Hàn quốc vừa cho ra đời thành công máy bay chiến đấu KF-21 của mình, nước này liệu có thể phát triển xa hơn? Nhà phân tích Richard A. Bitzinger đã đưa ra nhận định của mình về vấn đề này trên tờ The Epọc Times.
Số mới nhất của tạp chí thương mại quân sự Hoa Kỳ Defense News đã xuất bản hai bài báo với hai điều đề thú vị do cùng một tác giả viết. Bài đầu tiên là “Máy bay chiến đấu KF-21 do Hàn Quốc tự phát triển đã thực hiện chuyến bay đầu tiên”, và bài thứ hai là “Hàn Quốc mua thêm 20 máy bay chiến đấu F-35”.
Nói cách khác, Hàn Quốc không chỉ phát triển máy bay chiến đấu nội địa của riêng mình mà còn mua máy bay chiến đấu F-35 do Mỹ sản xuất? Lý do cho điều này, có thể liên quan nhiều đến sự tự tin và tham vọng, cũng như việc xây dựng một quân đội hiện đại để chống lại Triều Tiên và Trung Quốc.
KF-21 “Boramae” (tạm dịch là “diều hâu non” hoặc “diều hâu chiến đấu”) bắt đầu từ hơn một thập niên trước với tên gọi KF-X. KF-21 là một máy bay chiến đấu ấn tượng, đặc biệt là đối với một quốc gia mà cho đến gần đây, chỉ có thể sản xuất máy bay chiến đấu do nước ngoài phát triển theo giấy phép (chẳng hạn như F-16). Các tính năng nổi bật của máy bay chiến đấu KF-21 là khả năng tàng hình, Radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) và các hệ thống điện tử hàng không tân tiến khác.
KF-21 được định vị là máy bay chiến đấu “thế hệ 4,5”, một cải tiến so với máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư tiêu chuẩn như F-16, nhưng không tân tiến như F-22 hoặc F-35 (được gọi là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm). Điều này đặt KF-X gần ngang bằng với tiêm kích Eurofighter Typhoon, Gripen của Thụy Điển hay Su-35 của Nga – trên thực tế, có thể tốt hơn một chút vì khả năng tàng hình của nó.
Chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư khoảng 8 tỷ USD để phát triển KF-21 và Không quân Hàn Quốc (ROKAF) dự kiến sẽ mua 120 máy bay chiến đấu loại này để thay thế phi đội F-4 Phantom và F-5 đã già cỗi của họ. Ngoài ra, Hàn Quốc và Indonesia cũng đã đạt được thỏa thuận hợp tác, với tư cách là đối tác của tiêm kích KF-21, Indonesia có thể mua tới 50 máy bay chiến đấu loại này để đáp ứng yêu cầu của chương trình nghiên cứu và phát triển tiên tiến “IF-X” của riêng mình.
Chuyến bay đầu tiên của KF-21 đồng nghĩa với việc Hàn Quốc là quốc gia châu Á – Thái Bình Dương thứ năm phát triển độc lập máy bay chiến đấu siêu thanh sau Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Đài Loan.
Mặc dù đạt được thành tựu đáng kể này, nhưng Hàn Quốc vẫn còn một chặng đường dài phía trước để có thể trở thành một quốc gia hàng không vũ trụ cạnh tranh toàn cầu.
Về công nghệ quân sự, Bắc Mỹ và châu Âu tiếp tục thống trị lĩnh vực công nghệ tối tân, và một số ít các nước phương Tây (Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Thụy Điển) thống trị ngành công nghiệp máy bay chiến đấu toàn cầu.
Nhiều quốc gia đã cố gắng tham gia vào ngành công nghiệp này: Argentina vào những năm 1950, Ai Cập và Ấn Độ vào những năm 1960, Israel và Nam Phi vào những năm 1980. Không có quốc gia nào thành công đặc biệt, và một số, như máy bay chiến đấu HF-24 Marut của Ấn Độ, đã phải chịu những thất bại lạ thường.
Thậm chí ngày nay, có lẽ 90% máy bay chiến đấu của tất cả các lực lượng không quân trên thế giới được sản xuất bởi 5 quốc gia này, hoặc dựa trên bản sao của những chiếc máy bay này (ví dụ, J-7 của Trung Quốc được sao chép từ MiG-21 của Liên Xô).
