Hải quan Nigeria bắt giữ 3 người Việt do nghi ngờ buôn lậu vẩy tê tê
Mới đây, hải quan Nigeria thông báo đã thu giữ 397,5 kg vẩy tê tê, đồng thời bắt 8 nghi phạm, trong đó có 3 người Việt Nam được cho là thành viên cấp cao trong tổ chức tội phạm, theo tờ News Agency of Nigeria.
“Quá trình điều tra ban đầu cho thấy 3 công dân Việt Nam là thành viên cấp cao của một tổ chức tội phạm lớn có liên quan tới hoạt động buôn lậu ngà voi, vẩy tê tê, sừng tê giác và xương sư tử từ Mozambique và Nam Phi tới Việt Nam qua Nigeria”, phát ngôn viên Hải quan Nigeria Timi Bomodi nói trong tuyên bố được đăng tải hôm 3/8 vừa qua.
Được biết, các nghi phạm người Việt Nam đã bị bắt trong lúc tìm nguồn bán mặt hàng này tại ở Nigeria và họ bị bắt quả tang mang theo người 397,5 kg vẩy tê tê.
Hải quan Nigeria đã phối hợp với Ủy ban Công lý Động vật Hoang dã (WJC), quỹ phi lợi nhuận quốc tế có trụ sở tại Hà Lan hoạt động nhằm chống tội phạm tổ chức buôn lậu động vật hoang dã, thực hiện vụ bắt giữ.
“Sự hợp tác giữa Hải quan Nigeria và WJC đã giúp chúng tôi thu giữ khoảng 400 kg vẩy tê tê bị đem bán trên mạng lưới trái phép. Hai tổ chức đã có thể xác định được các thành viên khác trong tổ chức tội phạm này và sẽ bắt giữ họ”, ông Bomodi cho hay.
Ông Bomodi còn cho biết đây là vụ bắt giữ động vật hoang dã trái phép lớn thứ 4 trong năm nay được thực hiện nhờ sự hợp tác giữa Hải quan Nigeria, WJC và các tổ chức nước ngoài khác.
Trước đó, ba 3 công dân Việt Nam là Phan Viet Chi, Phan Hong Quan và Duong Van Thang đã bị khởi tố vào hôm 20/7 do nghi ngờ thực hiện hành vi buôn lậu ngà voi và vẩy tê tê. Bị bắt giữ cùng 3 người này là 4 người khác có quốc tịch Nigeria, Cameroon và Guinea. Tất cả bị bắt tại Nigeria vào tháng 5 và 6 vừa qua.
Phan Anh
Việt Nam có gần 60.000 công chức có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ
Theo Bộ Nội vụ, trong tổng số 233.219 công chức của cả nước (tính đến hết năm 2021), có gần 60.000 người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, tính đến hết 2021, tổng số công chức của các cơ quan Trung ương (không tính Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) và địa phương là 233.219 người.
Trong đó, công chức ở các cơ quan Trung ương có 99.489 người (chiếm 42,66%); công chức ở địa phương từ cấp huyện trở lên là 133.719 người (chiếm 57,36%).
Về trình độ, có 1.470 người có trình độ tiến sĩ (chiếm 0,63%); 58.448 người có trình độ thạc sĩ (chiếm 25,06%); 160.471 người có trình độ đại học (chiếm 68,99%); 2.550 người có trình độ cao đẳng (chiếm 1,09%); 7.280 người có trình độ trung cấp (chiếm 3,12%); 2.597 người có trình độ sơ cấp và chưa qua đào tạo (chiếm 1,11%).
Nếu phân theo ngạch công chức, theo Bộ Nội vụ, chuyên viên cao cấp và tương đương là 1.953 người (chiếm 0,84%); chuyên viên chính và tương đương là 34.089 người (chiếm 14,62%); chuyên viên và tương đương là 172.165 người (chiếm 74,08%); cán sự và tương đương 17.443 người (chiếm 7,48%); nhân viên là 7.569 người (chiếm 2,98%).
Về viên chức, Bộ Nội vụ cho hay tổng viên chức ở các cơ quan Trung ương và địa phương là hơn 1,761 triệu người. Trong đó, các cơ quan Trung ương có 130.471 người (chiếm 7,4%); địa phương từ cấp huyện trở lên có 1.630.574 người (chiếm 92,6%).
