Để xoa dịu người dân trong nước, ĐCSTQ nói rằng quân đội đã buộc máy bay của bà Pelosi thay đổi đường đi

An Liên

Ông Mạnh Tường Thanh nói trên đài CCTV (Ảnh chụp màn hình CCTV).

Hôm thứ Sáu (5/8), CCTV dẫn các nguồn tin quân sự nói rằng quân đội đã theo dõi máy bay của bà Pelosi và buộc nó phải đổi đường đi. Các nhà phân tích nước ngoài cho rằng đây là một nỗ lực tuyên truyền của ĐCSTQ nhằm duy trì tình cảm chủ nghĩa dân tộc và cứu vãn thể diện.

Trong khi đó, ĐCSTQ đã gián tiếp thừa nhận sự thật rằng các đảo nhân tạo ở Biển Đông là căn cứ quân sự, điều mà ông Tập đã công khai phủ nhận trong cộng đồng quốc tế.

Khi CCTV phỏng vấn ông Mạnh Tường Thanh (Meng Xiangqing), một giáo sư tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc về chủ đề diễn tập quân sự xung quanh Đài Loan hôm thứ Sáu, ông Mạnh nói rằng vào ngày 2 tháng 8, sau khi máy bay của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi cất cánh, “PLA đã theo dõi và giám sát toàn bộ quá trình, buộc máy bay của bà Pelosi phải đi vòng qua Philippines rồi quay trở lại sân bay Tùng Sơn của Đài Loan”.

Ông nói: “Các toán quân do quân đội ta khai triển ở nhiều nơi đã hình thành nên tác dụng răn đe”.

Vào tối ngày 2/8, máy bay của bà Pelosi bay từ Kuala Lumpur, Malaysia đến Đài Bắc, trở thành một trong những chuyến bay được theo dõi nhiều nhất trong lịch sử, với hơn 2,9 triệu người kiểm tra dữ liệu chuyến bay trực tuyến. Lộ trình dài hơn ba giờ so với lộ trình bình thường do phải tránh những khu vực có lực lượng Trung Quốc đóng quân.

Dữ liệu theo dõi chuyến bay cho thấy máy bay của bà Pelosi cất cánh từ Kuala Lumpur, đi về hướng đông nam đến phần Borneo của Indonesia, sau đó đi về phía bắc dọc theo miền đông Philippines. Thông thường, một đường bay thẳng hơn và ngắn hơn sẽ là bay thẳng về phía đông bắc Biển Đông đến Đài Loan.

Tờ Wall Street Journal hôm thứ Ba (2/8) đưa tin, đường bay của máy bay chở bà Pelosi cho thấy khả năng xảy ra xung đột quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trên Biển Đông là có thật. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã xây dựng các căn cứ quân sự ở Biển Đông và tăng cường hiện diện quân sự.

Tờ Financial Times tiết lộ hôm thứ Sáu (5/8) rằng Bắc Kinh đang từng bước xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông đang tranh chấp và quân sự hóa chúng bằng tên lửa và máy bay, một lý do tiềm tàng khiến Không quân Mỹ chở bà Pelosi tránh khu vực này.

Các nhà lãnh đạo ĐCSTQ coi lời hứa như trò chơi trẻ con

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã công khai tuyên bố trong chuyến thăm Hoa Kỳ năm 2015 rằng Trung Quốc không có ý định sử dụng các đảo và đá ngầm ở Biển Đông làm căn cứ quân sự. Ông Tập Cận Bình nói với các phóng viên sau hội nghị thượng đỉnh ở Washington rằng dự án mở rộng của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa) không nhằm vào các nước khác, Trung Quốc không có ý định theo đuổi quân sự hóa ở đó và phủ nhận việc sử dụng các đảo nhân tạo làm căn cứ quân sự.

Sau đó, Kyodo News của Nhật Bản đưa tin, chính quyền Obama đã xác minh phát biểu của ông Tập Cận Bình với phía Trung Quốc thông qua ngoại giao, và phía Trung Quốc khẳng định đó là quan điểm chính thức của chính phủ Trung Quốc.

Bà Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying), phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã nhiều lần nói rằng có các cơ sở quân sự trên các đảo và đá ngầm của quần đảo Trường Sa, nhưng chúng mang tính chất phòng thủ và không có vấn đề quân sự hóa.

Các phóng viên truyền thông Mỹ đã trải qua căng thẳng với máy bay quân sự trên Biển Đông

Tuy nhiên, theo một báo cáo thời gian thực từ Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn đã theo dõi hoạt động xây dựng quân sự ở Biển Đông từ lâu, kể từ năm 2015, ĐCSTQ đã đẩy nhanh việc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông cũng như việc khai triển các loại vũ khí quân sự.

Vào tháng 3 năm 2022, Đô đốc John C Aquilino, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đã mời các phóng viên của hãng AP bay cùng ông trên máy bay tuần tra P-8A Poseidon của Hải quân Hoa Kỳ gần quần đảo Trường Sa, các phóng viên đã tận mắt chứng kiến bầu không khí căng thẳng trên máy bay khi bay trên Biển Đông và nhận được cảnh báo vô tuyến từ Trung Quốc.

Trong chuyến hành trình, máy bay đã nhận được một số cuộc gọi từ quân đội Trung Quốc cảnh báo rằng máy bay Mỹ đã xâm nhập trái phép vào lãnh thổ Trung Quốc và yêu cầu máy bay Mỹ rời đi.

