Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương khơi mào Chiến tranh Trung-Mỹ?

An Liên

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, trong chuyến công du đầu tiên tới châu Á, đã công bố khởi động Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương (IPEF), được coi là “thanh kiếm chĩa” vào ĐCSTQ. Vậy “Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương” này đề xuất những mục tiêu nào? Sự khác biệt giữa hai hiệp định thương mại trước đây là CPTPP và RCEP là gì? Nó sẽ có tác động gì đến nền kinh tế Trung Quốc?

Bên cạnh đó, chính sách phòng chống dịch ‘Zero Covid’ của ĐCSTQ không chỉ khiến các nhà đầu tư nước ngoài như Apple và Airbnb chuẩn bị rời đi, mà còn khiến Trung Quốc phải đối mặt với làn sóng sa thải và đóng cửa kinh doanh, đồng thời các tổ chức tài chính quốc tế lại tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Vậy tình hình ở Trung Quốc tồi tệ đến mức nào?

Hoa Kỳ khởi động khuôn khổ kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương để chống lại Trung Quốc

Ngày 23/5, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã chính thức khởi động Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương (IPEF) tại Tokyo. Đây không chỉ là nội dung cốt lõi trong chuyến thăm châu Á đầu tiên của ông trên cương vị tổng thống, mà còn là nội dung cốt lõi của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ngoài Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc, các thành viên đầu tiên của khuôn khổ bao gồm Úc, Brunei, Indonesia, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, tổng cộng có 13 quốc gia. Các quốc gia tham gia cùng nhau này chiếm khoảng 40% nền kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, không có Trung Quốc trong Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương này, nhưng các quan chức Hoa Kỳ cũng đã đề cập đến vai trò của Trung Quốc trong đó, chẳng hạn như “cung cấp cho các nước Ấn Độ – Thái Bình Dương cách tiếp cận các vấn đề quan trọng khác với Trung Quốc”; một ví dụ khác, “các thỏa thuận độc lập với Trung Quốc”. Có thể hiểu đơn giản, những gì khuôn khổ kinh tế này làm là “chống lại ĐCSTQ”.

Theo New York Times, Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương tập trung vào 4 mục tiêu chính: phối hợp các nỗ lực để bảo đảm chuỗi cung ứng, mở rộng năng lượng sạch, chống tham nhũng và mở đường cho thương mại kỹ thuật số lớn hơn. 13 quốc gia thành viên sẽ được phép đàm phán các thỏa thuận với một trong bốn lĩnh vực, mà không cần cam kết tất cả các lĩnh vực. Phạm vi đàm phán nên được xác định trước cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7, và chính quyền Biden hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận trong vòng một năm đến một năm rưỡi trước khi đệ trình lên từng chính quyền để phê duyệt.

Trước đó, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, hay còn gọi là TPP, vào năm 2017, với lý do gây thiệt hại cho ngành sản xuất của Mỹ. Do đó, Nhật Bản đã tiếp quản và cải tổ TPP thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, hay còn gọi là CPTPP, có hiệu lực vào ngày 30/12/2018. Các bên ký kết bao gồm Nhật Bản, Canada, Úc và 11 quốc gia khác, khiến nó trở thành khu vực thương mại tự do lớn thứ ba trên thế giới.

Vì vậy, sáng kiến ​​mới này của ông Biden cũng là một nỗ lực mới nhằm lấp đầy khoảng trống còn lại sau khi Hoa Kỳ rút khỏi TPP và là một nỗ lực mới nhằm thiết lập quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và các nước châu Á. Trong khi Nhật Bản, Singapore và các quốc gia khác hy vọng rằng Hoa Kỳ có thể tái gia nhập TPP, nhưng bà Katherine Tai, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ cho biết “vấn đề lớn nhất” với TPP là nó không nhận được đủ sự ủng hộ từ trong nước.

Nói đến Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương này, chúng ta cũng phải nói đến một hiệp định khác là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), bởi vào tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc đã ký hiệp định RCEP với 15 nước thành viên gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trở thành khối thương mại lớn nhất thế giới. Trong Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương hiện tại, 11 trong số 13 quốc gia thành viên đã tham gia RCEP và 7 trong số họ cũng đã tham gia CPTPP mà chúng tôi vừa đề cập.

Tổng thống Biden đề xuất khuôn khổ kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương này với hy vọng nâng cao các tiêu chuẩn về môi trường và lao động của toàn châu Á, đồng thời hy vọng sử dụng nền tảng này để chống lại ảnh hưởng của ĐCSTQ. Tuy nhiên, khuôn khổ kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương không bao gồm các kế hoạch đàm phán để giảm thuế quan, cũng không bao gồm các biện pháp rộng rãi để loại bỏ các rào cản đối với việc tiếp cận thị trường, vì vậy, đây không phải là một hiệp định thương mại tự do theo nghĩa truyền thống, mà chỉ phản ánh ý định hợp tác của các quốc gia thành viên trong các dự án liên quan đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nên không hấp dẫn đối với một số quốc gia.

