Tin Việt Nam trưa thứ Sáu: Chủ tịch nước nói Thanh tra sở ‘ngồi chơi, xơi nước nhiều’

Huệ Liên

Chủ tịch nước nói Thanh tra sở ‘ngồi chơi, xơi nước nhiều’

VnExpress – Cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) tại họp tổ ở Quốc hội chiều 26/5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tính toán lại bộ phận thanh tra sở và tăng cường thanh tra các cấp. Nếu lập thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải tính toán cụ thể, để bảo đảm bộ máy gọn nhẹ, tránh tình trạng thanh tra nhiều, nhưng không phát hiện được tiêu cực.

Khẳng định đoàn thanh tra rất quan trọng, nhưng lãnh đạo Nhà nước băn khoăn tại sao một số vụ đoàn thanh tra không giải quyết được? Phải chăng do đoàn quá dễ dàng trong tiếp xúc với những đơn vị được thanh tra nên khó phát hiện ra vấn đề lớn? “Đoàn thanh tra lỏng lẻo, đơn giản, tự do giao lưu thì không được; phải có cơ chế ở riêng, ăn riêng, có thông tin riêng”, Chủ tịch nước nói và đề nghị bảo đảm tính độc lập để đối tượng thanh tra không “tranh thủ” được cán bộ.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho biết lực lượng thanh tra cấp sở chỉ đủ để thanh tra nội bộ phòng chống tham nhũng, lâu lâu mới có vài vụ. Trong khi đó, có những phòng mạch, cơ sở y tế, nhà thuốc hơn 20 năm “chưa bao giờ thấy thanh tra”. Thanh tra quận, huyện cũng rất ít nên các địa phương trông chờ nhiều vào thanh tra liên ngành, nhưng lực lượng này lại có hạn chế về chuyên môn. Vì vậy, bà đề xuất không bỏ thanh tra cấp huyện mà cần tính toán lại về biên chế.

Ngoài ra, bà Lan đánh giá hình thức thanh tra theo kế hoạch “là hết sức phi lý”, bởi trải qua nhiều bước như lập danh sách, gửi công văn cho đơn vị, thông báo thời gian tiến hành. “Vậy mà khi đến, có nơi họ vẫn vi phạm. Rõ ràng hình thức này không thực tế”, bà nói.

Việt Nam nói đang ‘nỗ lực’ đàm phán phân giới với Campuchia, không xác nhận tiết lộ của ông Hun Sen

Voatiengviet – Liên quan đến thông tin được Thủ tướng Hun Sen tiết lộ về thoả thuận mới đạt được giữa Việt Nam và Campuchia trong việc phân định biên giới, Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 26/5 nói hai bên đang “nỗ lực đàm phán để giải quyết phân giới cắm mốc khoảng 16% đường biên giới còn lại”, nhưng không xác nhận hay tiết lộ chi tiết về thoả thuận mà Thủ tướng Hun Sen nói đã đạt được.

“Việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc Việt Nam – Campuchia vì hòa bình ổn định là nguyện vọng chính đáng của hai nước từ trước tới nay”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, nói trong cuộc họp báo ngày 26/5. “Với tinh thần đó, trong những năm qua, Việt Nam và Campuchia đã hợp tác chặt chẽ, hoàn thành phân giới cắm mốc khoảng 1.045km đường biên giới, tương đương với khoảng 84% chiều dài đường biên giới trên toàn tuyến”.

Trước đó, trong buổi tiếp xúc với cộng đồng Campuchia tại châu Âu vào ngày 21/5, trước khi tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, ông Hun Sen cho biết các ủy ban biên giới của Campuchia và Việt Nam gần đây đã đàm phán và đạt được đồng thuận về ranh giới cho 6% trong số 16% còn lại của đường biên giới chưa phân định giữa hai nước, theo tường thuật của Phnom Penh Post.

“Tôi đã mời Thủ tướng Việt Nam đến thăm Campuchia và ký vào 6% này”, ông Hun Sen nói, đề cập đến cuộc gặp gần đây với người đồng cấp Việt Nam Phạm Minh Chính trong Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ vào ngày 12-13 / 5 tại Washington DC.