Theo phóng viên của hãng tin AP, phía Trung Quốc đã đưa ra lời cảnh báo: “Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và các vùng biển xung quanh. Hãy rời đi ngay lập tức để tránh tính toán sai lầm”.

Phía Hoa Kỳ trả lời rằng máy bay của Hải quân Hoa Kỳ được hưởng quyền miễn trừ chủ quyền, tiến hành các hoạt động quân sự hợp pháp bên ngoài không phận lãnh thổ của các quốc gia ven biển và thực hiện các quyền được luật pháp quốc tế bảo vệ.

Ông Aquilino đã giải thích với các phóng viên trên máy bay về các cơ sở quân sự mà Trung Quốc đã xây dựng trong vùng biển tranh chấp của quần đảo Trường Sa. Radar, tên lửa chống hạm và phòng không, máy bay chiến đấu và các cơ sở quân sự khác hiện được khai triển trên ba hòn đảo nhân tạo lớn là Đá Vành Khăn, Đá ngầm Subi và Đá Chữ Thập.

Ông Aquilino cho rằng cách tiếp cận của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa đã đi chệch hướng so với những cam kết trước đây của ông Tập Cận Bình. Ông cho rằng việc Trung Quốc khai triển quân ở quần đảo Trường Sa là nhằm thể hiện sức mạnh quân sự.

“Những hòn đảo này mở rộng khả năng tấn công của Trung Quốc ra ngoài đất liền, chúng có thể cất cánh máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, cộng với khả năng tấn công của hệ thống tên lửa; bất kỳ máy bay quân sự và dân sự nào bay vào vùng biển tranh chấp ở đó đều có thể dễ dàng lọt vào tầm bắn của tên lửa trên các đảo và đá ngầm của Trung Quốc”, ông nói. 

“Trong 20 năm qua, chúng ta đã chứng kiến ​​sự mở rộng quân sự lớn nhất của Trung Quốc kể từ Thế chiến II, phát triển tất cả các khả năng của họ và gia tăng vũ khí của họ để gây mất ổn định khu vực”.

Mục tiêu tuyên truyền của ĐCSTQ là người dân trong nước, chủ nghĩa dân tộc là một ngọn lửa

Các nhà quan sát nói rằng tuyên truyền của ĐCSTQ về việc quân đội buộc bà Pelosi phải thay đổi đường đi là nhằm vào người dân trong nước và nó được chuẩn bị để tiếp tục đánh lừa đất nước.

Sau khi bà Pelosi đến Đài Loan bất chấp áp lực từ ĐCSTQ, mạng xã hội Trung Quốc tràn ngập những lời kêu gọi hành động cứng rắn, một số trong số đó biến thành sự bất mãn cho rằng ĐCSTQ không đủ cứng rắn. Trong bối cảnh đó, ĐCSTQ khẩn trương cứu lấy thể diện và tiếp tục truyền bá thông tin sai lệch cho người dân.

Khi máy bay của bà Pelosi hạ cánh an toàn xuống sân bay Tùng Sơn ở Đài Bắc vào tối thứ Ba (2/8), các thanh niên “yêu nước” ở đại lục đã vô cùng thất vọng. Nhiều video khác nhau đã được lan truyền trên Douyin, và một số người đã thực hiện hành vi tự cắt cổ tay bằng chai rượu, có người tự tát, đập bàn ghế.

Cũng có những người thất vọng vì họ quá tin vào lời tuyên truyền bằng vũ lực của ĐCSTQ, và đang tìm kiếm một bước đột phá. Theo một bản ghi chép của đồn cảnh sát lan truyền trên Internet, một người đàn ông Thượng Hải vì quá tức giận trước việc bà Pelosi đến Đài Loan một cách suôn sẻ, đến mức cầm bình xịt sơn và định đi vẽ bậy tại Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thượng Hải, nhưng bị cảnh sát bắt giữ giữa chừng. Anh ta nói rằng anh ta bị bắt vì thể hiện “nhiệt tình yêu nước”.

Cũng có tin đồn rằng một người đàn ông đại lục đã đi xe ba bánh đến cổng chính quyền địa phương và kéo một biểu ngữ dài 10 mét lên để phản đối sự “không hành động” của chính quyền đối với chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi .

Chủ nghĩa dân tộc giả hiệu của ĐCSTQ là sai lầm, giả dối, làm đánh mất lý trí của con người, và ngược lại, có thể nuốt chửng ĐCSTQ.

Đường Thanh (Tang Qing), một nhà bình luận về các vấn đề thời sự, nói rằng “chủ nghĩa dân tộc” cũng là con dao hai lưỡi đối với ĐCSTQ. Khi “lòng yêu nước” trở thành chính trị ở Trung Quốc đại lục, thì tình cảm “chủ nghĩa dân tộc” bị kích động sẽ không nhất thiết diễn theo kịch bản của ĐCSTQ.

Ông nói rằng các chính sách của ông Tập Cận Bình cũng phải tuân theo “chủ nghĩa dân tộc”, chưa kể những kẻ thù chính trị của ông Tập Cận Bình trong đảng đang để mắt đến họ.

“Vì vậy, ĐCSTQ không thể ngăn cản và không thể mềm lòng, tiểu hồng sẽ ngày càng mất kiểm soát, và chiến binh sói cũng vậy. Đây là tình thế khó khăn mà ông Tập Cận Bình phải đối mặt, và nó cũng là trái đắng mà ông ấy đã gieo”, ông Đường nói.

Theo Epoch Times

Related posts