Tuy nhiên, đối với Hàn Quốc, do Hàn Quốc chưa tham gia CPTPP nên việc tham gia Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương cho phép Hàn Quốc tham gia xây dựng các chuẩn mực mới và mở rộng vai trò là “quốc gia trung tâm toàn cầu”. Tổng thống mới của Hàn Quốc, ông Yoon Seok-yeol, cũng đề cập rằng trong quá trình xây dựng luật lệ, nếu loại trừ Hàn Quốc, lợi ích quốc gia sẽ bị tổn thất lớn.

Ngoài ra, không giống như CPTPP và RCEP, Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương do Hoa Kỳ đề xuất tìm cách hợp tác với các quốc gia khác trong khả năng phục hồi chuỗi cung ứng và nền kinh tế kỹ thuật số. Cũng có suy đoán rằng cái gọi là “nâng cao khả năng phục hồi chuỗi cung ứng” thực ra đồng nghĩa với việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng, mục đích là để loại bỏ Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng.

Mặc dù, vẫn còn phải xem liệu Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương có mang lại lợi ích đáng kể cho các quốc gia thành viên hay không, nhưng dù sao thì Trung Quốc cũng coi đây là một mối đe dọa. Trên thực tế, hai tuần trước, trong cuộc gặp trực tuyến với Phó thủ tướng Campuchia, nước giữ chức chủ tịch ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc ông Vương Nghị, không nêu đích danh Hoa Kỳ mà đề cập rằng ai đó đã đưa “tâm lý Chiến tranh Lạnh” vào châu Á, và kích động tạo ra “phe cánh đối địch”, đồng thời cũng đề cập rằng các nước Châu Á nên cùng nhau tẩy chay. Tuy nhiên, về cơ bản, các quốc gia Châu Á có ảnh hưởng đã tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương. ĐCSTQ có thể lôi kéo ai khác để tẩy chay nó?

Ngoài ra, khi ông Biden đến thăm Nhật Bản vào ngày 23/5, ông đã ‘lỡ lời’ hoặc là ‘sơ ý’ khi trả lời câu hỏi của phóng viên rằng liệu Hoa Kỳ có sẵn sàng “bảo vệ Đài Loan” nếu Đài Loan bị tấn công hay không, ông Biden trả lời: ” Vâng, đó là lời hứa mà chúng tôi đã đưa ra”.

Rõ ràng, câu trả lời của ông Biden đã đổ thêm dầu vào lửa trong căng thẳng Mỹ-Trung, nhưng các quan chức Toà Bạch Ốc sau đó đã làm rõ rằng không có sự thay đổi nào trong chính sách của Mỹ đối với Đài Loan.

Chỉ là cái gọi là ‘lỡ lời’ hoặc là ‘sơ ý’ của ông Biden đã xảy ra hai lần trước đó, và đây là lần thứ ba. Vì vậy, đây giống như một ‘sơ ý’ có chủ đích, mục đích là khiến ĐCSTQ hiểu rõ ranh giới của Hoa Kỳ và lo sợ, hơn nữa, trong trường hợp xảy ra chiến tranh thực sự, cũng chỉ có một người có thể ra lệnh cho Hoa Kỳ bảo vệ Đài Loan, và đó là Tổng thống Hoa Kỳ, vì vậy, những suy nghĩ thực sự của Tổng thống Hoa Kỳ là quan trọng nhất. Do đó, một số chuyên gia Đài Loan cho rằng nhận xét được nhắc lại của ông Biden và tuyên bố của các đồng minh Hoa Kỳ về Đài Loan đánh dấu một sự thay đổi mà Mỹ đang chuyển từ cái gọi là “sự mơ hồ chiến lược” sang “sự rõ ràng mang tính xây dựng”.

Có thể thấy rằng trong mọi trường hợp, mục đích của việc Hoa Kỳ đưa ra Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương là rất rõ ràng, đó là hình thành một khối kinh tế mới ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương để chống lại ảnh hưởng của ĐCSTQ. Đối với ĐCSTQ mà nói, đây chắc chắn không phải là tin tốt.

Chuỗi cung ứng tăng tốc độ chuyển dịch khi chính sách Zero Covid ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc

Mặc dù, Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương có thể tạo điều kiện thúc đẩy nhanh việc chuyển dịch chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc, nhưng từ tình hình hiện tại, chính sách Zero Covid của chính Trung Quốc đã dẫn đến việc đẩy nhanh việc tái cơ cấu lại chuỗi cung ứng.

Ví dụ, tờ Wall Street Journal đưa tin rằng Apple đã nói với một số nhà sản xuất thiết bị gốc rằng họ muốn mở rộng sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc do các chính sách nghiêm ngặt về chống dịch bệnh của chính phủ Trung Quốc và một số lý do khác. Khi xem xét các lựa chọn thay thế cho Trung Quốc, Apple đang đặc biệt chú ý đến hai quốc gia là Ấn Độ và Việt Nam, nơi Apple đã có một phần nhỏ sản lượng của mình.

