Ngày càng có nhiều công dân Trung Quốc cho biết họ được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu sau khi chích các loại vaccine ngừa COVID trong nước. Tuy nhiên, họ nói rằng các nhà chức trách coi những tuyên bố của họ là một mối đe dọa đối với trật tự xã hội và không phúc đáp cho những thắc mắc của họ.
Hôm 31/05, ông Vương Quân (Wang Jun) (bí danh), cư dân thị trấn Hồ Gia, thành phố Bàn Cẩm, tỉnh Liêu Ninh, nói với The Epoch Times rằng vợ ông được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu cấp tính sau khi chích hai mũi vaccine Sinovac.
“Ngày 14/05 năm ngoái, cô ấy đã được chích mũi đầu tiên tại thị trấn của chúng tôi,” ông Wang nói, “một sản phẩm của Sinovac có trụ sở tại Bắc Kinh. Sau đó mũi thứ hai là vào ngày 04/06.”
Bốn ngày sau, bà đã bị chứng đau đầu dai dẳng diễn ra hàng ngày và có khả năng kháng thuốc giảm đau. Phải đến ngày 22/09, từ mức độ tiểu cầu thấp cực độ của bà, các bác sĩ mới kết luận rằng bà đã mắc bệnh bạch cầu.
Theo ông Vương, trước đây, vợ của ông khỏe mạnh, không có tiền sử tiếp xúc với các chất độc hại hay phải truyền máu. Gia đình họ cũng không có tiền sử bệnh bạch cầu.
Người được phỏng vấn nói rằng một trong những đồng nghiệp cũ của ông cũng mắc căn bệnh tương tự, và theo báo cáo thì năm ngoái có sáu ca mắc bệnh bạch cầu chỉ riêng ở thành phố của họ.
Bà Lâm, mẹ của một bé gái 14 tuổi sống ở thành phố Lâu Để, tỉnh Hồ Nam, nói với The Epoch Times rằng con gái bà được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu dòng tủy hồi tháng 11/2021, hai tháng sau khi chích mũi Sinovac thứ hai.
“Tôi tin rằng bệnh của con tôi [bệnh bạch cầu] có gì đó liên quan đến các mũi chích ngừa,” người mẹ này nói. “Con gái tôi phải phẫu thuật vì bệnh tim bẩm sinh. Trước khi chích, tôi đã tham khảo ý kiến của CDC [địa phương], hỏi con bé có đủ tiêu chuẩn để chích vaccine COVID hay không, và họ nói rằng ‘Có.’”
Một người đàn ông họ Dương, đến từ thành phố Tấn Thành, tỉnh Sơn Tây, cho biết anh được xác nhận mắc bệnh bạch cầu cấp dòng tủy M2a hồi tháng 04/2022, và có các triệu chứng thiếu máu trầm trọng và yếu tứ chi. Anh được chích vaccine Sinovac hồi tháng 07/2021 và một tháng sau đó đã xuất hiện một mảng đốm xuất huyết lớn trên cơ thể.
Gánh nặng tài chính lớn
Theo ông Vương, trong tám tháng, gia đình ông đã phải chi hơn 200,000 nhân dân tệ (khoảng 30,000 USD) để điều trị bệnh cho vợ ông, điều mà ông cho rằng đây là một đòn giáng nặng nề đối với gia đình.
Bà Lâm nói với The Epoch Times rằng 5 đợt hóa trị của con gái bà đã tiêu tốn của bà hơn 500,000 nhân dân tệ (khoảng 75,072 USD). Bà cho biết bà đã phải thế chấp căn nhà của họ để trang trải chi phí y tế.
Ở Trung Quốc, bệnh nhân phải trả tiền cho hầu hết các phương pháp điều trị y tế vì bảo hiểm y tế nói chung chi trả cho một số hạng mục hạn chế đã được cơ quan chức năng chấp thuận trước và loại trừ một số lượng lớn thuốc nhập cảng đắt hơn nhưng hiệu quả hơn, và thường có ít tác dụng phụ hơn.
Câu trả lời chính thức đáng ngờ
Điều đáng chú ý là một chuyên gia hàng đầu từ CDC Trung Quốc đã đưa ra câu trả lời mập mờ cho câu hỏi về căn bệnh bạch cầu sau khi chích ngừa tại một hội nghị hàng đầu về chống COVID do Cơ chế Phòng ngừa và Kiểm soát Chung của Quốc Vụ Viện tổ chức hôm 27/05.
Khi được hỏi về vấn đề này, chuyên gia trưởng về lập kế hoạch chích ngừa tại CDC Trung Quốc, ông Vương Hoa Khánh (Wang Huaqing), đã không xác nhận hoặc phủ nhận khả năng có một mối liên hệ giữa vaccine COVID và sự phát triển sau đó của bệnh bạch cầu. Ông cũng không trích dẫn bất kỳ nghiên cứu so sánh nào chỉ ra sự thay đổi về số ca bệnh bạch cầu trước đại dịch và trong đại dịch.
Thay vào đó, ông nhấn mạnh việc tuân thủ các thủ tục báo cáo và dựa trên cơ sở hợp lý để đánh giá kết quả.
