Phương Lan biên dịch
Ngày nay, danh sách các nghiên cứu khoa học ngày càng tăng đã chỉ ra rằng khả năng miễn dịch tự nhiên sau nhiễm trùng cung cấp khả năng bảo vệ lâu bền thường tốt hơn nhiều so với miễn dịch sau khi chích vaccine COVID-19. Một số chính phủ tập trung vào việc chích ngừa bắt buộc. Tuy nhiên, miễn dịch tự nhiên và một hệ miễn dịch khỏe mạnh là những gì thực sự cần thiết để xây dựng sự bảo vệ đầy đủ và một dân số khỏe mạnh hơn.
Tại hầu hết các quốc gia Tây phương, những người dễ bị tổn thương và các nhóm có nguy cơ cao đã được chích ngừa bằng một trong bốn loại vaccine COVID-19 “được cấp phép sử dụng khẩn cấp” (EUA). Đáng chú ý, tại các quốc gia có tỷ lệ chích ngừa cao nhất (Israel, Iceland và Anh), chúng tôi quan sát thấy con số dương tính lại cao ngất ngưởng.
Các xét nghiệm dương tính được gọi là ca nhiễm hoặc trường hợp nhiễm bệnh, có thể đúng hoặc có thể không đúng (ví dụ: xét nghiệm PCR có thể không phân biệt giữa nhiễm trùng đang hoạt động hay nhiễm trùng trước đó).
Trái ngược với những kỳ vọng thổi phồng, có vẻ như những người đã được chích hai liều vaccine vẫn có thể cho kết quả dương tính, có tải lượng virus cao, có khả năng truyền virus và cuối cùng phải nhập viện. Hiệu quả của việc chích ngừa dường như đang giảm đi hoặc biến mất. Cách tiếp cận “ai ai cũng như nhau” có thể đi vào ngõ cụt nếu chúng ta tiếp tục theo đuổi chiến lược một chiều hiện tại chỉ tập trung vào một loại virus.
Tại Anh quốc, nhiều nhà miễn dịch học đã lên tiếng về sự nguy hiểm của hệ thống miễn dịch suy yếu trong toàn bộ dân số, điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và các bệnh mãn tính. Kết quả của chính sách phong tỏa và các biện pháp như giữ khoảng cách một mét rưỡi và đeo khẩu trang đã dẫn đến hậu quả là hệ thống miễn dịch ở nhiều người có thể đã suy yếu so với những ngày trước đại dịch.
Hệ thống miễn dịch bẩm sinh là cơ chế bảo vệ đầu tiên và không đặc hiệu. Nó ngăn chặn các sinh vật gây bệnh tiềm ẩn. Hệ thống này được hình thành bởi các rào cản vật lý, chẳng hạn như da, nước bọt và màng nhầy. Hệ thống miễn dịch thích ứng xảy ra khi mầm bệnh có thể phá vỡ hàng rào đầu tiên. Các tế bào từ hệ thống miễn dịch bẩm sinh đưa các mảnh của mầm bệnh hoặc chất lạ vào Tế bào B và tế bào T của hệ thống miễn dịch thích ứng.
Tế bào B chịu trách nhiệm giải phóng các kháng thể. Các kháng thể được hình thành di chuyển tự do trong máu và có thể gắn kết với các mầm bệnh lạ. Phức hợp mầm bệnh kháng thể sau đó được các đại thực bào cùng những tế bào miễn dịch khác phá vỡ và tiêu diệt. Ngoài ra còn có các tế bào T nhắm trực tiếp vào các mầm bệnh đã xâm nhập vào tế bào. Chúng có thể giúp tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh này và mặt khác, tăng cường và tái tạo lại phản ứng kháng thể của các tế bào B.
Các tế bào B và T có thể phát triển thành các tế bào ghi nhớ và được kích hoạt nhanh hơn nhiều trong lần lây nhiễm tiếp theo so với lần nhiễm đầu tiên. Tế bào trí nhớ có đáp ứng kháng thể tăng lên, thường có liên kết mạnh hơn với protein của mầm bệnh và phản ứng rộng hơn đối với nhiều mảnh của protein (epitope). Điều này làm tăng cơ hội tiêu diệt mầm bệnh một cách hiệu quả và nhanh chóng. Nguyên lý miễn dịch này thể hiện trong các bệnh nhiễm trùng tự nhiên và cả sau khi chích ngừa.
Trẻ em và người lớn ít tiếp xúc với các virus và vi khuẩn khác, có hệ thống miễn dịch ít bị thách thức hơn và do đó ít được ‘dạy’ hơn. Trong các cộng đồng biệt lập với những người không tiếp xúc với mầm bệnh tương ứng trong một thời gian dài và thiếu khả năng miễn dịch đã ghi nhận những đợt bùng phát các bệnh truyền nhiễm, ví dụ: dịch bệnh ho gà vào năm 1908 và 1918 ở Papua New Guinea.