Thủ tướng Campuchia cũng chỉ trích những người cáo buộc ông “nhượng đất “cho Việt Nam. Ông nói nếu đúng như vậy, ông sẽ không cần phải đàm phán, như đã từng làm với Việt Nam về 6% đường biên giới.

Việt Nam: Quyết định tham gia IPEF ‘phụ thuộc kết quả quá trình thảo luận’  

GOV – Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 26/5 nói rằng quyết định tham gia vào sáng kiến Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) do Hoa Kỳ khởi xướng sẽ phụ thuộc vào kết quả của các cuộc thảo luận, mà trong đó sẽ làm rõ các nội hàm của IPEF.

Trước đó, vào ngày 23/5, Toà Bạch Ốc công bố khởi động sáng kiến kinh tế rất được mong đợi, cùng với hàng chục đối tác ban đầu là Úc, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Tất cả các nước trên gộp lại chiếm 40% GDP toàn cầu.

Buổi lễ công bố khởi động thảo luận về IPEF diễn ra tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản có sự tham dự trực tuyến của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính.

“Xin nhắc lại đây là sự kiện khởi động cho quá trình thảo luận”, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói khi được hỏi về việc thủ tướng tham gia sự kiện có đồng nghĩa với việc Việt Nam tham gia IPEF hay có kế hoạch cụ thể cho việc tham gia hay không.

“Việc tham gia của mỗi nước, trong đó có Việt Nam, phụ thuộc vào kết quả của quá trình thảo luận”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói thêm.

IPEF được xem như là một nỗ lực nhằm cứu vãn một phần lợi ích của việc cựu Tổng thống Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), mà giờ được đổi thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Nhận định về mức độ hưởng lợi của các nước thành viên IPEF, ông Ted Kemp của đài CNBC hôm 24/5 cho biết một số quốc gia phát triển hơn như Hàn Quốc, Japan, Singapore có thể thu được nhiều lợi ích hơn, nhưng những quốc gia khác đang phát triển như Indonesia, Việt Nam và Philippines có thể chưa thấy được lợi ích tức thời.

Tại cuộc họp báo ngày 26/5, Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nói trong quá trình thảo luận về IPEF, Việt Nam sẽ cùng các nước ASEAN và các đối tác liên quan trao đổi làm rõ các nội hàm của IPEF, tập trung vào 4 trụ cột là: Thương mại, chuỗi cung ứng, năng lượng sạch phi carbon hóa và cơ sở hạ tầng, thuế và chống tham nhũng.

Theo bà Hằng, những nội hàm này nhằm đem lại chương trình nghị sự kinh tế tích cực, hiệu quả, khả thi cho khu vực và cho mỗi nước, hướng tới một khuôn khổ hợp tác mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng trong khu vực và cho toàn thế giới.

Sốt xuất huyết hoành hành tại các tỉnh phía nam

Thanh Niên – Bộ Y tế cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 33.000 ca mắc sốt xuất huyết; số ca mắc cao và hiện đang tập trung tại các tỉnh phía nam. Theo Bộ Y tế, hiện đã ghi nhận 15 ca tử vong tại các tỉnh, thành. Đáng lưu ý, tỷ lệ mắc sốt xuất huyết (SXH) nặng hiện gấp 3 lần cùng kỳ 2021.

Tại Hà Nội, chuyên gia dịch tễ cảnh báo dịch sốt xuất huyết dự báo tăng trong thời gian tới. Theo kết quả giám sát tuần qua (14 – 20/5) đã ghi nhận 15 ca mắc tại nhiều quận, huyện như: Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Ba Vì, Mê Linh, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Phúc Thọ. Như vậy, số mắc đã tăng gấp hơn 2 lần so với tuần trước đó (7 ca).

