Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair cảnh báo, thay đổi địa chính trị lớn nhất đến từ Trung Quốc chứ không phải Nga, trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh tìm cách cạnh tranh với hệ thống chính trị và các giá trị của phương Tây.
Trong bài phát biểu thường nên tại Quỹ Ditchley hôm 16/7, chủ yếu tập trung vào quan hệ Anh – Mỹ, ông Blair đã đưa ra lời kêu gọi các quốc gia phương Tây cùng phát triển một chiến lược nhất quán nhằm chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách là “siêu cường thứ hai trên thế giới”.
Ông cho hay, bất chấp việc Nga xâm lược Ukraine, “sự thay đổi địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ này sẽ đến từ Trung Quốc chứ không phải Nga”.
‘Cấp độ hoàn toàn khác biệt’
Theo ông Blair, bất chấp “sức mạnh quân sự đáng kể của Nga”, nền kinh tế của đất nước này chỉ bằng “70% quy mô của Ý”.
Để so sánh, sức mạnh của Trung Quốc “ở một cấp độ hoàn toàn khác biệt” – với 1,3 tỷ dân và một nền kinh tế “gần sánh ngang bằng với Mỹ”.
Cụ thể, năm 1979, Trung Quốc có nền kinh tế yếu kém hơn Ý, nhưng sau khi mở cửa cho đầu tư nước ngoài và thực hiện cải cách thị trường, nước này đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Thêm vào đó, “Trung Quốc hiện đã bắt kịp Mỹ trong nhiều lĩnh vực công nghệ và có thể vượt qua Mỹ ở những lĩnh vực khác.” Trung Quốc đang dẫn đầu trong một số công nghệ của thế kỷ 21 như trí tuệ nhân tạo, y học tái tạo và polyme dẫn điện.
Ông nhận xét, trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã tích cực và thành công trong việc xây dựng các mối quan hệ với thế giới, mà khiến ngay cả Mỹ và các đồng minh truyền thống của Mỹ cũng phải nhượng bộ.
‘Cạnh tranh sức ảnh hưởng’
Cựu thủ tướng Anh cảnh báo, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình không hề giấu giếm tham vọng xâm lược Đài Loan.
Ông nhìn nhận, cuộc xâm lược “tàn bạo và phi lý” của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào Ukraine cho thấy phương Tây không còn có thể mong đợi các cường quốc lớn trên thế giới tuân thủ các quy tắc quốc tế.
Ông nhấn mạnh: “Do hậu quả của những hành động của Putin, chúng ta không thể tin tưởng vào việc lãnh đạo Trung Quốc hành xử theo cách mà chúng ta cho là hợp lý.”
Ông tiếp tục: “Và ngay cả khi [Mỹ] đứng về phía Đài Loan, thực tế là Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của ông Tập đang không ngừng tranh giành ảnh hưởng, và họ đang làm như vậy một cách quyết liệt.” Ông lưu ý thêm, Bắc Kinh sẽ cạnh tranh “không chỉ vì quyền lực mà còn nhằm chống lại hệ thống của chúng ta, cách điều hành của chúng ta và giá trị sống của chúng ta”.
Quyền lực mềm
Ông Blair nhận định, phương Tây cần phải đủ mạnh để bảo vệ các hệ thống và giá trị của mình.
Ông cho rằng các cường quốc phương Tây cần tăng chi tiêu quốc phòng để duy trì ưu thế quân sự, đồng thời mở rộng “quyền lực mềm” bằng cách xây dựng quan hệ với các quốc gia đang phát triển.
Ông nói: “Chúng ta có cơ hội to lớn. Các nước đang phát triển thích kinh doanh với phương Tây hơn. So sánh với một thập kỷ trước, họ nghi ngờ các thương vụ làm ăn với Trung Quốc hơn. Họ ngưỡng mộ hệ thống của phương Tây hơn những gì chúng ta nhận thấy.”
Nhật Minh (Theo The Epoch Times)