Ngoài ra, những yếu tố có thể thay đổi như chế độ ăn uống và lối sống, tiếp xúc với các chất độc hại thông qua việc sử dụng chất khử trùng và khẩu trang thường xuyên, và sự gia tăng căng thẳng cũng đóng một vai trò quan trọng. Bên cạnh đó, béo phì là một tình trạng có liên quan đến mức độ nghiêm trọng của COVID-19; và chính sách phong tỏa đã dẫn đến tỷ lệ béo phì cao hơn ở Anh, Mỹ và các quốc gia phương Tây khác. Béo phì từ lâu đã có liên quan đến tiên lượng các bệnh nhiễm trùng do virus. Nó đã được công nhận là một yếu tố tiên lượng cho kết cục lâm sàng xấu hơn và tử vong trong đại dịch H1N1 2009.
Ngược lại với tình trạng béo phì của đại dịch, chúng ta cũng thấy vấn đề suy dinh dưỡng ngày càng gia tăng liên quan đến nguy cơ viêm phổi và tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi ngày càng tăng. Vấn đề suy dinh dưỡng, do thừa hoặc thiếu dinh dưỡng, và hậu quả là rối loạn chức năng miễn dịch có thể gây ra những thiệt hại to lớn trong nhiều năm và cho các thế hệ sau. Sự bùng phát của bệnh lao đang gây lo lắng sâu sắc.
Sử dụng ma túy cũng đã gia tăng trong đại dịch COVID-19. Thống kê từ Hà Lan báo cáo rằng sức khỏe tâm thần ở Hà Lan trong quý đầu tiên của năm 2021 là thấp nhất trong hai mươi năm qua. Báo cáo của Nivel cho thấy việc sử dụng thuốc hướng thần ở thanh niên từ 15-24 tuổi đã tăng lên trong quý đầu tiên của năm 2021.
Điều này đã được nhận thấy trước đây tại Anh và Hoa Kỳ. Đại dịch đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể các rối loạn trầm cảm và lo âu ở phụ nữ (28%) và thanh thiếu niên (26%) trên toàn cầu. Tỷ lệ bệnh nhân sa sút trí tuệ được kê đơn thuốc chống loạn thần cũng tăng lên đáng kể. Nhiều người mắc chứng sa sút trí tuệ tử vong hơn vào năm 2020 so với những năm trước ở Anh.
Trong nhiều năm Các nghiên cứu về Miễn dịch Thần kinh Tâm lý đã chứng minh rằng sức khỏe tâm thần rất quan trọng đối với một hệ thống miễn dịch lành mạnh. Một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ giữa sự gia tăng trải nghiệm căng thẳng với nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp trên và tỷ lệ tử vong. Người ta đã tìm thấy mối liên hệ tổng thể đáng kể giữa tính nhạy cảm với nhiễm trùng huyết và quá trình lão hóa sinh học nhanh chóng cũng như mối liên hệ tiêu cực giữa mức cytokine trung bình và căng thẳng mãn tính. Các yếu tố này diễn ra trong thời gian dài có thể làm suy yếu hệ miễn dịch tự nhiên và hệ miễn dịch thích ứng, đồng thời làm trầm trọng thêm kết cục của bệnh tật.
Tính hiệu quả của hệ thống miễn dịch tổng thể là rất quan trọng khi cơ thể gặp phải các chất lạ, mầm bệnh (tác nhân gây bệnh) hoặc, ví dụ, tế bào ung thư. Các nghiên cứu về hiệu quả của vaccine cúm đã chỉ ra rằng người lớn tuổi có thể không đáp ứng hiệu quả với vaccine cúm do hệ thống miễn dịch bị lão hóa. Đó là lý do tại sao chúng ta nói về immunosenescence, là sự suy giảm dần dần khả năng miễn dịch của con người do quá trình lão hóa tự nhiên.
Do đó, mặc dù có người đã chích ngừa nhưng cơ thể vẫn không thể tạo ra hệ thống phòng thủ hiệu quả. Một nghiên cứu ở Na Uy về một trăm người già dễ bị tổn thương tử vong ngay sau khi chích vaccine COVID-19 cho thấy khả năng miễn dịch suy yếu có thể đóng một vai trò nào đó. Ngoài người cao tuổi, những người mắc các bệnh mãn tính như thấp khớp, đa xơ cứng hoặc sau khi cấy ghép nội tạng cũng có thể bị suy yếu khả năng miễn dịch.
