bất chấp các biện pháp trừng phạt kinh tế. Trong khi ấy, một số nước CEEC hiện là cửa ngõ để phương Tây chuyển giao vũ khí và viện trợ cho chính quyền Tổng thống Ukraine Zelensky.
Tham vọng lớn của Trung Quốc đặt chân vào “cửa sau” của Liên minh châu Âu (EU) để tạo ra một nhóm các quốc gia thân thiện với Trung Quốc ngay tại trung tâm châu Âu.
Hầu hết các quốc gia CEEC đều là thành viên của EU và NATO. Mặc dù không có nhiều tiếng nói về kinh tế nhưng các quốc gia này lại giữ vai trò trong các cuộc bỏ phiếu quan trọng của EU và NATO vốn hoạt động trên nguyên tắc đồng thuận.
Một lá phiếu chống từ một quốc gia CEEC tại các thể chế đa phương tại châu Âu có thể khiến các cuộc biểu quyết trở nên vô hiệu. Điển hình là chính quyền của Thủ tướng Hungary Viktor Orban được coi là thân thiện với Trung Quốc và Nga, khi từng ngăn chặn các tuyên bố của EU đối với vấn đề Hong Kong, cũng như phản đối các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga vừa qua.
Không chỉ vậy, sự yếu kém của châu Âu còn thể hiện tại Hội nghị Thượng đỉnh EU – Trung Quốc diễn ra hồi đầu tháng 4. EU đã lên tiếng cảnh báo Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt nếu như ủng hộ Nga trong vấn đề Ukraine. Tuy nhiên cho đến hiện tại, không có bất kỳ quan chức cấp cao phương Tây nào tiết lộ một cách cụ thể rằng, EU có kế hoạch bắt Trung Quốc phải “trả giá đắt” như thế nào.
Đơn giản Trung Quốc không phải Nga. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. GDP của Trung Quốc hiện lớn hơn cả 27 quốc gia thành viên EU cộng lại.
Trong cuộc xung đột tại Ukraine, EU đang chịu nhiều thiệt hại và tổn thất do việc cắt đứt các mối quan hệ về kinh tế và thương mại với Nga. Chưa kể, EU còn thêm gánh nặng phải đón nhận dòng người tị nạn Ukraine. Trong khi ấy, Trung Quốc có cơ hội tiếp cận nhiều mảng trên thị trường Nga vốn đang bị bỏ trống bất chấp lệnh cấm của Mỹ và EU.
Hơn nữa, Trung Quốc còn đóng vai trò là đối tác tài chính quan trọng của Nga với lợi thế nghiêng nhiều hơn về Bắc Kinh, trong khi Nga không còn lựa chọn nào thay thế cho việc hợp tác với Trung Quốc khi bị thế giới cô lập.
Ngoài ra, nỗi e ngại về sức ảnh hưởng của Trung Quốc với Nga đang tăng dần tại châu Âu, thể hiện qua cách cư xử “mềm mỏng” của các nhà lãnh đạo châu Âu. Tháng 3 vừa qua, Cao uỷ chính sách đối ngoại của EU là Josep Borrell, đã lên tiếng ủng hộ việc Trung Quốc làm trung gian hòa giải trong cuộc chiến Nga-Ukraina khi tuyên bố: “Không có lựa chọn nào khác. Chúng tôi (Châu Âu) không thể là người hòa giải, điều đó rõ ràng… Và cũng không thể là Mỹ. Còn ai vào đây nữa? Đó phải là Trung Quốc, tôi tin tưởng vào điều đó”.
Nếu bất cứ ai muốn có một cảm nhận rõ ràng về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với châu Âu thì khu vực Balkan ở Đông Âu là một nơi rất tốt để “chiêm nghiệm”.
Serbia, một trong số những quốc gia trong khu vực này, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Alexanderar Vucic đã từng tuyên bố trong đại dịch COVID rằng, chính phủ của ông chỉ nghe theo lời khuyên của Bắc Kinh về các biện pháp chống COVID.
