Vụ buôn lậu 200 triệu lít xăng giả: Cựu đại tá biên phòng kêu oan bản án chung thân
Bị tuyên án chung thân vì nhận hối lộ hơn 19 tỷ đồng để bảo kê cho đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng giả, bị cáo Nguyễn Thế Anh kêu oan.
Tòa án quân sự Quân khu 7 cho biết đã nhận được đơn kháng cáo của 8 trong số 14 bị cáo, sau 3 tuần kể từ ngày tuyên án trong vụ buôn lậu gần 200 triệu lít xăng.
2 bị cáo Nguyễn Thế Anh (cựu đại tá, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng) và Nguyễn Văn An (cháu ruột Nguyễn Thế Anh) kháng cáo kêu oan cho rằng không phạm tội nhận hối lộ và tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép.
Hai bị cáo kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và đề nghị Tòa án Quân sự Trung ương đánh giá lại vụ án, xem xét lại các lời khai và các tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa sơ thẩm.
6 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và hưởng án treo, gồm: Lê Văn Minh (cựu thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4), Nguyễn Văn Hùng (cựu thượng tá, cựu Đồn trưởng Biên phòng cảng Trường Long Hòa, tỉnh Trà Vinh); Phạm Hồ Hải (cựu Trưởng đại diện cảng vụ hàng hải Cần Thơ tại Duyên Hải, Trà Vinh); Lê Văn Phương (cựu Phó phòng Cảnh sát giao thông, Công an Trà Vinh); Nguyễn Thanh Lâm (cựu Hải đội trưởng 2 thuộc Biên phòng tỉnh Sóc Trăng và Phạm Văn Trên (cựu đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Trà Vinh).
Trước đó, hôm 15/7, Tòa án quân sự Quân khu 7 tuyên phạt bị cáo Lê Văn Minh 15 năm tù, Lê Xuân Thanh (cựu thiếu tướng, cựu tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3) 12 năm tù, Phạm Văn Trên 10 năm tù… cùng về tội nhận hối lộ.
Riêng bị cáo Nguyễn Thế Anh bị tuyên chung thân về tội nhận hối lộ và 2 năm tù về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Tổng hợp hình phạt là tù chung thân.
Theo cơ quan tố tụng, từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, bị cáo Phan Thanh Hữu (giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) cùng đồng phạm buôn lậu gần 200 triệu lít xăng, trị giá khoảng 2.900 tỷ đồng.
Để thực hiện việc buôn lậu xăng với số lượng lớn, trong thời gian dài mà không bị kiểm tra bắt giữ, bị cáo Hữu và đồng phạm thống nhất chi hối lộ cho nhiều cá nhân thuộc lực lượng cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, cảnh sát giao thông…
Trong đó, hai cựu tư lệnh vùng cảnh sát biển Lê Văn Minh và Lê Xuân Thanh lần lượt nhận hối lộ 6,9 tỷ đồng và 1,8 tỷ đồng; Nguyễn Thế Anh thông qua em họ là Nguyễn Văn An nhận 560.000 USD và 6,2 tỷ đồng (khoảng hơn 19 tỷ đồng); Phạm Văn Trên nhận 1 tỷ đồng…
Quá trình xét xử tại tòa, cựu thiếu tướng Lê Văn Minh cùng nhiều bị cáo thừa nhận hành vi sai phạm. Cựu đại tá Nguyễn Thế Anh một mực kêu oan, nhiều lần phủ nhận tội danh, khẳng định không quen biết và chưa bao giờ nhận tiền từ Phan Thanh Hữu. Cựu đại tá còn cho rằng “bị ép cung, buộc phải nhận những gì không có, những gì không làm”…
Phạm Toàn
Chuyển tiền, tải ‘ứng dụng bảo mật’ theo cuộc gọi của ‘điều tra viên’, mất hàng tỷ đồng
Nhận cuộc gọi lạ, một phụ nữ tại TP Đà Nẵng làm hướng theo dẫn tải phần mềm “ứng dụng bảo mật” về khai báo. Ngay sau khi điền thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, tài khoản của chị bị trừ liên tiếp, tổng cộng mất hơn 1 tỷ đồng.
