Thanh Đoàn
Tư nhân hóa khu vực kinh tế tư nhân, thành lập Chi bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại mọi doanh nghiệp để tăng cường kiểm soát, chính sách thịnh vượng chung yêu cầu doanh nhân phải chia sẻ tài sản cho đảng, đóng cửa khắc nghiệt để theo đuổi ‘zero covid’ đã khiến dòng vốn ngoại tháo chạy. Không chỉ vậy, các triệu phú của đất nước này đang nghèo đi vì thị trường BĐS đổ vỡ, họ tìm cách thoát thân khỏi tổ quốc.
Tài sản của các triệu phú Trung Quốc đang lâm nguy tứ bề. Đây không phải là cảnh báo mà đích thực là những gì đang diễn ra.
Trắng tay vì đầu tư nhà ở bằng vốn vay ngân hàng
Tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc phần lớn đến từ bất động sản (BĐS) nhưng giá nhà đất đang giảm mạnh làm suy giảm trầm trọng khối tài sản mà họ nắm giữ. Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh tế tư nhân, nơi các triệu phú tạo tài sản cho mình cũng đang bị giám sát chặt chẽ bởi đảng và thậm chí bị đe dọa bởi làn sóng quốc hữu hóa khu vực kinh tế tư nhân. Khối tài sản đã có lại bị đe dọa bị chia năm xẻ bảy bởi sáng kiến “Thịnh vượng chung” của Chủ tịch Tập Cận Bình. Tất cả những biến cố tạo ra bởi chế độ Bắc Kinh đang khiến các triệu phú của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bất an hơn bao giờ hết.
Theo “Báo cáo sức khỏe gia đình đô thị Trung Quốc”, tài sản hộ gia đình Trung Quốc tăng lên qua từng năm, nhưng giá trị BĐS chiếm 77,7% tổng tài sản hộ gia đình, cao hơn nhiều so với mức 34,6% của Hoa Kỳ.
Với khẩu hiệu mà chính quyền Bắc Kinh hô hào “Nhà ở không phải để đầu cơ”, tức là nhà để ở, không phải để đầu cơ, chính quyền các địa phương đã liên tục ban hành các chính sách điều tiết thị trường bất động sản. Theo Secret China, giá BĐS Trung Quốc hiện đang giảm liên tục. Giá nhà ở Yanjiao, khu vực nổi tiếng gần Bắc Kinh, trước đây là 25.000 nhân dân tệ (CNY) trên mỗi mét vuông, hiện đã giảm xuống còn 9.000 nhân dân tệ. Giá giảm còn gần 1/3 nhưng thậm chí còn không bán được.
Báo chí cũng đã nhiều lần đưa tin về việc nhà bị cắt giá một nửa, chủ nhà vật lộn với các khoản nợ thế chấp, bán để cắt lỗ cũng trở nên khó khăn. Trong tương lai gần, với sự bão hòa của nguồn cung BĐS và dân số giảm, xu hướng giảm giá nhà ở Trung Quốc là không thể tránh khỏi. Hậu quả trực tiếp nhất của việc này là khối tài sản gắn liền với bất động sản của nhiều “triệu phú” danh nghĩa bị thu hẹp nghiêm trọng. Thêm vào đó, thu nhập giảm mạnh và thất nghiệp do đại dịch nên họ không thể làm được gì khi ngân hàng đòi nợ, nhà mua bằng tín dụng thế chấp buộc phải bán tháo, nhóm này tái nghèo trở lại, thậm chí là trở thành các chủ nợ có tài sản âm (nợ nhiều hơn tài sản có) trong hệ thống các NHTM.
Trong những năm gần đây, thị trường bất động sản của Trung Quốc khá ảm đạm, một số người bị mất thu nhập do suy thoái kinh tế đã chọn cách bỏ nhà và cắt nguồn cung. Đồng thời, tài chính của chính phủ eo hẹp, liên tục có tin công chức bị cắt giảm lương, sau khi cắt giảm lương, áp lực đối với công chức phải vay thế chấp cũng tăng mạnh. Thị trường bất động sản của Trung Quốc đang ế ẩm, số lượng nhà bỏ hoang tăng lên ở nhiều nơi, kéo theo số lượng các cuộc đấu giá tư pháp tăng đột biến. Bất động sản gắn chặt với nền kinh tế và sự giàu có của hộ gia đình, và hậu quả là rủi ro tài chính ngày càng tăng.
Thấp thỏm vì làn sóng quốc hữu hóa và thịnh vượng chung
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tỏ rõ thái độ cần phải đưa khu vực kinh tế tư nhân hòa nhập với mọi hoạt động của đảng (thực chất là giám sát) bằng cách thành lập ra các chi bộ đảng nằm trong bộ máy tổ chức của mọi doanh nghiệp.
Nhưng đó không phải là mục tiêu cuối cùng. Làn sóng đàn áp kinh tế tư nhân của Trung Quốc ngày một rõ nét. Truyền thông Nhật Bản tiết lộ rằng, chính quyền Trung Quốc đã “hạ độc thủ” khoảng 100 công ty tư nhân trong ba năm qua, chưa bao gồm các tập đoàn công nghệ khổng lồ phải quốc hữu hóa một phần tài sản của họ để đáp ứng yêu cầu “chống độc quyền” của Bắc Kinh. Chiến lực đàn áp kinh tế tư nhân của Bắc Kinh đang thắt chặt túi tiền của các doanh nhân, vốn đang chìm trong khó khăn do chính sách ‘zero covid’.