Tổng thống Alexanderar Vucic đã gạt bỏ EU để ngợi ca Trung Quốc đã trợ giúp khi đất nước ông “lâm nạn” COVID-19 như sau: “Quốc gia duy nhất có thể giúp chúng tôi là Trung Quốc”. Nghịch lý ở chỗ, đất nước Serbia nghèo khó của ông vừa muốn gia nhập khối EU, nhưng cũng lại mon men muốn tiến gần Trung Quốc.
Cơ hội kinh tế mà Trung Quốc mang lại cho châu Âu là khá lớn, đặc biệt đối với các quốc gia ở khu vực Trung và Đông Âu vốn luôn bị tụt hậu so với các nước ở Tây Âu. Các quốc gia này đã được hưởng lợi từ các dự án Sáng kiến Vành đai và Con đường, và thậm chí nhiều nước còn “nịnh nọt” nhằm tránh Trung Quốc “gạt tên” không cho tham gia.
Ở cấp độ EU, các nhà lãnh đạo đã không thể vạch ra một chiến lược rõ ràng để đối phó với Trung Quốc. Một số quốc gia “đầu tàu” như Đức và Pháp muốn tăng cường vai trò trong quốc phòng và an ninh châu Âu sau Brexit, đã gọi Bắc Kinh là “đối thủ mang tính hệ thống, đang thúc đẩy cho một mô hình khác về quản trị và nhà nước”.
Nhưng trong khi các tuyên bố và hướng dẫn thực thi chung ở cấp EU là khá quyết liệt, thì việc “biến” các tuyên bố ấy thành hiện thực lại là “quyền” của mỗi quốc gia thành viên EU. Mỗi chính phủ của các quốc gia châu Âu lại có các chiến lược và lợi ích khác nhau để đối phó hay bắt tay với Trung Quốc.
Điều này thể hiện rất rõ như khi một số nhà lãnh đạo châu Âu sẵn sàng chỉ trích các hoạt động kinh doanh và hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc, thì cũng lại có những quốc gia trong khối EU vẫn giữ im lặng và thậm chí còn ca ngợi ĐCSTQ.
Sự thiếu gắn kết này đã ngăn cản châu Âu chống lại những thách thức từ mối đe dọa của Trung Quốc, đang muốn làm xói mòn các giá trị dân chủ và tự do mà EU đã cố công gây dựng và bảo vệ.
Trong đó, việc Trung Quốc đã tung đòn trừng phạt mạnh mẽ với Litva -một thành viên của EU – sau khi quốc gia Baltic này cho phép vùng lãnh thổ Đài Loan mở “văn phòng đại diện” ở Vilniu hồi tháng 1 vừa qua, cho thấy EU khó vượt qua được sức ép trong việc bảo vệ các lợi ích của khối trên trường quốc tế.
Các nhà đầu tư Đức ở Litva đã hối thúc chính phủ nước này lùi bước, trong khi nhiều cuộc thăm dò cho thấy người dân Litva đã quay lưng với một số hoạt động giải trí của Đài Loan.
Thương mại là một trong số ít các lĩnh vực mà EU đặc biệt quan tâm và sẵn sàng can dự mạnh mẽ trên toàn cầu. EU đã phải “cân đo đong đếm” lợi ích thiệt-hơn trước sức ảnh hưởng toàn cầu đang gia tăng của Trung Quốc, bởi đơn giản nước này đã vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong năm 2021, với kim ngạch thương mại song phương đạt mức cao kỷ lục trên 800 tỷ USD.
Trung Quốc coi thường Mỹ, phớt lờ các lệnh trừng phạt
Bất chấp sức ép dồn dập của chính quyền Joe Biden và các đồng minh châu Âu kêu gọi Bắc Kinh không được hậu thuẫn Nga lách các biện pháp trừng phạt của quốc tế, chỉ tính trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã đáp trả thẳng thừng:
- Ngày 30/3: Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tái khẳng định kế hoạch của Bắc Kinh trong việc tiếp tục quan hệ song phương và tăng cường hợp tác với Moscow.