Khi nỗi sợ làm mất lý trí
Người phụ nữ tại Đà Nẵng kể trên không phải trường hợp duy nhất bị lừa tiền bằng chiêu lừa đảo “điều tra viên”, “dính án ma túy, rửa tiền” qua các cuộc điện thoại. Nạn nhân bị đánh vào tâm lý hoang mang, sợ hãi mà làm theo hướng dẫn của nhóm lừa đảo, cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng hoặc vào các link lạ chuyển tiền, dẫn tới mất hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng.
Tại Đà Nẵng, tối 5/8, Công an phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) cho biết vừa tiếp nhận trình báo của chị N.T.H.T (SN 1983, trú phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) về việc bị lừa đảo qua mạng mất hơn 1 tỷ đồng.
Theo trình báo, chiều 4/8, chị T. nhận được cuộc gọi từ số 02471098935, thông báo chị T. liên quan đến vụ tai nạn giao thông tại giao lộ đường Điện Biên Phủ-Nguyễn Tri Phương.
Chị T. trả lời không biết gì đến vụ việc trên thì người gọi yêu cầu chị T. giữ máy để chuyển cuộc gọi đến cho “Công an TP Đà Nẵng”.
Sau khi chuyển máy, một người tự xưng là cán bộ Công an TP Đà Nẵng thông báo chị T. có liên quan đến vụ án mua bán trái phép chất ma túy chứ không phải tai nạn giao thông và hướng dẫn chị tải phần mềm “ứng dụng bảo mật” về để khai báo.
Chị T. làm theo hướng dẫn, tải và điền thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng trên phần mềm vừa tải. Sau đó, trong khoảng từ 17h17 đến 20h20 cùng ngày, tài khoản ngân hàng của chị T. bị trừ 7 lần với số tiền tổng cộng là 1,042 tỷ đồng.
Sau khi tiếp nhận, vụ việc được Công an phường Thanh Khê Tây chuyển đến Công an quận Thanh Khê thụ lý, tiếp tục điều tra.
Tại TP.HCM, cùng ngày 5/8, Công an quận 12 cho biết đã tiếp nhận trình báo của ông M.X. Đ (ngụ quận Gò Vấp, làm việc tại quận 12, TP.HCM) về việc bị lừa mất hơn 1,8 tỷ đồng sau khi nhận các cuộc gọi lạ.
Theo trình báo, trưa 9/7, ông Đ. nhận được cuộc gọi lạ, tự xưng là tổng đài báo số điện thoại của ông Đ. sẽ bị khóa 2 chiều trong 2 giờ nữa. Ông Đ. lo lắng, làm theo hướng dẫn. Người đầu dây kia tiếp tục nói số điện thoại của ông Đ. bị một đối tượng lấy đăng ký để đi lừa đảo, nếu ông Đ. muốn tìm hiểu thì để tổng đài nối máy cho phía công an. Ông Đ đồng ý.
Một người xưng là điều tra viên Công an TP Đà Nẵng nói ông Đ. liên quan đên chuyên rửa tiền và buôn bán ma túy. Người này còn nói ông Đ. có mở một tài khoản ngân hàng ở Đà Nẵng, yêu cầu ông Đ. đem CCCD lên Công an TP Đà Nẵng làm việc. Khi ông Đ. hoang mang nói không thể đi được, “điều tra viên” này nói sẽ tạo điều kiện để ông Đ. làm việc qua điện thoại rồi yêu cầu ông Đ. chụp hình CCCD, cung cấp số tài khoản, tiền gửi tiết kiệm ngân hàng… gửi qua Zalo để “công an kiểm tra, xác minh”.
