Du Uyên
Ở đâu chứ ở Việt Nam, chắc khó có bí mật, ngay cả “bí mật nhà nước” mà mỗi năm cũng có vài ông bị bắt vì làm lộ mà. Đơn cử là mỗi lần có ai đó làm gì lầm lỗi, trong vòng vài phút, cư dân mạng Việt Nam đã tìm ra luôn danh tánh, quá khứ, vị lai, thông tin dòng tộc của người đó…
Rồi lúc tiệm gạo, tiệm phở trao nhà vì hết hợp đồng thuê, người chủ của quán ốc thần bí tới đập tường cho hai cái tiệm thông với nhau. Một cô hàng xóm khác lại khều tôi và hỏi: “Mày biết nó làm gì không Dziên?”
Tôi giả bộ: “Dạ, con hông biết!”
Cô hàng xóm được nước: “Mốt kế nhà mày sắp có vựa ốc!” – Tôi tủm tỉm cười.
Cô giúp việc của bà chủ quán chè cũng góp lời: “Con nhỏ đó tên Trang, mới ly dị chồng đó…” – Sơ yếu lý lịch chủ quán ốc cũng trở thành bản tin xóm.
Tới nay, dầu cái quán đó vẫn chưa thành dạng, bảng hiệu vẫn chưa treo lên, bên trong còn đang ngổn ngang đất cát… ai đi ngang nhìn vô chưa chắc biết nó sắp bán gì. Nhưng cả xóm đều biết về mặt hàng lẫn đời tư chủ quán, má chủ quán, ba chủ quán, chú chủ quán, chồng cũ chủ quán… Rồi người ta bắt đầu đoán già đoán non coi quán này sẽ hối lộ ông phường bao nhiêu – để mở quán nhậu, để khách ngồi lấn hoặc để xe ở vỉa hè, có người còn lo doanh thu cho quán vì đường tôi ở hầu như là một chiều – xe cộ khó ghé hơn, ít có khách vãng lai đi dạo, ngoài ra người ta còn lo quán ốc mà mở ngay mùa mưa sẽ… ế, mau dẹp tiệm nữa kìa. Còn tôi, từ cảm giác háo hức với những món ngon sắp ra lò, cảm giác sợ vì nhà sắp kế quán nhậu – có lẽ sẽ ồn ào lắm… giờ đã nguội lạnh, mà cái quán vẫn chưa mở.
Chắc ai hay theo dõi tin tức tại Việt Nam, chẳng còn lạ gì chuyện các khu đất vàng, đất bạc (thuộc sở hữu nhà nước) bị mấy ông quan bự đem bán rẻ như cho, mang đổi chác này kia… nhưng hàng chục năm sau, mấy ông mới bị truy cứu. Hay chuyện những khu rừng phòng hộ bị “chặt trộm” gần như trọc lóc, nhưng chẳng ai ở đó hay biết, trong khi trụ sở kiểm lâm ở ngay bên trong hoặc bên cạnh các khu rừng quan trọng đó… Chẳng lẽ tại Việt Nam này, chỉ có xóm tôi là nhiều chuyện? Chỉ có nhà ai xây chuồng heo, nhà tắm, tiệm ăn nhỏ mới bị “dòm ngó”? – bằng chứng là chỉ cần bạn đổ đống cát xây dựng hoặc mua về vài thanh sắt, 5 phút sau có ông phường lại làm biên bản liền. Tôi đã chứng kiến nhiều mái hiên, toilet, cửa sổ của nhà dân bị buộc tháo dỡ ngay khi xây rồi!