- Bắc Kinh lên án NATO, quy trách nhiệm cho phương Tây vì “dồn một cường quốc hạt nhân vào chân tường”, lên án việc “vũ khí hóa toàn cầu hóa” và nói cấm vận là “mang dầu chữa cháy”...
- Ngày 8/4, Trung Quốc bỏ phiếu chống lại nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đình chỉ Nga tham gia Hội đồng Nhân quyền, gọi việc loại bỏ Moscow là có động cơ chính trị và coi nghị quyết là thiếu minh bạch.
- Ngày 20/4: Phớt lờ lời kêu gọi của Tổng thống Biden loại Nga ra khỏi G20, Trung Quốc ủng hộ Nga khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Lưu Côn nhấn mạnh “phản đối chính trị hóa các vấn đề kinh tế”.
- Ngày 20/4, Đại sứ Trung Quốc tại Nga Trương Hán Huy tuyên bố “sẽ phát triển năng động mối quan hệ với Nga trên cơ sở đôi bên cùng có lợi và lâu dài bất kể tình trạng quan hệ của Nga với các nước khác như thế nào”, đồng thời nhấn mạnh đó là “chiến lược dài hạn” của Bắc Kinh.
- Bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, thương mại song phương giữa Trung Quốc và Nga đã tăng mạnh trong quý đầu tiên của năm, tăng 28% so với năm trước. (BBC)
Phải chăng chính quyền Joe Biden cùng các đồng minh đã hoàn toàn bất lực trước ĐCSTQ?
Trung Quốc không cần ‘bắn’, Mỹ vẫn bị trọng thương
Ngoài việc phớt lờ Mỹ và NATO, Trung Quốc còn đang góp phần “triệt hạ” nền kinh tế thế giới bằng cách cắt đứt chuỗi cung ứng toàn cầu, và Mỹ là quốc gia chịu đòn đầu tiên.
Vào tháng 1/2020, Trung Quốc áp lệnh phong tỏa hà khắc đối với Vũ Hán, và một loạt các quốc gia như Mỹ, châu Âu, Á… đã chuyển sang “bắt chước” Trung Quốc cũng phong tỏa đất nước của mình. Nền kinh tế thế giới vì vậy đã bị sa sút thảm hại trong suốt 2 năm bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn thế giới.
Vào tháng 4 này, khi tình hình chiến sự tại Ukraine ngày càng nóng bỏng, thì Trung Quốc một lần nữa ban hành lệnh phong tỏa hà khắc, dưới chiêu bài “ngăn chặn” COVID mang tên Zero-Covid (không Covid) tại Thượng Hải – thành phố cảng bận rộn nhất thế giới – trong nhiều tuần liền.
Vì lý do này, giới phân tích đã lo ngại về thiệt hại mà phong toả ở Thượng Hải có thể gây ra, khiến Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt trong khi người dân nước này là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhưng chính sách bất nhân đạo của ĐCSTQ – từ trước đến nay vốn luôn sẵn sàng “thí mạng” dân đen – chỉ miễn sao đạt được mục tiêu “tối thượng” của nó.
Phải chăng việc phong tỏa Thượng Hải – nơi có cảng container đông đúc nhất thế giới – là một đòn giáng mạnh vào chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đã chao đảo vì cuộc xung đột tại Ukraine, hay là nhằm bồi thêm ‘phát súng’ để đốn gục nền kinh tế Mỹ đang trong cơn bão táp lạm phát?
