Quang Nhật
Người Trung Quốc làm sao có thể cầm tiền lương, tiền tiết kiệm kỹ thuật số để cất về két sắt ở nhà? Khi họ muốn chuyển tiền để thanh toán mà ngân hàng hết tiền thì là ngân hàng báo lỗi kỹ thuật. Nếu bạn biểu tình? Bạn thậm chí không còn một xu nào để tiêu… Đây phải chăng là lý do Trung Quốc ráo riết phát hành e-CNY; một cách biến người dân thành con tin và phục tùng chế độ tuyệt đối? Người dân các nước khác có muốn ngân hàng trung ương của họ làm điều tương tự?
Khủng hoảng thanh khoản trong ngân hàng Trung Quốc
Hàng loạt NHTM nhà nước Trung Quốc đóng băng tiền gửi của người dân hoặc hạn chế người dân rút tiền gửi; người Trung Quốc có nguy cơ mất tiền và bắt đầu hoảng loạn. Khủng hoảng thanh khoản đã trở nên nghiêm trọng trong hệ thống NHTM nước này khi nợ xấu bùng phát, bất động sản trên đà đổ vỡ, sản xuất bị thu hẹp…
Theo Vision Times, kể từ giữa tháng 4/2022, người gửi tiền tại 4 ngân hàng thương mại (NHTM) ở Hà Nam, Trung Quốc đã không thể rút hoặc chuyển tiền. Những người gửi tiền ở các NHTM thuộc tỉnh Hà Nam nhưng là người ngoại tỉnh, thậm chí không thể di chuyển vào Hà Nam để rút tiền. Như NTDVN đã đưa tin, chính quyền tỉnh này đã sử dụng phần mềm di chuyển theo dõi dịch Covid-19 để đưa cảnh báo giả, ngăn người gửi tiền tiếp cận tới phòng giao dịch của các NHTM này để rút tiền.
Kể từ giữa tháng 5/2022, không chỉ Hà Nam, nhiều người gửi tiền trên toàn quốc đã thấy bất an trước các hạn chế rút tiền của các NHTM nhà nước của chế độ Bắc Kinh. Hình ảnh người dân xếp hàng trước cửa NHTM để rút tiền từ 6h sáng và những phàn nàn của người dân về việc bị hạn chế rút tiền đã lan rộng trên cộng đồng mạng.
Súng nổ, bạo lực và máu của người gửi tiền đã đổ xuống
Vào ngày 27/6 vừa qua, một lượng lớn những người gửi tiền của các ngân hàng thương mại tỉnh Hà Nam, từ khắp Trung Quốc, đã tụ tập biểu tình đòi quyền lợi.
Theo Đài Châu Á Tự do, những người gửi tiền biểu tình đã treo biển tại Cục Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm tỉnh Hà Nam trong nhiều ngày để phản đối, đòi nợ và yêu cầu được đối thoại với ông Qin Hanfeng, Giám đốc Ngân hàng và Bảo hiểm tỉnh Hà Nam. Người gửi tiền Trung Quốc biểu tình đòi NHTM nông thôn tỉnh Hà Nam phải trả lại tiền gửi cho họ, yêu cầu giải thích và đối thoại. Trong ảnh người biểu tình giăng biểu ngữ trước Cục Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm tỉnh Hà Nam ngày 27/6 (Ảnh chụp từ video)
Tuy nhiên, tất cả các yêu cầu của họ đã không được đáp ứng. Như mọi khi, chính quyền Bắc Kinh sử dụng vũ lực, thay vì đối thoại, để trấn áp các bất đồng chính kiến hoặc trong trường hợp này là đòi hỏi chính đáng từ quyền lợi của người gửi tiền. Theo đó, chính quyền địa phương đã huy động một lượng lớn cảnh sát đặc nhiệm và một lượng người mặc thường phục nhưng có phản ứng gay gắt (bằng cả ngôn từ và hành động) với người biểu tình. Những người mặc thường phục được cho là xã hội đen được thuê bởi chính quyền hoặc làm việc theo mệnh lệnh của chính quyền.