Việt Nam có câu “đất lành chim đậu”, dân tình chế thêm “đất không lành đất nhậu luôn chim”. Có lẽ câu này luôn hợp thời, vì khi mở báo Việt Nam ra, cứ có 10 ông tỷ phú ra lò, thì có 9 ông giàu nhờ buôn bán đất đai. Và cứ 10 ông tham quan ở Việt Nam bị bắt, thì hết 8 ông liên quan tới các sai phạm về đất đai. Bởi vậy, người ta kết luận:
Tôi có hỏi bạn tôi – những người ở Mỹ lâu năm – là có quan chức Mỹ nào bị bắt vì «cạp đất mà ăn» không? Và có tỷ phú Mỹ nào giàu bởi thay đổi quyền sử dụng đất không? Ví dụ như lấy đất ruộng xây resort, phá rừng phòng lũ xây sân Golf… Họ đều nói không có quyền làm bất cứ cái gì nếu không có giấy phép của chính quyền. Mà chính quyền luôn dựa trên luật pháp.
Còn việc cạp “đất vàng đất bạc”, hay bạn đang ở nhà mình mà khi không bị nhảy vô, xách quăng ra đường để xây cái gì đó… là chuyện không thể. Ngoài ra, doanh nghiệp muốn xây cái gì lớn, như trường học/chung cư/nhà xưởng… thì sẽ có giấy gởi về cho cư dân trong vùng, cho biết sẽ có công trình A, B, C sẽ xây dựng. Mọi người sẽ cho ý kiến, nếu bị phản đối, dầu số ít, cũng sẽ có cuộc họp, và trình bày ý kiến, giải thích lý do – nếu không hợp lý, thì công trình đó sẽ không được tiến hành. Thậm chí, có khi xây lên rồi, mà gây ồn ào, kẹt xe, chướng mắt thì cư dân có quyền gởi giấy khiếu nại lên chính quyền thành phố. Chính quyền phải xem xét và có thể buộc cơ sở đó ngưng lại mọi hoạt động. Quan trọng là, ai muốn xây cái gì, cũng phải có các bên độc lập tới khảo sát, kiểm tra đất/nguồn nước, cảnh quan xung quanh… coi có hợp lý và có ảnh hưởng đến sinh hoạt của cư dân không. Chứ không phải vô tư nhập chất cấm về rồi nói không biết đó là chất cấm, vô tư ký văn bản rồi ra tòa nói là lúc đó tôi không biết điều đó sai trái.
Nếu “thương mại” mà đẹp/hiện đại cũng “ráng nhịn”, nhưng hãy nhìn cách Sài Gòn bị bê tông hóa: Công viên nhìn quanh không có bao nhiêu cây xanh, ít mảng cỏ, phố đi bộ cũng lác đác bóng cây, không có hoạt động sống hàng ngày (như thương mại/nghệ thuật đường phố) (đến ngày lễ hay Tết thì họ bày ra các tiểu cảnh rất quê và phi nghệ thuật). Các con đường có những hàng cây cổ thụ đều bị đốn trụi. Trong khi xứ sa mạc, người ta có thể làm đảo nhân tạo, mang nước-mang bông từ khắp thế giới về trồng. Sài Gòn – xứ nhiệt đới, nhìn từ trên cao như ngọn đồi trọc lởm chởm nhà xếp sát, chồng lên nhau.
Tại sao, một quán ốc nhỏ sắp “mọc” kế nhà tôi lại lên bản tin xóm, gây ồn ào nguyên cái phường tôi đang ở. Mà cả một vùng đất thay đổi, người ta chẳng còn tha thiết để bàn luận? Ðến báo Guardian của Anh, cách đây vài năm còn tiếc nuối giùm dân Việt về các di sản của Sài Gòn, chẳng lẽ người Việt, người Sài Gòn không ai cảm thấy đau đớn chút nào sao? Hay những tiếng kêu cứu bất lực đã bị đè xuống, dần dần khiến người ta nguội lạnh và im lặng?
Bà TS Ðoàn Hương phán: “Ðừng có nhìn nước ngoài mà mơ về cuộc sống nước ngoài”, vậy nhìn Sài Gòn trước 1975 và so sánh được không?