Cơn bão “Chaba” (hay bão Xiêm Ba) đã đổ bộ vào Hồng Kông vào đúng ngày 01/07/2022 như một món quà chào mừng ngày kỷ niệm 25 năm chuyển giao chủ quyền Hồng Kông cho Trung Quốc. Cơn bão này đã quét qua nhiều khu vực của Hồng Kông.
Mặc dù ngày hôm đó chính quyền thành phố đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm, nhưng công chúng Hồng Kông lại tỏ ra không mấy quan tâm. Hai cảnh tượng này đã thị hiện cho thế giới thấy một thực tế khác biệt.
Kể từ khi Hồng Kông được trao trả cho Bắc Kinh vào năm 1997, chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với Hồng Kông đã có những thay đổi lớn.
Sau Phong trào Chống Dẫn độ năm 2019, việc ĐCSTQ thực thi Luật An ninh Quốc gia (NSL) và “cải thiện” hệ thống bầu cử, cho thấy sự nỗ lực của đảng này trong việc [thực hiện] đợt “chuyển giao lần thứ hai” ở Hồng Kông. Nhiều người đặt câu hỏi liệu [chính sách] “một quốc gia, hai chế độ” có chấm dứt trong “cuộc thử nghiệm” xuyên thời đại này hay không. Liệu có còn tương lai cho người dân Hồng Kông trong quãng thời gian 25 năm tới, khi họ chứng kiến nửa sau của [thời kỳ] “hai chế độ” này hay không?
Những thách thức của ‘hai chế độ’ đến ngay từ những ngày đầu
Khi đồng hồ điểm 12 giờ đêm ngày 01/07/1997, người dân Hồng Kông xem buổi truyền hình trực tiếp lễ bàn giao, suy nghĩ ảo vọng rằng họ sẽ được chứng kiến một cuộc chuyển giao suôn sẻ ở Hồng Kông. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu càn quét khắp Á Châu và Hồng Kông; Chỉ số Hang Seng giảm mạnh 13% vào ngày 28/10/2017. Chỉ số này tiếp tục lao dốc đến mốc tháng 08/1998, giảm xuống còn khoảng 6,500 điểm. Cùng năm đó, giá bất động sản đã giảm cùng với thị trường chứng khoán, chỉ còn khoảng 30-50% so với mức trước đó.
Các nhà đầu tư và chủ sở hữu địa ốc đều mất khoản tiết kiệm suốt đời của mình chỉ qua một đêm và kết thúc bằng khối tài sản âm.
Chính quyền Hồng Kông đã phải sử dụng dự trữ ngoại hối của mình để can thiệp vào thị trường nhằm đẩy lùi các nhà đầu cơ và giữ cho tỷ giá hối đoái liên kết với đồng dollar Mỹ một cách thành công. Cựu Trưởng đặc khu Đổng Kiến Hoa (Tung Chee-hwa) đã đề cập trong một bài diễn văn trước công chúng năm 2017 rằng lúc đó ông đã đề nghị Bắc Kinh cử các quan chức đến hỗ trợ Hồng Kông, nhưng cố cựu quan chức ĐCSTQ, ông Tiền Kỳ Tham (Qian Qichen) đã từ chối đề xướng này vì nó không phù hợp với các nguyên tắc của “một quốc gia, hai chế độ”.
Mặc dù chính sách “một quốc gia, hai chế độ” dường như vẫn giữ nguyên hình dạng trong cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế năm đó, nhưng phán quyết về quyền cư trú ở Hồng Kông đối với những đứa trẻ sinh ra từ những người Hồng Kông chưa lập gia đình ở đại lục, đã làm dấy lên những tranh cãi và gần như gây ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp. Đó chính là thời điểm mà “hai hệ thống” lâm vào cơn bí cực đầu tiên của mình.
Vào tháng 01/1999, Chung Thẩm Pháp Viện đã ra phán quyết rằng con em của người Hồng Kông sinh ra ở đại lục có thể có quyền cư trú ở Hồng Kông, ngay cả khi cha mẹ của các em chưa trở thành thường trú nhân của Hồng Kông vào thời điểm các em chào đời. Phán quyết này đã khiến cơ quan lập pháp bù nhìn của ĐCSTQ lật ngược phán quyết của Pháp viện. Điều này làm dấy lên sự bất mãn trong giới tư pháp Hồng Kông vì những người đồng cấp tin rằng nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm quyền của Chung Thẩm Pháp Viện.