Tuy nhiên, sự thống trị của phương Tây có thể bắt đầu sụp đổ với sự phát triển của một số máy bay chiến đấu mới ở châu Á, tất cả đều được lên kế hoạch đưa vào hoạt động trong vòng 10 đến 20 năm tới. Do đó, trọng tâm của ngành công nghiệp máy bay chiến đấu có thể chuyển dần từ Bắc Đại Tây Dương sang châu Á, một sự phát triển có thể có tác động đặc biệt nghiêm trọng đối với ngành hàng không quân sự ở Tây Âu, và thậm chí có thể thách thức sự thống trị của Hoa Kỳ trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, việc phát triển máy bay chiến đấu ở châu Á rõ ràng là không đồng đều. Bất chấp những nỗ lực đáng tự hào của cựu Tổng thống Indonesia (kỹ sư hàng không và chính trị gia) BJ Habibie, nước này đã không thể phát triển thành một cường quốc hàng không vũ trụ. Ngành công nghiệp hàng không nội địa của Đài Loan đã phát triển một loại máy bay chiến đấu tân tiến vào những năm 1990, nhưng đã không sản xuất một loại máy bay mới nào trong hơn hai thập niên. Ấn Độ đã trải qua những sự chậm trễ và thất bại liên tục trong lĩnh vực máy bay chiến đấu nội địa.
Mặt khác, một số nhà sản xuất máy bay chiến đấu châu Á rõ ràng đang trên đà phát triển, bất chấp mọi khó khăn. Trung Quốc đã phát triển hai máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm là J-20 (J-20 tương tự F-22 của Mỹ) và J-31 (J-31 tương tự F-35). Trong khi đó, Nhật Bản đang có những bước tiến dài với việc phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu, FX.
Hàn Quốc đang chuẩn bị gia nhập thị trường máy bay chiến đấu quốc tế. Nếu Hàn Quốc và các quốc gia châu Á khác thành công trong việc trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu lớn các loại máy bay chiến đấu tân tiến, điều này sẽ tạo nên sự thay đổi cơ cấu trong trọng tâm của ngành công nghiệp máy bay chiến đấu toàn cầu.
Đồng thời, Hàn Quốc (và các nhà sản xuất vũ khí châu Á khác) đang nhận thấy các rào cản gia nhập thị trường cao một cách đáng kinh ngạc. Thị trường máy bay chiến đấu toàn cầu đã hoàn toàn bão hòa, với một số sản phẩm cạnh tranh hiệu suất cao, đáng chú ý là F-35, hiện là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm duy nhất sẵn có để xuất khẩu.
Ngoài ra, ngành hàng không vũ trụ phương Tây cũng không chịu ngồi yên. Châu Âu hiện đang phát triển hai máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu riêng biệt và Hoa Kỳ đang thực hiện một số dự án cho máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo.
Cuối cùng, điều đáng chú ý là trong khi KF-21 được quảng cáo là máy bay chiến đấu “cây nhà lá vườn”, chỉ 65% thành phần của nó đến từ Hàn Quốc. Các thành phần còn lại, bao gồm cả động cơ, đều có nguồn gốc từ nước ngoài.
Rất khó có khả năng Hàn Quốc sẽ sở hữu cơ sở công nghệ để tự mình phát triển một loại máy bay chiến đấu tối tân hoàn toàn. Tuy nhiên, những lo ngại này có thể không liên quan.
Đối với Hàn Quốc, sản xuất vũ khí trong nước không chỉ đơn thuần là để có được nguồn vũ khí an toàn trong nước. Trong nhiều thập niên, “chủ nghĩa công nghệ” mạnh mẽ đã thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa quốc phòng của Hàn Quốc. Giống như các ngành công nghiệp điện tử và ô tô, việc xây dựng một ngành công nghiệp vũ khí công nghệ tân tiến có liên quan rất nhiều đến niềm tự hào dân tộc và nỗ lực trở thành cường quốc khu vực của Hàn Quốc. Nó giúp nâng cao vị thế quân sự-chính trị của quốc gia và nâng tầm quốc gia này như một nhân tố địa chính trị quan trọng ở châu Á.
Vì vậy, với tất cả những lý do này, KF-21 vẫn là một vấn đề khá lớn. Mặc dù, Không quân Hàn Quốc tiếp tục mua máy bay chiến đấu của nước ngoài, nhưng Hàn Quốc đang dần tạo ra những sản phẩm xuất sắc trong sản xuất vũ khí – hệ thống pháo và tàu chiến – để cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Hàn Quốc đang nổi lên như một nước xuất khẩu vũ khí lớn, và máy bay chiến đấu KF-21 ít nhất là một minh chứng cho quyết tâm đó.