Minh Anh
Sau cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Nga Vladimir Putin, nhiều nhà phân tích đã đưa ra nhận định của mình về động thái của cả hai bên.
Vào ngày 15/6, ông Tập Cận Bình và ông Putin đã có cuộc điện đàm, cả Trung Quốc và Nga đều đưa ra các báo cáo cấp cao về việc này. Mặc dù, hai bên cho rằng “quan hệ giữa hai nước đang ở mức cao”, nhưng các chuyên gia phân tích cho rằng hai bên đang lợi dụng lẫn nhau, ĐCSTQ muốn lôi kéo Nga, nên có thể bù đắp những tổn thất mà Nga phải gánh chịu do các lệnh trừng phạt thương mại, nhưng nó không thể đáp ứng nhu cầu hỗ trợ quân sự mà Nga cần.
Theo Tân Hoa xã, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào chiều ngày 15/6. Ông Tập Cận Bình cho biết: “sẵn sàng tiếp tục ủng hộ Nga trong các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi và các mối quan tâm lớn như chủ quyền và an ninh, đồng thời tăng cường hợp tác chiến lược giữa hai nước”.
Hai bên đều nhấn mạnh hợp tác thực dụng. Ông Tập Cận Bình đề cập rằng quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước đang tiến triển ổn định và việc khánh thành cây cầu đường bộ Hắc Hà-Blagoveshchensk, mở ra một kênh kết nối mới giữa hai nước.
Hai bên đã trao đổi quan điểm về vấn đề Ukraine. Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng tất cả các bên cần thúc đẩy giải quyết hợp lý cuộc khủng hoảng Ukraine một cách có trách nhiệm và Trung Quốc sẵn sàng phát huy vai trò của mình trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.
Cuộc gọi ngoại giao của ông Tập vào ngày 15/6, cũng là ngày sinh nhật của ông đã thể hiện sự ủng hộ của ông đối với ông Putin.
Một ngày trước đó (13/6), Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan và nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Dương Khiết Trì đã gặp nhau để tập trung vào các vấn đề chính của Hoa Kỳ-Trung Quốc như an ninh khu vực và toàn cầu, đồng thời thảo luận về các vấn đề cụ thể của cuộc chiến Nga-Ukraine. Ngay từ cuộc gặp này, ông Dương Khiết Trì đã nói: Trung Quốc cam kết thúc đẩy hòa bình và đàm phán, và thúc đẩy hạ nhiệt tình hình càng sớm càng tốt.
Theo ông Vương Hách (Wang He), người phụ trách chuyên mục của The Epoch Times, phương Tây rất coi trọng liên minh Trung-Nga. Mối quan hệ giữa Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nga là một tam giác lớn, ĐCSTQ lợi dụng Nga để chống lại Hoa Kỳ, thái độ của Hoa Kỳ là chú ý đến động thái của Trung Quốc và Nga. ĐCSTQ không chỉ phải giữ Nga mà còn phải “đấu nhưng không phá” với Hoa Kỳ, không thể ngửa bài, Hoa Kỳ và Nga đang ở trong tình trạng đối đầu. Bài phát biểu của ông Tập Cận Bình vừa có khuynh hướng vừa cân bằng.
Điện Kremlin đã công bố cuộc điện đàm của ông Putin và ông Tập Cận Bình với nhiều nội dung hơn. Văn phòng báo chí của Điện Kremlin cho biết: “Chủ tịch Trung Quốc đã chỉ ra tính hợp pháp của các hành động của Nga nhằm bảo vệ các lợi ích cơ bản của đất nước trước những thách thức an ninh do các thế lực bên ngoài tạo ra”.
“Hai bên nhất trí mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, tài chính, công nghiệp, vận tải và các lĩnh vực khác”, AFP dẫn thông báo của Điện Kremlin. Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về “phát triển quan hệ quân sự”.
Ông Vương Hách cho rằng Nga hiện đã rơi vào vũng lầy của cuộc chiến với Ukraine và muốn ĐCSTQ giúp mình. Cấp bách nhất là trong lĩnh vực vũ khí và công nghiệp quân sự.
“Cuộc chiến tiêu hao quá nhiều mỗi ngày, và bản thân Nga cũng phải chịu các biện pháp trừng phạt toàn diện. Mặt khác, ĐCSTQ có hệ thống Bắc đẩu, có thể cung cấp cho Nga thông tin quân sự. Vì vậy, Nga yêu cầu phát triển quan hệ quân sự. Tất nhiên, Nga cũng sẽ trao đổi, và cung cấp cho quân đội Trung Quốc công nghệ cao”.