Về trình độ, số viên chức có trình độ từ đại học trở lên là 1.359.564 người (chiếm 76,2%); cao đẳng có 257.102 người (chiếm 13,6%); trung cấp 168.023 người (chiếm 9,44%); sơ cấp và chưa qua đào tạo là 16.868 người (chiếm 0,76%).
Cũng theo Bộ Nội vụ, số cán bộ, công chức cấp xã trên cả nước có 210.333 người.
Trong đó, về trình độ, từ đại học trở lên 171.874 người (chiếm 81,72%); cao đẳng 8.739 người (chiếm 4,16%); trung cấp 15.138 người (chiếm 7,2%); sơ cấp và chưa qua đào tạo 14.582 người (chiếm 6,92%).
Đào tạo tiến sĩ thiếu hàng nghìn ứng viên mỗi năm
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, tính riêng năm học 2019-2020, tổng chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ ở các cơ sở giáo dục đại học là hơn 5.100. Tuy nhiên, các trường chỉ tuyển được gần 1.300 người học (tức gần 25% tổng chỉ tiêu), số thừa lên tới hơn 3.800.
Đến năm học 2020-2021, số chỉ tiêu còn gần 5.100. Số lượng tuyển được là hơn 1.700 (chiếm hơn 34%), tức thừa 3.300.
Theo lý giải của Bộ, việc tuyển sinh trình độ tiến sĩ có phần suy giảm do yêu cầu đầu vào và chuẩn đầu ra đối với đào tạo trình độ này cao hơn, theo quy định tại quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành kèm thông tư 08 năm 2017. Giai đoạn này ứng viên phải có bằng thạc sĩ hoặc tốt nghiệp đại học loại giỏi, có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và hai bài báo quốc tế đăng trên tạp chí uy tín; người hướng dẫn cũng phải có công bố quốc tế.
Tuy nhiên, đến ngày 15/8/2021, Bộ đã ban hành quy chế mới với một số quy định được cho là dễ hơn như chấp nhận công bố khoa học trong nước bên cạnh các công bố quốc tế, cho dùng chứng chỉ quốc gia theo khung ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam để chứng minh trình độ ngoại ngữ thay vì chỉ được dùng chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL.
Cùng với quy chế mới, chỉ tiêu đào tạo trình độ tiến sĩ năm học 2021-2022 tăng lên thành hơn 5.500, tuy nhiên Bộ chưa thống kê số tuyển được.
Như vậy, trong hai năm học 2019-2020 và 2020-2021, tổng chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ là gần 10.200 nhưng số tuyển được chỉ hơn 3.000.
Hoàng Minh
Nữ Giám đốc bệnh viện ‘khóc’ vì lương bác sĩ khó sống ở TP.HCM
Hội An
“Với mức thu nhập của bác sĩ mới ra trường làm việc giữa TP.HCM chỉ vọn vẹn 7,8 triệu đồng thì làm sao đủ sống?”- PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết- Giám đốc BV Hùng Vương đã bật khóc khi phát biểu.
Báo Dân Trí đưa tin, tại buổi gặp gỡ giữa Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên với các cán bộ, nhân viên ngành y tế địa phương diễn ra sáng 5/8, nhiều bác sĩ đã chia sẻ thực trạng, nguyên nhân dẫn đến việc nhân viên y tế công lập nghỉ việc hàng loạt.
PGS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương chia sẻ, vấn đề lương thấp đã được nói rất nhiều. Bản thân bà cũng có 2 người con hành nghề y. Bà luôn nhắn nhủ các con rằng nếu muốn giàu tiền hãy chọn ngành khác, còn chọn ngành y thì phải giàu tình thương.
Một thực tế đáng buồn là bác sĩ thi điểm đầu vào rất cao, học hành bài bản 6-7 năm nhưng khi ra trường với bao tâm huyết, lương chỉ 7,8 triệu đồng. Với số tiền như vậy thì sống ở TP.HCM sao?.
PGS Diễm Tuyết nhận định, làm 1 tháng, 1 năm hoặc 5 năm thì có thể cầm cự, nhưng đến 10 năm, 20 năm thì y bác sĩ không thể bền bỉ được.
Cũng trong tâm trạng rối bời vì nhiều nhân viên y tế của đơn vị đã nghỉ việc BS Nguyễn Huỳnh Lộc, Viện trưởng Viện Y dược học Dân tộc TP.HCM cho biết: “Khi đại dịch xảy ra, anh chị em đã làm việc hết sức mình, không từ bỏ vì đó là trách nhiệm của nghề. Có những người đã bảo vệ cộng đồng nhưng không thể bảo vệ được người thân. Dịch bệnh qua đi, mọi sự chịu đựng đều đến giới hạn. Nhân viên y tế như cục pin đã cạn. Có những người xin nghỉ việc còn nói với tôi, có thể em chỉ nghỉ một thời gian vì quá mệt mỏi chứ không thôi yêu nghề”.