Người biểu tình bị bao vây, một số bị đưa lên xe buýt trong tiếng gào thét với hy vọng được giúp đỡ. Theo các video đăng tải trên mạng, có tới 4 tiếng súng của cảnh sát đã vang lên trong tiếng gào thét của người biểu tình.
Hệ thống của NHTM Trung Quốc dường như đang vỡ ra từng mảnh. Nếu ở các nền kinh tế khác, sự đổ vỡ hoặc ‘cứu trợ’ từ chính phủ là chắc chắn. Nhưng đây là Trung Quốc. Cả thế giới choáng váng với các video về người gửi tiền biểu tình bị hành hung dã man bởi các “công dân nam to khỏe mặc áo trắng” tràn lan trên mạng.
Là người Trung Quốc, bạn không được phép coi mọi tài sản bạn đang sở hữu trên danh nghĩa là của bạn, nếu chính phủ không thừa nhận điều đó.
Nếu CNY giấy hoàn toàn thay bằng e-CNY: tất cả câu chuyện trên sẽ biến mất
Mặc dù tình cảnh của người gửi tiền Trung Quốc ở một số NHTM hiện đang rất tồi tệ, nhưng ít nhất họ nên thấy may mắn là: ở thời điểm hiện tại, khi đồng e-CNY chưa thay thế cho đồng CNY truyền thống, họ vẫn còn có quyền đòi tài sản vật lý (tiền giấy) về. Dù chưa đòi được và bị hành hung, thì ít nhất, những u nhọt của nền kinh tế Trung Quốc cũng được phơi bày trước truyền thông và thế giới. Thế giới hiểu và chia sẻ với nỗi thống khổ của họ.
Tại sao? Bởi vì chỉ cần e-CNY thay thế hoàn toàn CNY thì cho dù không thể lấy được tiền ra mà tiêu thì người gửi tiền thậm chí cũng không dám lên tiếng phản đối ngân hàng nói riêng và chính quyền bạo lực Bắc Kinh nói chung. Bởi khi đó, họ đã hoàn toàn trở thành con tin, thành nô lệ tài chính của chính quyền Bắc Kinh. Người dân xếp hàng chờ rút tiền từ 6h sáng tại Ngân hàng Trung Quốc, chi nhánh Thâm Quyến trong một video được post lên twitter (Nguồn: Ảnh chụp từ video trên internet ngày 26/6/2022).
Hãy tưởng tượng một nền kinh tế không còn tiền mặt (tiền giấy), toàn bộ tiền lương, tiền kiết kiệm, tài sản của bạn được quy về đơn vị điện tử mã hóa phi vật chất, đồng tiền pháp định mã hóa. Bạn được cung cấp một cái ví điện tử để ghi nhận các giá trị tài sản tiết kiệm này, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ kiểm soát nó. Như mọi phần mềm điện tử khác, toàn bộ xếp hạng tín nhiệm xã hội công dân của bạn tích hợp vào cái ví này.
Như vậy, bằng cách tạo ra e-CNY, chính quyền Trung Quốc tích hợp toàn bộ tài sản của mỗi cá nhân vào một công cụ mà họ toàn quyền kiểm soát. Có thể sử dụng công cụ này để trừng phạt ngay lập tức bất kỳ cá nhân, doanh nghiệp, hộ gia đình nào “có tội với chế độ”: ví dụ như đi biểu tình, các phát biểu quá khích về chế độ…. Trước khi có e-CNY, người dân có thể tích lũy tiền mặt (tiền giấy) ở trong két nếu thấy không an toàn, có thể chuyển thành vàng để tránh lạm phát. Nhưng sau khi có e-CNY, ngay cả bạn sở hữu vàng cũng không có nhiều ý nghĩa nếu bạn đã vào “tầm ngắm bị trừng phạt” của chính quyền.
Ngay khi xóa xổ đồng CNY truyền thống, không có chuyện người dân tích tiền mặt ở nhà nữa. Ngay cả khi họ bán vàng đi lấy tiền tiêu, thì tiền lấy được cũng phải chuyển thành e-CNY, đổ vào cái ví duy nhất mà Bắc Kinh đã cấp. Nếu họ là “công dân bị trừng phạt”, lập tức số tiền đó lại bị chính quyền Bắc Kinh đóng băng. Như vậy, chỉ với e-CNY, người dân Trung Quốc lúc này đã mang toàn bộ tài sản, tiền bạc của họ giao cho chính quyền hà khắc nhất hành tinh của họ.