Ông Vương Hách chỉ ra rằng cũng có những bất đồng lớn trong nội bộ ĐCSTQ về quan điểm mà ĐCSTQ nên giữ trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Trong cuộc điện đàm này, ông Tập đã cho thấy rằng ông vẫn đang nắm quyền lãnh đạo và mối quan hệ với ông Putin vẫn đang được hàn gắn.
“Nhưng cuộc nói chuyện giữa hai người trống rỗng hơn nhiều. Điều cốt yếu là bản thân ĐCSTQ đã có những yêu cầu từ Hoa Kỳ và phương Tây, và không muốn bị áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp. Do đó, Nga có ý không hài lòng là chuyện bình thường. Hai bên cũng cần lợi dụng lẫn nhau, nên bề ngoài ra vẻ cao giọng”, ông nói.
Nga bị trừng phạt thương mại vì mua sản phẩm của Trung Quốc
Tuần trước, cây cầu đường bộ Nga-Trung đầu tiên bắc qua sông Amur đã thông xe. Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua) cho biết tại lễ kỷ khánh thành hôm thứ Sáu rằng Trung Quốc “sẵn sàng đi cùng với Nga”.
Điều đáng chú ý là dự án trị giá 369 triệu USD này, giống như một dự án đường sắt khác (Cầu đường sắt Trung-Nga Đồng Giang-Lieninskoye), đã được xây dựng trong nhiều năm. Mỗi cây cầu được chia thành hai nửa, với một bên do người Trung Quốc xây dựng và một bên do người Nga xây dựng.
Ông Artyom Lukin, phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Liên bang Viễn Đông, nói với CNN rằng Trung Quốc đang thúc đẩy thêm cơ sở hạ tầng cảng mà Nga mới bắt đầu xây dựng gần đây vì lo ngại trở nên quá phụ thuộc vào Trung Quốc, nhưng giờ Nga đã không có lựa chọn nào khác.
Đồng thời, ông Lukin cũng đặt câu hỏi: “Điều gì đến từ Trung Quốc qua cây cầu này?”
Ông Tạ Điền (Xie Tian), giáo sư tại Trường Kinh doanh Aiken thuộc Đại học Nam Carolina, đã phân tích trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times rằng các biện pháp trừng phạt tài chính mà phương Tây áp đặt lên Nga phần lớn đã thất bại và dường như không có tác dụng nhiều, bởi vì ông Putin đã đưa ra một loạt các biện pháp đáp trả nhưng các biện pháp trừng phạt thương mại đã có tác động lớn, gây ra tình trạng thiếu hụt nhiều sản phẩm sinh kế ở Nga.
Ông nói, “Bởi vì ông Putin đã yêu cầu các nước khác sử dụng đồng rúp để trả nợ nước ngoài của Nga, sử dụng đồng rúp để mua dầu khí và liên kết đồng rúp với vàng. Bây giờ có vẻ như đồng rúp đã tăng giá cao hơn một chút so với trước chiến tranh”.
“Đối với Nga, bây giờ họ không thể có được các sản phẩm cao cấp, chất lượng cao từ các thương hiệu châu Âu. Mua sản phẩm từ Trung Quốc có thể đáp ứng nhu cầu của Nga ở một mức độ nhất định, nhưng những sản phẩm cao cấp của Trung Quốc thì không thể đáp ứng được như các sản phẩm mang phong cách Châu Âu đặc biệt như pho mát Thụy Sĩ, rượu vang Pháp”.
GS Tạ Điền cho rằng Trung Quốc có thể lấp đầy một số lỗ hổng thương mại đối với Nga. Nhưng điều mà ông Putin muốn là Trung Quốc cung cấp vũ khí, hỗ trợ về mặt quân sự và điều Nga cần là Trung Quốc có thể bán lại những con chip quan trọng mà họ có được từ phương Tây cho Nga.
ĐCSTQ sợ các lệnh trừng phạt từ Châu Âu và Hoa Kỳ, nên không dám gửi vũ khí đến đó. GS Tạ Điền cho rằng ĐCSTQ sẽ làm một phần nhỏ chip, nhưng cũng không dám phô trương lớn, bởi vì một khi bị phát hiện, các nước Âu Mỹ sẽ bắt đầu ngăn chặn.
“Mặc dù thỏa thuận giữa Trung Quốc và Nga được gọi là ‘không có giới hạn’, nhưng có vẻ như ĐCSTQ đã không thực hiện lời hứa của mình, đó cũng là điều mà ông Putin không hài lòng. Bây giờ khi hai người nói chuyện, rõ ràng là ông Putin cần sự hỗ trợ quân sự và tài chính thực tế hơn. ĐCSTQ không muốn, không dám và không thể hỗ trợ Nga ngay bây giờ”, ông nói.
Theo The Epoch Times