Một tỷ lệ đáng kể những người mắc bệnh mãn tính tham gia vào một nghiên cứu của Hà Lan đã không thể tạo ra phản ứng kháng thể tốt sau hai lần chích ngừa với một trong bốn loại vaccine COVID-19. Họ có cần liều vaccine thứ ba không? Kết quả của việc này vẫn chưa được biết. Vì hệ thống miễn dịch không hoạt động tối ưu trong nhóm này và vaccine tương tự được sử dụng cho lần chích thứ ba nên không có cải thiện lớn nào có thể được mong đợi. Cho tới thời điểm hiện tại, EMA và ECDC không thấy nhu cầu cấp bách về liều bổ sung thứ ba cho các nhóm dân số khỏe mạnh.
Chích ngừa sẽ không cung cấp sự bảo vệ tốt cho tất cả mọi người. Đa số những người hiện đã được chích ngừa không biết liệu họ đã xây dựng được kháng thể hoặc miễn dịch tế bào T hay chưa. Cũng có thể nếu không chích ngừa, miễn dịch sau nhiễm virus SARS-CoV-2 có triệu chứng hoặc không có triệu chứng hoặc nhiễm virus coronavirus khác trước đó đã đủ hiệu quả.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature chứng minh rằng 17 năm sau khi nhiễm virus SARS CoV-1 một cách tự nhiên, phản ứng chéo của tế bào T với virus SARS-CoV-2 vẫn còn tồn tại. Đó là một giả thuyết đi kèm với tỉ lệ béo phì thấp giải thích tại sao các quốc gia Á châu có ít trường hợp tử vong do COVID-19 mặc dù có rất nhiều trường hợp mắc bệnh. Nhiều nghiên cứu khoa học, hơn một chục nghiên cứu năm 2021, đã chỉ ra rằng miễn dịch tự nhiên cung cấp khả năng bảo vệ tốt hơn miễn dịch sau khi chích ngừa vaccine COVID-19. Một nghiên cứu của Israel cho thấy sau khi nhiễm trùng tự nhiên, nguy cơ tái nhiễm thấp hơn 27 lần và nguy cơ nhập viện ít hơn 8 lần so với sau khi chích ngừa.
Một nghiên cứu khác cũng chứng minh miễn dịch tự nhiên lâu bền hơn. Điều này có thể liên quan đến thực tế là miễn dịch tự nhiên tạo ra một phản ứng miễn dịch rộng hơn chống lại nhiều loại protein áo virus hơn. Miễn dịch dịch thể và tế bào đặc hiệu SARS-Cov-2 lâu bền ít nhất cho đến một năm sau khi bệnh khởi phát.
Ngay cả trước khi vaccine COVID-19 có mặt trên thị trường, các nhà khoa học đã cảnh báo về nguy cơ tăng cường phụ thuộc kháng thể (ADE) có thể xảy ra.
Hệ thống miễn dịch bẩm sinh và thích ứng có thể suy giảm sau khi chích vaccine mRNA, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh nặng hơn trong các trường hợp nhiễm trùng tiếp theo, như được chỉ ra trong một nghiên cứu chưa được bình duyệt. Ngoài ra, một loạt các tác dụng phụ đối với vaccine COVID-19 đã được ghi nhận cho VAERS, MHRA và Eudravigilance, nhiều hơn nhiều so với các vaccine trước đó. Do đó, các chuyên gia vẫn đang tranh luận để phân tích dữ liệu kỹ lưỡng về lợi ích- rủi ro của mũi chích nhắc lại…
Ngay cả trước khi vaccine COVID-19 có mặt trên thị trường, các nhà khoa học đã cảnh báo về nguy cơ tăng cường phụ thuộc kháng thể (ADE), một hiện tượng nổi tiếng được quan sát thấy trong quá trình phát triển vaccine coronavirus trước đây. Điều này có nghĩa là cơ thể tạo ra kháng thể, nhưng không có khả năng vô hiệu hóa virus, vì vậy bằng cách liên kết với các kháng thể có trên tế bào, virus có thể xâm nhập vào tế bào và nhân lên dễ dàng hơn.
Trong một nghiên cứu về các ca nhiễm đột phá tại San Francisco, California, các ca nhiễm đột phá được phát hiện có liên quan đến mức độ kháng thể trung hòa thấp hoặc không thể phát hiện được do tình trạng suy giảm miễn dịch hoặc nhiễm trùng do dòng kháng thể kháng. Điều này được một số nhà khoa học coi là một lời giải thích khả dĩ cho những trường hợp tái nhiễm sau khi chích ngừa. Nghiên cứu từ Mayo Clinic và Đại học Boston cho thấy sáu tháng sau mũi chích thứ hai của vaccine Pfizer, hiệu quả của vaccine giảm từ 76% xuống 42% và với Moderna từ 86% xuống 76%.