Sau khi gửi hình CCCD, ông Đ. nhận được 1 đường link, họ yêu cầu ông Đ. bấm vào đường link rồi làm theo hướng dẫn, không được nói với bất kỳ ai vì… vụ án đang trong quá trình điều tra. “Điều tra viên” yêu cầu ông Đ. chuyển tiền vào tài khoản mang tên ông mà người này vừa hướng dẫn cài đặt “để kiểm chứng, chứng minh trong sạch”.
Khi ông Đ. hết tiền, “điều tra viên” gợi ý lấy tiền của vợ. Ông Đ. đã nói dối vợ để lấy 300 triệu chuyển vào tài khoản “của mình”. Sau khi chuyển tiền nhiều lần, tổng cộng hơn 1,8 tỷ đồng và tiếp tục bị ép, đe dọa gửi thêm, ông Đ. mới nghi ngờ bị lừa.
Tại Huế, bà P.T.H.P (SN 1964, trú phường An Cựu, TP Huế) trình báo Công an TP Huế đã bị lừa mất 1,3 tỷ đồng sau khi nhận điện thoại từ những “công an, cán bộ ngân hàng”, bị dọa liên quan đến tội phạm ma túy, rửa tiền.
Theo đơn trình báo, vào khoảng 11h ngày 7/7, bà P. nhận được điện thoại từ các số điện thoại: 08163911xx, 08997203xx, 07021797xx của một số người tự xưng là nhân viên ngân hàng, cán bộ công an thuộc Bộ Công an.
Những người này yêu cầu bà P. cung cấp thông tin cá nhân, số tiền đang gửi tại các ngân hàng. Sau khi bà P. làm theo, những người này nói bà P. có liên quan đến một vụ án “ma túy và rửa tiền”, đe dọa sẽ thi hành lệnh bắt khẩn cấp đối với bà P. khiến bà P. lo sợ.
Bà P. được yêu cầu không để lộ thông tin với bất kỳ ai, kể cả người nhà, rồi chuyển toàn bộ số tiền tiết kiệm để “công an, cán bộ ngân hàng” quản lý trong quá trình điều tra, tránh việc tẩu tán; nếu bà P. không có dấu hiệu tội phạm thì sẽ chuyển trả lại tiền.
Bà P. hoảng sợ, ra ngân hàng rút toàn bộ 1,3 tỷ đồng từ sổ tiết kiệm chuyển vào 3 tài khoản của các ngân hàng khác nhau do các đối tượng cung cấp. Sau khi nhận được tiền của bà P, các đối tượng gọi điện yêu cầu bà P. ở yên trong phòng, không được nói cho ai biết sự việc. Sau đó, bà P. mới nhận ra mình bị lừa.
Hiện Công an TP Huế đang phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm Công nghệ cao – Công an tỉnh TT-Huế xác minh, điều tra làm rõ vụ việc.
Tại Hà Nội, ngày 3/7, cụ bà tên H. (SN 1938, ngụ phường Thổ Quan, quận Đống Đa) trình báo công an phường đã bị lừa mất 1,2 tỷ đồng.
Bà H. nhận được cuộc điện thoại của một người lạ, tự xưng là cán bộ công an, thông báo rằng cụ bà liên quan đến một vụ án ma túy. Thấy bà H. lo sợ, đầu dây bên kia nói bà H. chuyển tiền để chứng minh mình không liên quan đến vụ việc. Sau đó, bà H. đã chuyển 1,2 tỷ đồng vào tài khoản ngân hàng mà đối tượng cung cấp.
Khi nghi ngờ mình bị lừa, bà H. đã đến công an trình báo.
Mạo danh qua điện thoại – Chiêu cũ, thủ đoạn mới
Tháng 9/2020, Bộ Công an phát thông tin cảnh báo, cho hay hình thức lừa đảo qua các cuộc điện thoại của người lạ mạo danh cán bộ công an, cán bộ tư pháp… xuất hiện ngày càng nhiều, nhiều thủ đoạn tinh vi, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau, xuyên quốc gia.