Sau Chủ tịch Mao Trạch Đông, ông Tập Cận Bình cũng đề cập đến “thịnh vượng chung” tại cuộc họp lần thứ 10 của Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương ĐCSTQ diễn ra vào tháng 8/2021. Ngay sau tuyên bố của ông Tập Cận Bình, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent ngay sau đó đã tuyên bố sẽ ‘quyên góp’ 50 tỷ NDT. Ngày 24/08, Pinduoduo hứa sẽ đầu tư lợi nhuận vào phát triển nông nghiệp với khoản đầu tư lên tới 10 tỷ NDT. Alibaba cũng cam kết chi ra 100 tỷ NDT cho các quỹ từ thiện.
Trong nhiều chục năm qua, giới nhà giàu Trung Quốc vốn đã thực hiện nhiều biện pháp để chuyển tài sản ra nước ngoài. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát khiến biên giới Trung Quốc bị đóng cửa đã làm việc chuyển tiền từ Trung Quốc trở nên khó khăn hơn. Đồng thời, Bắc Kinh cũng cấm các giao dịch tiền điện tử, vốn là một cách chuyển tiền phổ biến.
Chính sách “thịnh vượng chung” do ông Tập Cận Bình đề xuất một lần nữa thúc đẩy giới thượng lưu trở nên khôn ngoan hơn trong việc tìm ra những cách thức mới để bảo vệ sự giàu có của mình.
“Một vài năm trước, mọi người chỉ quan tâm đến đầu tư như thế nào”, Echo Zhao, đối tác tư vấn cho Công ty Luật Shanghai SF, nói với Bloomberg. “Bây giờ, họ không còn quá háo hức để nắm bắt cơ hội đầu tư”.
Fox News đưa tin, những người siêu giàu ở Trung Quốc đã bắt đầu xóa tài khoản mạng xã hội, từ chối tiếp tục sử dụng mạng xã hội, cũng như từ chối thực hiện các cuộc phỏng vấn. Họ làm như vậy với mục đích ngăn không cho những lời nói của họ bị sử dụng để chống lại chính họ, hay bị hiểu thành chống lại chính phủ.
Những người giàu đang cố gắng sử dụng 3 phương pháp chính để giữ tiền: Một, đầu tư nhiều hơn vào các quỹ tín thác ngoài nước; hai, đa dạng hóa cổ phần vào công nghệ xanh và các công ty nước ngoài; và ba, thuê những người đổi tiền ngầm để chuyển tiền khi cần thiết.
Kết cục không thể tránh: tìm đường thoát thân
Nhưng với chính sách phong tỏa khắc nghiệt để đảm bảo ‘zero covid’, làn sóng ‘tìm đường thoát thân’ của các tỷ phú và triệu phú Trung Quốc càng trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Trên mạng xã hội Trung Quốc, trào lưu mới nổi có tên “Run” được đặt tên theo tiếng Anh, có nghĩa là chạy khỏi Trung Quốc.
Dữ liệu trực tuyến cho thấy số lượng tìm kiếm “nhập cư” trên các nền tảng tìm kiếm lớn của Trung Quốc gần đây đã tăng vọt. “Chỉ số WeChat” tăng hơn gấp bốn lần, với gần 50 triệu lượt tìm kiếm. Lượng tìm kiếm “điều kiện để chuyển đến Canada” của Baidu cũng tăng vọt lên vị trí đầu tiên, tăng 2.846% so với tháng trước và lượng tìm kiếm “ở đâu tốt để đi nước ngoài” xếp thứ hai, tăng 2.455% so với tháng trước.
Dữ liệu tìm kiếm của Baidu cũng cho thấy tỉnh đứng đầu về lượng người tìm kiếm thông tin di cư khỏi Trung Quốc là Thượng Hải (109,61%), Thiên Tân (41,5%) và Quảng Đông (29,79%). Ba quốc gia mục tiêu mà người Trung Quốc muốn di cư tới được tìm kiếm nhiều nhất là Úc, Hoa Kỳ và Canada.
Điều đáng chú ý là thời gian gần đây, có ngày càng nhiều hơn người thuộc tầng lớp trung lưu muốn rời khỏi Trung Quốc càng sớm càng tốt theo cách rẻ nhất và dễ dàng nhất. Một số quốc gia châu Âu có ngưỡng nhập cư thấp như Bồ Đào Nha, Ireland, Malta, v.v. đã trở thành mục tiêu nhập cư ưa thích của họ.
Cả tầng lớp giàu có và trung lưu đều muốn tháo chạy khỏi Trung Quốc, điều này chắc chắn sẽ gây ra tình trạng bán tháo trên thị trường bất động sản, điều này sẽ làm giảm hoạt động của thị trường bất động sản.
Cùng với xu hướng muốn tháo chạy khỏi Trung Quốc, dòng vốn ngoại cũng đang chạy khỏi quốc gia này.
Theo Viện tài chính quốc tế (IIF), trong tháng 3/2022, 17,5 tỷ USD vốn ngoại đã rời khỏi thị trường Trung Quốc; trong đó 11,2 tỷ USD tháo chạy khỏi thị trường trái phiếu, còn lại là rời bỏ thị trường cổ phiếu.
Dữ liệu chính thức của Trung Quốc cũng khẳng định số liệu của IIF, một lượng vốn kỷ lục đã từ bỏ thị trường trái phiếu của nước này. Chỉ trong tháng 3/2022, khoảng 52 tỷ nhân dân tệ (CNY) vốn ngoại đã tháo chạy khỏi Bắc Kinh.
Thanh Đoàn