Chính sách cai quản Hồng Kông dần dần thay đổi
Vào tháng 07/2002, Trưởng Đặc khu đương thời Đổng Kiến Hoa (Tung Chee-hwa) đã thực thi Hệ thống Quy Trách nhiệm cho Các Quan chức Đứng đầu tại Hồng Kông. Tuy nhiên, quy định trong Điều 23 của Luật Cơ bản, và các tranh chấp như thuế bán xe, đã dẫn đến việc từ chức của cựu Cục trưởng Cục An ninh, bà Diệp Lưu Thục Nghi (Regina Ip Lau Suk-yi) và cựu Cục trưởng Tài chính, ông Lương Cẩm Tùng (Antony Leung Kam-chung).
Cựu Giám đốc Sở Y tế, Phúc lợi và Thực phẩm, Tiến sĩ Dương Vĩnh Cường (Yeoh Eng-kiong), người bị chỉ trích vì tuyên bố rằng không bao giờ có dịch SARS ở Hồng Kông, đã từ chức khoảng một năm sau đó dưới áp lực của dư luận.
Công chúng bắt đầu đặt câu hỏi về tính hiệu quả của toàn bộ hệ thống quy trách nhiệm.
Năm 2003, dịch SARS đã hoành hành khắp Hồng Kông, cướp đi tính mạng của tổng cộng 299 người. Tỷ lệ thất nghiệp đạt mức cao kỷ lục và sự bất mãn của người dân đối với chính quyền Hồng Kông cuối cùng đã bùng phát.
Vào ngày 01/07/2003, khoảng nửa triệu người dân Hồng Kông đã biểu tình và đề nghị ông Đổng Kiến Hoa từ chức.
Sau đó, ĐCSTQ đã thành lập Nhóm Lãnh đạo Trung ương về các Vấn đề Hồng Kông và Ma Cao. Hành động này được coi là mở màn cho sự can thiệp của Bắc Kinh vào quyền tự trị của Hồng Kông.
Bất chấp những ồn ào ngày càng lớn xung quanh việc “Trả lại quyền quản lý cho người dân Hồng Kông”, vào năm 2004, Bắc Kinh đã phủ nhận “quyền phổ thông đầu phiếu 0708” của Hồng Kông (đó là quyền phổ thông đầu phiếu để lựa chọn Trưởng Đặc khu và các thành viên Hội đồng Lập pháp trong các cuộc bầu cử năm 2007 và 2008). Thay vào đó, ĐCSTQ đã thông qua việc trì hoãn thực hiện phổ thông đầu phiếu sang năm 2017 và 2020.
Khi [nguyên tắc] “Một Người, Một Phiếu” bị trì hoãn, Văn phòng Liên lạc đã trở nên chủ động hơn, với bằng chứng về việc họ làm xáo trộn quá trình tự quản của Hồng Kông.
ĐCSTQ can thiệp vào báo chí và giáo dục
Kể từ Cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp năm 2008, các ứng cử viên được Văn phòng Liên lạc ủng hộ, mỗi lần bầu lại giành được nhiều phiếu hơn. Sino United Publishing (Holdings) Limited, chủ sở hữu của ba nhà xuất bản chính ở Hồng Kông: Joint Publishing HK, Chung Hwa Book Company và Commercial Press, hợp lực lại độc quyền toàn bộ thị trường phân phối sách trong thành phố, thuộc sở hữu hoàn toàn của Văn phòng Liên lạc, thông qua một công ty đăng ký ở tỉnh Quảng Đông.
Bắc Kinh bị chỉ trích vì đã nhúng tay vào quyền tự do xuất bản và tự do báo chí của Hồng Kông.
Mâu thuẫn giữa Hồng Kông và Trung Quốc bùng lên
Mặc dù Luật Cơ bản quy định rằng Hồng Kông sẽ giữ nguyên hiện trạng trong 50 năm, nhưng trong quá trình giao thương qua lại thường xuyên giữa Hồng Kông và Trung Quốc, đã nảy sinh những xích mích và tranh chấp do sự khác biệt về văn hóa.
Điều đó bao gồm, nhưng không giới hạn ở vấn đề trẻ em là con của người không phải thường trú nhân và những người bán hàng hóa nhập cảng không chính ngạch bất hợp pháp. Thống kê của Cục Điều tra Dân số và Thống kê (CSD) cho thấy từ năm 2003 đến 2013, trong số những đứa trẻ được sinh ra ở Hồng Kông mà mẹ đến từ đại lục, có hơn 210,000 trường hợp là con của vợ hoặc chồng không khai báo hoặc không phải là thường trú nhân Hồng Kông.
Vào năm 2012, cựu Trưởng Đặc khu Lương Chấn Anh (CY Leung Chun-ying) đã thông báo rằng các bệnh viện địa phương sẽ ngừng nhận các ca sinh nở “của cặp vợ chồng không phải thường trú nhân” vào hoặc sau ngày 01/01/2013.
Việc ĐCSTQ từ chối các quyết định của riêng Hồng Kông về các chính sách thành phố, càng làm tăng thêm sự ngờ vực của người dân Hồng Kông về việc ĐCSTQ sẵn sàng thực hiện các cam kết của mình theo Luật Cơ bản.