Trong nửa đầu năm 2020, tổng cộng công an cả nước tiếp nhận 776 vụ lừa đảo với số tiền bị lừa lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, phương thức lừa đảo bằng cách mạo danh Công an, Viện kiểm sát, Thanh tra, Tòa án, Bưu điện… chiếm trên 65% số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Thủ đoạn thường thấy là nhóm tội phạm ẩn danh dưới số điện thoại giống hệt số điện thoại công khai của cơ quan Công an, Viện Kiểm sát để gọi điện cho nạn nhân, thông báo họ đang bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến một vụ án, chuyên án mà Cơ quan Công an đang điều tra, xác minh, đã có lệnh bắt của Viện Kiểm sát nhân dân…; yêu cầu nạn nhân kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi ngân hàng. Sau đó, các đối tượng đe dọa sẽ bắt nạn nhân để điều tra, yêu cầu họ chuyển tiền hoặc đọc mã OTP để chuyển tiền của chúng nhằm “xác minh, điều tra”.
Với các trường hợp vừa bị lừa trong tháng 7, tháng 8 nêu trên, thủ đoạn của nhóm lừa đảo đã nâng cấp lên, như yêu cầu tải phần mềm “ứng dụng bảo mật”, lập tài khoản mang tên mình theo đường link được gửi…, thay vì yêu cầu chuyển tiền để xác minh. Khi thông tin cá nhân, thông tin ngân hàng bị lộ, số tiền của nạn nhân bị đánh cắp.
Đặc điểm chung là nạn nhân cùng bị thông báo liên quan các vụ án “ma túy và rửa tiền”, yêu cầu làm theo hướng dẫn “để xác minh, chứng minh trong sạch”. Các nạn nhân bị gây tâm lý hoang mang, lo sợ từ đó làm theo yêu cầu.
Về chiêu thức này, cơ quan công an xác nhận “tuyệt đối không làm việc qua điện thoại và mạng xã hội”.
“Cơ quan Công an các cấp khi làm việc, xác minh, điều tra với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ có cán bộ đến làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo, triệu tập gửi đến chính quyền địa phương, địa chỉ công ty, thân nhân gia đình và người mà cơ quan Công an muốn làm việc. Tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội.” – Bộ Công an nêu rõ tại thông tin cảnh báo hồi tháng 9/2020.
Cơ quan công an khuyến cáo, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước và các cơ quan tư pháp, tiến hành tố tụng hình sự, để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại hoặc giả danh nhân viên ngân hàng, bưu điện, bảo hiểm, thanh tra, hải quan… yêu cầu nhận tiền, quà bưu phẩm có giá trị lớn hoặc đóng các khoản phí, trả các khoản nợ không xác định.
Người dân tuyệt đối không nên cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số CMND (CCCD), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân… cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.
Khi gặp những tin nhắn thông qua các trang mạng xã hội để vay tiền, nhờ mua thẻ điện thoại, yêu cầu chuyển tiền để xác minh tài khoản; nhờ tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ nước ngoài…, người dân cần đặc biệt cảnh giác, tuyệt đối không làm theo; gọi điện thoại nói chuyện trực tiếp với người đó để kiểm tra thông tin. Trường hợp nghi ngờ là lừa đảo cần báo cho cơ quan công an gần nhất.
Sơn Nguyên
Bộ Tài chính: Thêm 34 vụ gian lận, thao túng giá chứng khoán
Ngoài vụ việc “Thao túng thị trường chứng khoán” của Công ty Louis Holdings bị khởi tố, Bộ Tài chính còn cho biết có 34 trường hợp vi phạm tương tự đã chuyển qua Cơ quan điều tra và đề nghị khởi tố 6 vụ việc.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc vừa có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, Đoàn đại biểu tỉnh Lâm Đồng, liên quan đến những sai phạm trên thị trường vốn, cổ phiếu, trái phiếu thời gian qua.