Mặc dù các chính trị gia trên toàn thế giới đang nói về một số mũi chích với cùng một loại vaccine, các nhà khoa học ở Iceland, Anh và Mỹ vẫn do dự về điều này. Miễn dịch tự nhiên có thể cần thiết để xây dựng sự bảo vệ đầy đủ trong quần thể. Hiện virus này đã trở thành dịch bệnh lưu hành và có tỷ lệ sống sót là 99.410% đối với người dưới 69 tuổi và hơn 99.997% đối với thanh niên dưới 19 tuổi.
Các kháng thể do vaccine tạo ra dường như giảm đi sau 6 tháng. Sự hiện diện không thể đo lường của các kháng thể không phải lúc nào cũng có nghĩa là con người không còn miễn dịch. Sau khi bị nhiễm trùng tự nhiên, các tế bào B sản xuất kháng thể vẫn có thể phát hiện được trong tủy xương sau khi các kháng thể đo được trong máu biến mất, điều này cho thấy khả năng cơ thể có thể phản ứng nhanh sau khi tái nhiễm. Một khảo sát với các nhân viên y tế tại Phòng khám Cleveland, cho thấy rằng việc chích ngừa cho những người đã trải qua một đợt nhiễm trùng tự nhiên là không có ý nghĩa.
Một số nhà miễn dịch học người Anh giải thích rằng sự bùng phát các trường hợp nhập viện do nhiễm RSV (virus cảm lạnh) ở trẻ em ở South Wales và Úc Châu có thể là hậu quả của chính sách phong tỏa đã dẫn đến việc ngăn chặn hoạt động của hệ thống miễn dịch. Sự gia tăng virus RSV ở trẻ em và những người bị nhiễm nấm đen trong phổi trong ICU cũng đã được báo cáo gần đây tại Hà Lan và Bỉ.
Những bệnh nhiễm trùng này hiếm khi xảy ra đơn lẻ và thường gặp trên những người có hệ thống miễn dịch rất yếu. Khi áp lực từ việc phong tỏa, can thiệp không dùng thuốc và chích ngừa quy mô lớn chỉ nhắm vào một loại protein của virus tăng lên, thì càng có nhiều khả năng các đột biến xảy ra ở virus có thể gây nguy hiểm hơn cho các nhóm dễ bị tổn thương.
Giờ đây, phần lớn xã hội đã được chích ngừa, chúng ta tốt hơn là nên làm theo Đan Mạch, Thụy Điển và Iceland, nghĩa là dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế và cho phép virus lưu hành trong quá trình hoạt động bình thường của xã hội.
Điều này cho phép tăng cường khả năng miễn dịch tự nhiên và đồng thời tăng cường hệ thống miễn dịch để ngăn chặn các virus, nấm và vi khuẩn khác. Các lệnh bắt buộc chích vaccine thử nghiệm không thể cung cấp khả năng bảo vệ rộng rãi.
Việc tập trung vào chích ngừa với (trong) các nghĩa vụ trực tiếp tạo ra mối bất hòa không thể biện minh một cách khoa học trong xã hội. Trên hết, với tình trạng thiếu nhân viên y tế, việc tiếp tục đi trên con đường tương tự là một lời mời chào cho một trận sóng thần [bệnh tật] kinh hoàng. Không chỉ từ COVID-19, mà còn từ các mầm bệnh khác cũng như sự gia tăng mạnh về ung thư, bệnh tim mạch và trầm cảm.
Thật vậy, hệ thống miễn dịch cũng tham gia vào việc ngăn ngừa các bệnh mãn tính. Để ngăn ngừa những tác hại không đáng có cho người lớn và trẻ em, thông tin y tế công cộng về nguy cơ và lợi ích của vaccine cần phải trung thực và minh bạch. Bằng cách này, mọi người có thể đưa ra các quyết định được cân nhắc kỹ lưỡng về sức khỏe của chính mình và về cách góp sức vào để có một thế giới an toàn và lành mạnh hơn.
Chính phủ và các công ty bảo hiểm sẽ được phục vụ tốt để cung cấp cho ít nhất trẻ em, người già, người nhận phúc lợi dễ bị tổn thương và nhân viên y tế hướng dẫn rõ ràng hơn về tầm quan trọng cốt yếu của một hệ thống miễn dịch có khả năng phục hồi, không thỏa hiệp với các hạn chế và các lệnh bắt buộc gây rủi ro cho sức khỏe của chúng ta.
Bài báo được đăng tải ban đầu từ Viện Brownstone
Phương Lan biên dịch