‘Tuần báo Tin tức Trung Quốc’ (China Newsweek) cũng đưa tin rằng do nguyên liệu và chi phí vận chuyển tăng gấp đôi, lợi nhuận của các công ty thương mại nước ngoài ngày càng ít đi, cùng với việc đồng Nhân dân tệ tăng giá vào năm ngoái và các yếu tố khác, lợi thế về “chất lượng cao và giá rẻ” của các sản phẩm Trung Quốc không còn nữa, và số lượng đơn đặt hàng cũng giảm dần. Vào tháng 3 năm nay, tỷ trọng xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm trở lại mức tương tự với tháng 3 năm ngoái, và các đơn đặt hàng chủ yếu được chuyển sang Đông Nam Á. Ngoài ra, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ và các khu vực khác cũng trở thành điểm đến phổ biến về năng lực sản xuất và chuyển giao đơn hàng do lợi thế địa lý từ các nước châu Âu và châu Mỹ. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan ĐCSTQ, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 3 là 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái, và trong tháng 4 đã giảm mạnh xuống còn 3,9%.

Ngoài ra, Airbnb – một công ty cung cấp nhà nghỉ dưỡng và căn hộ cao cấp cho thuê cũng đang có kế hoạch đóng cửa hoạt động kinh doanh nội địa của mình tại Trung Quốc. Theo báo cáo của Wall Street Journal, một nguồn thạo tin với vấn đề này đã đề cập rằng các biện pháp phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt và liên tục đã khiến chi phí hoạt động kinh doanh du lịch ở Trung Quốc ngày càng tăng cao, điều mà Airbnb cho rằng không đáng phải trả. Theo công ty nghiên cứu thị trường AirDNA, tính đến cuối tháng 4, Airbnb có hơn 500.000 danh sách đang hoạt động tại Trung Quốc.

Có thể thấy tình hình kinh tế của Trung Quốc đang rất tồi tệ. Theo hãng tin Bloomberg, ngày 24/5, UBS đã hạ dự báo tăng trưởng GDP cả năm của Trung Quốc từ 4,2% xuống 3%, với lý do tác động của chính sách Zero Covid nhằm ngăn chặn dịch bệnh. Trước đó, JPMorgan Chase đã hạ dự báo tăng trưởng cả năm của Trung Quốc từ 4,3% xuống 3,7%, đồng thời dự đoán nền kinh tế sẽ giảm mạnh trong quý II do các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra, Ngân hàng Standard Chartered, Bloomberg Economics, Goldman Sachs Group và Citigroup cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong tuần trước.

Ngoài ra, tại Thượng Hải, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các biện pháp phòng chống dịch bệnh, dữ liệu công bố gần đây cho thấy tổng giá trị sản lượng công nghiệp của các doanh nghiệp công nghiệp tại thành phố trong tháng 4 đã giảm hơn 60% (61,5%) so với cùng kỳ năm ngoái; doanh nghiệp công nghiệp hoàn thành giá trị giao hàng xuất khẩu, giảm 57,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng tháng 4 cũng giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù, Thượng Hải tuyên bố đang dần trở lại làm việc và sản xuất, nhưng nhiều công nhân nhập cư đã bị sa thải ngay sau khi họ quay trở lại làm việc. Một số người trong ngành công nghiệp Thượng Hải đã đề cập rằng nhiều công ty ở Thượng Hải phải trả tiền thuê nhà và tiền lương cho nhân viên trong thời gian ngừng hoạt động, tình hình của các ngành công nghiệp khác nhau đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Hiện tại mới chỉ là bắt đầu của làn sóng sa thải, thời kỳ cao điểm của việc sa thải sẽ đến sau khi thực sự bỏ các lệnh cấm và tiếp tục công việc trở lại.

Hiện tại, chưa nói đến các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, ngay cả các công ty Internet lớn cũng không thể trụ vững. Ví dụ, tin tức về việc sa thải của các công ty như Alibaba, Tencent, JD.com, Xiaomi, Zhihu, Huawei, v.v. đang lan tràn, trong khi các công ty truyền thống như Yiling đã công bố kế hoạch sa thải và thậm chí, một số vùng, công chức cũng sẽ bị cắt lương, đình chỉ thưởng cuối năm, v.v.

Caixin.com cũng dẫn lời ông Lư Phong (Lu Feng), một giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, cho biết tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đã vượt xa so với châu Âu và Mỹ. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 16 đến 24 tuổi trong tháng 4 là 18,2% ở Trung Quốc, 13,9% ở châu Âu và 8,6% ở Hoa Kỳ. Và kể từ giữa năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở Hoa Kỳ và Châu Âu tiếp tục giảm, tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở Trung Quốc đã tăng nhanh kể từ tháng 10/2021.

Theo Epoch Times

Related posts