Cụ thể, trong văn bản trả lời, Bộ trưởng Tài chính cho biết thời gian qua thị trường vốn có tốc độ tăng trưởng bình quân trên 28,5%/năm giai đoạn 2016-2021.
Đáng chú ý, thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp đã tăng bình quân trên 30%/năm trong giai đoạn 2019-2021.
Tổng mức huy động trên thị trường vốn (bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, đấu giá cổ phần hóa) năm 2021 đã đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng, tương đương 38,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Phớc thừa nhận thị trường cổ phiếu, chứng khoán phái sinh đã tồn tại các hiện tượng thao túng, làm giá chứng khoán.
Trong đó, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh thực tế, trong khi nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp, nhà đầu tư chưa bảo đảm, điển hình là vụ việc của Tập đoàn FLC và Công ty Louis Holdings.
Bên cạnh việc nhà đầu tư chưa nắm vững kiến thức, một số tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, kiểm toán, thẩm định giá…) chưa tuân thủ quy định trong việc tư vấn hồ sơ chào bán, kiểm toán báo cáo tài chính, định giá tài sản đảm bảo hoặc chào mời không đúng đối tượng nhà đầu tư.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết các doanh nghiệp này đã và đang bị cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra để xử lý vi phạm. Trong đó, điển hình là vụ việc của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Ngoài ra, tình hình tài chính của một số doanh nghiệp phát hành còn hạn chế, một số doanh nghiệp sử dụng vốn cho mục đích không rõ ràng cũng tiềm ẩn rủi ro với thị trường.
Trước đó, theo Bộ Tài chính, riêng năm 2022, số tiền đến hạn trả nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp lên đến 144.500 tỷ đồng (khoảng 6,2 tỷ USD), rủi ro đến từ lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ lệ lớn nhất với 43,2%.
Trong giai đoạn năm 2022 – 2024, tổng số nợ trái phiếu mà các doanh nghiệp phát hành phải trả lên đến hơn 700.000 tỷ đồng (khoảng 30,1 tỷ USD).
Riêng năm nay, khối lượng trái phiếu đáo hạn vào khoảng 144.500 nghìn tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ lệ cao nhất đến 43,2% (khoảng 62.400 tỷ đồng); các tổ chức tín dụng chiếm 20,2% (khoảng 29.100 tỷ đồng).
Đến năm 2023 và năm 2024, khối lượng trái phiếu đến hạn tăng cao so với năm 2022, lần lượt là 271.400 và 329.500 tỷ đồng.
Trong đó, trái phiếu bất động sản đến hạn là 207.800 tỷ đồng, trái phiếu của các tổ chức tín dụng đến hạn là 207.500 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho hay ngoại trừ trường hợp các trái phiếu bị hủy trong vụ Tân Hoàng Minh, theo báo cáo của các tổ chức phát hành tại Sở Giao dịch chứng khoán, các doanh nghiệp vẫn đang thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.
Đức Minh
Thêm một bác sĩ bị tấn công: Người nhà bệnh nhân dùng dao đâm
Một bác sĩ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định vừa bị thân nhân người bệnh cầm dao bấm đâm vào hông. 10 ngày trước, cũng tại bệnh viện này, một bác sĩ khác đã bị tấn công, dọa giết.
Trên trang Facebook cá nhân, bác sĩ P.H.T. (SN 1989, thường trú tại quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng, hiện làm việc tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định) cho hay vừa thêm một vụ người nhà bệnh nhân tấn công bác sĩ tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM). Nạn nhân là bác sĩ T – đàn anh của bác sĩ H.T trong khoa.
“Lý do thân nhân muốn đâm chết đàn anh đang điều trị cho bệnh nhân: Bệnh nhân muốn đi tiểu, nhưng bác sĩ T. đã giải thích là bệnh nhân suy hô hấp rất nặng, SpO2 61%, hiện đang thở oxy mask 15l/ph, nên không thể đưa bện nhân tới nhà vệ sinh được, và điều dưỡng đưa bô cho bệnh nhân đi tại giường. Người này nhất quyết không đồng ý, rồi chửi bới, bảo bác sĩ phải đưa bệnh nhân đi vệ sinh. Thế rồi bỏ ra ngoài, lát sau quay lại với một con dao bấm đâm vào hông bác sĩ T.” – anh T. thuật lại sự việc.