Vào giữa năm 2014, ĐCSTQ đưa ra khái niệm “quản trị toàn diện” và bác bỏ các đề nghị như “đề cử công dân” cho các ứng cử viên cho chức vụ trưởng đặc khu. Cơ quan lập pháp bù nhìn của ĐCSTQ đã thông qua và củng cố “Quyết định 8.31”. Các nhóm ủng hộ dân chủ đã đặt câu hỏi liệu hành động này có tương đương với sự ứng cử được ấn định, đã kích hoạt Phong trào Chiếm lĩnh Trung Hoàn vào ngày 28/09/2014. Cảnh sát chống bạo động bắn hơi cay để giải tán người biểu tình, trong khi những người biểu tình phản kháng lại sự tàn bạo của cảnh sát bằng những chiếc dù, một khúc dạo đầu cho cái sau này được gọi là “Phong trào Ô Dù”. Cuộc Cách mạng Ô Dù này kéo dài tổng cộng 79 ngày và gây ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển chính trị của Hồng Kông.
Vào ngày mùng 1 Tết năm 2016, một cuộc xung đột giữa cảnh sát và người dân đã xảy ra khi Cục Vệ sinh Thực phẩm và Môi trường (FEHD) xua đuổi những người bán hàng rong không có giấy phép trên phố tại Mongkok. Cuộc đụng độ leo thang khi cảnh sát rút súng ra còn những người biểu tình thì phóng hỏa. Trong số đó, anh Lương Thiên Kỳ (Edward Leung Tin-kei), cựu phát ngôn viên của tổ chức chính trị Người bản địa Hồng Kông, đã bị kết án 6 năm tù giam vì tội bạo loạn và các tội danh khác trong vụ việc nói trên vào năm 2018.
Người dân Hồng Kông đã nhận ra việc bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam Cheng Yuet-ngor) trở thành Trưởng Đặc khu Hồng Kông vào năm 2017, là sự khởi đầu của kỷ nguyên chủ nghĩa độc tài.
Việc dẫn độ trở nên xác thực hơn khi vào tháng 08/2019, khi ông Trịnh Văn Kiệt (Simon Cheng Man-kit), cựu nhân viên Hội đồng Anh bị bắt cóc từ Ga tàu Tốc hành Tây Cửu Long, bị thẩm vấn và bị tra tấn trong trại tạm giữ hành pháp ở Thâm Quyến trong 15 ngày. Ông đã bị buộc tội mại dâm. Vụ bắt cóc ông Trịnh đã khẳng định những lo lắng của người dân Hồng Kông, rằng lực lượng chấp pháp Trung Quốc có thể tiến hành các cuộc bắt giữ trên đất Hồng Kông và dẫn độ người dân Hồng Kông về Trung Quốc.
Khởi đầu của dấu chấm hết
Nhanh chóng đến tháng 06/2020, Luật An ninh Quốc gia (NSL) cho Hồng Kông đã được cơ quan lập pháp bù nhìn của ĐCSTQ thông qua và có hiệu lực ngay lập tức, khiến các cuộc biểu tình biến mất trên đường phố như cát lún. Chính quyền đàn áp các tổ chức và cá nhân dân chủ hoặc nhân quyền bằng cách cáo buộc họ kích động thù địch xã hội. Các tổ chức công đoàn lần lượt bị giải tán
Đến năm 2022, chỉ những người ái quốc mới được phép trở thành thành viên của Hội đồng Lập pháp, và trưởng đặc khu được lựa chọn bởi một nhóm những người trung thành với Bắc Kinh, đồng thời vùi lấp tất cả mọi thứ của nền dân chủ và những người ủng hộ dân chủ.
Ngày 04/06 và 12/06 hàng năm, Hồng Kông đã biến thành một nhà nước cảnh sát, nơi hàng ngày có hàng ngàn cảnh sát tuần tra và khủng bố người dân trên đường phố Hồng Kông.
Khi Hồng Kông bước sang một kỷ nguyên chính trị mới, xã hội dân sự cũng chịu nhiều thiệt hại. Tất cả mọi thứ đều được đánh giá qua một tiêu chí: Phải trung thành với ĐCSTQ.
Liệu hành trình của Hồng Kông trong 25 năm tới có suôn sẻ hay không và liệu năm 2047 có phải là dấu chấm hết của Hồng Kông hay không, thật khó có thể tiên liệu được qua những biến động của cơn bão Xiêm Ba hay qua bài diễn văn của ông Tập.
Dưới khuôn khổ “tự quản và mức độ tự chủ cao” hiện thời, tốt nhất nên để độc giả tự đưa ra nhận định của mình.
Hồng Ân biên dịch