Ông Lưu Ích Khiêm (Liu Yiqian), một tỷ phú sống ở Thượng Hải, đã than thở rằng cuộc sống thật “nhục nhã” trong hai tháng bị phong tỏa do chính sách “zero-COVID” hà khắc của chế độ Trung Quốc. Bài đăng được lan truyền rộng rãi của ông hôm 22/05 trên nền tảng mạng xã hội WeChat của Trung Quốc có kèm theo một bức ảnh chân dung của ông với đầu tóc bù xù, râu chưa cạo, và đang mặc một thứ trông giống một chiếc áo phông cổ chữ V quá khổ.
Bài đăng của ông Lưu cho biết, “Tôi đang tự làm bẽ mặt chính mình. Mỗi buổi sáng, ủy ban khu phố sẽ ra lệnh cho khu phố của chúng tôi làm xét nghiệm PCR và phát hiện các ca [COVID-19] dương tính. Và họ đưa ra thời hạn rõ ràng, cuộc xét nghiệm bắt đầu lúc 9 giờ sáng và kết thúc vào buổi trưa. Sau một vài ngày quan sát, dường như ngày càng có ít cư dân [những người sẽ được xét nghiệm]. Có lẽ mọi người đã chán nản, mệt mỏi vì điều đó rồi.”
“Tuy nhiên,” ông Lưu tiếp tục, “[chúng tôi] vẫn phải sống. Để thoát khỏi sự phong tỏa theo đủ mọi cách của Thượng Hải, một số người bạn thà đi đến các tỉnh khác và bị cách ly trong 14 ngày. [Mọi người] cũng đang rời khỏi Thượng Hải, tình hình đang thay đổi quá nhanh. Còn về việc liệu có hy vọng vào tương lai hay không, ngay cả khi nghĩ về điều đó cũng đã sai rồi.”
Theo Forbes, nhà đầu tư 59 tuổi kiêm nhà sưu tập nghệ thuật này từng có giá trị tài sản ròng lên đến 1.37 tỷ USD vào năm 2015. Ông Lưu Ích Khiêm và vợ thường xuyên lui tới các công ty đấu giá ở Hong Kong và New York, chi hàng trăm triệu USD và phá kỷ lục sưu tập các tác phẩm nghệ thuật.
Năm 2014, cặp đôi này đã lập kỷ lục khi chi 36.3 triệu USD để mua một tách trà thời nhà Minh tại Sotheby’s Hong Kong. Ông Lưu sau đó đã chụp một bức ảnh trong khi nhâm nhi tách trà nhỏ này.
Năm 2015, cặp đôi này đã trả 170.4 triệu USD cho bức “Nu couché” của họa sĩ người Ý Amedeo Modigliani, được đấu giá bởi Christie’s New York. Đây là tác phẩm nghệ thuật đắt thứ hai từng được bán đấu giá.
Theo truyền thông Trung Quốc, ông Lưu đến từ Thượng Hải. Ông đã từng làm việc tại xưởng giày của chú mình trước khi trở thành tài xế taxi. Vào những năm 1990, ông Lưu đã bắt đầu kiếm bộn tiền khi đầu tư vào thị trường chứng khoán non trẻ của Trung Quốc.
Để lưu trữ các bộ sưu tập của mình, cặp đôi này đã mở bảo tàng nghệ thuật tư nhân của riêng họ với hai địa điểm ở Thượng Hải và một ở Trùng Khánh.
Nhiều người đã bình luận dưới bài đăng của ông Lưu. Một người nói: “Cuộc sống của một người giàu có bậc nhất ở Thượng Hải giống như thế này đây trong thời kỳ đại dịch! Một người đã từng chi hàng trăm triệu để mua tách trà và bức tranh, nhưng bây giờ ông ấy không có một chiếc lược cho mái tóc của mình…”
Một người khác nói, “Trong thảm họa, người nghèo và người giàu đều sống không có phẩm giá … Một người giàu ở Thượng Hải đã từng chi 36 triệu USD cho một tách trà, ông Lưu Ích Khiêm: tại sao nắm đấm thép đó cũng giáng vào đầu tôi vậy?”
Ông Lưu không phải là thành viên duy nhất của giới thượng lưu Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi cuộc phong tỏa này. Bà Từ Tân (Kathy Xu), một tỷ phú đầu tư mạo hiểm và là con gái của Chủ tịch Tập đoàn Xe tải Hạng nặng Quốc gia Trung Quốc, hồi tháng Tư đã yêu cầu trên mạng xã hội cho bà được tham gia “phòng trò chuyện mua hàng theo nhóm” để bà có thể mua sữa và bánh mì “cho con trai và bạn bè của mình.”
Cô Kelly Song là một tác gia của The Epoch Times tại Hoa Kỳ, chuyên về tất cả những vấn đề liên quan đến Trung Quốc.
Thanh Tâm biên dịch