Được biết, bệnh nhân được nhắc đến là một nữ bệnh nhân 64 tuổi, được Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận vào khoảng 6h30 sáng 6/8 trong tình trạng suy hô hấp rất nặng. Người tấn công bác sĩ là con trai của bệnh nhân.
Rất may, khi bị đâm, bác sĩ T. đã cản kịp.
Theo giải thích của bác sĩ H.T, một bệnh nhân đang suy hô hấp rất nặng, SpO2 chỉ 60%, đang thở mask 15 l/p, thì chỉ nên đi vệ sinh tại giường.
“Nếu cứ cố đưa bệnh nhân đi đến nhà vệ sinh thì khả năng cao là bệnh nhân sẽ ngưng tim ngưng thở ngay lúc đi vệ sinh”, bác sĩ cho hay (chỉ số SpO2 ở mức bình thường dao động từ 95 – 100% – chú thích).
Sự việc được báo cáo cho lãnh đạo bệnh viện. Bác sĩ bị tấn công bị hoảng loạn, được tạm thời về nhà nghỉ ngơi. Còn bệnh nhân tới gần trưa 6/8 vẫn đang thở oxy, được nhập viện để điều trị tiếp với sự chăm sóc của một ê-kip y tế khác.
Người tấn công bác sĩ được xác định tên Vương Hào H. (SN 1993, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM). Công an quận Bình Thạnh đã đưa H. về trụ sở Công an phường 7 để lấy lời khai, làm việc với những người liên quan, nhân chứng, đồng thời trích xuất camera của bệnh viện để làm rõ sự việc.
Mười ngày trước, bác sĩ P.H.T là nạn nhân trong vụ tấn công bác sĩ, xảy ra vào tối 27/7, tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Tại thời điểm trên, một bé gái 10 tuổi bị hóc xương cá được người nhà đưa vào Khoa Cấp cứu. Bệnh nhi có sinh hiệu bình thường, không khó thở, không la khóc. Bác sĩ H.T sau khi kiểm tra dặn bé ngồi chờ để liên hệ bác sĩ tai mũi họng đến nội soi gắp xương.
Tuy nhiên, khoảng 5 phút sau, khi bác sĩ H.T đang xem phim CT và XQ của 5 ca chấn thương đầu-ngực để xử trí thì cha của bé gái vào la hét, truy vấn sao không cấp cứu cho con ông, cầm điện thoại quay. Bác sĩ H.T giải thích nhưng người này không đồng ý chờ mà muốn chuyển viện khẩn. Sau đó, người đàn ông bất ngờ xông đến bóp cổ, đẩy ngã bác sĩ.
Khi bị bảo vệ và mọi người trấn áp, đuổi ra, người đàn ông này tiếp tục đe dọa gặp sẽ đánh chết bác sĩ.
Ngày 29/7, khi bị triệu tập lên cơ quan công an, người đàn ông nói trên cho hay đã “hối hận”, gửi lời xin lỗi bác sĩ H.T., cán bộ nhân viên bệnh viện, cộng đồng mạng, các cơ quan chức năng…, mong muốn được tha thứ.
Tuy nhiên, theo lời bác sĩ H.T., cho đến nay anh vẫn chưa nhận được bất cứ một lời xin lỗi nào từ người hành hung, dù 2 người đã gặp mặt trực tiếp để đối chất lời khai (thời gian đối chất khoảng 30-45 phút) và ngồi cách nhau không đến 1m. Bác sĩ H.T cho hay chỉ duy nhất người vợ có gọi điện thoại và nói là chị ấy xin lỗi.
Minh Sơn