Bởi vậy, không khó để chúng ta hình dung rằng nếu các ngân hàng thương mại địa phương tỉnh Hà Nam mất khả năng chi trả trong bối cảnh đồng e-CNY đã thay thế hoàn toàn CNY. Vậy người dân sẽ không thể rút tiền mặt về. Hoảng loạn rút tiền tập thể không thể xảy ra và không tồn tại chuyện một hoặc một số ngân hàng thương mại sụp đổ gây ra sụp đổ trong hệ thống. Thậm chí, thông tin về việc ngân hàng cạn tiền người Trung Quốc còn không dám lan truyền. Vì toàn bộ thức ăn của con cái, gia đình đang nằm trong tay ngân hàng. Nếu ngoan ngoãn, số tiền họ làm và tích lũy được tiếp tục tiêu dùng. Nếu không vừa ý chế độ thì lập tức có thể bị trừng phạt. Không ai dám chấp nhận rủi ro lớn quá mức này.
Các nước có nên học Trung Quốc?
Hiện nay, nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước kêu gọi ngân hàng trung ương các nước học tập Bắc Kinh, nhanh chóng phát hành tiền kỹ thuật số pháp định, thay thế hoàn toàn cho tiền giấy. Họ cho rằng “ưu điểm vượt trội” như chi phí giao dịch rẻ hơn và “không để cho Bắc Kinh trở thành kẻ duy nhất tận dụng được cơ hội”…
Không hiểu các chuyên gia đã đặt vấn đề nghiên cứu sâu hơn về an toàn tài chính, tự do và quyền định đoạt tài sản của các cá nhân hay không? Ngay cả một chính quyền không hà khắc như Bắc Kinh nhưng một ngân hàng trong hệ thống có vấn đề và họ sử dụng “lý do sự cố kỹ thuật” để đánh cắp đi quyền tự do tài chính của người dân thì đã là một rủi ro vô cùng lớn về tâm lý, ổn định xã hội.
Ngoài ra, ở Trung Quốc hiện nay, dù chưa có e-CNY trên toàn quốc nhưng khi thiên tai xảy ra, điện mất nhiều ngày trên diện rộng, nhiều gia đình đã không thể mua bất cứ thực phẩm gì vì thiết bị điện tử không hoạt động (người Trung Quốc phải thanh toán 100% qua giao dịch điện tử, họ không tích tiền mặt trong nhà). Đây là bài học đáng ghi nhớ với bất kỳ nền kinh tế nào muốn thay thế hoàn toàn tiền giấy bằng tiền điện tử.
Chưa kể các tin đồn về ưu thế vượt trội của e-CNY về tốc độ giao dịch vượt trội, về khả năng chiếm lĩnh toàn cầu đều được chứng minh là sai. Tốc độ giao dịch phụ thuộc vào công nghệ của mạng lưới thanh toán, vốn đang ngày một hoàn thiện, không liên quan đến loại tiền kỹ thuật hay không; thế giới ngoài Trung Quốc đang phát triển các công nghệ này theo cách vượt trội. Khả năng chiếm lĩnh toàn cầu của một đồng tiền phụ thuộc vào lượng giao dịch thương mại toàn cầu bằng đồng tiền đó, mức độ thế giới sử dụng đồng tiền đó để dự trữ; những yếu tố này lại phụ thuộc vào sức mạnh kinh tế, mức độ tự do chuyển đổi của tiền tệ. Đây là điều mà e-CNY của Trung Quốc trong tương lai hay đồng CNY hiện tại đều không cách nào vượt qua USD, EUR hay thậm chí cả đồng YEN của Nhật.
Rõ ràng, e-CNY nói riêng và đồng tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương nói chung sẽ luôn là công cụ hoàn hảo cho bất kỳ chính quyền độc tài nào nhưng nó đầy rủi ro với bất kỳ công dân nào, ở bất kỳ chế độ nào. Chắc chắn là vậy.
Quang Nhật