CNN cũng phải thừa nhận: “Tắc nghẽn ở Thượng Hải là một tin xấu đối với người tiêu dùng và các công ty trên toàn thế giới”
Vì sao việc Trung Quốc phong tỏa Thượng Hải lại khiến cả thế giới theo dõi sát sao chỉ sau chiến sự tại Ukraine? Đơn giản bởi những lý do sau:
- Thượng Hải là điểm đến hấp dẫn nhất đối với các doanh nghiệp nước ngoài muốn gia nhập thị trường Trung Quốc. Tính đến cuối năm 2021, hơn 800 công ty đa quốc gia đặt trụ sở ở Thượng Hải, trong số này có 121 công ty thuộc danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới (Fortune Global 500), gồm Apple, Qualcomm, General Motors (GM), Pepsico, và Tyson Foods.
- Thượng Hải cũng là thị trường chứng khoán lớn thứ ba thế giới nếu tính theo tổng vốn hoá của các công ty niêm yết.
- Thượng Hải chiếm 3,8% tổng GDP của Trung Quốc, nhưng lại chiếm tới 10,4% tổng kim ngạch thương mại của nước này với thế giới.
- Cảng Thượng Hải là cảng container lớn nhất thế giới. Năm 2021, nơi này trung chuyển số hàng hoá tương đương 47 triệu container kích thước 20 foot, lớn gấp 4 lần lượng hàng đi qua cảng Los Angeles của Mỹ.
Giờ hãy điểm lại một số dữ kiện:
- Ngày 31/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố ký sắc lệnh yêu cầu người mua nước ngoài bắt buộc phải trả tiền mua nhiên liệu của Nga bằng đồng rúp từ ngày 1/4. Nga cũng đe dọa sẽ cắt nguồn cung khí đốt nếu các nước “không thân thiện” không thanh toán bằng rúp, khiến giá dầu khí trên thế giới tăng vọt.
- Ngày 1/4, ĐCSTQ cũng bắt đầu phong tỏa hoàn toàn thành phố Thượng Hải 26 triệu dân, sau khi đã phong tỏa một phần ở phía đông thành phố vào cuối tháng 3, dẫn đến sự khủng hoảng trong vận chuyển thế giới.
Điều này có ngẫu nhiên hay không khi Trung – Nga “song kiếm” vào thời điểm Mỹ và các đồng minh đang phải vật lộn với chỉ giá tiêu dùng trong nước tăng lên phi mã?
Theo Epochtimes, “tình hình ở Trung Quốc báo trước một mùa hè khó khăn ở Mỹ”. Việc nền kinh tế Mỹ vốn đã trì trệ do chịu nhiều tác động từ việc đóng cửa bởi COVID-19, cùng tác động của điểm nóng Ukraine, và giờ lại hứng chịu thêm sự gián đoạn chuỗi cung ứng từ Trung Quốc đã khiến lạm phát vượt mức lịch sử. Giá thực phẩm tại Mỹ cũng tăng đột biến, cùng các đồ điện tử, gia dụng, các nhà máy sản xuất xe hơi, các khu công nghiệp của Mỹ… đều phụ thuộc vào chuỗi cung ứng tại Trung Quốc.
Trung Quốc có một vị trí độc tôn được mệnh danh là “công xưởng của thế giới”, nơi mà ĐCSTQ có thể phá hủy chuỗi cung ứng toàn cầu theo đúng nghĩa đen, có thể nhắm mục tiêu vào bất kỳ quốc gia nào mà Bắc Kinh coi là thù địch, để tiêu diệt …. mà không cần bắn một phát súng nào.
Thêm nữa, phải kể đến sự “yểm trợ” của Nga khiến sự gián đoạn đối với vận tải biển càng trở nên tồi tệ ở Biển Đen, vốn là tuyến đường quan trọng của nhiều loại hàng hóa như lúa mì, dầu ăn… trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nga và Ukraine chiếm gần 1/3 tổng xuất khẩu lúa mì, 19% tổng xuất khẩu ngô và 80% sản lượng dầu hướng dương của thế giới. Hầu hết hàng hóa này được xuất khẩu qua các cảng ven bờ Biển Đen, hiện đang được Nga kiểm soát.