Nhưng ở các tỉnh phía nam, dịch SXH căng thẳng hơn nhiều. Tại TP.HCM, ngày 25.5, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng chống SXH tại

H.Hóc Môn. Tại khu vực tổ 125, ấp Tam Đông 3, xã Thới Tam Thôn, dù là nơi có ca bệnh SXH tử vong, nhưng những người dân trong khu vực vẫn chưa chấp hành chống dịch; người dân để nhiều vật chứa nước xung quanh nhà; trong các chuồng nuôi gà chọi có nhiều lọ nước lăng quăng lúc nhúc. Tại Trường tiểu học Tam Đông, phía sau bếp ăn có thùng nước đầy lăng quăng.

Bác sĩ (BS) Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết trong 4 tháng đầu năm 2022, TP.HCM ghi nhận 8.481 ca mắc SXH, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2021 (6.639 ca). Trong tuần 20 (từ ngày 13 – 19.5), TP ghi nhận 943 ca SXH, tăng 156 ca (20%) so với trung bình 4 tuần trước. Từ đầu năm đến nay TP đã có 7 ca tử vong do SXH. Một số phường xã có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước, như: P.Tân Thới Hiệp, P.Thạnh Xuân (Q.12); P.Phú Thạnh, P.Sơn Kỳ (Q.Tân Phú); xã Xuân Thới Thượng (H.Hóc Môn). Có 8 quận, huyện trọng điểm về SXH của TP cần tập trung phòng chống, gồm: Q.8, 12, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn, Tân Bình, Tân Phú và TP. Thủ Đức. Trong đó, có 5 quận, huyện có số ca mắc SXH dẫn đầu, gồm: Bình Tân, Bình Chánh, Tân Phú, Hóc Môn và Q.12.

Tại TP. Đà Nẵng, CDC TP.Đà Nẵng ghi nhận những tuần gần đây, số lượng bệnh nhân (BN) mắc SXH trên địa bàn có xu hướng gia tăng và xuất hiện thêm nhiều ổ bệnh nhỏ. Đến nay, TP.Đà Nẵng ghi nhận khoảng 1.400 ca SXH với khoảng 100 ổ bệnh, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ. Địa phương có số ca mắc tăng gồm: Q.Sơn Trà, Q.Liên Chiểu, H.Hòa Vang… Ngoài ra, TP.Đà Nẵng cũng ghi nhận số ca mắc tay chân miệng tăng hơn so cùng kỳ với khoảng 300 ca mắc và xuất hiện ở tất cả các quận, huyện.

Tại Thừa Thiên-Huế, theo ghi nhận của ngành y tế, từ đầu năm đến ngày 23.5 toàn tỉnh phát hiện 48 ca bệnh SXH.

Trong đó, TP.Huế chiếm đến 50% (24 ca), xác định tại 22 điểm, phân bố ở 14 xã/phường, có 14 ca bệnh chưa qua 14 ngày.

Tại Quảng Nam, ông Trần Văn Kiệm, Giám đốc CDC Quảng Nam, cho biết tính đến ngày 25.5, toàn tỉnh Quảng Nam ghi nhận 641 ca SXH tại 17/18 huyện, thị xã, TP (tăng 219 ca, gấp 2,9 lần so với cùng kỳ năm 2021). CDC Quảng Nam đã phối hợp với các trung tâm y tế xác minh ca bệnh và xử lý 18 ổ dịch và không có ca tử vong. Khoa Y học nhiệt đới – Bệnh viện (BV) Đa khoa Quảng Nam ghi nhận số BN nhập viện vì SXH bắt đầu có dấu hiệu gia tăng. Ông Nguyễn Ngọc Võ Khoa, Trưởng khoa Y học nhiệt đới, cho biết theo chu kỳ, dịch SXH thường rơi vào các tháng 5, 6, 7. Bên cạnh đó, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 xảy ra trước đây, người dân ngại đến thăm khám tại cơ sở y tế. Sau khi BV thực hiện các biện pháp “mở cửa”, không xét nghiệm Covid-19 thì cũng bắt đầu ghi nhận BN tăng, trong đó có BN SXH.

Related posts