Đề cập đến vấn đề trên, Giám đốc Trung tâm Y tế Quận 1, TP.HCM cho biết, trong đợt dịch vừa qua và cả giai đoạn hiện nay nhân viên y tế tại các trạm y tế phải gồng gánh khối lượng công việc quá lớn. Nhân sự chỉ có vài người, nhiều nhất là 7 đến 8 người nhưng đến 19 đầu việc phải làm. Nhân viên y tế tại các trạm nếu so sánh về thu nhập thì chẳng bằng ai nhưng về sự khổ cực thì phải gấp 10 lần ở bệnh viện.
Trên báo VnExpress, theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng, biến động nguồn nhân lực do nhân viên y tế nghỉ việc là một trong bốn thách thức mà y tế thành phố đang đối diện. Ba vấn đề lớn khác là dịch chồng dịch, thiếu thuốc và vật tư y tế sự lo lắng kéo dài trong một bộ phận nhân viên y tế. Từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 891 nhân viên y tế nghỉ việc.
Một cuộc điều tra xã hội gần đây ghi nhận 6 nguyên nhân bác sĩ bỏ việc, bao gồm lương thấp (93%), không hài lòng với môi trường làm việc (57%), cường độ làm việc cao và áp lực (47%), không có cơ hội học hỏi để nâng cao kiến thức tay nghề (43%), không hài lòng với giám đốc (gần 39%), không hài lòng cấp trên trực tiếp quản lý…
Đa số vị trí có nhân viên nghỉ việc đã tuyển dụng được người mới. Tuy nhiên theo ông Thượng, điều khó khăn không nhỏ là hầu hết người nghỉ việc đều có thâm niên, có kinh nghiệm, còn người mới được tuyển cần thời gian đào tạo.
Mưa lũ từ tối 4/8 đến sáng 5/8 tại Lào Cai làm 1 người chết, 1 người mất tích
Mưa lớn tại Lào Cai từ tối ngày 4/8 đến sáng ngày 5/8 khiến 1 người chết, 1 người mất tích, 3 người bị thương… ước tính thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.
Chiều 5/8, Văn phòng Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai cho biết, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp tác động của vùng hội tụ gió trên cao, từ tối ngày 4/8 đến sáng ngày 5/8, tỉnh có mưa vừa đến mưa to ở nhiều nơi, cục bộ có nơi mưa rất to.
Thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai và huyện Bát Xát chịu thiệt hại nặng nhất với 3 người bị thương do sét đánh (gia đình ông Chảo Láo Tả tại thôn Chu Cang Hồ, xã Tòng Sành, huyện Bát Xát); 661 nhà bị ảnh hưởng, hư hỏng do ngập nước, tốc mái…
Cũng theo Văn phòng Chỉ huy phòng chống thiên tai, đã có 1 người chết, 1 người mất tích do mưa lũ tại thị xã Sa Pa.
Nạn nhân thiệt mạng là ông Trần Văn T. (SN 1965, thị xã Sa Pa). Hồi 20h ngày 4/8, nạn nhân chở 1 khách di chuyển theo cung đường Tỉnh lộ 152 về hướng thủy điện Tả Thàng (tại vị trí ngầm tràn Suối Nậm Phẳng, xã Mường Bo, thị xã Sa Pa giáp ranh với xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng) thì mất liên lạc với gia đình.
Sau đó, các lực lượng chức năng phối hợp với gia đình tổ chức tìm kiếm. Đến 11h30 ngày 5/8, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể nạn nhân cách vị trí ngầm tràn Suối Nậm Phẳng, xã Mường Bo khoảng 2 km (thuộc địa phận xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng) và bàn giao cho gia đình.
Người mất tích là khách đi xe cùng ông Trần Văn T., là bà Nguyễn Thị L., hiện đang được các lực lượng chức năng xác định thông tin.
Cơ quan chức năng ước tính tổng thiệt hại là hơn 10 tỷ đồng. Hiện các huyện, thị xã, thành phố vẫn đang tiếp tục thống kê, xác định mức độ thiệt hại.