Không có cơ quan nào nhận trách nhiệm
Ông Vương phàn nàn rằng khi có một cuộc đánh giá y tế liên quan đến bệnh bạch cầu của vợ ông, các cơ quan chức năng đã chọn đẩy trách nhiệm sang nơi khác.
“Đơn khiếu nại của chúng tôi vẫn nằm ở thị trấn của chúng tôi thậm chí sau khi chúng tôi nộp nó được một tháng,” ông Wang nói. “Họ [các quan chức thị trấn địa phương] nói rằng họ không thể báo cáo trường hợp của chúng tôi lên cấp cao hơn, điều mà họ cho là gián tiếp chứng minh rằng họ đã nhận ra rằng các mũi chích ngừa COVID dẫn đến bệnh bạch cầu.”
Tệ hơn nữa, các quan chức địa phương sẽ không cung cấp cho ông bất kỳ bằng chứng nào về việc chích ngừa.
Ông Vương đã liên hệ với ủy ban y tế địa phương, nhà sản xuất vaccine, và cả CDC, nhưng các quan chức hoặc chuyên gia đã tìm nhiều lý do để trì hoãn phản hồi của họ hoặc từ chối cung cấp giấy tờ chính thức hoặc ký tên của họ trên bất kỳ tài liệu nào.
Ông Vương vẫn đang tìm cách giải quyết các thắc mắc của mình từ các cơ quan chức năng.
Thư ngỏ kêu gọi trợ giúp đã bị kiểm duyệt
Hồi đầu tháng Năm, một bức thư ngỏ đã được lưu hành trên mạng kêu gọi sự chú ý của cộng đồng những người được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu. Tuy nhiên, văn bản gốc đã bị kiểm duyệt gắt gao trên Internet Trung Quốc, với việc WeChat hiển thị một thông báo nói rằng nội dung không được hiển thị “do nghi ngờ vi phạm luật, các quy định, và các chính sách có liên quan.”
Bức thư viết: “Chúng tôi đã tự nguyện thu thập thông tin về hơn 1,000 ca, trong đó có những người được chích vaccine, thời gian và địa điểm chích ngừa, tình trạng sức khỏe trước khi chích ngừa, các triệu chứng sau chích ngừa, loại bệnh bạch cầu và các liệu trình điều trị. Những dữ liệu và thông tin chi tiết này có ý nghĩa thống kê nhất định.”
Ngoài ra, bức thư này bày tỏ sự ngờ vực vào đánh giá từ các chuyên gia được CDC chấp thuận. Đánh giá này cho thấy rằng không có ngoại lệ, điều mà họ gọi là một mối liên hệ “ngẫu nhiên” giữa việc chích ngừa COVID và sự phát triển bệnh bạch cầu.
Bức thư này phản bác lời giải thích chính thức nói trên: “Một lý thuyết đơn thuần về ‘mối liên hệ ngẫu nhiên’ không thể biện hộ cho sự xuất hiện của hơn 1,000 ca [bệnh bạch cầu] trong số những người chúng tôi.”
Các nạn nhân cũng tức giận vì chính quyền đối xử thô bạo với họ và coi họ là một mối đe dọa đối với sự ổn định xã hội và là các mục tiêu bị đàn áp, viện dẫn một tài liệu được cho là bị rò rỉ từ Ủy ban Y tế Quốc gia.
Tài liệu chính thức này gợi ý rằng trước tháng 03/2022 cơ quan y tế hàng đầu đã công nhận các bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu. Tài liệu bao gồm một danh sách tên của những người này, được trao cho các chi nhánh ở mỗi tỉnh để theo dõi nơi ở của họ với danh nghĩa “duy trì sự ổn định xã hội”.
Theo bức thư ngỏ, các nạn nhân và gia đình họ đã cố gắng liên hệ với các phóng viên và luật sư trong nước, nhưng không ai hứa sẽ giúp đỡ họ.
Bức thư ngỏ cảnh báo về một cuộc khủng hoảng tiềm ẩn, vì các ca bệnh được xác nhận có thể xuất hiện liên tục chừng nào việc chích ngừa vẫn tiếp tục và xã hội vẫn không biết về sự hiện diện của một hậu quả tiềm ẩn.
Không có nghiên cứu chính thức nào liên kết việc chích một loại vaccine COVID và chẩn đoán bệnh bạch cầu sau đó.
Cuối cùng, bức thư kêu gọi nhà sản xuất vaccine hàng đầu trong nước, công ty Sinovac Biotech, cung cấp các quỹ nhân đạo để giúp đỡ các nạn nhân và yêu cầu chính quyền Trung Quốc không coi họ là “những người thù địch” nữa.
The Epoch Times không thể liên hệ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc để yêu cầu bình luận dù đã nhiều lần cố gắng kết nối trước khi phát hành bản tin này. Công ty Sinovac Biotech cũng không đồng ý nhận yêu cầu phỏng vấn.
Ông Frank Yue là một ký giả tại Canada của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề Trung Quốc. Ông cũng có bằng Thạc sĩ Ngôn ngữ và Văn học Anh tại Đại học Ngoại Ngữ Thiên Tân, Trung Quốc.
Thanh Nhã biên dịch