Trung Quốc nắn gân, Mỹ quay cuồng
Nhìn bề ngoài, tổn thất mà Mỹ phải chịu liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine không đáng kể, mặc dù việc cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga góp phần khiến lạm phát cùng các mặt hàng tiêu dùng tại Mỹ tăng cao.
Tuy vậy, vấn đề chính đối với chính quyền Joe Biden xuất hiện ở những nơi khác. Sự leo thang mạnh mẽ trong cuộc đối đầu với Nga, và việc tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine khiến Mỹ đã phải cắt giảm ưu tiên cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương, dẫn đến hạn chế trong khả năng kiềm chế Trung Quốc.
Những gì đang xảy ra ở châu Âu vào thời điểm hiện tại đã và đang dần làm suy yếu nước Mỹ, khi chính quyền Biden đã đổ hàng tỷ đô la tiền vũ khí vào “hố đen” Ukraine cũng như áp dụng các lệnh trừng phạt, nhưng cũng không đủ sức răn đe khiến Nga lùi bước.
Trong khi ấy, Trung Quốc “rảnh tay” làm gì?
1. Ngày 19/4, Trung Quốc đã ký thỏa thuận an ninh với đảo quốc Solomon ở Thái Bình Dương. Các nhà quan sát nhận định rằng, một căn cứ quân sự của Trung Quốc sẽ sớm được xây dựng trên quần đảo này.
Cần lưu ý, Solomon chỉ cách bờ biển Đông Bắc của Australia – một đồng minh thân cận của Mỹ có 1.600km. Tất nhiên Australia và Mỹ lo ngại đến mức đã cử các phái đoàn tới quần đảo này với hy vọng ngăn chặn thỏa thuận đó. Nhưng Trung Quốc công bố đã ký thỏa thuận này vào hôm 19/4/2022, trước khi phái đoàn Mỹ kịp đến đây.
2. Ngày 20/4, Trung Quốc thử một loại tên lửa trông giống YJ-21 ước tính có tầm bắn từ 1.000 đến 1.500km, được trang bị trên các khu trục hạm lớp Type 055 và máy bay ném bom chiến lược H-6N. Loại tên lửa này được kỳ vọng có thể ngăn chặn và phá hủy các tàu chiến của Mỹ từ xa trong trường hợp xung đột nổ ra ở Đài Loan.
3. Ngày 17/3, Trung Quốc công khai bàn về vấn đề “thu hồi” Đài Loan trên tờ Global Times với tựa đề “Xung đột Nga-Ukraine có thể được coi là ‘bản nháp’ các hành động có thể xảy ra của Mỹ ở châu Á”.
Sự tương đồng giữa các tình huống xung quanh Ukraine và Đài Loan rõ ràng đang được ĐCSTQ thảo luận công khai trên truyền thông nước này. Trong khi chính quyền Joe Biden cấp tập viện trợ vũ khí quân sự để tiếp sức cho Ukraine đối đầu với Nga, thì Mỹ cũng được cho là đang nâng cấp bán vũ khí cho Đài Loan.
Tất nhiên, chính quyền Joe Biden đã hạn chế can thiệp trực tiếp vào Ukraine, vì Nga không chỉ là một cường quốc quân sự mà còn là một cường quốc hạt nhân.
Câu hỏi đặt ra là: Liệu ĐCSTQ có đang đi đến kết luận rằng, đây cơ hội tốt nhất để thể chế độc tài này xâm chiếm Đài Loan, khi chứng kiến nước Mỹ ở thời điểm hiện tại suy yếu, thiếu tự tin, cùng một liên minh châu Âu thiếu đoàn kết trong việc trừng phạt Nga?
Trong khi các kênh truyền thông dòng chính cấp tập đưa tin thiên lệch, dồn mọi sự chú ý của dân chúng thế giới về hình ảnh một nước Nga tồi tệ, thì phải chăng đã cố tình hay vô ý buông lơi Trung Quốc, nơi có thể chế ĐCSTQ mới thật sự là mối nguy hiểm cho nước Mỹ và cả thế giới.
Xuân Trường